Những ngày chấm dứt địa ngục trần gian

Trong tháng 4-1975 ở Côn Đảo có nhiều hiện tượng khác thường. Để làm xáo trộn tổ chức của anh em ta trong nhà tù, cứ vài ngày chúng khám xét và bắt chuyển phòng, chuyển khu, chuyển trại. Chúng cắt đứt hết mọi tin tức từ ngoài vào, lùng sục việc cất giấu máy thu thanh, đến giấy báo cũ gói đồ, cũng ngăn chặn nghiêm ngặt không cho tù chính trị tiếp xúc. Đặc biệt trong ngày 29 và 30-4-1975, máy bay gầm rú liên hồi trên bầu trời Côn Đảo. Chúng đưa vào các phòng giam cấm cố toàn thể số anh em tù chính trị trước đây đã chịu làm khổ sai. Số tù chính trị làm ở các bếp cũng bị buộc phải giao việc lại cho quân phạm, thường phạm. Tất cả các phòng giam tù chính trị đều đóng bít cửa, không cho ra đổ thùng cầu, không cho ra tắm nắng mỗi ngày 15 phút như thường lệ nữa.

NHỮNG NGÀY CHẤM DỨT ĐỊA NGỤC TRẦN GIAN

Trước tình hình trên, chúng tôi trong tổ trung tâm, khu F (một hình thức tổ chức lãnh đạo trong nhà tù) phải bàn bạc nhận định. Tôi cho rằng chắc quân ta đánh vào Sài Gòn và lúc này mà ở đảo có đấu tranh là chúng sẽ thẳng tay đàn áp. Từ đó đề nghị xem xét lại kế hoạch kỷ niệm ngày 1-5 tới sao cho phù hợp, giành được thắng lợi thiết thực nhưng tránh khiêu khích địch không dẫn đến bị đàn áp gây ra thương vong không đáng. Đang trao đổi giữa các phòng giam với nhau thì anh Thành, một thành viên tổ trung tâm ở khu H đột nhiên đến. Vừa nhìn thấy tôi, anh nói ngay: “Anh Đồng (hiệu trưởng trường học ở Côn Đảo) xưng là đại diện cho linh mục nhà thờ thiên chúa giáo ở Côn Đảo đến khu H báo tin là Sài Gòn đã được giải phóng, chính phủ Dương Văn Minh đã đầu hàng và muốn mời anh Lê Câu (nguyên là trung tá quân báo của ta) ra gặp linh mục để bàn. Vì chưa nắm chắc tình hình nên một số anh em bên khu H ngại mắc mưu địch, nhân đêm khuya lừa bắt anh em cốt cán lãnh đạo đi thủ tiêu, nên không cho anh Lê Câu đi, vậy ý kiến anh Tư như thế nào?”. Tôi suy nghĩ rồi nói: “Anh Đồng theo tôi biết là người tốt lại nhận là đại diện cho linh mục cha xứ nhà thờ Côn Đảo cũng đã từng giúp đỡ tù chính trị, cộng thêm với tình hình mấy hôm nay trên đảo thì không thể họ đến lừa bắt anh em ta đi thủ tiêu mà có thể là Sài Gòn đã được quân ta giải phóng thật, linh mục lo ở đảo sẽ hỗn loạn, nên muốn hỏi ý kiến ta. Tôi đề nghị nên yêu cầu được trực tiếp nghe radio rồi cử người đi gặp và không cử anh Lê Câu mà nên cử một người khác. Nếu đúng là Sài Gòn đã giải phóng thì báo tin ngay, báo tin chuyền, liên tục. Yêu cầu anh em tìm mọi cách thoát ra khỏi nhà giam. Ở Trại VII cần gây áp lực buộc Hai Rồng, trưởng Trại VII nộp chìa khóa, mở cửa
các Chuồng Cọp ngay tức khắc”.

Tôi ra khỏi Chuồng Cọp số 30, khu F, lúc đó khoảng 11 giờ 30 đêm 30-4-1975, sau 1984 ngày bị địch bắt tra tấn giam cầm đày ải. Sung sướng bất ngờ, tôi mừng chảy nước mắt.

