Tuyến vận tải ven biển Việt Nam – Campuchia – Thái Lan được đánh giá rất triển vọng và đang thu hút được sự quan tâm lớn của các doanh nghiệp…
Cả vận tải hàng hóa và vận tải khách đều có tiềm năng lớn
Cục Hàng hải VN vừa đề nghị các hiệp hội, doanh nghiệp (DN) vận tải biển nghiên cứu, đánh giá nhu cầu vận chuyển hàng hóa, hành khách để đăng ký tham gia tuyến vận tải ven biển Việt Nam – Campuchia – Thái Lan. Đây được coi là tuyến vận tải rất tiềm năng và đang thu hút được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp vận tải.
Ông Phùng Ngọc Minh, Phó TGĐ Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn cho biết, Campuchia là thị trường xuất siêu của Việt Nam với kim ngạch rất lớn. Với sự giao thương thuận tiện cả về đường sông lẫn đường bộ, những năm qua, lượng hàng luân chuyển từ TP HCM – Phnom Penh rất khả quan. Riêng Tân cảng Sài Gòn chiếm khoảng 30% thị phần vận tải thủy từ Campuchia sang Việt Nam.
“Việc kết nối tuyến ven biển Việt Nam – Campuchia chỉ có thể sử dụng cảng Shihanoukville là cảng biển duy nhất của Campuchia. Các DN vận tải Việt Nam chưa khai thác tuyến này do khoảng cách xa, chi phí cao, lượng hàng chủ yếu phải chuyển tải. Tuy vậy, khi cảng Shihanoukville hoàn thiện nâng cấp, hàng hóa từ Việt Nam tới đây sẽ tăng cao, mở ra cơ hội cho các DN Việt Nam khai thác tuyến feeder phục vụ cho cả hàng SOC (vỏ container được sở hữu bởi chủ hàng) và COC (vỏ container được sở hữu bởi hãng tàu)”, ông Minh nói.
Cũng theo ông Minh, với Thái Lan, thị trường phía Bắc Việt Nam đang nhập khẩu lớn lượng hàng phụ tùng, máy móc, linh kiện ô tô. Đó là cơ sở tốt để các DN vận tải Việt Nam có thể hoạch định tuyến kết nối.
“Với tiềm năng đó, Tân cảng Sài Gòn đã đăng ký tham gia tuyến vận tải ven biển kết nối Việt Nam – Campuchia – Thái Lan theo lộ trình: Hải Phòng – TP HCM – Cái Mép – Tân Cảng Hòn Chông – Shihanoukville – Bangkok và ngược lại. Cỡ tàu đề xuất có sức chở 600 – 700 TEUs (7.000 – 8.500 DWT) hoặc sà lan sức chở khoảng 200 TEUs. Hàng hóa chuyên chở là container hàng XNK và nội địa”, ông Minh thông tin.
Trong khi đó, theo PGS.TS. Hoàng Xuân Nhuận, nguyên Giám đốc Trung tâm Tư liệu biển Việt Nam, tuyến vận tải ven biển giữa ba nước hình thành sẽ giải quyết được hai vấn đề lớn: Thúc đẩy công nghiệp chế suất, tạo công ăn việc làm cho người dân bản địa vốn có thu nhập thấp, nhất là người dân vùng ĐBSCL.
Bên cạnh vận tải hàng hóa, tuyến vận tải ven biển mới còn thu hút được sự quan tâm của các DN kinh doanh vận tải khách. Bà Nguyễn Thị Thủy Linh, Phó tổng giám đốc Công ty CTP Tàu cao tốc Phú Quốc (Phu Quoc Express) cho biết, dù chưa có thống kê cụ thể, nhưng những năm qua, lượng hành khách có nhu cầu đi lại từ cảng Shihanoukville đến Phú Quốc và ngược lại rất lớn.
