Côn Đảo là một điểm đến đầy quyến rũ và luôn gây sự tò mò. Trong những bài học địa lý, nhìn trên bản đồ chỉ thấy đó là một chấm nhỏ.
Trước đây, những cuộc hành trình đi Côn Đảo chủ yếu chỉ bằng phà với thời gian cả một đêm. Nay thì đi tàu tốc hành từ Sóc Trăng, Cần Thơ, Vũng Tàu hay bay bằng máy bay đều được. Từ TP.Hồ Chí Minh bay chừng 50 phút là đến Côn Đảo. Dĩ nhiên là sân bay ở đây nhỏ, xinh xinh chứ không to lớn như những sân bay khác. Nhưng như thế là đủ thỏa lòng.
Côn Đảo là một huyện của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Ở đây có những con đường nhỏ gần như vắng người qua lại, nhiều cây xanh mà tôi không thể nào biết tên. Chúng tôi ở một khách sạn nhỏ trên đường Võ Thị Sáu, đây gần như là con đường trung tâm vì gần chợ, gần các điểm di tích Nhà tù Côn Đảo, cầu tàu 914 và gần cả các quán cà phê. Nói không ngoa là chỉ cần đi bộ trong vòng một ngày là sẽ thuộc hết các con đường quen. Cây cối ở đây xanh mướt, được chăm sóc vô cùng cẩn trọng khiến cho người tìm đến có cảm giác an bình thay vì sự mường tượng trước khi đến rằng nơi đây từng là một nhà tù khổ sai.
Rất ít xe bán bánh mì, nếu đếm hết chừng 6 xe, và cũng bán giống như bánh mì trong đất liền. Còn ăn sáng thì gần như tập trung ở một khu vực gọi là chợ cũ. Các món ăn dẫu không đa dạng nhưng đủ hài lòng thực khách như phở, hủ tíu, cơm tấm… tất nhiên là cách chế biến khác với trong đất liền. Còn các quán cà phê thì khá nhiều, mặt bằng rộng rãi, kê bàn ghế ra lề đường cho khách ngồi thoải mái bởi ít người đi bộ trên vỉa hè. Chúng tôi ghé bốn quán cà phê thì cách bán cũng khác nhau, nhưng cà phê ở đây pha ngon, lại thường mở những bản nhạc xưa, tạo cho không gian quán một vẻ gì lãng mạn. Như bà chủ quán nói thì bởi Côn Đảo quá nhỏ, nên khách quen và khách vãng lai họ rất dễ dàng nhận ra không nhầm lẫn vào đâu được. Nhưng dẫu bạn là khách vãng lai thì quán cũng bán đúng giá chứ không nâng giá.
Các quán ăn thì tương đối đa dạng, thịnh nhất là quán bán hải sản, vì Côn Đảo bao bọc bởi biển và phần lớn người dân sống bằng nghề biển. Chúng tôi ghé một quán bán ốc gần chợ Côn Đảo. Quán rất đông khách và bán ốc theo đĩa với giá 90 – 100 nghìn đồng/đĩa. Cách chế biến chủ yếu là hấp và rang muối tùy theo loại ốc. Đặc biệt món cá thu một nắng ở đây rất ngon với giá 250 nghìn đồng/kg. À, hạt bàng là đặc sản ở đây và du khách ai cũng mua về vài ký để làm quà. Giá cả khi khảo sát trên mạng trung bình 500 nghìn đồng/kg, nhưng ở chợ thì bán giá chỉ 400 nghìn với loại hạt bàng rang, 350 nghìn với hạt bàng trộn đường, gừng hoặc lá dứa. Một số quán bên ngoài thì bán chỉ còn 350 nghìn và 300 nghìn.
Ở con đường Võ Thị Sáu tập trung bán hoa nhập từ Đà Lạt để cho khách đi viếng nghĩa trang Hàng Dương, viếng mộ chị Võ Thị Sáu. Ở đây, ngoài chương trình thăm bảo tàng, nhà tù, nhà chúa đảo, chuồng cọp thì có đi thăm nghĩa trang Hàng Dương. Hoa gồm hoa sen, hoa hồng và hoa cúc đều màu trắng, mỗi giỏ có luôn trái cây là 350 nghìn đồng hoặc chỉ có hoa thì từ 150 – 300 nghìn đồng. Người đi viếng mua hoa rất đông, cho nên hoa bán rất nhanh. Cũng từ con đường Võ Thị Sáu, đi bộ ra biển rất gần. Biển ngay cầu tàu 914 có bia tưởng niệm 914 người là tù nhân đã ngã xuống khi làm cầu tàu. Con đường ven biển rất đẹp, có hàng bàng di sản được giữ gìn rất cẩn trọng. Từ con đường này đi thẳng sẽ đến sân bay Cỏ Ống.
Với tôi, Côn Đảo giống như một nốt nhạc trầm. Trên những con đường, xe vẫn dừng lại khi có đèn đỏ dẫu chẳng có xe ngược chiều, những người buôn bán nói giọng Cần Thơ hay Kiên Giang làm cho ly cà phê buổi sáng thêm vị, và cả tiếng sóng vỗ bờ âm vang như đang vọng vào tận đất liền…
KHUÊ VIỆT TRƯỜNG
Báo Quảng Nam