Ra khỏi Chuồng Cọp, tôi đến ngay bệnh xá trạm 7. Đến đó gặp một người râu tóc bờm xờm. Anh la lên: “Hai Tân! Cũng ở đây sao!”. Nhìn kỹ lại, tôi ôm chầm lấy anh và la lên: “Trời ơi! Hóa ra là Tám Lô” (tức Trịnh Văn Tư, sau giải phóng là Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Cửu Long, ủy viên BCH TW Đảng). Tình hình lúc này rất khẩn trương, chúng tôi bàn ngay công việc. Hai chúng tôi thống nhất ý kiến là phải lập ngay một cơ quan lãnh đạo của Đảng thống nhất trên toàn đảo. Tạm thời lập ra Ban chỉ đạo, trên cơ sở anh Tám cử ra mấy người, tôi cử ra mấy người rồi họp ngay để phân công lo các công việc gấ p. Sau khi mở cửa hết các trại giam, sẽ mời đại biểu các trại đến để cử Đảng ủy chính thức. Hai chúng tôi phân ngay một số anh em đến mở cửa hết các trại giam, trước hết là Trại VI, nơi giam chị em phụ nữ và trại giam các anh em tử tù. Mở cửa đến đâu, yêu cầu cử đại diện đến họp với Ban chỉ đạo.

Qua 12 giờ đêm ngày 30-4-1975, phần đông trong tổng số 4334 tù chính trị bao gồm 494 phụ nữ và 31 tử tù ở các trại giam ở Côn Đảo đều đã được giải thoát. Khoảng 1 giờ 30 sáng ngày 1-5-1975, chúng tôi lần lượt gặp đại diện các trại bàn việc cử ra Đảng ủy để lãnh đạo toàn đảo. Thành phần Đảng ủy đến sáng 1-5 mới có đầy đủ gồm 12 người trong đó:

  • Bí thư Đảng ủy: Trịnh Văn Tư (tức Tư Lâu – Tư Cẩn -Tám Lô)
  • Phó bí thư: Phan Huy Vân (tức Trần Trọng Tân).
  • Ủy viên thường vụ: Mai Xuân Cống.
  • Các ủy viên: Hoàng Phùng, Huỳnh Bá, Lê Văn Triết, Nguyễn Văn Trấn, Đào Văn Trân, Lê Tam, Lê Quang Ngọc, Anh Sáu Tín, Chị Hai Nhân. Anh Trịnh Văn Tư, Bí thư phụ trách tổ chức, địch vận, dân vận. Tôi Phó bí thư phụ trách tuyên truyền, an ninh, quân sự. Anh Mai Xuân Cống lo hậu cần, quản lý các trại quân phạm thường phạm. Anh em khác mỗi người một việc vừa là trưởng Ban chỉ đạo ở từng trại.

Trụ sở Ủy ban cách mạng đóng ở dinh Tỉnh trưởng cũ. Trụ sở Đảng ủy thì ở Trại VI, để có thể thuận lợi cho việc bảo vệ và sống chan hòa với anh em. Đang lúc bàn việc lập chính quyền thì anh Trần Quang Tín (tức Trần Quý Thu) được anh em ở khu H cử ra gặp linh mục Phạm Gia Thụy về báo cáo. Anh cho biết đã đến họp với linh mục tại nhà anh Đồng gần nhà thờ, đến đó có cả đại úy Kiều Văn Dậu chỉ lực lượng bảo an ngụy ở đảo. Linh mục Phạm Gia Thụy cho biết: suốt đêm 29-4-1975 tới 10 giờ 30-4-1975, bọn cai quản ở Côn Đảo đã bỏ đi hết, kể cả tỉnh trưởng Lâm Hữu Phương. Dân chúng hoang mang tập trung lên nhà thờ. Một số thường phạm – quân phạm thừa cơ bung ra quậy phá cướp bóc, hãm hiếp. Linh mục lo sợ quá nên tính kế là móc với anh em tù chính trị Trại VII nơi tập trung những cán bộ cách mạng quan trọng để nhờ anh em tính giúp. Đại úy Dậu cũng cho biết lực lượng bảo an hoang mang bỏ trốn, chỉ còn nắm được một trung đội, xin được theo anh em chính trị.

