Mấy vấn đề về khai thác du lịch văn hóa tâm linh ở Côn Đảo

Côn Lôn là một quần đảo bao gồm 16 hòn đảo lớn nhỏ, với tổng diện tích là 76.71 km2, trải ra trên một vùng biển có toạ độ địa lý từ 106031’ đến 106045’ kinh độ đông; từ 8034’ đến 8049’ vĩ độ bắc, cùng một kinh độ với Thành phố Hồ Chí Minh và cùng một vĩ độ với thị trấn Năm Căn (Cà Mau) 1.

Côn Đảo là một địa danh, một quần đảo thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Trong lịch sử cận – hiện đại của dân tộc Việt Nam, từ năm 1862 đến năm 1975, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã biến quần đảo tươi đẹp này trở thành “địa ngục trần gian”. Nhưng tội ác và sự tàn bạo của bọn thực dân đế quốc càng nhiều thì lại càng làm cho Côn Đảo trở thành một biểu tượng sáng ngời về tinh thần đấu tranh anh dũng, quật cường của một dân tộc anh hùng với hàng chục thế hệ dám xả thân cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Mảnh đất Côn Đảo thiêng liêng ấy đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận cho các học giả, các nhà nghiên cứu, các văn nghệ sĩ trên tất cả các lĩnh vực từ văn học, lịch sử, đến địa lí viết về nó. Bài viết đề cập đến một khía cạnh nhỏ của du lịch ở Côn Đảo, đó là phát triển du lịch dựa trên các tài nguyên về di sản văn hóa cụ thể là văn hóa tâm linh. Đây là một tiềm năng còn nhiều triển vọng mà nếu được khai thác và triển khai hiệu quả, hợp lý sẽ đưa du lịch văn hóa tâm linh Côn Đảo phát triển ở tốc độ cao và bền vững.

Sử sách nước ta xưa nay gọi hòn đảo lớn nhất là đảo Côn Lôn (gọi tắt là Côn Đảo)[1]. Ngoài tên gọi Côn Đảo thì quần đảo này còn có những tên gọi khác như: Côn Lôn Sơn, Côn Sơn, Côn Nôn. Năm 1977, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam quyết định tên gọi chính thức là Côn Đảo[2]. Côn Đảo cũng là đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Thị trấn Côn Đảo nằm trên một thung lũng hình bán nguyệt ở tọa độ 106036’10’’ kinh độ Đông và 8040’57’’ vĩ độ Bắc. Có độ cao độ trung bình so với mặt nước biển khoảng 3m. Chiều dài từ 8 đến 10km và chiều rộng từ 2 đến 3km. Một mặt trông ra vịnh Đông Nam.

Ba mặt còn lại vây quanh là núi, chính nơi đây tập trung toàn bộ đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của cả quần đảo. Trên bản đồ địa lý, Côn Đảo có hình thể rất giống một con trâu, không phải trâu nước mà là loại trâu cày ruộng của nhà nông. Lưng trâu quay về phía cửa sông Hậu. Bụng là vùng mặt tiền của thị trấn, nhìn ra biển Đông. Cổ là vùng Cỏ Ống, giáp vịnh Đông Bắc. Đầu là vùng Đầm Tre. Hai chân trước là mũi Cỏ Ống và mũi Lò Vôi. Hai chân sau vươn ra mũi Cá Mập và Hòn Bà[3].

Côn Đảo nằm ở vị trí thuận lợi trên đường hàng hải nối liền châu Âu và châu Á, vì vậy Côn Đảo được người phương Tây biết đến rất sớm. Côn Đảo chỉ cách đường hàng hải Quốc tế (trục Bắc – Nam) có 60 km. Từ Côn Đảo, tàu thuyền ngược lên phía Bắc Á như Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hải Nam, Thẩm Quyến, Hồng Kông. Nếu xuôi xuống Nam là đến các nước Đông Nam Á như: Singapore, Indonesia, Malaysia, Campuchia, Thái Lan. Trước đây, khi Thái Lan có ý định đào kênh KRA nếu thực hiện được nối liền giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương mở ra trục Đông – Tây thì Côn Đảo sẽ nằm ở ngã tư giao thông biển quốc tế.

