Đó là trại Phú An (còn gọi trại VI). Đặc biệt, sự kiện Đảng bộ mang tên nhà cách mạng kiên trung, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Lưu Chí Hiếu thành lập tại đây đánh đấu bước trưởng thành vượt bậc, toàn diện về tư tưởng chính trị, tổ chức hoạt động và đấu tranh của lực lượng tù chính trị câu lưu tại Côn Đảo.
Theo chân thuyết minh viên, chúng tôi rời trại Phú Bình, theo đường Lưu Chí Hiếu tiến về trại Phú An. Trên đường đi, thuyết minh viên cho chúng tôi biết thêm, 4 cụm điểm đến trong tour tham quan di tích đang được Trung tâm Bảo tồn Di tích Quốc gia Côn Đảo tổ chức (gồm nhà chúa đảo, trại Phú Hải, Phú Tường, Phú Bình và Phú An) thì trại Phú An xa nhất, nằm trên đường về hướng Cỏ Ống, còn lại 3 cụm đều nằm trong trung tâm thị trấn.
Xa nhất, có lẽ đối với diện tích nhỏ hẹp của Côn Đảo thôi, chứ với chúng tôi vẫn là rất gần. Câu chuyện về người tù Côn Đảo chưa được mấy đoạn, chúng tôi đã nghe giọng thuyết minh viên vang lên: “Đến trại rồi, xin mời cô chú, anh chị xuống xe!”.
Đập vào mắt chúng tôi, kiến trúc trại Phú An chẳng khác gì trại Phú Bình. Hai cánh cổng sắt, song đan chéo tạo thành ô hình thoi đều tăm tắp. Hai cột bê tông trụ cổng đã đổ màu loang lổ. Tấm bảng tên trại cũng bằng sắt, sơn màu xanh, kiểu chữ và màu chữ cùng một kiểu với trại Phú Bình. Với lối kiến trúc như thế, từ bên ngoài nhìn vào, ai cũng có thể thấy tất cả các công trình, hạng mục trong trại, song cũng giống như trại Phú Bình, đòn tra tấn tù nhân tiếp tục được Mỹ – Ngụy sử dụng là sự khắc nghiệt từ thời tiết Côn Đảo. “Khu vực này là động cát gần hốc núi, ban ngày nóng bức, giữa trưa không thể băng qua hai dãy phòng giam bằng chân trần, nhưng ban đêm nhiệt độ lại giảm đột ngột thêm gió từ hốc núi vòng lại tạo thành một vùng gió độc ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người tù. Các phòng giam thấp, lợp tôn ban ngày hấp cái nắng thiêu đốt, đêm xuống lại trở lạnh nhanh, người khỏe mạnh còn không chịu đựng được, huống hồ người tù thân thể đã suy kiệt do bị đòn roi, nhục hình, đói khát từ các trại khác chuyển về”, cô thuyết minh viên nói.
Theo giới thiệu của thuyết minh viên, trại Phú An rộng 29.394m2, chia làm hai khu: A và B. Mỗi khu có 2 dãy, 10 phòng, mỗi phòng rộng hơn 100m2. Khu A được đưa vào sử dụng từ năm 1970. Tháng 8/1970, Mỹ – Ngụy thành lập Tiểu đoàn Tâm lý chiến thí điểm Côn Sơn tại trại này, do cố vấn Mỹ và cố vấn Đài Loan trực tiếp theo dõi và chỉ đạo. Khu B lúc đầu giam giữ những tù chính trị chống đối, được thanh lọc từ Tiểu đoàn tâm lý chiến thí điểm khóa I. Tuy nhiên, từ tháng 12/1971, khi lực lượng tù chính trị câu lưu được đưa từ trại Phú Thọ (trại I) về với một tập thể chiến đấu kiên cường được sàng lọc từ hàng trăm đợt đấu tranh chống các thủ đoạn tố cộng, cưỡng bức ly khai Đảng Cộng sản từ thời Mỹ – Diệm, thì phong trào đấu tranh của người tù bước qua một giai đoạn mới, có tổ chức bài bản dưới sự dẫn dắt của Đảng, đó là Đảng bộ mang tên Lưu Chí Hiếu.
Nói xong, thuyết minh viên mời chúng tôi dừng bước trước phòng số 3, nơi thành lập Đảng bộ Lưu Chí Hiếu ngày 3/2/1972. Đảng bộ có 62 đảng viên, tổ chức thành 10 chi bộ ở các phòng, tổ chức ban điều hành từ cấp toàn trại đến các phòng để duy trì các hoạt động theo chủ trương của Đảng ủy. Đảng bộ Lưu Chí Hiếu còn xuất bản nội san “Xây dựng” với đủ các thể loại từ tin tức, thời sự, bình luận, ký sự, thơ văn, bài viết về âm mưu thủ đoạn của địch và tinh thần đoàn kết đấu tranh của tù chính trị. Các ngày lễ và kỷ niệm lịch sử đều được tổ chức trang trọng, công khai treo cờ, khẩu hiệu cách mạng, sinh hoạt văn nghệ, kể chuyện truyền thống, giáo dục chính trị… như một vùng giải phóng giữa lao tù.
Nhờ có Đảng bộ vững mạnh, tổ chức chặt chẽ, tập thể đoàn kết và tinh thần chiến đấu cao, tù chính trị câu lưu đã tổ chức thắng lợi nhiều cuộc đấu tranh tiêu biểu, giành được uy thế chính trị lớn. Cuối năm 1974, nắm được nội dung Hiệp định Paris mà Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Hoa Kỳ đã thỏa thuận, Đảng ủy Lưu Chí Hiếu thành lập Ban Quân sự và Ban An ninh để chuẩn bị đón thời cơ, tự giải phóng.
Đảng bộ Lưu Chí Hiếu ra đời đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của tù chính trị, thực sự trở thành bộ tham mưu chiến đấu lãnh đạo toàn bộ các hoạt động và đấu tranh của tù nhân tại trại Phú An, góp phần tích cực trong việc chỉ đạo cuộc nổi dậy giải phóng Côn Đảo đêm 30/4 rạng sáng 1/5/1975.
Bài, ảnh: MINH HƯƠNG
Báo Bà Rịa – Vũng Tàu