Lưu Chí Hiếu – Nhà cách mạng kiên trung

Lưu Chí Hiếu là người chống ly khai cuối cùng ở nhà tù “chuồng cọp”, được tôn vinh là “những ngôi sao sáng nhất” trong cuộc đấu tranh bảo vệ khí tiết ở nhà tù Côn Đảo. Là anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Anh hùng LLVTND Lưu Chí Hiếu sinh năm 1913 tại làng Hương Cát, xã Trực Thành (nay là Thị trấn Cát Thành, huyện Trực Ninh). Cha mẹ mất sớm, từ nhỏ Lưu Chí Hiếu được người chú nuôi dưỡng, cho đi học tại trường làng, được thầy giáo truyền cho tinh thần yêu nước.

Do giác ngộ tinh thần cách mạng nên Lưu Chí Hiếu sớm được gia nhập tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội của huyện và được giao nhiệm vụ liên lạc, in tài liệu, rải truyền đơn. Sau một thời gian gián đoạn, cuối năm 1934, Lưu Chí Hiếu tìm cách liên lạc với cách mạng để thành lập tổ chức “Thanh niên dân chủ” đưa phong trào đấu tranh của nhân dân làng Hương Cát đi lên. Sau đó ông rời quê hương vào Sài Gòn tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1942. Tháng 5-1945, đồng chí tham gia phong trào Thanh niên tiền phong, tháng 8-1945 tham gia chính quyền Sài Gòn Gia Định và được tuyển vào Ban công tác 4 vào tháng 4-1946, sau đó sát nhập Tiểu đoàn Quyết tử 950 vào tháng 12-1951. Tháng 7-1954, Lưu Chí Hiếu được điều về Ban công vận Quận ủy. Ngày 6-7-1955, đồng chí bị địch bắt, sau đó đày ra Côn Đảo.

Ngay từ những ngày đầu bị bắt, mặc dù kẻ thù tra tấn dã man nhưng không khai thác được gì. Ra đến Côn Đảo, đồng chí đã nhanh chóng đứng vào hàng ngũ những chiến sĩ kiên trung, chống lại mọi thủ đoạn cưỡng bức của kẻ thù. Bị đày ải và tra tấn rất dã man nhưng đồng chí luôn sát cánh với những chiến sĩ kiên trung đã đấu tranh kiên cường, liên tục trong suốt 4 năm liền (1957-1961).

Càng bị địch tra tấn, hành hạ, đồng chí càng tỏa sáng phẩm chất cao quý của người cộng sản. Khi lực lượng chống ly khai chỉ còn lại 7 người, bị địch giam giữ ở chuồng Cọp đã xuất hiện tư tưởng thỏa hiệp, muốn “nhượng bộ một phần để cứu mạng sống”. Trước tình hình đó, đồng chí Lưu Chí Hiếu đã giữ vững lập trường: “Các anh bàn gì thì bàn, nhưng đừng bàn chuyện ly khai Đảng, đừng quyết định cho tôi ly khai, tôi không đi đâu”. Đồng chí nói với mọi người: “Đảng dạy chúng ta chiến đấu chứ không dạy chúng ta đầu hàng. Dẫu chúng ta có hy sinh đến người cuối cùng thì thời gian và lịch sử sẽ báo cáo lại với Đảng, với Bác. Không thể ly khai được. Ly khai là làm sai tiếng nói của lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng ta. Ly khai là cướp không xương máu của những người đã hy sinh”. Trong bản cam kết, ông đã viết: “Tôi là Lưu Chí Hiếu, không ly khai Đảng Cộng sản được, tôi xin chịu trách nhiệm không ly khai”.

Trước sự phản kháng quyết liệt của các chiến sĩ cộng sản, mùa đông năm 1961, chúng khiêng hàng chục khạp nước lạnh, vôi bột lên chuồng Cọp xối xuống đầu các chiến sĩ chống ly khai suốt ngày đêm. Những trận đòn roi không ngừng cùng với sự ăn uống vô cùng tồi tệ của địch đã dần làm cơ thể người tù cộng sản suy sụp một cách nhanh chóng. Tuy vậy, nhưng các đồng chí vẫn kiên cường chống ly khai, chống tố cộng, chống chào cờ, bảo vệ lý tưởng cộng sản, bảo vệ uy tín của Đảng, của Bác Hồ kính yêu.

Lưu Chí Hiếu đã thể hiện bản lĩnh của người cộng sản trong lần quyết định vận mệnh của mình. Trong một lần tra tấn dã man, thấy Lưu Chí Hiếu ói ra máu, địch vẫn tiếp tục tra tấn. Lưu Chí Hiếu đã chọn con đường quyết tử, ông đã chọn cái chết để giữ trọn khí tiết của người anh hùng cách mạng. Ông còn tuyên bố với bọn ác ôn ở chuồng Cọp: “Nếu còn tiếp tục hành hạ, truy bức tư tưởng tồi tệ kiểu này thì tôi sẽ đập đầu chết ngay trong chuồng Cọp. Bọn ác ôn điên cuồng tra tấn liên tục. Ông đã anh dũng hy sinh ngay trong đêm 24-12-1961.

Sự hy sinh oanh liệt của Lưu Chí Hiếu đã chặn đứng các đợt khủng bố của kẻ thù. Cuộc đời chiến đấu của đồng chí Lưu Chí Hiếu và các đồng đội đã ngã xuống trong chuồng Cọp Côn Đảo là những bản anh hùng ca bất diệt.

Mặc dù kẻ thù đã thực hiện tất cả những thủ đoạn thâm độc nhất, tàn bạo nhất nhưng vẫn không khuất phục nổi trái tim và khối óc của những người cộng sản kiên cường, cuối cùng địch phải tuyên bố: “Vũ lực không thể thắng được trái tim những người cộng sản”. Ngày 3-2-1972, lực lượng tù chính trị câu lưu tại Trại VI (Khu B) đã thành lập Đảng bộ mang tên Lưu Chí Hiếu, người chiến sĩ kiên cường trong cuộc đấu tranh chống ly khai và hy sinh anh dũng tại chuồng Cọp ngày 24-12-1961. Tinh thần chiến đấu kiên cường, dũng cảm hy sinh, thể hiện một lập trường cách mạng kiên định như bức thành đồng của Lưu Chí Hiếu luôn là ngọn cờ, là điểm tựa tinh thần của tất cả những người tù chính trị ngày đó. Ngày 23-2-2010, đồng chí Lưu Chí Hiếu đã vinh dự được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng LLVTND Việt Nam”.

5/5 - (1 bình chọn)
Bài trước
Chiếm tàu địch vượt Côn Đảo
Bài sau
Côn Đảo từ góc nhìn lịch sử
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.