Côn Đảo nơi ghi dấu bao đau thương của người dân Việt Nam trong những năm tháng chiến tranh. Với truyền thống uống nước nhớ nguồn, những ngày tháng Tư lịch sử, du khách đến với Côn Đảo dường như đông hơn.
Ai cũng muốn một lần đến viếng nghĩa trang Hàng Dương để có thể thắp một nén hương thơm tưởng nhớ các Anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì nền độc lập của dân tộc…
Nhà tù Côn Đảo (1862-1975) được mệnh danh là “địa ngục trần gian”, nơi kẻ thù đã giam cầm hàng chục ngàn tù nhân, nơi có hơn 20.000 liệt sỹ đã hy sinh bởi bị tra tấn tàn bạo. Ngày 19/12/1992, nghĩa trang Hàng Dương đã được khởi công xây dựng trong khuôn viên rộng gần 20 ha.
Nghĩa trang Hàng Dương đã quy tập 1.913 ngôi mộ tập chia thành 4 khu A, B, C, D. Trong đó khu vực A, B, C là các nghĩa trang cũ, và D là diện tích khu mộ mới được thiết lập. Trong số 1.913 ngôi mộ trong các ngôi mộ nghĩa trang chỉ 793 có tên địa chỉ cụ thể, số còn lại là những ngôi mộ vô danh. Đây cũng là nơi an nghỉ của nhiều nhà yêu nước Nguyễn An Ninh, Cố Tổng bí thư Lê Hồng Phong, Nữ anh hùng Võ Thị Sáu …
Một điều rất đặc biệt ở nghĩa trang Hàng Dương là du khách thường đến viếng mộ về đêm. Cả 365 ngày, nắng cũng như mưa, bốn mùa nắng gió, trước 12 giờ đêm dòng người lại tấp nập đổ về nghĩa trang. Mỗi ngôi mộ liệt sỹ đều có một đèn chiếu sáng sử dụng năng lượng mặt trời, càng về đêm đèn càng sáng khiến cả nghĩa trang Hàng Dương trở nên lung linh, huyền ảo và linh thiêng đến bất tận… Tiếng nhạc chiêu hồn tử sỹ phát ra nhè nhẹ như một bản giao hưởng ru ngủ ngàn đời nhớ anh hùng, liệt sĩ, những người yêu nước đang yên nghỉ tại đây.
Nghĩa trang Hàng Dương thiêng liêng gắn liền với mộ của Nữ anh hùng Võ Thị Sáu mà nhiều người thường gọi thân thương Cô Sáu. Không rõ từ bao giờ, khi nào, nhưng ai đến đây cũng đều tin rằng, lúc 0h00 là thời điểm người ở cõi âm và trần gian có thể liên lạc được với nhau thông qua tâm niệm. Phải chăng vì thế mà đêm đêm du khách đến với nghĩa trang Hàng Dương đông vui không kém ngày hội. Côn Đảo ngày nay không còn là “Địa ngục trần gian”, mà là địa chỉ du lịch tâm linh của nhiều người, kể cả khách quốc tế.
Đêm càng về khuya, sự thiêng liêng càng trở nên bất tận, một hai giờ sáng, ai nấy đều bịn rịn khi phải rời Nghĩa trang Hàng Dương, tạm biệt Cô Sáu, tạm biệt các Anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì nền độc lập tự do của dân tộc. Nghĩa trang Hàng Dương Côn được công nhận là Nghĩa trang Quốc gia, năm 1992, khi xây dựng, các phần mộ được giữ nguyên không quy hoạch lại, nên các phần mộ nằm theo các hướng khác nhau, được ốp đá cục chung quanh, đơn sơ giản dị.
Người đến viếng nghĩa trang Hàng Dương đều cầu mong cuộc sống tốt đẹp, bình an… Ngoài nhang, hoa, quả, nhiều người còn mang cả gương, lược, nón, áo dài để cúng Cô Sáu. Đến đây, dường như ai cũng thấy mình sống chưa xứng đáng với những người đã ngã xuống, ai cũng trầm tư để quên hết những tạp niệm thường ngày… Cái thiện sẽ thắng cái ác, tham sân si sẽ ngủ quên, nếu ai đã một lần đến viếng nghĩa trang Hàng Dương vào lúc 0 giờ.
Chúng tôi đã đến viếng Nghĩa trang Hàng Dương, viếng mộ Cô Sáu vào một đêm tĩnh mịch của những ngày tháng Tư lịch sử. Đi hết nghĩa trang linh thiêng, tôi không thấy cảm giác run sợ như mọi người đã kể, nhưng quả thật là không dám thở mạnh. Đêm khuya, dòng người đổ về nghĩa trang ngày một đông, ai cũng đi thật nhẹ, thật khẽ, thành kính thắp nhang với những lời nguyện cầu thì thầm, thì thầm…
Tôi cũng đã thì thầm, thì thầm, cầu xin một điều thôi: “Bố của con cũng là liệt sỹ, đang yên nghỉ ở một nghĩa trang khác, cầu mong hương hồn các Anh hùng liệt sỹ an nghỉ bình yên, phù hộ cho chúng con chân cứng đá mềm, đi đến nơi về đến chốn.”
Đến thăm Côn Đảo, ngoài nghĩa trang Hàng Dương bạn sẽ choáng ngợp trước cảnh đẹp thanh bình nơi đây. Côn Đảo đẹp bởi biển xanh, cát trắng, nắng vàng, Côn Đảo còn có những con đường rợp mát bóng cây sạch bóng và đẹp như mơ. Phố ở Côn Đảo là những phố nhỏ, tĩnh lặng nép mình bên những bức tường rêu phong huyền thoại đẹp đến nao lòng… Một không gian rộng mở, thơ mộng, một màu xanh ngắt trải dài kỳ vĩ, thấp thoáng 13 hòn đảo lớn nhỏ ở Côn Đảo sẽ níu chân du khách…
Nguồn: sưu tầm Internet