Những câu chuyện về chị Sáu linh thiêng

Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu), hòn đảo giữa trùng khơi trên vùng biển cực Nam của Tổ quốc. Trước kia, vùng đất này vẫn được mệnh danh là “địa ngục trần gian” – nơi giam cầm, tra tấn hàng nghìn chiến sỹ cộng sản kiên trung với ý chí gan dạ, quật cường. Đến nay, hòn đảo đã được “thay da đổi thịt” và được bình chọn là một trong những khu “du lịch tâm linh”, thiên đường nghỉ dưỡng lý tưởng của du khách du lịch trong và ngoài nước. Điều đặc biệt, nơi đây các thế hệ trước và hôm nay đang tình nguyện gắn bó, cùng chung một khát vọng xây dựng hòn đảo thiêng ngày càng giàu mạnh hơn.

Đặt chân đến Côn Đảo, tôi cùng đoàn công tác đến nghĩa trang Hàng Dương, nơi yên nghỉ của hàng vạn chiến sỹ cách mạng, trong đó có chị Võ Thị Sáu – người con gái Đất Đỏ anh hùng. Đêm ở nghĩa trang Hàng Dương đông nghịt người nhưng yên ắng và trang nghiêm đến lạ thường. Lẫn trong tiếng gió lao xao là tiếng nhạc của bài hát “Biết ơn chị Võ Thị Sáu” vang lên xúc động và thiêng liêng.

Rì rào gió thổi hàng dương

Tôi may mắn có mặt trong Đoàn công tác của Bộ Tư lệnh vùng 2 Hải quân, đi kiểm tra, thăm và chúc Tết cán bộ, chiến sỹ các nhà giàn, tàu trực và quân, dân huyện Côn Đảo nhân dịp Tết Kỷ Hợi, vào những ngày đầu tháng 1/2019. Cũng như bao cán bộ, phóng viên khác trong đoàn, với tâm trạng háo hức lần đầu tiên tôi được đặt chân tới địa danh này. Và trong đầu tôi luôn tâm niệm, đặt chân tới nơi đây, nơi đầu tiên tôi muốn đến là thăm mộ chị Võ Thị Sáu- người con gái Đất Đỏ anh hùng trước giờ ra pháp trường vẫn hiên ngang ngẩng cao đầu đã đi vào lịch sử.

Đoàn công tác thắp hương viếng chị Võ Thị Sáu tại nghĩa trang Hàng Dương.

Đoàn chúng tôi đến thăm nghĩa trang Hàng Dương khi trời đã về khuya. Đêm ở đây, những cụm đèn khắp nơi tỏa sáng và trước mỗi ngôi mộ đều có một ngọn đèn nhỏ như ánh nến, những nén hương cháy đỏ thoảng hương thơm dịu nhẹ. Tiếng nhạc trầm, phát ra từ những chiếc loa nhỏ đặt rải rác trong khuôn viên nghĩa trang hòa cùng tiếng sóng vỗ ầm ào từ biển, tiếng gió rì rào trên những cành dương…Tất cả hòa quyện lại nghe như tiếng hát ru giấc ngủ ngàn thu cho những người con ưu tú của đất nước đang yên nghỉ ngàn đời nơi Côn Đảo anh hùng.

Nghĩa trang Hàng Dương là nơi yên nghỉ của hàng vạn cán bộ, chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày trong Nhà tù Côn Đảo. Trong đó có lãnh tụ cách mạng như Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, nhà yêu nước Nguyễn An Ninh, Lưu Chí Hiếu, nữ anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu,…Tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất của họ trong nhà tù đã tiếp thêm ngọn lửa cho phong trào cách mạng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ đã ngợi ca chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thời đại Hồ Chí Minh và là bài học giáo dục truyền thống sâu sắc về lòng yêu nước, tinh thần dân tộc cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Điều khiến tôi ngạc nhiên, càng về khuya, dòng người đổ về nghĩa trang càng đông, trong đó phần lớn là khách du lịch thập phương và cũng có rất nhiều người dân trên đảo. Tại nghĩa trang Hàng Dương, cũng như các khu mộ khác, mộ chị Võ Thị Sáu luôn nghi ngút khói hương, từng đoàn người tự giác xếp hàng và lần lượt vào thắp hương viếng chị trong yên lặng. Hiếm có người nào cất công ra Côn Đảo lại không tới viếng mộ chị. Thậm chí, chị Võ Thị Sáu đã trở thành lý do chính khiến hòn đảo xa xôi ấy trở nên gần gũi với đất liền…Nhiều người đồn rằng, chị Sáu mất khi còn trẻ, lại là một biểu tượng của tinh thần bất khuất, nên thiêng lắm.

