Người “quốc sự phạm” đầu tiên ở Côn Đảo

Năm 1908, nhân vụ Trung Kỳ dân biến, chí sĩ Phan Châu Trinh bị thực dân Pháp bắt ở Hà Nội, giải về Huế. Tòa Khâm sứ Huế và Nam triều đều muốn khép ông vào tội chết.

Nhưng nhờ sự can thiệp của những người Pháp có thiện chí và những đại diện của Hội Nhân quyền tại Hà Nội, chúng buộc lòng phải kết án: “Xử tử phát Côn Lôn, ngộ xá bất nguyên” (xử tử nhưng đày đi Côn Lôn, gặp ân xá cũng không tha). 3 năm bị đày ở đảo Côn Lôn (Côn Đảo), cụ Phan đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng người về chí khí bất khuất và lòng nhân ái của một người tù yêu nước.

Không chịu khuất trước cường quyền

Cụ Phan là “quốc sự phạm” (tù chính trị) đầu tiên bị đày ra đảo Côn Lôn. Trước đó, nơi đây chỉ có tù thường phạm. Khi cụ Phan ra đảo, ăn mặc, nói năng và cử chỉ đều khác tù thường, ma tà (lính canh tù – ĐNCT) và tù thường nghe nói cụ ở ngoài triều làm quan nên gọi là “quan to”. Cụ được thực dân Pháp đối xử khác với tù thường: không bận đồ tù, không ăn cơm tù, không làm công việc tù. Mỗi ngày, sớm mai và chiều được ra trước hiên để đi bách bộ một đôi giờ. Lúc mới ra đảo, cụ ở trong khám hơn một tuần, sau đó được quan Tham biện cho ra ngoài ở làng An Hải (một làng duy nhất của thổ dân trên đảo lúc bấy giờ) tập nghề đồi mồi làm kế sinh nhai hoặc đi câu, đi lưới. Chỉ mỗi tuần lễ, ngày chủ nhật mới vào trình diện phòng giấy Gardien Chef (Giám đốc bảo vệ – ĐNCT) một lần mà thôi.

Phan Châu Trinh (1872-1926) và di tích nhà tù Côn Đảo.

Mặc dù được thực dân Pháp “biệt đãi” hòng lung lạc nhưng trước sau cụ Phan vẫn giữ vững chí khí cao cả của nhà đại ái quốc. Cụ sáng tác bài thơ Đập đá nổi tiếng được truyền tụng sâu rộng ở Côn Lôn, trở thành “tuyên ngôn” của những người tù chính trị yêu nước đất Việt đầu thế kỷ XX: Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn/ Lừng lẫy làm cho lở núi non/ Xách búa đánh tan năm bảy đống/ Ra tay đập vỡ mấy trăm hòn/ Tháng ngày bao quản thân sành sỏi/ Mưa nắng càng bền dạ sắt son/ Những kẻ vá trời khi lỡ bước/ Gian nan chi kể chuyện con con.

Ba năm ở Côn Lôn, Phan Châu Trinh không hề chịu khuất trước cường quyền. Cụ Huỳnh Thúc Kháng kể lại: “Mới ra Côn Lôn còn tạm giam trong bagne (nhà ngục), tiên sinh gửi tiền cho một tên ma tà nọ mua thuốc giấy…, lâu mà không thấy đưa vào, tiên sinh ra cửa nhà giấy đòi mãi, tên nọ giận lắm, vu rằng tiên sinh chửi mắng lính. Gardien-Chef vào hỏi, tiên sinh biện bạch cứng cỏi. Chef Tây cầm roi mây lăm lại, tiên sinh giựt (nguyên văn, nghĩa là giật) mà bẻ gãy, anh Chef giận, xin với Tham biện phạt 7 ngày xiềng”.

Khi được ra ở ngoài làng An Hải, bọn hào lý ghét cụ Phan vì tính tình ngay thẳng, không chịu tuân theo lệnh như các tù nhân khác. Nhân dịp trong nhà ngục có dịch, ngày chết năm, ba người, chúng muốn trả đũa cụ bằng cách báo với quan Tham biện rằng người tù này tính tình ngang bướng, không tuân lệ làng và nhất định trả lại cho quan, làng không dám bảo lãnh nữa. Nghe vậy, cụ Phan khẳng khái nói: “Con ma chuyên chế, con sát cường quyền cũng kiêng ông thần tự do trong mình tau, đồ dịch quỷ làm gì”. Nói là làm, cụ vào phòng giam ở với anh em tù mấy ngày mà chẳng sợ dịch bệnh gì cả.

