Những câu chuyện tình đẫm lệ ở Côn Đảo

Ngoài những câu chuyện lịch sử trở thành huyền thoại và nhuốm màu thần thánh thì tại Côn Đảo cũng lưu truyền những chuyện tình đẫm lệ. Đó có thể là những câu chuyện có thật nhưng cũng có thể là những giai thoại mà đời sau kể lại cho con cháu khiến các địa danh nơi đây càng thêm phần lãng mạn, đầy ắp tình người…

Cắc cớ mối tình anh em

Những ngày ở Côn Đảo chúng tôi được anh Nguyễn Hoài Trung, một “thổ địa” của mảnh đất này đưa đi thăm thú nhiều nơi. Anh Trung là dân đảo đời thứ hai sau thế hệ của cha mẹ anh từng sinh sống tại đây. Đưa chúng tôi đến đỉnh Tình Yêu, anh bảo: “Không biết tự khi nào có đỉnh này. Còn cái tên nghe rất lãng mạn ấy thì tôi được cha kể lại là có từ thời người Pháp đặt chân lên đảo”.

Nhìn từ xa, đỉnh Tình Yêu như một cặp uyên ương đang trao cho nhau nụ hôn thắm thiết, nhìn kỹ thì thấy người nam đang ôm chặt cánh tay phải vào người nữ. Đây là nụ hôn thể hiện sự đam mê, nồng nàn, khó chia lìa. Có lẽ chính vì thế mà người ta mới gọi nó là đỉnh Tình Yêu. Thời gian về sau này, có rất nhiều đôi tình nhân đến đây để tận hưởng không khí và cầu nguyện cho tình yêu của mình được vĩnh hằng như đỉnh Tình Yêu.

Cảng Bến Đầm và đỉnh Tình Yêu nhìn từ trên cao.

Bên cạnh đỉnh Tình Yêu có rất nhiều bãi biển đẹp, là địa chỉ thơ mộng cho các tình nhân say tình. Ví như bãi Nhát, trông giống hình một cánh cung, với nước biển trong xanh, có nhiều sỏi “hiền”, không sắc cạnh. Gần đó là cảng Bến Đầm, tàu khách, tàu cá ra vào tấp nập, góp phần làm cho cuộc sống dưới chân đỉnh Tình Yêu thêm sôi động. Nhìn từ trên cao, cảng Bến Đầm hiện ra như một vòng cung với nước biển trong xanh lạ thường.

Nếu câu chuyện của đỉnh Tình Yêu đẹp lung linh, là nơi lý tưởng cho các cặp tình nhân đến cầu nguyện thì Hòn Cau lại là một câu chuyện tình đẫm lệ. Người dân trên đảo kể lại giai thoại rằng, thời xưa, ở làng Cỏ ống có một chàng trai khôi ngôi, tuấn tú tên Trúc Văn Cau. Cùng lứa với chàng trai này có thiếu nữ miền biển đẹp, hiền lành, nết na tên Mai Thị Trầu, là con của ông Đinh và bà Bèo.

Chàng trai thông minh, tháo vát, còn thiếu nữ thạo nghiệp bút nghiên. Một hôm, hai người gặp nhau bên dòng suối, chàng không ngần ngại buông lòng, ướm thử: “Tiện đây anh mới hỏi nàng/Cau tươi ăn với Trầu vàng xứng không?”. Vốn là người thông minh, nàng đáp: “Mai vàng chen với trúc xanh/Duyên em sánh với tình anh tuyệt vời”. Thế rồi, hai trái tim xích lại gần nhau từ đó.

Trước vẻ đẹp, nết na và sự sắc sảo của nàng Trầu, Cau về xin với mẹ cha cho được hỏi cưới nàng làm vợ. Khi nghe đến đây, ông Câu, cha chàng rụng rời chân tay. Không muốn nghịch cảnh trớ trêu xảy ra, ông đã thú nhận với con trai: Nàng Trầu chính là mối tình vụng trộm của ông với bà Bèo thời trai trẻ. Nghe như sét đánh ngang tai, chàng Cau không thể tin được chuyện đó lại xảy ra với mình. Và điều đáng nói hơn cả chính là hai người cũng đã trót ăn nằm với nhau.

Trước bi kịch ấy, Cau bỏ nhà ra đi. Anh kết bè, rồi thả nơi cửa biển mặc cho nó trôi về đâu. Chiếc bè dạt đến một hòn đảo nhỏ, cách xa làng khoảng 10 dặm. Tại đây, chàng sống một cuộc đời khổ cực và chết trên đảo vắng. Người ta nói rằng, nơi chàng gục xuống đã mọc lên một rừng cau xanh tốt quanh năm. Vào mùa, trái cau chín đỏ rực. Về phần nàng Trầu cũng đau đớn tột cùng. Ngày nào, nàng cũng ra đón, ngóng về phía vách đá, nơi hai người từng hẹn hò.

Đến khi biết chuyện tình của mình éo le và sự ăn năn hối hận của người mẹ, nàng đã quyết định quyên sinh, gieo mình xuống biển xanh bao la. Nơi nàng gieo mình xuống được người dân gọi là bãi Đầm Trầu. Trước câu chuyện tình trớ trêu này, dân làng Cỏ ống cảm thương và tác ra câu ca: “Đi đâu mà chẳng thấy về/Hay là quần tía dựa kề áo nâu/Ai về nhắn gởi ông Câu/Hòn Cau cách bãi Đầm Trầm bao xa?”.

Ngày nay, cùng với nhiều bãi khác, Đầm Trầu là nơi có phong cảnh tuyệt đẹp. Bờ cát mịn trải dài dưới chân vách đá dựng muôn hình. Trên một triền đá vươn ra tận biển nổi lên hai tảng đá lớn, chụm đầu vào nhau như đôi bạn đang mải mê tâm tình, quên hết thời gian, năm tháng. Người xưa cho rằng, đó chính là hình ảnh của đôi tình nhân năm nào.