Về lịch sử hình thành Côn Đảo, qua các di chỉ khảo cổ cho thấy, cách đây bốn năm ngàn năm, Côn Đảo đã có dân cư sinh sống: “vào giai đoạn hậu kỳ thời đá mới – cách đây trên dưới 4000 năm, lớp cư dân đầu tiên đã có mặt tại quần đảo Côn Lôn”[4]. Những phát hiện đó cho thấy trên những hòn đảo này từ những thế kỷ trước đã có những cộng đồng người Việt định canh định cư. Dấu tích những làng xưa nhất còn để lại ở vùng An Hải, An Hội, Cỏ Ống trên Côn Lôn hay xóm Bà Thiết ở Hòn Cau. Tuy nhiên, đến thế kỷ 19 thực dân Pháp xâm chiếm, biến Côn Đảo thành một nhà tù khổng lồ, trở thành “địa ngục trần gian” giam giữ hàng trăm nghìn người yêu nước Việt Nam. Tại đây, hơn 20.000 người con ưu tú của đất nước đã ngã xuống vì nền độc lập tự do của Tổ quốc. Các khu lao, chuồng cọp, chuồng bò, hầm xay lúa, bến Ðầm, Cầu Tầu, trại Phú Hải, Phú Sơn, Phú Tường, Phú Bình, cùng khu nhà Chúa Đảo, nghĩa trang Hàng Dương… mãi mãi còn đó, thể hiện tinh thần anh dũng, ý chí kiên cường của con người Việt Nam. Côn Ðảo là một chứng tích hùng hồn, tố cáo chế độ độc ác, tàn bạo của chủ nghĩa đế quốc, thực dân đối với phong trào yêu nước của dân tộc Việt Nam.

Ngày nay, Côn Đảo trở thành một di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Ở Côn Đảo có nhiều di tích lịch sử văn hoá tâm linh như: Chùa Miên (ở Sở Tiêu), chùa Hoà Hảo (trên đường đi Bến Đầm), Hoà Sơn Tự (làm năm 1967), Vân Sơn Tự (trên núi Một) làm năm 1965; miếu Bà An Hội (thờ bà Nguyễn Thị Thân, còn gọi là chùa Bà), miếu Bà – Cậu (An Hải) thờ bà Phi Yến và con trai là Hoàng tử Cải, miếu Cậu (Cỏ Ống) thờ Hoàng tử Cải, miếu Bà (Cỏ Ống) thờ bà Phi Yến, miếu Cô Sáu (nghĩa địa Hàng Dương), miếu Bà – Cậu (Bến Đầm)… Đây là những địa chỉ quen thuộc mà du khách cả trong và ngoài nước thường viếng thăm khi đến với Côn Đảo. Với tiềm năng du lịch phong phú này, nếu phát huy tốt thì sẽ mang lại nhiều hiệu quả thiết thực cho ngành du lịch Côn Đảo nói riêng và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói chung

Luật Di sản văn hóa (2001) đã khẳng định: “Di sản văn hóa Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một bộ phận của di sản văn hóa nhân loại, có vai trò lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta”[5]. Những công trình trên là những địa chỉ góp phần lưu giữ và bảo tồn di sản văn hóa và là một bộ phận cấu thành không thể thiếu được trong đời sống tâm linh nơi đảo xa. Xây dựng, bảo tồn và phát huy giá trị những công trình kiến trúc tín ngưỡng nói riêng và các di tích ở Côn Đảo nói chung là việc làm thiết thực và có ý nghĩa to lớn trong việc xây dựng và phát triển Côn Đảo, cũng như việc khẳng định và xác lập chủ quyền của Việt Nam trên Côn Đảo.

Phát triển du lịch văn hóa tâm linh là một xu thế tất yếu nhằm góp phần tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội, thỏa mãn nhu cầu ngày một tăng của khách du lịch, của cộng đồng. Nhu cầu này liên quan chặt chẽ đến sự phát triển không ngừng của xã hội, đảm bảo một tổng thể về tương lai phát triển lâu dài của du lịch, với tư cách là một ngành kinh tế quan trọng. Bên cạnh xu thế phát triển du lịch văn hóa tâm linh, du lịch biển do nhu cầu khách quan, xu thế này còn không nằm ngoài xu thế chung về phát triển xã hội của loài người khi các giá trị tài nguyên trên lục địa ngày càng bị suy thoái, khai thác cạn kiệt.

Hoạt động văn hóa tâm linh của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân Côn Đảo là hoạt động rất tích cực, hướng thiện và nhân văn. Nếu so sánh với hoạt động văn hóa tâm linh trên đất liền trong thời gian gần đây, hoạt động văn hóa tâm linh của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân Côn Đảo không chịu sự chi phối tiêu cực của những suy nghĩ, hành vi, hành động trục lợi vị kỷ, phản nhân văn, không có các biểu hiện phản văn hóa như đài, báo đã phê phán, chỉ trích đối với một số địa phương vừa qua. Để tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi và phát huy tác dụng tích cực của hoạt động văn hóa tâm linh cho cán bộ, chiến sỹ và nhân dân Côn Đảo cũng như du khách khi đến thăm Côn Đảo, thiết nghĩ cần có một số giải pháp như:

– Cần ban hành một quy chế quy định hình thức phù hợp nhằm định hướng, giáo dục nhận thức và thống nhất hoạt động văn hóa tâm linh cho cán bộ, chiến sỹ và nhân dân nói chung và du khách nói riêng khi hoạt động, tham quan Côn Đảo, đảm bảo cho hoạt động này được tổ chức phù hợp và thường xuyên phát huy tác dụng tích cực trong cuộc sống và chiến đấu, xứng đáng là trường học chính trị không những dưới chế độ đàn áp tàn khốc của Pháp – Mỹ mà còn là nơi giáo dục lòng yêu nước đối với thế hệ trẻ hôm nay.

– Thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức làm tốt công tác giáo dục và định hướng đúng đắn cho cán bộ, chiến sỹ và nhân dân có nhận thức đúng đắn về ý nghĩa tích cực của văn hóa tâm linh và tổ chức hoạt động văn hóa tâm linh một cách đúng đắn, phù hợp với truyền thống văn hóa tinh thần dân tộc. Đấu tranh phê phán nhận thức và hành động sai trái, phản văn hóa, mê tín, dị đoan, tuyệt đối hóa yếu tố tâm linh dẫn đến hạ thấp vai trò chỉ huy, lãnh đạo, khoa học, kỹ thuật.. Du lịch Côn Ðảo không chỉ đến thăm chứng tích “địa ngục trần gian” của thực dân, đế quốc mà còn là đến với những hòn đảo đẹp luôn rực rỡ sắc biển, màu trời, những hòn đảo xanh tươi của rừng núi, của lúa, của tiêu, của dừa và của các loài thú quý hiếm… Côn Ðảo đang phát huy thế mạnh du lịch biển của mình. Trên đảo Côn Sơn có sân bay Cỏ Ống là cầu nối quần đảo với đất liền, rất thích hợp cho việc đưa đón khách du lịch. Thị trấn có rất nhiều cây bàng nên vào những ngày nắng nóng vẫn rợp bóng xanh mát. Các bãi tắm ở Côn Ðảo còn nhiều nét hoang sơ với môi trường trong lành, trong đó có những bãi rất đẹp như Hàng Dương, Phi Yến, Ðầm Trầu… bằng phẳng, sạch sẽ, nước trong xanh, có thể nhìn rõ đáy cát. Ngoài ra các Nhà nghỉ, Resort, Khách sạn ở Côn Đảo cũng đang được đầu tư theo định hướng phát triển du lịch sinh thái của Đảo.

Côn Ðảo ngày nay là địa danh du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Với việc xác định rõ vị trí của Côn Đảo trong chiến lược phát triển du lịch cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, sự ủng hộ phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành liên quan và Uỷ ban nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Côn Đảo sẽ trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn trong một thời gian gần, góp phần tích cực vào phát triển du lịch Việt Nam, vào phát triển kinh tế biển và đảm bảo an ninh quốc phòng của đất nước.

Với điều kiện thiên nhiên ưu đãi và vị trí thuận tiện…, hướng phát triển và khai thác loại hình du lịch chủ yếu của Côn Đảo là du lịch văn hóa tâm linh, du lịch biển… nhiệm vụ quan trọng nhất của du lịch thực chất là để giới thiệu, quảng bá những nét đẹp về cảnh quan thiên nhiên cũng như văn hóa, kế tiếp mới là mục tiêu kinh tế. Như vậy, việc truyền tải thông tin về đặc trưng văn hóa, con người của Côn Đảo đến với bạn bè trong nước và trên thế giới là nhiệm vụ quan trọng của du lịch Côn Đảo trong thời gian tới. Để phù hợp với các thị hiếu khác nhau của thị trường khách khác nhau, các di sản văn hóa nêu trên cần có sự phối kết hợp với các loại hình, các điểm du lịch khác trên đảo nhằm tăng thêm sự đa dạng, phong phú và tính hấp dẫn của từng tour, tuyến, điểm du lịch cho du khách.

Cùng với không gian du lịch biển, không gian du lịch sinh thái, không gian du lịch văn hóa với tiềm năng là di sản văn hóa tâm linh nếu được quan tâm, đầu tư sẽ đưa Côn Đảo thực sự trở thành một điểm đến hấp dẫn, lôi cuốn du khách không chỉ bởi nét đẹp về núi, biển, đảo mà còn bởi nét văn hóa tâm linh, tín ngưỡng ẩn chứa trong những di sản văn hóa vật thể. Có thể khẳng định rằng: Di sản văn hóa Côn Đảo thực sự là một nguồn lực có nhiều tiềm năng và triển vọng cần được khai thác, tận dụng và phát triển để không gian du lịch văn hóa Côn Đảo vượt ra khỏi vai trò “hỗ trợ” và có một chỗ đứng riêng trong lòng du khách yêu mến nét đẹp văn hóa truyền thống cách mạng nơi Côn Đảo.

ThS. ĐẶNG THỊ MINH PHƯỢNG
Trường ĐH KHXH-NV ĐHQG TP HCM

Rate this post
Previous Post
Những cuộc vượt ngục của tù chính trị Côn Đảo thời cai trị của thực dân Pháp
Next Post
Hiểu thêm về công cuộc khẩn hoang, dựng đồn bảo ở Côn Đảo (Thế kỷ XVII – nửa đầu thế kỷ XIX)
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.