Những giải pháp trọng tâm, cơ bản để tập trung phát triển du lịch chất lượng cao có tính đặc thù riêng và khác biệt của du lịch Côn Đảo

Mở đầu

Côn Đảo là một địa danh du lịch nổi tiếng, được xác định là một trong 49 khu vực tiềm năng để phát triển trở thành khu du lịch quốc gia của Việt Nam. Năm 2011, Tạp chí Travel + Leisure đã gọi Côn Đảo là nơi có những vách đá dốc đứng bên cạnh những bãi biển hoang sơ và làn nước xanh trong vắt – là một trong những hòn đảo bí ẩn và tốt nhất thế giới[1]. Lonely Planet cũng xếp Côn Đảo vào danh sách những hòn đảo bí ẩn và tốt nhất thế giới – là thiên đường thiên nhiên với những cánh rừng rậm rạp, làn nước màu ngọc bích, những bãi cát trắng và là ngôi nhà của bò biển, cá heo, rùa biển và những rạn san hô ngoại mục[2].

Sau hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Côn Đảo còn được coi là mảnh đất chứng kiến và lưu giữ những giá trị lịch sử vô cùng lớn lao của đất nước. Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn trong chuyến viếng thăm Côn Đảo vào năm 1976 cũng đã từng khẳng định rằng, Côn Đảo là một hòn đảo anh hùng, một di tích lịch sử vĩ đại. Ngày 5 tháng 9 năm 2011, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam ký Quyết định số 1518/QĐ-TTG phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đến năm 2030, theo đó định hướng phát triển Côn Đảo thành khu kinh tế du lịch hiện đại, tầm cỡ khu vực và quốc tế. Năm 2012, hệ thống nhà tù Côn Đảo đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Ngày 17 tháng 6 năm 2015, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký Quyết định số 870/ QĐ-TTg phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đến năm 2030”, trong đó xác định rõ mục tiêu “Xây dựng Côn Đảo đảm bảo mối quan hệ hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa, bảo vệ hệ sinh thái rừng – biển, bảo đảm an ninh quốc phòng theo hướng phát triển hiện đại và bền vững.” Tất cả đã cho thấy được một vị thế đặc biệt của mảnh đất Côn Đảo trong phát triển du lịch của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng và của quốc gia nói chung.

Tiềm năng và thực trạng phát triển du lịch Côn Đảo

Côn Đảo gồm 16 hòn đảo, trong đó có 14 hòn quây cụm gần nhau, nằm cách thành phố Vũng Tàu khoảng 185 km về phía Nam, cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 250 km về phía Đông Nam. Khí hậu ở Côn Đảo mang đặc điểm á xích đạo – hải dương nóng ấm, nhiệt độ trung bình năm 26,9 độ C, nhiệt độ nước biển từ 25,7 độ C đến 29,2 độ C. Côn Đảo có 200km bờ biển, trong đó có những bãi tắm đẹp còn đậm nét hoang sơ như Đầm Trầu, bãi Vông, bãi Nhát, bãi An Hải… được xếp là những bãi biển có chất lượng tốt của cả nước.

 Vùng biển Côn Đảo được đưa vào danh sách “Các vùng được ưu tiên bảo vệ cao nhất” trong hệ thống các vùng bảo vệ biển của Ngân hàng Thế giới, có mật độ và sự phong phú về loài sinh vật bậc nhất Việt Nam, nhiều rạn san hô còn mang tính nguyên thủy cao. Trong các cuộc khảo sát về sinh vật biển gần đây, các chuyên gia hàng đầu thế giới về chuyên ngành luôn tìm ra các loài sinh vật mới cho thế giới và Việt Nam[3]. Hiện tại, Vườn Quốc gia Côn Đảo có 4 hệ sinh thái (HST): HST rừng trên vùng đồi núi thấp, HST rừng trên đồi cát và bãi cát ven biển, HST rừng ngập mặn và HST rừng nhập nước phèn[4]. Riêng Biển Côn Đảo có 3 HST chính là HST rừng ngập mặn với 23 loài thực vật, các loài thú biển (trong đó 3 loài tiêu biểu là cá heo mõm dài, cá voi xanh và bò biển đều là những loài cần được quan tâm bảo vệ) và bò sát biển (rùa biển và rắn biển, trong đó với 14 bãi đẻ của rùa biển, quần thể rùa biển ở đây chiếm 70 -80% số rùa biển làm tổ/năm toàn vùng biển Việt Nam); HST cỏ biển chiếm 84,61 % tổng số loài hiện nay đã biết ở Việt Nam; HST san hô phát triển mạnh với 342 loài, 61 giống, 17 họ, phát triển phong phú và đa dạng vào loại nhất, nhì của Việt Nam[5].

