Lịch sử những câu chuyện ly kỳ về 16 hòn đảo lớn nhỏ của Côn Đảo

Là một quần đảo tiền tiêu nằm trong biển Đông, ở về phía đông nam Việt Nam, bao gồm 16 hòn đảo lớn nhỏ của Côn Đảo với tổng diện tích là 76,650 km², trải ra trên vùng biển có tọa độ địa lý từ 106o 31’ đến 106o 45’ kinh độ đông; từ 8o 34’ đến 8o 49’ vĩ độ bắc. Côn Đảo cách xa thành phố Vũng Tàu về phía đông nam 90 hải lý (179km), cách cửa sông Hậu 45 hải lý (83km).

1. Đảo Côn Lôn:

Từ đông sang tây dài 15km, chỗ rộng nhất 9km, chỗ hẹp nhất khoảng 1km. Với diện tích 51,250 km², đảo Côn Lôn chiếm gần 2/3 tổng diện tích quần đảo. Trên đảo có thị trấn Côn Sơn nằm ở tọa độ 8o 40’57’’ vĩ độ bắc, 106o 36’10’’ kinh độ đông. Nói đến quần đảo Côn Lôn là nói đến hòn đảo này, vì đời sống kinh tế , chính trị và xã hội của cả quần đảo tập trung ở đây.

2. Hòn Bà (Phú Sơn; Côn Lôn nhỏ)

Diện tích 5,450 km², tiếp giáp với hòn Côn Lôn lớn về phía tây nam, hai đảo chỉ cách nhau bằng khe nước Họng Đầm không quá 50m. Giữa hai đảo này là vịnh Bến Đầm (còn gọi là vịnh Tây nam). ở đây có đỉnh núi Bà cao 321m.

Năm 1783, Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn truy đuổi đã chạy ra Côn Đảo tị nạn, mang theo khoảng 100 gia đình thuộc hạ và một số bầy tôi thân tín. Ông đã chọn một hang đá trên đỉnh núi để trú ẩn và xây dựng lực lượng, chờ thời cơ phản công. Ngọn núi đó ngày nay có tên là Núi Chúa. Một thời gian sau Nguyễn Ánh có ý định đưa Hoàng tử Cảnh (Con trai người vợ lớn của Nguyễn Ánh) cùng ấn tín sang Pháp làm con tin, để cầu viện đánh lại Tây Sơn. Bà thứ phi Phi Yến, (người đã theo ra Côn Đảo để hầu hạ ông), khi biết chồng mình có ý định nhờ vả ngoại bang đã lên tiếng khuyên can rằng: “Thiếp nghĩ, đánh nhau với Tây Sơn là chuyện trong nhà, chúa công không nên nhờ vả ngoại bang, e sẽ có nhiều điều rối rắm về sau”…chỉ với bấy nhiêu lời khuyên can chân tình của người vợ trẻ, đã khiến cho Nguyễn Ánh nổi trận lôi đình. Nghi ngờ bà Phi Yến có ẩn ý thông đồng với quân Tây Sơn, nên đã ra lệnh đưa bà ra xử chém. Cũng may là có một số quan trung thần xin giảm án cho bà. Nguyễn Ánh ra lệnh nhốt bà Phi Yến vào một hang đá trên hòn đảo hoang vắng, nằm về phía tây nam của quần đảo, chỉ để một ít lương thực và một chung nước lã, ý định khi dùng hết bà sẽ chết đói. Hòn đảo được mang tên Hòn Bà từ đấy. Trong dân gian Côn Đảo còn lưu truyền mấy câu thơ ca ngợi bà Phi Yến, người phụ nữ trung trinh tiết liệt, giàu lòng ái quốc:

Lòng đất chôn sâu niềm uất hận

Lưng trời đeo mãi vết tang thương

Thương người cô phụ liều thân thể

Trách kẻ tà tâm dạ khó lường

3. Hòn Bảy Cạnh (Phú Cường) diện tích 5,500km² nằm trước mặt thị trấn Côn Sơn. Trên đảo có ngọn Hải Đăng xây năm 1884 rọi đường cho tàu bè quốc tế qua lại.

Nằm ở phía Đông quần đảo Côn Đảo, Hòn Bảy Cạnh được che phủ bởi rừng nguyên sinh, rừng ngập mặn thuộc hệ sinh thái nhiệt đới hải đảo với 882 loài thực vật và gần 150 loài động vật. Đến đây, du khách sẽ có cơ hội lặn biển để ngắm san hô, cá và các loài sinh vật biển khác sống trên các rặng san hô. San hô ở đây rất đa dạng chủng loại với san hô dạng phiến, dạng bàn, dạng cành, dạng khối đều thuộc Sách đỏ của Việt Nam. Ngoài ra, Hòn Bảy Cạnh còn có tài nguyên sinh vật biển phong phú với cá heo, rùa xanh, bò biển, ốc đá, trai tai tượng vảy, hải sâm, cá bướm, san hô não…

Một đặc trưng của Hòn Bảy Cạnh chính là hệ sinh thái rừng ngập mặn. Rừng ngập mặn Côn Đảo phân bố chủ yếu trên nền thổ nhưỡng san hô chết, cát, sét mềm. Đây cũng là điểm khác biệt của rừng ngập mặn Côn Đảo nên khi nước thủy triều rút, du khách vẫn có thể đi lại dễ dàng trong rừng, không bị sình lầy như các nơi khác.