“Từ thực tế đó, Phu Quoc Express đã xây dựng và đề nghị tham gia 2 tuyến vận tải tàu khách trên tuyến vận tải ven biển. Tuyến 1, lộ trình từ Cảng hành khách quốc tế Phú Quốc đến cảng Shihanoukville và ngược lại. Tuyến 2, dự kiến đi từ Bãi Vòng, Phú Quốc đến cảng Shihanoukville và ngược lại. Cả 2 tuyến sẽ chạy với tần suất 1 chuyến/ngày”, bà Linh thông tin.
Tối ưu thủ tục để hút DN
Dù hầu hết các ý kiến đều cho rằng, chủ trương mở tuyến vận tải ven biển Việt Nam – Campuchia – Thái Lan hoàn toàn phù hợp với thực tiễn. Song, đại diện Tân cảng Sài Gòn vẫn tỏ ra lo lắng khi Việt Nam là nước nhập siêu từ Thái Lan. Các tàu chở hàng nhập cập cảng TP HCM thường nhận hàng xuất từ TP HCM sang Thái Lan với giá rất rẻ để tận dụng chỗ trống. Do vậy, triển khai tuyến ven biển kết nối Việt Nam – Thái Lan, thách thức DN vận tải đối mặt là phải tìm cách kết nối chân hàng (cả trong nước và qua Campuchia) để đảm bảo được khả năng khai thác tuyến.
“Cơ quan chức năng cần nghiên cứu, quy hoạch thêm các bến cảng đón sà lan chuyên biệt, nằm gần các cảng trung chuyển quốc tế, cảng nước sâu để tạo thuận lợi cho xếp dỡ hàng hóa và thông quan”, đại diện cảng này nói.
Ông Nguyễn Tương, Phó tổng thư ký Hiệp hội Dịch vụ DN logistics VN cho rằng, để tuyến khai thác hiệu quả, đầu tiên phải tối ưu thủ tục thông quan. Trường hợp của tuyến vận tải thủy Việt Nam – Campuchia là một ví dụ. Phương tiện thủy nội địa trên tuyến dù đi thẳng từ TP HCM đến Phnom Penh nhưng các đơn vị như: Biên phòng cửa khẩu cảng, Chi cục Hải quan… không thực hiện thủ tục xuất cảnh cho tàu đi Campuchia mà chỉ xác nhận đến Thường Phước (Đồng Tháp), khiến DN phải làm thêm một lần giấy phép rời cảng tại biên giới Thường Phước để ghi “cảng đích là Phnom Penh”.
“Vướng mắc trong thủ tục không chỉ khiến DN mất thời gian, phát sinh thêm chi phí mà còn là nguyên nhân gián tiếp khiến các nhà đầu tư phân vân khi tham gia khai thác, phát triển tuyến vận tải”, ông Tương nói và cho rằng, giữa Việt Nam, Campuchia, Thái Lan cũng cần có sự thống nhất thời gian giải quyết thủ tục, tránh trường hợp cơ quan chức năng Việt Nam làm việc 24/24h, trong khi nước bạn chỉ làm 8 tiếng/ngày, tàu từ Việt Nam sang trễ lại phải chờ đến ngày hôm sau mới có thể hoàn thiện thủ tục cập cảng.
Theo PGS. TS. Hoàng Xuân Nhuận, để hút DN tham gia tuyến vận tải mới, việc mở cửa chính sách tài chính rất quan trọng. Dù tuyến vận tải ven biển mới được kỳ vọng sẽ gom hàng về khu vực cảng Cái Mép (Bà Rịa – Vũng Tàu), song khoảng cách từ các cảng biển thuộc bờ Đông Việt Nam (Vũng Tàu, TP HCM…) đến Campuchia, Thái Lan khá xa, điều kiện khí hậu bị ảnh hưởng bởi gió mùa, đi thì thuận, về lại ngược sóng, ngược gió. Do đó, lộ trình di chuyển, tuyến kết nối của các DN vận tải cần được nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo năng suất khai thác tuyến.
Nam Khánh
https://www.baogiaothong.vn/