Giàu tình đồng chí

Hay tin cụ Huỳnh và các “tù quốc sự” bị đày ra đảo, đang ở ngoài làng An Hải, cụ Phan lật đật đi hỏi dò cho biết tên từng người. Khi nhóm tù vào khám độ 3 giờ chiều thì nơi cửa sổ nhỏ lưới sắt có người ở ngoài ném vào một viên gạch cùng mảnh giấy văng theo. Giở ra xem thì ra chính thư cụ Phan do tự tay cụ viết và nhờ anh em tù làm bếp đưa vào. Bức thư có đoạn: “Thoạt nghe tin anh em ra đây, dậm chưn van trời một tiếng! Đoạn, tự nghĩ anh em vì quốc dân mà hy sanh đến phải ra đây, chắc là có trăm điều vui mà không có chút gì buồn, đây là trường học thiên nhiên, mùi cay đắng trong ấy, làm trai giữa thế kỷ 20 này, không thể không nếm cho biết”.

Lúc cụ Huỳnh ra đảo, có mang theo một quyển Pháp-Việt từ điển của Trương Vĩnh Ký, một quyển Lecture language (Tập đọc) và một quyển Grammaire (Văn phạm) nhưng những sách ấy không được mang vào khám. Thật may, cụ Phan ở ngoài biết là sách của cụ Huỳnh liền chuộc lại gửi vào trong khám. Nhờ vậy, nhóm tù chính trị mới có điều kiện để tự học “chữ Tây” trong tù vào những lúc rảnh rỗi.

Khi Tú tài Dương Trường Đình ra Côn Lôn chưa đầy một năm thì cảm bệnh ho thổ huyết qua đời, cụ Phan đến thăm mộ phần, đem gà, rượu cúng và có bài tuyệt cú để viếng: Thanh sơn bích thủy ủng cô phần/ Phong vũ thiên nhai khấp cố nhân/ Vị cảm tận tình quyên huyết lệ/ Hồi đầu quốc thổ chính trầm luân. Huỳnh Thúc Kháng dịch: Non xanh nước biếc nấm mồ côi/ Mưa gió thương ai một góc trời/ Chưa dám hết lòng tuôn nước mắt/ Ngoảnh về nước cũ vẫn chơi vơi.

Hoàn cảnh cùng bị tù đày ở Côn Lôn càng khiến tình bạn, tình đồng chí giữa cụ Phan và cụ Huỳnh thêm thắm thiết. Cụ Huỳnh Thúc Kháng cho biết: “Chúng tôi ra đảo hơn 3 tháng, mà chưa được gặp mặt cụ Tây Hồ. Chỉ thông tin và nói chuyện trên tờ giấy (chúng tôi ở trong khám, còn cụ ở ngoài làng An Hải). Một ngày nọ, tôi mượn cái thẻ bài của một tên tù làm sở rẫy, ra làm ngoài sở rau nọ, mới được gặp cụ đi câu cá gần đó, chúng tôi mới xin phép người cai cùng nhau nói chuyện mấy phút đồng hồ. Tôi thấy cụ rụng 2 cái răng cửa mà cụ thấy tôi tóc bạc nhiều, nên lấy làm lạ (tôi 30 tuổi thì tóc bạc, năm ấy 33 tuổi tóc bạc hết gần nửa). Hai chúng tôi ngó nhau thì cười. Tôi có bài tuyệt: Khả lân câu thị đáo Côn Lôn/ Bỉ thử Sâm Thương kỷ hiểu hôn/ Ngã phát thương thương quân xỉ lạc/ Trương phùng nhất tiếu lưỡng vô ngôn. Dịch: Kiếp tù chung một cõi ven trời/ Hai ngả Sâm Thương cách mỗi nơi/ Tóc tớ bạc phơ răng bác rụng/ Gặp nhau không nói ngó nhau cười”.

Vân Trình

Tài liệu tham khảo cho bài viết:

  • Mính Viên Huỳnh Thúc Kháng, Phan Tây Hồ tiên sinh lịch sử, Anh Minh xuất bản, 1959.
  • Mính Viên Huỳnh Thúc Kháng, Thi tù tùng thoại, Nhà xuất bản Nam Cường, 1951.
Rate this post
Bài trước
Lịch nước rút Hòn Bà Vũng Tàu tháng 11/2019
Bài sau
Hồ An Hải – Côn Đảo
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.