Bất tử hóa như một vị thần

Theo lời của hướng dẫn viên du lịch cho đoàn công tác, chị Võ Thị Sáu tên thật là Nguyễn Thị Sáu, quê huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Năm 1947, khi mới 14 tuổi, Võ Thị Sáu trở thành chiến sĩ trinh sát của Đội Công an xung phong Đất Đỏ. Chị nổi tiếng với những chiến công diệt ác, trừ gian táo bạo, chị bị bắt đầu năm 1950. Tại phiên tòa đại hình, tuy mới 16 tuổi, nhưng chị đã hiên ngang khẳng định: “Yêu nước, chống bọn thực dân xâm lược không phải là tội!”. Chị bị án tử hình khi chưa đủ tuổi thành niên. Pháp sợ dư luận phản đối, nên chúng đưa Võ Thị Sáu ra Côn Đảo để hành quyết.

Mộ phần chị Võ Thị Sáu tại Nghĩa trang Hàng Dương Côn Đảo

Ngày 23/1/1952, người tử tù nhỏ tuổi nhất ở Côn Đảo không cho kẻ thù bịt mắt khi tử hình. Và trước khi giặc nổ súng, Võ Thị Sáu thét lên: “Đả đảo thực dân Pháp! Việt Nam độc lập muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm!” Đó là 7 giờ sáng ngày 23/1/1952, Võ Thị Sáu chưa đầy hai mươi tuổi. Khí phách anh hùng của Võ Thị Sáu khiến những tên đao phủ phải khâm phục và run sợ, ngay cả khi chị đã hy sinh.

Năm 1993, Võ Thị Sáu được Nhà nước truy tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Tại thị trấn Đất Đỏ đã dựng tượng chị cao 6m. Ở Côn Đảo, mộ chị Sáu được xây lại đàng hoàng hơn, là ngôi mộ được nhiều người thăm viếng nhất. Huyện Côn Đảo cũng đã xây dựng Nhà tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu trong một khuôn viên rộng, kề bên núi và biển, quanh năm lộng gió.

Nhưng ra Côn Đảo, đến nghĩa trang Hàng Dương, tôi còn được nghe nhiều câu chuyện huyền thoại đầy tính nhân bản về chị Võ Thị Sáu. Những câu chuyện linh thiêng, bí ẩn, nhưng ẩn chứa một sự ngưỡng mộ, tôn thờ theo truyền thống Á Đông đối với những người anh hùng vì dân, vì nước đã được bất tử hóa như một vị thần. Những câu chuyện người dân Côn Đảo kể về chị Võ Thị Sáu không có trong sử sách, nhưng còn lưu truyền mãi như những truyền thuyết dân gian.

Được biết, những huyền thoại Võ Thị Sáu linh thiêng xuất hiện ngay từ khi chị nằm xuống trên đất Hàng Dương hơn 60 năm trước. Ngay tấm bia mộ chị Võ Thị Sáu cũng có nhiều huyền thoại. Sau hôm chị Sáu bị giặc Pháp giết, kíp tù làm thợ hồ trên Côn Đảo đã đúc bia bằng xi măng, dựng trước mộ. Chúa đảo lúc bấy giờ tức tối dẫn lính lên nghĩa trang đập vỡ tấm bia, san bằng mộ. Nhưng bọn cai tù không sao hiểu nổi, mỗi lần chúng đập phá bia mộ, ngay hôm sau ngôi mộ và tấm bia lại được đặt lên như trước và mộ phần lại được đắp cao hơn trước… Dân đảo đồn rằng chị Sáu linh thiêng, không ai có thể phá được mộ chị. Câu chuyện làm cho bọn gác ngục, bọn tù gian sợ sệt, chùn tay. Thực ra mộ và bia mộ đó đều do anh em tù thợ hồ làm trong đêm.

