Là một quần đảo nằm cách xa đất liền 97 hải lý về phía Đông Nam của Tổ quốc, địa danh Côn Đảo ngay từ xa xưa đã là địa bàn cư trú của cư dân cổ. Kết quả khai quật di chỉ khảo cổ học Hòn Cau, Cồn Hải Đăng, Cồn Miếu Bà cho thấy cách ngày nay từ 3.000 – 2.500 năm đã có con người sinh sống tại quần đảo này.
Côn Đảo nằm trên tuyến đường hàng hải quốc tế nên khoảng thế kỷ thứ IX đã được người phương tây viếng thăm. Năm 1760 chúa Nguyễn ở Đàng Trong đã cho di dân và cử người ra cai quản Côn Đảo, nhưng chưa lập thành làng, xóm. Vào năm 1783 Nguyễn Ánh bôn tẩu ra Côn Đảo tránh sự truy đuổi của nghĩa quân Tây Sơn, Ông đã lập ra ba làng dân cư Cỏ Ống, An Hải, An Hội. Ngày 28 tháng 11 năm 1861 Thực dân Pháp ngang nhiên đánh chiếm quần đảo và thiết lập nên một hệ thống nhà tù lớn nhất Đông Dương. Từ đây Côn Đảo trở thành “Địa ngục trần gian”, nơi lưu đày những người yêu nước và các chiến sĩ cách mạng Việt Nam suốt 113 năm (1862 – 1975).
Ngày nay Côn Đảo đang từng bước xây dựng và phát triển trở thành một địa chỉ đỏ, một địa điểm du lịch đầy tiềm năng, thu hút đông đảo du khách trong nước và nước ngoài đến tham quan, tìm hiểu lịch sử văn hóa, lịch sử đấu tranh cách mạng của các thế hệ tù nhân ở nhà tù Côn Đảo.
Đồng hành cùng lịch sử Côn Đảo là sự hiện diện của con người. Những chủ nhân của vùng đất này đã lưu lại những địa danh văn hóa: Núi Chúa, Cỏ Ống, An Hải, An Hội, Đầm Tre, Ông Đụng, Ông Câu, Hòn Cau, Hòn Trác, Hòn Tài, Hòn Trứng, Đầm Trầu, Đất Dốc…đã ăn sâu vào tiềm thức, niềm tự hào của người dân địa phương. Các địa danh được lưu truyền trong dân gian Côn Đảo cho đến tận ngày nay. Những cái tên nghe dân dã, mộc mạc nhưng chứa đựng tâm tư, tình cảm, khát vọng tình yêu, cùng những nỗi trắc trở, éo le trong cuộc sống, làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần cho huyện đảo.
Địa danh bãi Ông Đụng:
Chuyện kể rằng vào thời các chúa Nguyễn cai trị, tại xứ Gò Công có gia đình phú ông giàu có, sinh được người con trai duy nhất, đặt tên là Hai Đụng. Vì là con trai một nên ngay từ nhỏ, cậu Hai đã được cha mẹ cưng chiều. Lớn lên Cậu trở thành kẻ phá gia chi tử, suốt ngày lêu lổng chơi bời với đám bạn bè hư hỏng. Cha mẹ cậu lo rằng đến khi mình chết đi, Cậu sẽ làm tiêu tan hết gia sản do ông bà để lại, nên đã cưới vợ để có người quản lý cậu Hai. Vợ của Hai Đụng là con một ông thày dạy võ cùng làng, vừa xinh đẹp, vừa giỏi võ, tên là nàng Hai.