Về tài nguyên văn hóa, Côn Đảo là nơi ghi lại dấu ấn những thăng trầm lịch sử, những đau thương, mất mát của dân tộc trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, với di tích Nhà tù Côn Đảo là điểm nhấn đặc biệt, nơi lưu giữ, bảo tồn và tôn vinh giá trị lịch sử, có ý nghĩa giáo dục to lớn. Cùng với đó là Nghĩa trang Hàng Dương – nơi chôn cất hàng vạn chiến sĩ cách mạng và người yêu nước Việt Nam qua nhiều thế hệ bị tù đày, kéo dài từ năm 1862 đến năm 1975 trong nhà tù Côn Đảo, nơi khác hẳn với các nghĩa trang liệt sĩ trong cả nước bởi sự hòa hợp với cảnh quan thiên nhiên và không gian tưởng niệm gây ấn tượng sâu sắc. Ngoài ra, Côn Đảo cũng nổi tiếng với một số điểm du lịch tâm linh khác như Chùa Núi Một, Miếu bà Phi Yến, Miếu Cậu…

Cơ sở hạ tầng huyện Côn Đảo trong nhiều năm gần đây được quan tâm đầu tư để phục vụ định hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Phương tiện giao thông kết nối đảo với đất liền theo đường biển hiện có 2 chuyến Vũng Tàu – Côn Đảo 9 và 10, tàu cao tốc Superdong Sóc Trăng – Côn Đảo có sức chứa 806 khách, kết nối Sóc Trăng với Côn Đảo chỉ 2,5 tiếng. Cảng hàng không Côn Sơn hàng ngày khai thác 6 chuyến, cuối tuần 8-9 tuyến/ ngày với các tuyến bay thẳng từ TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Sóc Trăng, dịch vụ bay trực thăng Vũng Tàu – Côn Đảo – Vũng Tàu. Hệ thống giao thông trên đảo đã được đầu tư xây dựng. Trong quy hoạch tổng thể cảng hàng không Côn Sơn của Bộ GTVT: đến năm 2025, sân bay Côn Sơn từ diện tích sân đỗ 13.320m², nhà ga hành khách có công suất 195 hành khách/giờ cao điểm – tiếp tục mở rộng lên 31.500m² đáp ứng chỗ đỗ cho 1 máy bay A320/A321 và 4 máy bay ATR72; đồng thời mở rộng nhà ga hành khách đạt công suất 300 hành khách/giờ cao điểm[6]. Hạ tầng viễn thông tại Côn đảo cũng ngày càng phát triển với đường truyền internet, truyền hình, liên lạc, chuyển phát nhanh và mạng điện thoại được kết nối thông suốt.

Đến nay, huyện Côn Đảo đã chủ động thực hiện hàng loạt quy hoạch cho phát triển hoàn thiện xây dựng Chương trình phát triển đô thị Côn Đảo làm nền tảng nâng cấp đô thị Côn Đảo trong thời gian tới.

Với định hướng đưa Côn Đảo trở thành khu du lịch – dịch vụ chất lượng cao, từ năm 2013, Chính phủ đã phê duyệt một số cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Côn Đảo, đó là giải quyết nhanh gọn thủ tục đầu tư, kinh doanh; ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (thuế suất giảm còn 10% và thời gian ưu đãi có thể lên tới 30 năm); giảm 50% thuế thu nhập cá nhân; miễn thuế nhập khẩu và áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng là 0% đối với các chi phí đầu tư xây dựng cơ bản[7].

Trong giai đoạn 2012 – 2017, doanh thu du lịch Côn Đảo tăng bình quân 35 %/năm, kéo theo dịch vụ thương mại tăng hơn 14%/năm. Năm 2019, Côn Đảo đã đón 393.770 lượt khách du lịch, tăng 37% so với 2018, tổng doanh thu từ thương mại – dịch vụ đạt 2735 tỷ đồng, tăng 12% so với 2018[8].

Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận lại một số vấn đề đang là điểm yếu và cũng là thử thách rất lớn đối với việc phát triển du lịch tại Côn Đảo, đặc biệt là du lịch chất lượng cao. Với đặc thù là một huyện đảo tách biệt đất liền, hạn chế về quỹ đất cũng như cơ sở hạ tầng, nhất là việc cung cấp điện, nước ngọt cũng như xử lý rác thải môi trường, phát triển du lịch một mặt sẽ tạo động lực phát triển hạ tầng và kinh tế địa phương, mặt khác nếu phát triển du lịch đại trà, không tính toán đến sức chứa điểm đến, khả năng đáp ứng nhu cầu của du khách sẽ là cách “chôn vùi” tiềm năng, những giá trị thiên nhiên, văn hóa, lịch sử hiếm có của Côn Đảo.

Ngoài ra, với những tiềm năng, giá trị thiên nhiên, văn hóa – lịch sử to lớn của Côn Đảo, việc nhiều dự án đầu tư đổ dồn về đây là điều tất yếu. Tuy nhiên, việc kiểm soát các hoạt động đầu tư, mức độ đầu tư, mức độ đáp ứng của cơ sở hạ tầng huyện đảo, quỹ đất hiện tại, quy hoạch tổng thể về du lịch của địa phương, cũng như đánh giá năng lực nhà đầu tư, tầm nhìn, tính khả thi của dự án, mức độ ảnh hưởng của dự án đến tài nguyên, hệ sinh thái và những giá trị văn hóa – lịch sử, đời sống của người dân cũng như cân nhắc những lợi ích mà dự án mang lại cho huyện đảo: duy trì, bảo tồn thiên nhiên, văn hóa – lịch sử, bảo vệ môi trường, phục hồi sự đa dạng sinh học, nâng cao đời sống của người dân… sẽ là thử thách lớn, là bài toán khó đối với các cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương nếu để phát triển Côn Đảo theo hướng đại trà, thiếu bền vững.

Bên cạnh đó, vấn đề xử lý rủi ro trong hoạt động du lịch cùng cần được các quan tâm xem xét và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng khi đưa ra quyết định phát triển huyện đảo. Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang tiếp tục có xu hướng tăng mạnh tại nhiều quốc gia trên thế giới, du lịch Việt Nam đang bắt đầu khởi động lại thị trường trong nước, việc mở cửa trở lại thị trường quốc tế vẫn chưa thể xác định thời điểm rõ ràng, du lịch Côn Đảo sẽ đứng trước thử thách trong việc tham gia kích cầu du lịch nội địa, đồng thời vẫn phải tập trung làm mới sản phẩm, nâng cao chất lượng, cải thiện hạ tầng, trước hết phục vụ khách nội địa, sau đó là chuẩn bị những bước sẵn sàng để mở cửa thị trường quốc tế ngay khi có thể.

Tính đặc thù trong phát triển du lịch Côn Đảo và những định hướng nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo sự khác biệt cho du lịch địa phương.

Trên cơ sở tiềm năng và thực trạng phát triển du lịch Côn Đảo, có thể thấy rằng, nét độc đáo, đặc sắc, tính riêng có của vùng đất này hội tụ ở 3 yếu tố sau:

Thứ nhất là, vẻ đẹp thiên nhiên hiếm có cùng hệ thống sinh thái biển đảo đa dạng, phong phú vào bậc nhất Việt Nam, đồng thời đã nhận được sự ghi nhận của quốc tế;

Thứ hai là, giá trị nhân văn, văn hóa – lịch sử gắn với hai thời kì kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc;

Thứ ba là, giá trị tâm linh gắn với lịch sử, mảnh đất, con người và những giai thoại trên đảo.

Từ đây có thể thấy, những sản phẩm du lịch đặc thù riêng của Côn Đảo gắn với những tài nguyên độc đáo này đó là du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển đảo nhằm trải nghiệm và cảm nhận những giá trị thiên nhiên hiếm có; du lịch tìm hiểu giá trị lịch sử – văn hóa – tâm linh gắn với những di tích, giai thoại về những con người đã gắn bó với mảnh đất thiêng này. Tuy nhiên, để đảm bảo phát triển cân bằng giữa bảo tồn, lưu giữ các giá trị đặc trưng và tạo động lực cho việc cải thiện đời sống của người dân trên đảo cũng như khẳng định lợi thế cạnh tranh, phát triển sản phẩm du lịch Côn Đảo cần hướng tới yếu tố chất lượng cao, đẳng cấp và tính duy nhất. Theo đó, việc nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, tạo sự khác biệt cho sản phẩm du lịch của Côn Đảo cần được thể hiện rõ ở những định hướng sau:

1) Xác định du lịch xanh, sinh thái, nghỉ dưỡng biển đảo đẳng cấp là định hướng phát triển cơ bản của du lịch Côn Đảo, vì thế, cần hướng tới chuẩn hóa các hoạt động du lịch trên đảo theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường, giảm phát thải carbon, bảo vệ, gìn giữ các giá trị thiên nhiên, duy trì đa dạng sinh học kết hợp bảo tồn những giá trị văn hóa – lịch sử – tâm linh. Kiên quyết không phát triển du lịch đại trà, chạy theo số lượng. Côn Đảo có thể tham khảo mô hình phát triển du lịch đảo của Maldives để tạo dựng thương hiệu một điểm đến đẳng cấp quốc tế thông qua slogan “thiên đường nghỉ dưỡng, sinh thái biển đảo mới ở khu vực Đông Nam Á’’.

2) Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, điển hình, đẳng cấp, chất lượng cao, hình thức thể hiện khác biệt, trải nghiệm đối với các hoạt động du lịch dựa trên các giá trị tài nguyên đặc sắc của địa phương kết hợp với ứng dụng công nghệ; đồng thời tạo ra sự đan xen, kết hợp giữa các loại hình gắn với thiên nhiên, trải nghiệm đa màu sắc, cụ thể như nghỉ dưỡng kết hợp với tìm hiểu, khám phá và nâng cao nhận thức về giá trị thiên nhiên; tìm hiểu lịch sử – văn hóa kết hợp các hoạt động giáo dục nhân văn; du lịch sinh thái, tham quan nghỉ dưỡng biển kết hợp hoạt động bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; du lịch nghiên cứu khoa học, loại hình hướng tới các đối tượng cao cấp, có trình độ nhận thức cao…

3) Nâng cao tính đặc thù đối với các hoạt động du lịch tại địa phương, tăng cường lồng ghép các hoạt động mang tính giáo dục, hướng tới nâng cao nhận thức về bảo tồn tài nguyên thiên nhiên cũng như giá trị lịch sử – văn hóa mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

4) Nâng cao khả năng tiếp cập và kết nối của đảo đối với các trung tâm du lịch khác thông qua việc tăng cường cải thiện chất lượng và phát triển hệ thống giao thông đường biển, đường hàng không, định hướng khai thác một số đường bay thẳng nội địa, quốc tế có xem xét đến sức chứa và khả năng đáp ứng về cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kĩ thuật của địa phương và phân khúc thị trường cao cấp.

5) Kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch tại Côn Đảo thông qua việc tăng cường kết nối giữa các điểm tham quan, di tích trên đảo, kết nối giữa thị trấn Côn Sơn với các đảo nhỏ lân cận bằng đường thủy, nâng cấp, mở rộng các dịch vụ với chất lượng cao, tận dụng lợi thế của địa phương tạo ra những chương trình trải nghiệm đặc sắc, hấp dẫn. Mở rộng các hoạt động giao lưu văn hóa.

6) Xác định rõ thị trường khách và phân khúc khách cần hướng tới, cụ thể tập trung vào phân khúc khách có khả năng chi tiêu cao, lưu trú dài ngày từ các trung tâm, thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, thị trường quốc tế tập trung vào các nước Tây Âu, Bắc Âu, Bắc Mỹ, Úc, một số nước Đông Nam Á như Singapore, Malaysia, Indonesia.

7) Quy hoạch không gian sử dụng đất cho phát triển du lịch, hạ tầng lưu trú với mật độ hợp lý, đảm bảo gìn giữ cảnh quan thiên nhiên và không ảnh hưởng đến vườn quốc gia, đa dạng sinh học và những di tích lịch sử – tâm linh của địa phương, ưu tiên các dự án cơ sở lưu trú cao cấp từ 4 sao trở lên với định hướng xanh, thân thiện với môi trường. Không đầu tư phát triển du lịch đại trà mà chú trọng phục vụ thị trường khách du lịch cao cấp. Xác định rõ khu vực cho phép khai thác hoạt động du lịch, mức độ khai thác: khu vực cho phép xây dựng cơ sở lưu trú, khu vực cho phép khai thác hoạt động tham quan, du lịch; khu vực bảo tồn không được phép khai thác du lịch…Chẳng hạn khu vực hòn bảy cạnh chỉ để tham quan, thưởng ngoạn cảnh cảnh quan sinh thái, không cho phép có hoạt động lưu trú ở đây để bảo vệ hệ sinh thái và môi trường tự nhiên thuần khiết của Côn Đảo. Do hạn chế về quỹ đất, cần cân nhắc kỹ kế hoạch mở đường quanh đảo vì sẽ sử dụng quỹ đất đáng kể tại khu vực rừng tự nhiên thuộc vườn quốc gia Côn Đảo. Khu vực vườn quốc gia chỉ nên dành cho khách du lịch sinh thái, đi bộ dã ngoại hoặc du thuyền quanh đảo ngắm phong cảnh thiên nhiên.

