“Ra Côn Đảo, trước khi nói gì, làm gì, hãy cân nhắc kỹ. Đừng mang theo tà ý, đừng nghĩ đến chuyện lấy bất cứ thứ gì của đảo mà không minh bạch, đừng hứa điều gì vượt quá khả năng của mình… nếu không, sẽ ân hận đấy”. Đó là những lời đầu tiên ông Lê Hữu Hòa, cán bộ kiểm lâm Côn Đảo dành cho chúng tôi khi vừa gặp mặt.
Chuyện lời hứa
Đón tôi ở sân bay Cỏ Ống bằng xe máy, ông Hòa đã chuẩn bị sẵn mũ bảo hiểm khá chu đáo. Tôi hỏi: “Ở đây có ai đâu mà phải đội mũ?”, thì ông Hòa bảo: “Dù không có cảnh sát giao thông nhưng nếu cậu không đội mũ, tôi sẽ rất khó ăn khó nói…”. Thấy nét mặt ngớ ra của tôi, ông cười: “Tôi có giải thích anh cũng chưa hiểu đâu, ở đây vài ngày anh sẽ hiểu”.
Trên đường từ sân bay về trung tâm huyện, tôi tiếp tục ngạc nhiên khi thấy rất nhiều xe máy đời mới dựng “lăn lóc” bên đường mà không thấy một bóng người.
Ông Hòa giải thích: “Nãy giờ nghe tôi nói chắc chuyện nào anh cũng thấy ngạc nhiên đúng không. Lần đầu ra đảo nên sẽ có nhiều chuyện làm anh ngạc nhiên. Ở đây chưa bao giờ có chuyện mất cắp. Không chỉ có xe máy xịn, dù để bất cứ tài sản quý gì ra ngoài đường, không có người trông coi cũng chẳng bao giờ mất”.
Con đường từ sân bay về trung tâm huyện dài hơn 10 cây số, trải nhựa phẳng lỳ, chạy dọc bờ biển, gió lồng lộng. Dù đường thông thoáng và chẳng có bóng dáng công an giao thông nhưng tất cả mọi người đều đội mũ bảo hiểm và chạy khá chậm, khiến tôi có cảm giác như nhịp sống đang trôi chậm hơn ở thành phố.
Về đến trung tâm huyện Côn Đảo, gặp ngã tư đầu tiên, khi còn cách giao lộ vài mét thì đèn tín hiệu màu vàng, dù chỉ nhấn nhẹ chân ga là có thể qua nhưng anh Hòa và 1 người khác đi cùng chiều vẫn dừng xe khi đèn tín hiệu chưa chuyển sang màu đỏ, dù ở đường ngang, chẳng có chiếc xe nào chạy, không có cảnh sát giao thông. “Ở đây không có chuyện ngồi lên xe máy mà không đội mũ, cũng không ai vượt đèn đỏ”, ông Hòa nói.
“Tôi năm nay 57 tuổi, tính đến nay, đã có 33 năm công tác trên đảo. Hồi đó, tôi không làm kiểm lâm, mà là giáo viên ở đất liền, được “biệt phái” ra dạy bổ túc văn hóa. Sau đó, trời xui đất khiến, tôi “phải lòng” một cô học trò trong lớp, cũng là một viên chức công tác ở huyện. Sau khi học xong lớp bổ túc này thì chúng tôi nên duyên vợ chồng.
Nhưng sau đó, chúng tôi mãi chẳng có con, tôi mới đánh liều khấn thầm là nếu các vị anh hùng trên đảo linh thiêng phù hộ, cho tôi một đứa con thì tôi tình nguyện ở lại đảo không phải vài 3 năm như kế hoạch mà 30 năm cũng được. Ai ngờ sau đó chúng tôi có con thật. Rồi bên kiểm lâm thiếu nhân sự, điều tôi sang. Thời gian cứ thế cuốn đi, quay qua quay lại, hơn 30 năm trôi qua, tôi vẫn ở đây. Không biết có phải do trùng hợp hay lời khấn nguyện của tôi linh ứng?”, ông Hòa kể.
“Thế lúc nãy ở sân bay anh bảo không đội mũ sẽ khó ăn khó nói với ai?”, tôi hỏi, thì ông Hòa cười: “Không biết chú có tin không nhưng mấy chục năm ở đây tôi nghiệm thấy, cứ làm điều gì sai, dù nhỏ, dù vô tình, cũng bị trách phạt.
Như chú thấy, chạy xe chậm như thế, bình thường thì không sao nhưng mấy lần không đội mũ bảo hiểm, tôi đều gặp trục trặc. Lúc thì đang chạy chết máy, lúc thì đụng phải cục đá to tướng dưới đường, ngã lăn quay. Dù không nguy hiểm gì nhưng cũng cảm thấy bất an. Còn tuân thủ đúng thì chẳng sao cả. Để tôi dẫn chú đến thăm một cựu tù Côn Đảo, ông ấy cũng là người biết nhiều chuyện huyền bí, ly kỳ lắm”.
Và chuyện những tên trộm bỏ xác trên biển
Người ông Hòa nói là ông Lê Minh Chương (Sáu Chương), nguyên cán bộ phụ trách Văn hóa – Thông tin huyện Côn Đảo, một trong 7 cựu tù Côn Đảo còn trụ lại hòn đảo này. Sau khi ra chợ mua vài món nhắm, chúng tôi tìm đến nhà ông Sáu.