Biết thêm tin này, chúng tôi tính việc lập chính quyền lấy tên là Ủy ban hòa hợp hòa giải dân tộc tỉnh Côn Sơn gồm 15 người trong đó anh em tù chính trị đóng vai trò nòng cốt, nắm các việc như an ninh, quân sự, thông tin, kinh tế. Mời linh mục Phạm Gia Thụy làm Chủ tịch để được an dân vì phần đông gia đình công chức, giám thị, cũng như trong quân phạm, thường phạm có nhiều người theo đạo Thiên Chúa. Mời Kiều Văn Dậu, đại úy lực lượng bảo an ngụy, vốn tốt với ta từ trước, nay theo ta từ giờ phút đầu, làm Phó chủ tịch và cũng qua đại úy Dậu có chân trong chính quyền mà kêu gọi số lính bảo an, trật tự chạy trốn ra rừng trở về, tránh đối đầu quấy phá.

Cùng với việc công bố danh sách chính quyền Côn Đảo, còn công bố 12 điều kỷ luật và một số chính sách an dân như: trong số cộng tác với nhà cầm quyền Sài Gòn trước đây, ai có công với cách mạng sẽ được thưởng, ai có tội mà nay phục tùng chính quyền cách mạng thì được khoan hồng, tiếp tục lập công sẽ được khen thưởng. Chính quyền cách mạng nghiêm trị những người nào quấy phá, làm mất an ninh trật tự trên đảo, chống đối lại các mệnh lệnh của chính quyền cách mạng, hoặc gây phương hại đến đời sống nhân dân trên đảo. Đối với trung đội lính bảo an của Kiều Văn Dậu thì tiếp tục giữ, với danh nghĩa “trung đội bảo an ly khai” theo cách mạng, cử một số anh em tù chính trị vào làm chính trị viên tiểu đội, trung đội và dựa vào anh em này mà nắm lại hệ thống canh phòng trên đảo. Hai đồng chí Trần Ngọc Tự và Lê Viết Lành nhận nhiệm vụ tổ chức lực lượng vũ trang. Các đồng chí thành lập một trung đội tiến đến chiếm ngay trại lính Bắc Bình Vương ở khu vực Lò Vôi (gần Trại VI, Trại VII). Một trung đội nữa được tổ chức ngay sau đó đến chiếm trại lính Bình Định Vương ở khu vực Sở Ruộng (gần Trại I, Trại IV, Trại V). Lính ngụy ở các trại này đều đã đào tẩu hết, bỏ lại chừng vài chục súng và rất nhiều đạn, lựu đạn…

Với số súng chiếm được ở kho và số do Kiều Văn Dậu giao nộp, đến sáng 1-5-1975, anh em tù chính trị đã thành lập được một đại đội, đến trưa 1-5 đã có một tiểu đoàn trang bị đủ loại súng, có cả đại liên, cả súng 12,7 ly. Chúng tôi hỏa tốc phân công anh em đến giải thoát những người tù đang bị Ban An ninh ngụy cùm xiềng trong Hầm Đá Trại II. Ở đây lúc 7 giờ sáng, lực lượng vũ trang giải phóng có đại úy Kiều Văn Dậu đi theo đã cứu thoát khoảng chục tù chính trị bỏ đói từ ngày hôm qua. Các anh được đưa về với tập thể. Đặc biệt trong số này có anh Lê Quang Vịnh được đưa ngay về văn phòng Đảng ủy để giúp chúng tôi trong công tác mới.

Đến 8 giờ sáng, lực lượng cách mạng đã hoàn toàn làm chủ thị trấn Côn Đảo. 10 giờ, đồng chí Võ Thanh chỉ huy một đại đội vượt Đất Dốc qua Cỏ Ống, chiếm đài Loran và sân bay, thu 27 máy bay các loại, nhiều chiếc còn nguyên vẹn. Phần lớn số máy bay này do bọn quan chức ở Sài Gòn để lại trước khi chạy xuống tàu trốn ra Hạm đội 7 của Mỹ. 14 giờ, đại đội thứ 2 vượt mũi Cá Mập qua Bến Đầm chiếm Chi khu quân sự và đài rađa trên núi Thánh Giá