8) Huy động vốn hiệu quả, đa dạng nguồn vốn, sự đóng góp của các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế, các tổ chức phi chính phủ theo các dự án, chương trình về bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn văn hóa, lịch sử. Đồng thời, phân bổ và sử dụng nguồn vốn một cách hiệu quả, ưu tiên cho bảo tồn, xây dựng, cải thiện cơ sở hạ tầng trên đảo, nâng cấp hệ thống giao thông, hệ thống điện, cung cấp nước ngọt, hạ tầng viễn thông, quản lý và xử lý rác thải, phục vụ nhu cầu người dân và hoạt động du lịch.

9) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch cả về trình độ, chuyên môn, năng lực, thái độ phục vụ, kĩ năng ngoại ngữ…nhất là lao động trong các cơ sở lưu trú, khách sạn, resort cao cấp, hướng dẫn viên du lịch, lao động trực tiếp phục vụ khách trên các phương tiện vận chuyển du lịch,… Cùng với đó cũng nên chú trọng nâng cao năng lực nhận thức của các ngành, các cấp và cộng đồng về vai trò của phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững tại huyện đảo, ý thức về môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và gìn giữ những giá trị văn hóa – lịch sử – tâm linh của địa phương, tạo điều kiện cho người dân trên đảo tham gia các hoạt động du lịch, góp phần cải thiện sinh kế, nâng cao chất lượng đời sống cộng đồng.

Giải pháp trọng tâm phát triển du lịch chất lượng cao có tính đặc thù khác biệt của du lịch Côn Đảo

1. Tập trung rà soát lại quy hoạch, các danh mục dự án đầu tư trên phạm vi lãnh thổ huyện đảo, nghiên cứu, xem xét, đánh giá năng lực nhà đầu tư, tính khả thi của dự án, chú trọng đánh giá tác động của dự án đến môi trường, cảnh quan, thiên nhiên cũng như đời sống người dân trên đảo. Xác định danh mục dự án ưu tiên với những tiêu chí cụ thể về môi trường, ưu tiên các dự án phát triển theo xu hướng tăng trưởng xanh, thuộc các lĩnh vực như: nâng cấp, cải thiện cơ sở hạ tầng chung và cơ sở hạ tầng, vật chất kĩ thuật du lịch cao cấp; bảo tồn các di tích lịch sử, bảo tồn sự đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên, môi trường tại huyện đảo; các dự án liên quan đến xử lý rác thải, chất thải có ứng dụng công nghệ hiện đại hướng tới sử dụng nguyên liệu tái chế, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn năng lượng; các hoạt động du lịch sinh thái có tính giáo dục về thiên nhiên, môi trường và giá trị nhân văn sâu sắc…

2. Thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư, tập trung thu hút vốn đầu tư từ những nhà đầu tư có ý thức coi trọng gìn giữ bảo vệ tài nguyên, môi trường, có phương châm và tầm nhìn rõ ràng về xu hướng du lịch xanh với những dự án khu nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp hướng tới phân khúc khách có khả năng chi tiêu cao và ý thức cao về môi trường. Đồng thời khuyến khích người dân tham gia phát triển du lịch cộng đồng.

3. Rà soát lại hệ thống giao thông kết nối huyện đảo với các tỉnh thành, địa phương lân cận, xác định đường giao thông khai thác hiệu quả dòng khách du lịch có khả năng chi tiêu cao. Với du lịch quốc tế, xác định những thị trường có phân khúc khách du lịch yêu thích điểm đến sinh thái như Côn Đảo để kết nối đường bay, phát triển hệ thống thủy phi cơ phục vụ du lịch đảo. Không mở đường bay, đường thủy tràn lan, đồng thời xem xét lại số lượng chuyến bay, chuyến tàu trong ngày đến đảo, tham vấn chuyên gia trong việc tính toán sức chứa của huyện đảo, từ đó đưa ra những giải pháp quản lý sức chứa đối với khách lưu trú và tham quan tối ưu, nhằm hạn chế những tác động tiêu cực đến môi trường thiên nhiên và môi trường xã hội trên đảo, đồng thời khai thác hiệu quả lợi thế về tài nguyên du lịch của Côn Đảo.