“Chỗ nhà anh Sáu ở, thời Pháp chiếm đóng là Sở Tiêu, khu vực “rừng thiêng nước độc” của Côn Đảo, không biết bao nhiêu công nhân người Việt đã vùi thây nơi này. Vì thế, khi vào đây ở, ông Sáu được coi là một trong những người gan to”, ông Hòa cho biết.
Lúc chúng tôi đến, ông Sáu đang một mình nằm trên chiếc ghế xích đu ngoài hiên nhà, dưới ánh trăng thượng tuần mờ ảo, tiếng côn trùng như ai oán, khiến tôi bất giác rùng mình.
“Chú từng chứng kiến biết bao đồng đội hy sinh, bản thân chú cũng suýt chết, mình đấu tranh vì chính nghĩa, những người nằm xuống nơi đây cũng đồng bào mình, giờ mình sống chung với họ, chẳng làm gì sai trái, cớ gì phải sợ?”, ông Sáu Chương cười.
Sau vài ly rượu ngà ngà, ông Sáu bắt đầu trầm ngâm nhớ lại câu chuyện mà ông bảo suốt đời ông bị ám ảnh bởi cái sự đảo không dung tha kẻ gian tà: “Hồi đó, chú nhớ là năm 1990, trên đảo còn khó khăn lắm. Không chỉ khó khăn về vật chất, mà cả tinh thần cũng thiếu thốn. Ra đây chẳng khác nào Robinson trên đảo hoang. Mỗi 2 tháng tàu mới ra tiếp tế 1 lần, ấy là khi sóng yên biển lặng.
Cả đảo chỉ có 1 chiếc ti vi rất to. Rồi có một anh bạn của chú, khi đó công tác ở huyện Duyên Hải (Cần Giờ, TP.HCM ngày nay – PV), ra thăm đồng đội, thấy tình cảnh trên đảo như vậy thì thương. Thế là anh ấy về huy động nhiều nơi mua được 2 chiếc xuồng gắn máy nhỏ, mang ra tặng đảo để làm phương tiện đi lại giữa các đảo nhỏ, khi cần kíp thì có phương tiện tức thì. Mọi người mừng lắm.
Hai chiếc xuồng neo đậu ở bến tàu 914, làm mái che hẳn hoi. Nhưng chỉ buộc dây thôi chứ chẳng có bảo vệ gì, vì có ai nghĩ sẽ bị mất trộm đâu. Ấy vậy mà mất thật. Một buổi sáng lên cơ quan, anh bạn hỏi tỉnh bơ: “Hôm qua giờ xuồng đi đâu mà không thấy anh Sáu?”, tôi nghe ngớ người ra, hỏi khắp lượt chẳng ai biết ai lấy xuồng đi đâu, mọi người tá hỏa đi tìm. Nhưng biệt vô âm tín. Ai cũng buồn, tiếc ngẩn ngơ”, ông Sáu ngừng lại, nhấp ly rượu khiến tôi sốt ruột hỏi “Rồi sau đó sao chú?”.
Ông Sáu kể tiếp: “Mấy đêm sau, đêm nào tôi cũng mơ thấy ác mộng. Dù không rõ ràng, nhưng tôi linh cảm thấy như các anh về báo đang có vụ tai nạn trên biển, gần Hòn Bà. Sau 2 đêm mơ cùng một giấc mơ, sáng hôm sau tôi báo anh em bên kiểm lâm, lấy chiếc ca nô duy nhất đi tuần. Vì chiếc ca nô này hao xăng lắm nên anh em cũng hạn chế dùng. Nhưng nghe tôi kể, các anh cũng sốt sắng làm liền.
Sau một ngày quần quanh các đảo, anh em tìm thấy 3 người chết đuối trôi dạt vào mấy đảo nhỏ, ngoài những vết thương do cá rỉa, cả 3 đều mất cả 2 bàn tay. Rồi hôm sau, lại thấy 2 chiếc xuồng nổi lập lờ gần đó. Đó chỉ là một trong số những chuyện xảy ra trên đảo mà tôi chứng kiến.
Cũng có thể, mấy tên trộm này chạy trốn, gặp sóng lớn không xoay xở được nên lật xuồng chết đuối, cũng có thể là sự trừng phạt. Nhưng có điều chắc chắn rằng nếu lên đảo mà làm bậy, thì thế nào cũng gặp hậu quả”.
“Hồi xưa cũng có vài vụ mất trộm đồ đạc, xe máy. Tụi nó lựa những chiếc xe mới, dắt vào rừng rồi tháo rời từng bộ phận. Sau đó chuyển ít một bằng ghe, tàu đánh cá. Nhưng mặc dù mang trót lọt xuống tàu rồi cuối cùng cũng không thể mang đi được vì vô tình bị phát hiện, bị tố cáo. Cho nên sau này không còn chuyện trộm cắp trên đảo nữa. Nói chung tình hình an ninh trên đảo rất tốt”, ông Trần Văn Hoàng, Trưởng Công an huyện Côn Đảo.
PHÚC LẬP
https://nongnghiep.vn/nhung-chuyen-la-co-that-noi-dao-thieng-va-su-trung-phat-den-kho-tin-post186437.html