Ngời sáng tinh thần cách mạng từ lịch sử nhà tù Côn Ðảo

Côn Đảo là một trong những quần đảo tiền tiêu, nằm về hướng Đông Nam của Tổ quốc Việt Nam. Trong suốt 113 năm (1862 – 1975), Côn Đảo nổi tiếng là “Địa ngục trần gian”. Dưới hai thời kỳ thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã biến nơi đây thành nơi giam giữ, đọa đày của các chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước Việt Nam. Hàng vạn người con ưu tú của đất nước đã vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất Côn Đảo, trong đó có rất nhiều những người con ưu tú của Bến Tre.

Nhiều chiến sĩ bị tù đày

Hoạt động triển lãm chuyên đề “Côn Đảo – Điểm đến văn hóa và du lịch”, với hơn 200 ảnh tư liệu về Côn Đảo hiện đang được trưng bày tại khuôn viên Bảo tàng Bến Tre nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23-11-1945 – 23-11-2020). Trong đó, nhiều hình ảnh, thông tin về những người chiến sĩ cách mạng Bến Tre đã được giới thiệu, điển hình là ông Nguyễn Văn Bích (quê gốc huyện Ba Tri) – chồng của bà Ba Định (Nữ tướng Nguyễn Thị Định). Trong phong trào đấu tranh năm 1940, ông công tác tại Tỉnh ủy Bến Tre, thường hoạt động tại xã Lương Hòa và gặp gỡ người bạn đời của mình là bà Nguyễn Thị Định. Ông cũng đã dẫn dắt vợ mình theo cách mạng. Trong một lần xuống cơ sở, ông bị địch bắt, đày ra nhà tù Côn Đảo. Tại đây, với chế độ lao tù khắc nghiệt, ông bệnh nặng và qua đời ngày 24-7-1942. Phần mộ của ông hiện nằm tại khu A của Nghĩa trang Hàng Dương – Côn Đảo.

Di tích chuồng cọp Mỹ

Cũng là người con ưu tú của Bến Tre, ông Võ Ái Dân (bí danh Mười, quê quán xã Mỹ Hưng, huyện Thạnh Phú). Ông nguyên là Vụ trưởng Vụ Công tác phía Nam thuộc Văn phòng Quốc hội. Trong quá trình hoạt động cách mạng, ông bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa bắt đày ra nhà tù Côn Đảo từ năm 1964 – 1975. Ông hiện sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh.

Hay ông Phạm Khải Hoàn (tên trong tù là Lê Văn Diệp), quê quán xã Mỹ Hưng, huyện Thạnh Phú. Ông nguyên là Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh. Trong chiến tranh, ông tham gia hoạt động cách mạng và bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa bắt đày ra nhà tù Côn Đảo từ năm 1968 – 1969.

Ngoài ra, còn nhiều cán bộ, chiến sĩ cách mạng của Bến Tre bị địch bắt và chịu khổ hình nơi nhà tù Côn Đảo như: ông Đặng Quốc Tuấn (Sáu Tuấn), quê quán xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm. Ông nguyên là Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Bến Tre. Ông tham gia cách mạng và bị địch bắt đày ra Côn Đảo tháng 6-1962.

Hay bà Trịnh Thị Thu Nga (bí danh Út Huyền), quê quán huyện Mỏ Cày. Bà nguyên là Giám đốc Bảo hiểm Xã hội TP. Hồ Chí Minh. Trong chiến tranh, bà là nữ tình báo làm việc trong Văn phòng Quốc hội, chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Bà bị phát hiện và bị bắt đày ra Côn Đảo đến 2 lần.

Một trong những người bị đày ở nhà tù Côn Đảo lâu nhất là ông Trịnh Hoàng Hoanh (tên trong tù là Cao Văn Xuân), quê quán xã Tân Thủy, huyện Ba Tri. Trong quá trình hoạt động cách mạng, ông bị địch bắt đày ra nhà tù Côn Đảo từ năm 1960 – 1975.