4. Ứng dụng thành tựu của cách mạng khoa học công nghệ 4.0 vào các hoạt động du lịch phục vụ du khách như các trung tâm, quầy thông tin về khu di tích nhà tù Côn Đảo với sơ đồ, đường dẫn, thông tin cụ thể về các buồng giam, trại giam, rộng hơn nữa là sơ đồ, chỉ dẫn đường, điểm tham quan, di tích và phương tiện đi lại trên đảo. Trong tương lai, có thể hướng tới ứng dụng công nghệ thực tế ảo trong việc tái hiện không gian Nhà tù Côn Đảo, tái hiện không gian khu bảo tồn thiên nhiên với hệ sinh thái đa dạng, phong phú… nhằm tăng cường trải nghiệm ảo cho du khách.

5. Xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch, tạo điều kiện cho người dân trên đảo phát huy được năng lực bản thân trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch. Đồng thời, đề xuất chính sách, biện pháp nhằm thu hút nhân tài, xây dựng đội ngũ nhân lực du lịch có trình độ cao, chuyên nghiệp. Trước mắt có thể xúc tiến các hoạt động thuê chuyên gia trong nước hay quốc tế điều hành, quản lý và giữ những vị trí then chốt, song song với đó, tăng cường trao đổi kinh nghiệm, trau dồi kĩ năng chuyên môn cho đội ngũ kế nhiệm.

Kết luận

Với những giá trị tài nguyên thiên nhiên và văn hóa – lịch sử độc đáo, đặc sắc, sự ghi nhận của quốc gia và quốc tế về tiềm năng du lịch của địa phương, cùng sự phát triển mạnh mẽ cơ sở hạ tầng, vật chất kĩ thuật, thu hút sự quan tâm của khách du lịch, việc xây dựng được những sản phẩm du lịch đặc thù khác biệt so với những điểm đến khác có thể nói là hoàn toàn nằm trong tầm tay của Côn Đảo. Tuy nhiên, hướng tới xây dựng được hệ thống sản phẩm dịch vụ du lịch chất lượng cao, có tính đặc thù, đảm bảo sự phát triển bền vững của địa phương là một trong những thử thách lớn, đòi hòi sự quan tâm, đầu tư và tâm huyết của các cơ quan quản lý nhà nước, các ban ngành và chính quyền địa phương với một phương châm duy nhất là làm sao bảo tồn được cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học, gìn giữ được những giá trị lịch sử – văn hóa của dân tộc, đồng thời phát triển kinh tế, cải thiện được đời sống của người dân huyện đảo.

TỔNG CỤC DU LỊCH


[1] https://www.travelandleisure.com/trip-ideas/island-vacations/best-secret-islands-on-earth?slide=2054774#2054774

[2] https://baoapbac.vn/phong-su-ky-su/201307/phong-su-anh-con-dao-thien-duong-nghi-duong-va-kham-pha-thien-nhien-325657/

[3] https://www.condaopark.com.vn/vn/tai-nguyen-sinh-vat-bien-con-dao.html

[4] https://vetaucondao.vn/cac-he-sinh-thai-rung-vuon-quoc-gia-con-dao/

[5] https://www.condaopark.com.vn/vn/tai-nguyen-sinh-vat-bien-con-dao.html

[6] https://brt.vn/dia-phuong-tdpt/huyen-con-dao/201803/con-dao-nhieu-tiem-nang-thu-hut-dau-tu-phat-trien-du-lich-8072010/

[7] https://sodl.baria-vungtau.gov.vn/quy-hoach-ke-hoach-phat-trien/-/view_content/content/12758/con-%C4%91ao-huong-toi-thanh-pho-du-lich-chat-luong-cao

[8] https://moc.gov.vn/vn/tin-tuc/1184/62373/con-dao–vung-dat-anh-hung-dang-vao-da-phat-trien.aspx

Rate this post
Bài trước
Bảng giá dịch vụ cho thuê xe ô tô 7 chỗ tại Côn Đảo
Bài sau
Phát triển Côn Đảo thành cụm du lịch sinh động, đa dạng, nhiều thứ cấp, không ngừng đổi mới
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.