Sau khi công bố việc thành lập chính quyền cách mạng ở Côn Đảo, chính quyền có lệnh cho tất cả công chức ở nguyên vị trí cũ, giữ cho các hoạt động công cộng như điện, nước, y tế được bình thường, giám thị các trại giam phải giao nộp đủ chìa khóa, vũ khí, hồ sơ tài liệu. Các giám thị lần lượt đến trình diện. Các giám thị cho biết là tỉnh trưởng kiêm quản đốc Lâm Hữu Phương đã chỉ đạo giao cho các giám thị trại trưởng lãnh lựu đạn về để khi có biến cố lớn thì ném vào các phòng giam để tiêu diệt hết tù chính trị trên đảo, mỗi phòng tùy lớn nhỏ từ 1 đến 3 trái. Các chỗ xung yếu đều đặt mìn sẵn để cho nổ khi cần. Nhưng thấy tỉnh trưởng bỏ chạy nên anh em không làm, nay họ xin nộp hết các lựu đạn cho cách mạng.

Đã thoát ra khỏi trại giam, nhưng chưa liên lạc được với đất liền, chưa nắm được tình hình hạm đội 7 của Mỹ, chưa biết bọn ác ôn chạy vào rừng, ra các đảo nhỏ rồi sẽ làm gì, phần thì lo bố phòng bảo vệ, phần lo bảo đảm tiếp tế cho mấy ngàn con người trong lúc kho lương thực ngày càng cạn, củi đốt thiếu lại vừa lo công tác nội bộ, nên công việc lãnh đạo mấy ngày này vô cùng bề bộn, căng thẳng.

Sau khi chiếm cơ quan vô tuyến viễn thông, chúng tôi bảo anh em ở đó cứ tiếp tục, chỉ thêm người phụ trách là anh em chính trị. Tôi đánh ngay một bức điện: “Anh em tù chính trị đã thiết lập chính quyền cách mạng ở Côn Đảo từ sáng 1-5. Yêu cầu được sự chỉ đạo của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam”. Nhưng cả ngày 1-5 không có tin gì. Tối 1-5 chúng tôi tính phải tổ chức một số anh em vượt biển về đất liền liên lạc. Kế hoạch đâu đấy xong, định đến tối 2-5 triển khai thì vào lúc 2 giờ chiều 2-5, có người đến báo với Đảng ủy: “từ Sài Gòn có người yêu cầu được trực tiếp nói chuyện với đồng chí Hai Tân”. Tôi lên xe Jeep đến ngay đài vô tuyến viễn thông, rủ cả anh Sáu Tín cùng đi (anh Sáu Tín sau này là Thành ủy viên, Bí thư quận ủy Quận 5). Khi cầm máy, tôi
hỏi: “Ai đó?” Từ đầu kia đường dây ở Sài Gòn có tiếng: “Vũ Hồng, Hai Phong đây. Có phải Hai Tân không?”. Tôi nói: “Đúng Hai Tân đây”, vừa nói vừa mừng đến run lên vì tôi
biết anh Vũ Hồng được trao trả về trước, lại là bạn quen cũ từ lúc anh phụ trách công vận ở nội thành Sài Gòn. Anh Vũ Hồng cho biết: “Đã nhận được tin điện, đã báo cho Trung ương Cục. Yêu cầu cho biết anh em cần gì để gởi ra”. Tôi nói: “Chỉ cần một số cờ Tổ Quốc, cờ Đảng và ảnh Bác Hồ thôi”. Anh Vũ Hồng cười: “Tụi mình sẽ gửi ra cho. Hẹn gặp nhau ở Sài Gòn. Tôi và Sáu Tín ôm nhau mừng hết cỡ.

Tối 2-5, có máy bay, bay đi lại mấy vòng trên bầu trời Côn Đảo. Chúng tôi bàn nhau, cho là máy bay Mỹ trinh sát và tính đến khả năng chúng tái chiếm Côn Đảo rồi chỉ thị cho Ban chỉ đạo các trại phải chuẩn bị ngay để mỗi anh em phải mang theo gạo muối đủ ăn một tuần, ở đâu phải đào hầm trú ẩn ở đó và có dự trù phương án chiến đấu nếu địch tấn công tái chiếm Côn Đảo.

Khoảng 10 giờ đêm 3-5, Ban chỉ huy quân sự đến báo cáo là bắt được ba người nhái và đang giữ ở trụ sở Ủy ban. Chúng tôi lên xe đi ngay. Đến nơi thì anh Lê Câu giới thiệu ngay ba người nhái vừa bắt được là anh em từ tàu chiến ta ngoài khơi thả vào trinh sát. Chúng tôi trao đổi rồi bố trí xuồng máy, cử anh Lê Câu đi cùng anh em trinh sát người nhái ra tàu chiến để gặp Ban chỉ huy rồi đưa đại diện Ban chỉ huy vào gặp chúng tôi tại trụ sở Ủy ban đóng ở dinh tỉnh trưởng cũ.