Tiếp nối truyền thống

Tham dự buổi gặp gỡ trong khuôn khổ hoạt động họp mặt Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam, ông Lê Văn Thức – cựu tù chính trị Nhà tù Côn Đảo đã có những phút trải lòng chia sẻ về những ngày, tháng không thể nào quên tại “Địa ngục trần gian”. Ông Thức sinh năm 1941, quê quán xã Tân Thạch, huyện Châu Thành. Ông là cán bộ giao liên tình báo hoạt động trong hàng ngũ của địch. Năm 1968, ông bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa bắt và đày ra nhà tù Côn Đảo đến ngày giải phóng 30-4-1975.

Ông chia sẻ: “Tôi tham gia hoạt động trong đội ngũ tình báo an ninh Khu 8. Tôi được tổ chức cài vô hàng ngũ sĩ quan của địch làm tình báo cho cách mạng ta. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, tôi đã phục vụ cung cấp tin tức và vẽ mấy cơ sở đánh phá của địch. Trong một lần hoạt động, tôi bị địch phát hiện, bắt và xử tử hình, đày ra Côn Đảo (cuối năm 1968) suốt 7 năm ròng. Đến ngày giải phóng, tôi đã trải qua hầu hết các trại của nhà tù Côn Đảo vì chúng luân chuyển, bị còng xích, biệt giam, hành hạ… Nhưng ý chí, tư tưởng của tôi đã được tổ chức cách mạng tại nhà tù củng cố, vun bồi nên dù trong hoàn cảnh khắc nghiệt nào, người cán bộ, chiến sĩ cách mạng vẫn giữ vững tinh thần, ý chí”.

Theo ông Thức, các thế hệ của ông đã sống và cống hiến hết mình cho cách mạng, cho Tổ quốc. Thế hệ trẻ hôm nay phải tiếp tục kế thừa. Tuy nhiên, hoàn cảnh và điều kiện tình hình đã khác. Đó là gìn giữ, bảo vệ Tổ quốc, góp phần phát triển quê hương, đất nước. Điều quan trọng là phải rèn luyện bản lĩnh chính trị, đoàn kết, giữ vững niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và thực hiện tốt các chủ trương.

Cũng là một cựu tù chính trị tại nhà tù Côn Đảo, ông Trần Văn Bộ (tên khác là Trần Văn Nhiệm, Ba Nhiệm) cũng đã bồi hồi nhớ về những năm tháng khắc nghiệt ấy và bày tỏ niềm vui vào sự phát triển của tỉnh nhà. Ông Bộ sinh năm 1936, tại xã Tân Thanh, huyện Giồng Trôm. Ông bị địch bắt trong phong trào học sinh – sinh viên tại Sài Gòn và bị đày ra nhà tù Côn Đảo. Án câu lưu vô thời hạn từ tháng 5-1965 nhưng đến tháng 3-1967, ông vượt ngục thành công về đất liền. Ông nói: “Sau giải phóng, Bến Tre đã nỗ lực trong khắc phục hậu quả chiến tranh, vượt qua khó khăn để từng bước phát triển đi lên. Đây là một sự nỗ lực rất lớn của lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, của toàn thể quân dân Bến Tre. Chúng ta cần tiếp tục phấn đấu nhiều hơn nữa để đưa tỉnh nhà càng phát triển hơn, giàu mạnh hơn, văn minh hơn”.

Những tấm gương của các cựu tù chính trị người Bến Tre tại Côn Đảo ngời sáng tinh thần cách mạng cho các thế hệ noi theo. Năm 2012, nhà tù Côn đảo, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt. Hiện nơi đây đang là địa điểm du lịch thu hút đông đảo du khách đến tham quan, tìm hiểu, cũng như viếng thăm nơi yên nghỉ của các cán bộ, chiến sĩ cách mạng Việt Nam.

Bài, ảnh: Ánh Nguyệt
Báo Đồng Khởi

5/5 - (1 bình chọn)
Previous Post
Lịch chạy tàu cao tốc Côn Đảo – Sóc Trăng tháng 12/2020
Next Post
Điều chỉnh giờ khởi hành tuyến Côn Đảo – Trần Đề từ ngày 10-31/12/2020
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.