Dấu ấn rừng thiêng Côn Đảo, những cây dây leo hàng trăm năm đan chặt vào nhau tạo thành dấu ấn khó quên khi du khách đi trekking tại Côn Đảo.
Với các kết quả điều tra, nghiên cứu của Phân viện Điều tra Quy hoạch rừng Nam Bộ (2002) về thành phần các thực vật rừng ở VQG Côn Đảo đã ghi nhận 1.077 loài thực vật thuộc 640 chi của 160 họ thực vật bậc cao có mạch. Theo đó, Côn Đảo có đến 137 loài dây leo mọc rải rác tại các khu rừng trong Vườn Quốc Gia, qua hằng trăm, chục năm tạo thành những hình dáng độc đáo.
Cây dây leo cổ thụ, hình chữ O độc đáo là địa điểm thu hút du khách check-in khi đến Vườn quốc gia Côn Đảo. Theo biển thông tin đặt tại đây, cây dây leo còn được gọi là “những kẻ ranh mãnh”, vì để có thể lấy được ánh sáng Mặt Trời, tổng hợp chất hữu cơ cần thiết, chúng đã khôn khéo tận dụng các cây khác bằng cách trực tiếp cuốn quanh các thân cây, vươn lên cao.
Cây dây leo hình chữ O (ảnh đại diện) là cây Bàm Bàm – một họ cây day leo gỗ, có nhiều ở rừng Côn Đảo. Theo Đông y, dây bàm bàm có vị hơi đắng và chát, tính bình, hạt bàm bàm có vị ngọt và se, tính bình , có độc. Dây có tác dụng trừ phong thấp và hoại huyết. Hạt có tác dụng chống co giật, giảm đau, lợi tiểu. Có một bạn Bàm Bàm rất đẹp nằm ở phía Tây Côn Đảo, trong cung đường Bãi Bàng – Bãi Đất Thắm, sự kì diệu của thiên nhiên đã tạo ra những dáng hình đẹp lạ lẫm, góp phần tạo nét chấm phá độc đáo của các cung đường trekking trong Vườn quốc gia Côn Đảo.