Từ ngày có vợ, cậu Hai Đụng bị quản thúc chặt chẽ. Thậm chí những lúc quá đáng còn bị vợ thượng cẳng chân, hạ cẳng tay, khiến cho cậu vừa sợ vừa tức. Hai Đụng liền lập kế hãm hại vợ. Biết nàng Hai hay giặt đồ, rửa bát dưới cầu ao, Hai Đụng liền chặt buồng dừa, ròng dây buộc sẵn, núp kín một chỗ chờ thời cơ. Khi nàng Hai ra cầu ao, Hai Đụng liền thả sợi dây, buồng dừa rớt trúng đầu khiến cô vợ chết liền tại chỗ. Thế nhưng mọi người lại cho rằng nàng chết do tai nạn. Từ khi vợ chết không có người quản lý, Hai Đụng tha hồ ăn chơi phá phách cùng đám bạn xấu. Của cải trong nhà dần đội nón ra đi, đến khi không còn gì thì đám bạn cũng bỏ rơi cậu. Lúc này hối hận cũng đã muộn, phần bị dân làng xa lánh, phần bị lương tâm cắn rứt, Hai Đụng đã đến cửa quan đầu thú tội giết vợ. Quan xử với tội giết người, Cậu phải bị đày biệt xứ ra Côn Đảo. Ngày ấy những phạm nhân ra Côn Đảo không bị giam giữ, mà họ được tự do làm ăn sinh sống. Ra đến đảo nhưng trong lòng cậu Hai vẫn luôn ray rứt, ân hận về những việc mình đã làm. Cậu bèn chọn một bãi đất tách biệt về hướng tây bắc của đảo, sinh sống một mình tại đấy cho đến chết , sau này bãi biển đó được gọi là bãi ông Đụng.
Địa danh Hòn Cau và bãi Đầm Trầu:
Theo truyền miệng dân gian, vào cuối thế kỷ XVIII có một đôi nam nữ, chàng trai là Trúc Văn Cau, cô gái tên là Mai Thị Trầu sinh sống và lớn lên tại làng Cỏ Ống. Họ đem lòng yêu thương nhau. Cho đến khi nàng mang thai, chàng Cau về xin với cha cho cưới nàng Trầu làm vợ. Chuyện đến nước này, người cha đành phải thú nhận rằng nàng Trầu chính là em cùng cha khác mẹ của chàng Cau. Chuyện tình vỡ lở, chàng Cau đau khổ đã âm thầm bỏ làng ra đi trên một chiếc bè trôi sang một hòn đảo khác, cách làng Cỏ Ống khoảng 10 dặm về phía đông bắc. Sau đó ít lâu chàng cưới một cô thôn nữ áo nâu và sinh sống suốt đời, không trở về làng cũ nữa. Khi Chàng chết người ta đặt tên gọi là Hòn Cau. Còn nàng Trầu trong lúc bụng mang dạ chửa, trông ngóng mãi người yêu vẫn bóng chim tăm cá. Nàng còn bị dân làng dèm pha, dị nghị nên đã trầm mình tự vẫn tại một đầm nước gần đấy, ngày nay có tên là bãi Đầm Trầu. Cho đến bây giờ trong dân gian vẫn còn lưu truyền câu ca dao :
Đi đâu mà chẳng thấy về
Hay là quần tía dựa kề áo nâu
Ai về nhắn với Ông Câu
Hòn Cau cách bãi Đầu Trầu bao xa
Về phần Ông Câu (bố của chàng Cau) vì xấu hổ với dân làng, Ông đã chọn một bãi biển nằm khuất về phía tây bắc đảo, sống ẩn dật ở đó cho đến chết, sau này có tên gọi là bãi Ông Câu.
