Ra Côn Đảo ngắm rừng xanh biển biếc

Giữa linh thiêng đất trời Côn Đảo, đắm mình giữa bạt ngàn rừng nguyên sinh xanh mướt và biển bạc tít tắp khơi xa, đọng lại trong tâm thức của tất cả du khách là sự xúc động trước vẻ đẹp nguyên sinh kỳ vĩ “rừng xanh, biển sạch”. Để rồi sau thời gian lưu dấu ở “địa ngục trần gian” này, ai cũng không quên hẹn một ngày không xa sẽ quay trở lại.

Chuyến tàu cao tốc “chồm lên ngụp xuống” vượt qua 120 hải lý từ bến Cầu Đá Vũng Tàu đưa chúng tôi đến cảng Bến Đầm Côn Đảo sau bốn giờ hải trình không nghỉ. Điều cảm nhận đầu tiên của chúng tôi đặt chân đến miền “đất thiêng” là màu xanh ngút ngàn của núi rừng nguyên sinh trên những dãy núi san sát kề nhau và hàng trăm tàu cá bồng bềnh trên biển biếc. Anh Nguyễn Minh Hiện- cựu binh hải quân đến từ Vũng Tàu đặt tay lên ngực mình xúc động nói: “Cảm giác của mình như “lạc” giữa thiên đường. Một bên là rừng nguyên sinh với những dãy núi quanh năm mây phủ, một bên là biển mênh mông xanh biếc với những con tàu phơi mình trên sóng. Quả thật không uổng phí cho chuyến đi này”.

Đường từ cảng Bến Đầm tới trung tâm huyện Côn Đảo dài 13 km- một quãng đường không xa nhưng đủ để du khách cảm nhận được “cung bậc cảm xúc” với những cung đèo uốn lượn. Có người gọi là “cung đường màu xanh”, có người gọi là “cung đường lộng gió” độc địa của Côn Đảo. “Giải mã” về việc này, Thiếu tá Trần Văn Kha ở Ban chỉ huy huyện đội Côn Đảo cho biết, sở dĩ gọi là “cung đường màu xanh” vì chạy theo chiều dài 13 km của cung đường “phủ” một màu xanh bạt ngàn đan kín của rừng nguyên sinh chưa có dấu chân người. Gọi là “cung đường lộng gió” vì đây là cung đường trống trải một bên tựa mình vào triền núi, một bên là biển biếc như tấm thảm khổng lồ. In trên màu xanh thẳm biếc ấy là những con tàu của bà con ngư dân mưu sinh mấy chục đời nay. Nếu mùa gió chướng, du khách đi xe máy ở cung đường này phải “đi chậm canh chừng” kẻo bị gió hất tung vào vách đá. Cũng có khi phải “dừng bước” để tránh cơn gió lốc từ biển tràn qua nếu không muốn bị gió “quật” ngã. Vì lý do này mà có tên gọi “cung đường lộng gió”. Không ít du khách đã dừng lại chụp cho mình tấm ảnh kỷ niệm trước vẻ đẹp của biển, của rừng

Đến Côn Đảo không rảo bước trên những viên đá sỏi ở Cầu Tàu 914, sờ tay vào những gốc cây bàng cổ thụ cả trăm năm tuổi, nhâm nhi li cà phê nơi bảo tàng nhà tù và ngắm những hòn đảo tít tắp ngoài khơi xa thì thiếu đi sự lãng mạn. Khác với sự ồn ào của bãi biển Vũng Tàu; không giống như bãi biển Nha Trang với hàng trăm du khách nước ngoài phơi mình trên bãi cát giữa trưa hè rát bỏng; không “trầm mặc” như bãi biển nơi có chàng thi sĩ họ Hàn Mặc Tử Qui Nhơn; biển Côn Đảo dịu dàng, yên ả, lãng mạn đến tận cùng. Đi trên cát du khách có thể nghe biển “thở”, nhâm nhi ly cà phê có thể nghe sóng vỗ về, đi dưới hàng bàng cổ thụ lắng nghe trái tim mình thổn thức linh thiêng, đó là cảm nhận của tất cả du khách đến Côn Đảo. Và đây cũng chính là “điểm cộng” du lịch ở nơi “địa ngục trần gian” giữa đại dương xa xôi cách đất liền hơn 200 cây số này.

Ra đất thiêng Côn Đảo không ai không đến viếng các anh hùng liệt sĩ ở Nghĩa Trang Hàng Dương, đây được coi “điểm mặc định” trong tua du lịch dù du khách đi theo đoàn hay riêng lẻ.

Những ngày hè này Nghĩa trang Hàng Dương luôn “đan kín” chân khách thập phương. Thắp nén hương viếng các anh hùng liệt sĩ, đứng trước phần mộ anh linh của nữ anh hùng Võ Thị Sáu, mỗi người có một cung bậc cảm xúc khác nhau, song tất cả đều một lòng thành kính tri ân các liệt sĩ –những người đã anh dũng chiến đấu và hi sinh tại mảnh đất này. Không một tiếng động, không ai bảo ai, những bông huệ trắng, những giỏ trái cây được sắp đặt trân trọng trên bậc đá giữa nghi ngút hương trầm. Giọt nước mắt trào ra trên má bác cựu chiến binh, trên khóe mắt cô sinh viên rưng rưng muốn khóc, khuôn mặt đăm chiêu của người lính trẻ trước hàng ngàn phần mộ liệt sĩ chưa được biết tên… tất cả đều thổn thức, bày tỏ niềm tri ân, kính cẩn nghiêng mình trước các anh hùng liệt sĩ.

Anh Nguyễn Minh Hiện, cựu binh Hải quân đến từ Vũng Tàu không kìm được xúc động nói với chúng tôi: “Đứng trước anh linh các liệt sĩ, tôi không kìm được nước mắt. Mỗi liệt sĩ nằm lại nghĩa trang này là một câu chuyện chiến đấu kiên cường. Thế hệ người Việt đời đời tri ân ghi nhớ công lao của các anh hùng liệt sĩ. Họ đã anh dũng hi sinh cho dân tộc hồi sinh”.

Côn Đảo không rộng như Phú Quốc, cũng không quá lớn để chứa nhiều người. Nhưng Côn Đảo là mảnh đất thiêng trong trăm ngàn dải đất trên ba miền Bắc Trung Nam của Tổ quốc. Đến với Côn Đảo là đến với cội nguồn của đức hi sinh, là để “soi mình” qua những câu chuyện kể về sự hi sinh kiên cường của các anh hùng liệt sĩ.

Lê Khanh (thực hiện)

Báo Tài nguyên và Môi trường

5/5 - (1 bình chọn)
Bài trước
Lịch chạy tàu Côn Đảo Express tháng 8/2019
Bài sau
Dịch vụ tàu cao tốc đường biển lớn nhất Việt Nam
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.