Sá sùng – Hải sản tiến vua

Sá sùng là một trong những hải sản cực kỳ quý hiếm, từ xa xưa đã được sử dụng làm cống vật tiến vua. Ở Việt Nam, sá sùng được khai thác tại vùng biển Đông Bắc và một vài nơi thuộc vùng biển phía Nam, trong đó có vùng biển Côn Đảo.

Sá Sùng Côn Đảo

Sá sùng tên khoa học là Sipunculus nudus. Trong dân gian, sá sùng được gọi bằng nhiều tên khác nhau như: địa sâm, cạp đất, bi bi… Người dân ở huyện đảo Vân Đồn (Quảng Ninh), nơi có nhiều sá sùng thường gọi sá sùng là con mồi. Sá sùng thuộc ngành giun đốt. Sá sùng tươi có độ dài khoảng 5cm-10cm, cá biệt có con dài 15-20cm. Sá sùng chỉ sống ở những bãi cát ven biển, nơi thủy triều lên xuống. Chúng có hình dạng như một con giun lớn nhiều màu sắc.

Ở Côn Đảo, hàng năm sá sùng chỉ xuất hiện tại những bãi cát ven biển trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 7. Khi thủy triều xuống, người đi bắt sá sùng phải lần theo những đường rãnh ngoằn ngoèo trên cát, sau đó dùng thuổng đào xuống thật sâu mới bắt được chúng.

Sau một ngày săn bắt cực nhọc, người ta mang sá sùng về, làm các bước sơ chế công phu. Việc đầu tiên là thả sá sùng vào chậu nước biển, lộn ruột, loại bỏ hết cát ra ngoài, rửa lại bằng muối cho bớt mùi tanh, luộc chín, rồi phơi khô làm món ăn dùng lâu dài. Sá sùng tươi có thể chế biến thành các món ngon như nấu cháo, nấu canh, nướng, xào chua ngọt, chiên giòn, gỏi… Nhưng ngon nhất vẫn là món sá sùng nướng chấm tương ớt, muối tiêu, chanh, ăn vừa thơm vừa giòn, vừa ngọt vừa dai dai, béo bùi.

Người dân Côn Đảo thường nấu cháo sá sùng tươi theo cách sau: rửa sạch sá sùng rồi chà xát chúng với muối nhiều lần cho hết nhớt và mùi tanh. Sau đó cho sá sùng vào luộc, kèm thêm vài ba lát gừng để tăng thêm hương vị đặc sắc của nó. Sá sùng luộc chín, vớt ra đĩa, phần nước luộc cho gạo vào nấu cháo, nêm thêm gia vị vừa dùng. Cháo chín, cho sá sùng đã luộc vào, thêm hành lá và một chút tiêu là có món cháo sá sùng tươi ngon tuyệt. Sau một ngày lao động cực nhọc, húp một tô cháo sá sùng tươi, ta có cảm giác tỉnh táo, khoan khoái lạ kỳ.

Tuy nhiên, sá sùng khô vẫn giá trị hơn cả. Cách chế biến món ăn từ sá sùng khô đơn giản nhất là rang, ăn nguyên chất hoặc ngâm mắm tiêu. Món này lành và tốt, thích hợp để bồi bổ cho phụ nữ mới sinh. Những người có thu nhập khá giả thường dùng sá sùng làm gia vị nấu canh để tăng vị ngọt thơm. Nhiều hàng phở nổi tiếng ở Hà Nội và Nam Định thường cho sá sùng vào nước dùng để tăng vị thơm ngọt quyến rũ cho món phở.

Theo các tài liệu khoa học, sá sùng chứa nhiều chất có giá trị dinh dưỡng cao như axit amin, glyxin, alanine, glutamin, succinic, taurine và các loại khoáng chất cần thiết cho cơ thể con người. Còn theo Đông y, thì sá sùng là một vị thuốc bổ dưỡng, cường dương, có vị mặn, tính mát, bổ dương, thanh nhiệt, thanh phế, kiện tỳ, chủ trị các chứng bệnh như cốt chưng triều nhiệt, âm hư đạo hãn, hung muộn, phế hư khái thấu đàm đa, dạ niệu, nha ngân thũng thống. Những người sức khỏe suy nhược có thể nấu sá sùng với thuốc bắc, hoặc cho sá sùng vào bụng gà ác, hầm kỹ để ăn, cải thiện sức khỏe.

Là một loài hải sản cực kỳ quý hiếm, có giá trị kinh tế cao nên sá sùng đang bị săn bắt quá mức. Do vậy, sản lượng sá sùng Côn Đảo cũng như cả nước ngày càng suy giảm. Hiện nay, giá sá sùng tươi ở Côn Đảo khoảng 500 ngàn/kg, sá sùng khô khoảng 1,8 – 2,4 triệu đồng/kg. Du khách muốn tìm mua sá sùng có thể đến chợ Côn Đảo cũng như những cửa hàng bán hàng đặc sản, hoặc các vựa hải sản lớn tại địa phương.

Xem thêm: Sá Sùng Côn Đảo – đặc sản nức tiếng mang đậm hương vị biển

TRẦN BÌNH

baobariavungtau.com.vn

5/5 - (1 bình chọn)
Previous Post
KHU DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT – NHÀ TÙ CÔN ĐẢO: Nơi in đậm tội ác chiến tranh
Next Post
Cảm xúc Tháng Bảy, về thăm Côn Đảo
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.