Địa danh Hòn Bà:
Năm 1783, Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn truy đuổi đã chạy ra Côn Đảo tị nạn, mang theo khoảng 100 gia đình thuộc hạ và một số bầy tôi thân tín. Ông đã chọn một hang đá trên đỉnh núi để trú ẩn và xây dựng lực lượng, chờ thời cơ phản công. Ngọn núi đó ngày nay có tên là Núi Chúa. Một thời gian sau Nguyễn Ánh có ý định đưa Hoàng tử Cảnh (Con trai người vợ lớn của Nguyễn Ánh) cùng ấn tín sang Pháp làm con tin, để cầu viện đánh lại Tây Sơn. Bà thứ phi Phi Yến, (người đã theo ra Côn Đảo để hầu hạ ông), khi biết chồng mình có ý định nhờ vả ngoại bang đã lên tiếng khuyên can rằng: “Thiếp nghĩ, đánh nhau với Tây Sơn là chuyện trong nhà, chúa công không nên nhờ vả ngoại bang, e sẽ có nhiều điều rối rắm về sau”…chỉ với bấy nhiêu lời khuyên can chân tình của người vợ trẻ, đã khiến cho Nguyễn Ánh nổi trận lôi đình. Nghi ngờ bà Phi Yến có ẩn ý thông đồng với quân Tây Sơn, nên đã ra lệnh đưa bà ra xử chém. Cũng may là có một số quan trung thần xin giảm án cho bà. Nguyễn Ánh ra lệnh nhốt bà Phi Yến vào một hang đá trên hòn đảo hoang vắng, nằm về phía tây nam của quần đảo, chỉ để một ít lương thực và một chung nước lã, ý định khi dùng hết bà sẽ
chết đói. Hòn đảo được mang tên Hòn Bà từ đấy. Trong dân gian Côn Đảo còn lưu truyền mấy câu thơ ca ngợi bà Phi Yến, người phụ nữ trung trinh tiết liệt, giàu lòng ái quốc:
Lòng đất chôn sâu niềm uất hận
Lưng trời đeo mãi vết tang thương
Thương người cô phụ liều thân thể
Trách kẻ tà tâm dạ khó lường
Địa danh Hòn Trác – Hòn Tài:
Truyền thuyết kể lại rằng, có hai anh em sinh đôi, người anh là Đặng Phong Tài, em là Đặng Trác Vân, ứng lệnh vua Hàm Nghi đứng lên chống Pháp. Sau đó thất bại, hai anh em lần lượt bị bắt và bị đày ra Côn Đảo. Trong thời gian ở đảo, người anh cưới một cô vợ người địa phương tên là Đào Minh Nguyệt. Vì hai anh em sinh đôi rất giống nhau, lại chung sống trong một gia đình, nên nhiều lần người chị dâu xinh đẹp luôn nhầm lẫn giữa chồng và chú em chồng mà mình cảm mến. Để tránh sự hiểu lầm đáng tiếc xảy ra và không muốn làm anh trai bị tổn thương, nên Đặng Trác Vân đã bỏ sang một hòn đảo nhỏ. Người anh rất thương em, nên có ý đi tìm. Nhưng khi sang tới nơi thì người em lại bỏ trốn sang hòn đảo khác. Cứ như thế hai anh em đuổi nhau trên mấy hòn đảo, nhưng không gặp được nhau. Về sau mỗi người chết trên một hòn đảo. Hòn Trác – Hòn Tài có tên từ đó. Dân gian Côn Đảo đã mượn tâm sự của người vợ cô quạnh ở lại trên đảo lớn, mà nhắn sang rằng :
Ai sang Hòn Trác, Hòn Tài
Cho em nhắn gởi một vài câu thơ
Đêm suông gió lặng, sao mờ
Trăng khuya chếch bóng vẫn chờ đợi mây
Chừng nào núi Chúa hết cây
Côn Lôn hết đá, dạ này hết thương
Côn Đảo là một vùng đất thiêng liêng, chứa đựng trong đó những giá trị lịch sử đấu tranh cách mạng hào hùng của dân tộc. Côn Đảo được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh quan tự nhiên xinh đẹp, thơ mộng. Mỗi rừng cây, bãi cát, suối nguồn…đều mang đậm dấu tích văn hóa của người xưa. Đó là những di sản văn hóa quí báu, truyền lại cho các thế hệ mai sau. Người Côn Đảo hiền hòa, mến khách, giàu tình cảm. Tất cả những yếu tố đó đã góp phần tạo nên một vùng đất du lịch hấp dẫn, và không ngừng khám phá qua những địa danh tuy đã nghe quen nhưng vẫn luôn mới mẻ.
Phùng Thị Hương
https://www.baotangbrvt.org.vn