Mứt hạt bàng Côn Đảo – “đậm tình đất, thắm tình người”

Đến với Côn Đảo hôm nay, có rất nhiều con đường, với nhiều cây bàng cổ thụ được gắn bảng “cây di sản”. Cây bàng ở Côn Đảo còn là loại cây cho địa phương một sản phẩm phục vụ du lịch rất đặc biệt – đó là mứt hạt bàng Côn Đảo.

Ở Côn Đảo, du khách có thể bắt gặp hình ảnh cây bàng ở khắp nơi, từ những con đường ven biển, công viên, cơ quan, trụ sở, sân nhà cho đến các di tích lịch sử. Ngày trước, cây bàng cùng tù nhân Côn Đảo vượt qua những năm tháng đấu tranh cách mạng ở chốn “địa ngục trần gian”. Ngày nay, cây bàng lại gắn bó với đời sống của người dân Côn Đảo và chứng kiến biết bao sự thay da đổi thịt của mảnh đất này. Bởi thế, cây bàng cũng được coi là “chứng nhân” trong nhiều giai đoạn lịch sử của Côn Đảo.

Du khách chọn mua hạt bàng tại siêu thị quà tặng Côn Đảo. Ảnh: MỸ LƯƠNG

Mùa bàng chín rộ vào khoảng tháng 6, 7 hàng năm. Khi trái bàng rụng xuống, người dân Côn Đảo tranh thủ thời gian rảnh rỗi đi nhặt hạt bàng về phơi khô và tách vỏ lấy nhân làm mứt. Mứt nhân trái bàng có màu trắng đục, ăn bùi và ngậy. Ở Côn Đảo nhiều hộ dân làm mứt hạt bàng bán để có thêm thu nhập và tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng, ý nghĩa cho hòn đảo đầy ắp lịch sử này.

Theo các hộ dân làm mứt ở Côn Đảo, hạt bàng hiện chế biến hoàn toàn thủ công, được rang chủ yếu theo 3 loại, vị mặn, ngọt và loại để “mộc’’, tức không thêm gia vị, hoàn toàn vị tự nhiên của hạt bàng. Công đoạn chế biến chỉ là phơi khô, dùng dao chẻ từng trái lấy nhân ra, rồi rang sao cho khéo léo để có những sản phẩm thơm ngon bán cho người dân địa phương và du khách, tuy nhiên cũng rất công phu, phơi khô chừng 4-5 nắng rồi dùng dao đập vỏ tách lấy hạt. Mất vài giờ đồng hồ vừa chẻ vừa tách trái bàng, dùng tăm khều lấy hạt ra cũng chỉ được vài trăm gram hạt. Sau đó đem rang lên cho khéo để có được những hạt bàng mập mạp đều nhau. Đây là lý do vì sao hạt bàng Côn Đảo có giá cao. Ngoài ra, trong quá trình chế biến, có thể cho thêm lá dứa hoặc gừng vào nhằm làm phong phú hương vị và thêm sự lựa chọn cho khách hàng.

Thường thì bàng rang ngọt khó hơn rang muối vì nếu không biết canh lượng đường, canh lửa thì đường sẽ không khô và không bám đều lên khắp hạt bàng. Vị bùi bùi, thơm thơm và lại không quá béo nên hạt bàng dễ ăn, rất ngon và cũng không chán.

Mỗi mẻ rang khoảng vài kg, trong thời gian 1 tiếng, để lửa nhỏ và phải đảo thật đều tay để bàng không bị cháy. Một kg hạt bàng rang tùy thời điểm có giá dao động từ 320.000-400.000 đồng. Giờ đây, để đáp ứng nhu cầu và thuận tiện cho khách, các cửa hàng đóng gói với trọng lượng từ 200gram đến 1kg cho khách mua làm quà. Nơi thì đóng vào bịch ni lông hút chân không, cũng có nơi đóng vào hũ nhựa để khách có nhiều lựa chọn. Chị Nguyễn Thị Thu Hà, du khách đến từ Hà Nội cho biết: “Tôi đến Côn Đảo 3 lần, lần nào cũng mua mứt hạt bàng về làm quà cho người thân và bạn bè ở cơ quan. Ai cũng thích, thậm chí biết tôi đi Côn Đảo, bạn bè nhắn tin mua giùm mứt hạt bàng”.

Cây bàng Côn Đảo

Dạo quanh huyện đảo, mứt bàng có mặt ở hầu hết các sạp hàng bán đồ lưu niệm và đặc sản Côn Đảo. Nhắc đến mứt bàng là người dân đảo và du khách hầu như ai cũng đã từng nghe. Hiện nay, trên mảnh đất Côn Đảo, bên cạnh những cây bàng cổ thụ đã hiện diện hàng trăm năm qua, còn có rất nhiều cây bàng được trồng trên các tuyến đường, công sở, trường học, ven biển… Đây là nguồn nguyên liệu để người dân đảo nhặt về chế biến món mứt bàng.

Côn Đảo mùa này bàng đang xanh lá để mỗi bước chân người trên huyện đảo đều được chở che, mát dịu. Lắng đọng trong tiếng lá bàng xào xạc, câu chuyện của đảo hôm qua, hôm nay, luôn nhắc nhớ, gọi mời. Rồi đến mùa bàng đơm bông, kết trái, bàng lại cho nơi đây món quà đặc biệt – mứt bàng Côn Đảo – món quà đặc sản mang đậm dấu ấn Côn Đảo mà rất nhiều du khách khi đến đây đều mua về làm quà; để rồi dù ở đâu, mỗi khi nhìn thấy chiếc lá bàng xanh lòng lại nhớ Côn Đảo với cảm xúc tự hào và yêu thương.

THÁI THỦY
Báo bà Rịa – Vũng Tàu

4/5 - (2 bình chọn)
Bài trước
Hồ An Hải – Côn Đảo
Bài sau
Thành lập Trung tâm Bảo tồn Di tích Quốc gia Côn Đảo
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.