Trao đổi với nhau xong thì trời đã sáng. Rạng ngày 4-5, bên ngoài trụ sở, anh em chính trị các trại truyền tin nhau kéo về hô la vang trời: “Chào mừng quân giải phóng miền Nam”, “Chào mừng Hải quân Việt Nam!”, “Bộ đội Cụ Hồ muôn năm!”, “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa muôn năm”, “Bác Tôn muôn năm”, “Đại tướng Võ Nguyên Giáp muôn năm”, “Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ muôn năm!”. Nghĩa là nghĩ ra khẩu hiệu gì thì cứ hô khẩu hiệu đó, vang như sấm dậy trên toàn đảo giữa đêm khuya, rất vui. Chúng tôi cũng ra tham gia diễu hành với anh em vừa hô khẩu hiệu: “Đời đời biết ơn bộ đội và nhân dân đã cứu sống chúng tôi”, giàn giụa nước mắt!

Sáng 4-5-1975 quân giải phóng từ tàu chiến đổ bộ lên đảo. Đến 3 giờ chiều ngày 4-5 tại sân dinh chúa đảo, bây giờ đã là trụ sở Ủy ban Cách mạng, cử hành lễ mừng Côn Đảo hoàn toàn giải phóng. Hàng ngàn cựu tù mang cờ Mặt trận, cờ Tổ quốc và ảnh Bác Hồ cùng với cư dân trên đảo reo hò vang dội. Khoảng 5 giờ chiều thì đoàn cựu tù đầu tiên bao gồm các tử tù (án tử hình) và những người bị bệnh nặng xuống tàu về đất liền. Chúng tôi bàn giao toàn bộ trên đảo cho bộ đội. Ủy ban hòa giải hòa hợp dân tộc Côn Đảo giao quyền lại cho Ủy ban quân quản.

Là phái viên chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, vừa là Bí thư Đảng ủy mặt trận Côn Đảo từ đất liền ra, đồng chí Lê Minh Hà (Tám Hà) ký quyết định: tất cả anh chị em tù chính trị ở Côn Đảo được gọi là “Đoàn chiến sĩ chiến thắng”. Đảng ủy Mặt trận cũng phê chuẩn Đảng ủy Côn Đảo gồm 10 người trong số 12 người do chúng tôi thành lập đêm 30-4-1975 là Đảng ủy trong Đoàn chiến sĩ chiến thắng, để lãnh đạo đoàn chấp hành mọi chủ trương chính sách của Đảng và các chỉ thị của Đảng ủy Mặt trận Côn Đảo.

Từ đây, công việc của Đảng ủy chúng tôi là lo sắp xếp cho anh chị em lần lượt trở về đất liền. Trong thời gian này, anh em chúng tôi cũng đã xây dựng xong Đài liệt sĩ ở Nghĩa trang Hàng Dương, sửa sang lại phần mộ của cụ Nguyễn An Ninh, đồng chí Lê Hồng Phong, chị Võ Thị Sáu. Chúng tôi trong Đảng ủy, về chuyến tàu chót ngày 16-5-1975 và đến 17-5-1975 thì tàu cập bến Bạch Đằng, với sự đón tiếp đầy tình cảm thân thương của người thân, của đồng bào đồng chí.

Trần Trọng Tân

Đồng chí Trần Trọng Tân tức Trần Trọng Hoãn, bí danh Ngô Miên, Phan Huy Vân, sinh năm 1926 tại xã Cam Thành, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Trong kháng chiến chống Mỹ, đồng chí bị bắt đày ra Côn Đảo năm 1969, cho đến ngày giải phóng miền Nam. Sau giải phóng, đồng chí lần lượt là ủy viên thường vụ Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng ban tư tưởng văn hóa trung ương.

5/5 - (1 bình chọn)
Bài trước
Phòng trưng bày lưu niệm Nhạc sĩ Camille Saint Saens tại Di tích Nhà công quán
Bài sau
Lễ viếng Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Hàng Dương – Côn Đảo
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.