Thứ phi chung tình

Nếu đặt chân đến Côn Đảo mà chưa ghé vào miếu An Sơn, hay còn gọi là miếu bà Hoàng Phi Yến thì quả là một thiếu sót. Bởi tại ngôi miếu này còn lưu giữ một truyện tích bi ai của một thứ phi sắc nước, thương con và chung tình. Đi cùng chúng tôi, ông Hồ Văn Lợi, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, đây là ngôi miếu thờ bà Phi Yến, một trong những người vợ của vua Nguyễn Ánh xưa. Bà tên thật là Lê Thị Răm.

Thời ấy, khi Nguyễn Ánh trốn ra đảo có mang theo rất nhiều thê thiếp, tùy tùng với khoảng 100 gia đình, trong số đó có bà Phi Yến. Cùng với những dân chài đang sống trên đảo, Nguyễn Ánh đã lập ra ba làng: An Hải, Cỏ Ống và An Hội. Theo chúng tôi, đây có lẽ là câu chuyện tình nghiệt ngã nhất. Bởi, lúc bôn tẩu ở Côn Đảo, Nguyễn Ánh nghe tin nhà Tây Sơn đang tính đánh ra đảo. Không còn đường tháo thân, lại yếu thế, Nguyễn Ánh định nhờ người Pháp giúp.

Miếu Bà Phi Yến

Để nhờ được người Pháp thì Nguyễn Ánh buộc lòng phải gửi hoàng tử Hội An, tự Cải cùng Bá Đa Lộc sang Pháp làm con tin. Biết chuyện, bà Phi Yến đã khuyên chồng rằng, việc đánh nhau với nhà Tây Sơn thì không nên nhờ ngoại bang, vì đó chẳng khác nào “cõng rắn cắn gà nhà”. Cho rằng, bà thay lòng đổi dạ, thông đồng với nhà Tây Sơn, phản bội mình nên Nguyễn Ánh lệnh cho xử tử.

Nhờ sự can thiệp của quân thần bà được tha chết nhưng bị giam trong một hang tại đảo Côn Lôn nhỏ. Nguyễn Ánh cho quân lính để một ít nước và lương thực, đủ xài chừng ba tháng và lấp miệng hang lại. Lúc nhà Tây Sơn đánh ra đảo thì Nguyễn Ánh bỏ chạy. Có giai thoại nói Nguyễn Ánh chạy sang Thái Lan, có người lại nói ông chạy về Phú Quốc. Trong lúc thuyền vừa giong buồm thì hoàng tử Cải (lúc này mới 4 tuổi) không thấy mẹ mình đành gào khóc và đòi mẹ.

Biết chuyện, Cải xin cha cho mẹ theo hoặc là cho mình xuống để ở lại với mẹ. Trong lúc tức giận, Nguyễn Ánh đã ném Cải xuống biển. Cải chết và bị sóng biển đánh dạt vào bờ. Ngày nay, ngôi miếu nhỏ này có tên là “Thiếu gia miếu” nằm ở gần bãi Đầm Trầu. Về phần bà Phi Yến, sau khi Nguyễn Ánh đi thì được người dân ở đảo biết chuyện tập trung sức lực cứu bà ra khỏi hang. Nhưng cũng có giai thoại nói bà được con bạch vượn và hắc hổ ở trong hang đưa ra. Sau khi rời khỏi hang, bà đau đớn đến tột cùng khi biết con trai đã chết một cách thảm thương.

Cùng sự giúp đỡ của dân làng, bà xây cất mộ cho con và ở trong một ngôi nhà nhỏ gần ngôi mộ, hàng ngày nhang khói. Sau này, người ta còn kể lại một câu chuyện chung tình và giữ trinh tiết của bà. Lúc đó, làng An Hải có tổ chức lễ xá tội vong nhân và mời bà về dự. Buổi lễ kéo dài tới khuya nên bà nghỉ lại trong nhà việc của làng để ngày hôm sau về Cỏ Ống. Lúc đó, tên Biện Thi thấy thứ phi của Nguyễn Ánh đẹp lộng lẫy, vì bà mới bước sang tuổi 24 nên nổi sinh tà dâm.

Nửa đêm, hắn mò vào khi bà đang say giấc. Khi hắn chạm vào cánh tay, bà giật mình, thức giấc, tri hô và được dân làng cứu giúp. Để giữ trinh tiết, bà đã chặt cánh tay, rồi quyên sinh để giữ trọn trinh tiết với chúa Nguyễn. Sau đó, bà được dân làng lập miếu thờ. Năm 1958, người dân đã quyên góp tiền bạc, huy động sức tù xây lại ngôi miếu. Bài vị thờ Bà đặt tại ngôi chính điện, với đôi câu đối: “Mẫu nghi xưng hậu ấm công bang/Thánh đắc phối thiên an hải quốc”.

Trung nghĩa và tiết hạnh

Hai bên tả – hữu là Hoàng tử Cải và quan đô đốc Ngọc Lân, người đã can gián chúa Nguyễn và xin cho bà Phi Yến khỏi tội chết. Trên hàng cột trước cửa chùa khắc nổi hai câu đối: “Trung nghĩa gián quân thiên cổ chiếu/Tiết hạnh quyên sinh”.

Báo Đời sống và Pháp luật

Rate this post
Previous Post
Những chuyện lạ có thật nơi đảo thiêng và sự trừng phạt đến khó tin
Next Post
Một vòng thị trấn Côn Đảo – mũi Cá Mập – Bến Đầm – Hòn Bà – Đỉnh tình yêu
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.