Nữ hướng dẫn viên du lịch cho biết, ngày trước, trước mộ chị Võ Thị Sáu có một cây dương già bị khô phần ngọn, chỉ còn gốc cây và một nhánh dương tươi tốt vươn thẳng về phía Bắc. Người dân bảo đó là hương hồn chị Sáu hướng về phía Bắc, về Bác Hồ…

Riêng trong tâm thức của người dân Côn Đảo, chị Sáu như một “vị thần” nên hằng ngày, nhất là vào mồng 1 và ngày rằm, họ đến đây thắp hương mong chị Sáu phù hộ để gặp nhiều may mắn, an yên trong cuộc sống. Những ngày công tác, thăm quan trên Côn Đảo, tôi nhận thấy rằng, nhiều người dân trên đảo đều thờ phụng và thành kính gọi là “cô Sáu”.

Nữ anh hùng liệt sỹ Võ Thị Sáu trong tâm thức người dân Côn Đảo đã được thiên hóa như một vị nữ thần, để bảo vệ muôn mặt đời sống của người dân nơi xứ đảo, cũng như hàng ngàn ngư dân hàng năm ghé vào đây tránh sóng bão. Và hiện nay trên Côn Đảo cũng có một con đường mang tên Võ Thị Sáu. Hằng năm vào ngày 23/1, Đảng và Nhà nước, chính quyền, quân dân huyện Côn Đảo đều tổ chức lễ giỗ cho chị Sáu rất là long trọng và đầy lòng thành kính như giỗ một người thân trong gia đình.

Một lần đặt chân đến Côn Đảo, được nghe những huyền thoại về chị Võ Thị Sáu, tôi cứ miên man nghĩ về sự tồn tại vĩnh hằng của con người. Tôi xin phép được gọi anh hùng liệt sỹ Võ Thị Sáu là chị, bởi lẽ, chị mất khi chị mới bước sang tuổi 19 – tuổi thanh xuân tươi đẹp nhất của người con gái. Và trong tâm thức của tôi cũng như bao lớp người Việt Nam, chị Sáu mãi mãi tuổi 19. Và bài viết của tôi như một nén nhang thơm thắp lên mộ phần nơi chị yên nghỉ muôn đời.

Tại lễ viếng nghĩa trang Hàng Dương, Đại tá Lê Đình Việt, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng uỷ Bộ Tư Lệnh Vùng 2 Hải quân khẳng định: “Để có được cuộc sống bình yên, hạnh phúc như ngày hôm nay là sự hy sinh cao cả, không tiếc tuổi thanh xuân của lớp lớp các thế hệ người con Việt Nam anh dũng, kiên cường, trong đó có các Anh hùng liệt sĩ đang yên nghỉ tại Nghĩa trang Hàng Dương và có anh hùng liệt sỹ Võ Thị Sáu. Cán bộ, chiến sĩ Vùng 2 Hải quân nguyện sẽ tiếp tục phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, vững vàng nơi đầu sóng, ngọn gió để bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc”.

Minh Khuê

https://laodongthudo.vn/ky-1-nhung-cau-chuyen-ve-chi-sau-linh-thieng-89085.html

Kỳ 2: Nữ cựu tù nặng lòng với Côn Đảo

Rate this post
Bài trước
5 lý do ai cũng nên đi du lịch Côn Đảo
Bài sau
Côn Đảo 09: Con tàu một thời hoài niệm
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.