Đêm xuống, du khách còn được tìm hiểu về đời sống của một loài cua chỉ có ở Côn Đảo mà người dân quen gọi là cua xe tăng. Loài cua này rất nhát người, chỉ cần nghe tiếng chân khách xào xạc trên thảm lá là chúng trốn biệt.

Tham quan hòn Bảy Cạnh, du khách còn được ngắm rùa biển đẻ trứng (từ tháng 4 – 9) , tắm biển ở bãi  Cát Lớn với nước biển trong xanh và cát trắng mịn màng và đi theo đường mòn ven núi lên ngọn Hải Đăng để ngắm nhìn cảnh quan bao la và hùng vĩ của trời và biển Côn Đảo.

4. Hòn Cau (Phú Lệ) diện tích 1,800km², cách Côn Lôn 12km về hướng đông bắc, nơi chim yến hay làm tổ. Đất đai hòn Cau phì nhiêu, cây cỏ tốt tươi. Xưa kia ở đây có loại cau to vỏ hồng, vị ngọt, người Gia Định rất ưa chuộng.

Theo truyền miệng dân gian, vào cuối thế kỷ XVIII có một đôi nam nữ, chàng trai là Trúc Văn Cau, cô gái tên là Mai Thị Trầu sinh sống và lớn lên tại làng Cỏ Ống. Họ đem lòng yêu thương nhau. Cho đến khi nàng mang thai, chàng Cau về xin với cha cho cưới nàng Trầu làm vợ. Chuyện đến nước này, người cha đành phải thú nhận rằng nàng Trầu chính là em cùng cha khác mẹ của chàng Cau. Chuyện tình vỡ lở, chàng Cau đau khổ đã âm thầm bỏ làng ra đi trên một chiếc bè trôi sang một hòn đảo khác, cách làng Cỏ Ống khoảng 10 dặm về phía đông bắc. Sau đó ít lâu chàng cưới một cô thôn nữ áo nâu và sinh sống suốt đời, không trở về làng cũ nữa. Khi Chàng chết người ta đặt tên gọi là Hòn Cau. Còn nàng Trầu trong lúc bụng mang dạ chửa, trông ngóng mãi người yêu vẫn bóng chim tăm cá. Nàng còn bị dân làng dèm pha, dị nghị nên đã trầm mình tự vẫn tại một đầm nước gần đấy, ngày nay có tên là bãi Đầm Trầu. Cho đến bây giờ trong dân gian vẫn còn lưu truyền câu ca dao :

Đi đâu mà chẳng thấy về

Hay là quần tía dựa kề áo nâu

Ai về nhắn với Ông Câu

Hòn Cau cách bãi Đầu Trầu bao xa

Về phần Ông Câu (bố của chàng Cau) vì xấu hổ với dân làng, Ông đã chọn một bãi biển nằm khuất về phía tây bắc đảo, sống ẩn dật ở đó cho đến chết, sau này có tên gọi là bãi Ông Câu.

5. Hòn Trác Lớn (Phú Hưng) diện tích 0,250km², nằm kế Mũi Cá Mập.

Hòn Trác Lớn cũng nằm ngay cạnh mũi Cá Mập, giữa đảo Côn Sơn với hòn Tài Lớn, hòn Tài Nhỏ. Hòn đảo này có diện tích 14 ha. Từ cầu tàu 914, du khách có thể nhìn thấy rất rõ cảnh quan trên hòn Trác Lớn với cây cối xanh tốt quanh năm, rất nhiều loài động vật quý hiếm như chim biển, rùa biển…

Trên Hòn Trác Lớn có một bãi tắm siêu đẹp, nước trong vắt màu ngọc bích nên rất thích hợp để tắm biển hoặc lặn ngắm san hô.

6. Hòn Trác Nhỏ (Phú Thịnh) diện tích 0,100km², nằm kế Hòn Trác Lớn

Hòn Trác Nhỏ nằm ngay cạnh Hòn Trác Lớn, có hình dáng giống như hình oval. Hòn Trác Nhỏ cũng là nơi tập hợp của rùa biển vào mùa sinh sản và xung quanh đảo có rất nhiều rặng san hô đủ màu sắc, hình dáng cho du khách khám phá.

7. Hòn Tài Lớn (Phú Bình) diện tích 0,380km², nằm kế Hòn Trác Nhỏ

Hòn Tài Lớn nằm về phía Đông Nam của đảo Côn Sơn. Nhìn trên bản đồ vệ tinh, hòn Tài Lớn có hình dáng giống một hình thoi khổng lồ xanh ngắt với diện tích lên tới 34 ha. Hòn Tài Lớn nằm cách mũi Cá Mập chỉ khoảng 1km nên di chuyển tới đây rất dễ dàng. Du khách tới đây thường lựa chọn tắm biển, nghỉ ngơi bên bãi biển cát trắng mịn, cùng với đó là đi khám phá thiên nhiên hoang dã và thăm rùa đẻ trứng, xe khỉ mặt đỏ, lặn ngắm san hô.

Ngoài ra đây còn là một ngư trường nuôi ngọc trai lớn ở Côn Đảo. Nếu muốn, bạn có thể đăng ký tour  đi khám phá quy trình sản xuất ngọc trai thiên nhiên vô cùng thú vị.

8. Hòn Tài Nhỏ (Phú An), còn gọi là hòn Thỏ, diện tích 0,100km².

Truyền thuyết kể lại rằng, có hai anh em sinh đôi, người anh là Đặng Phong Tài, em là Đặng Trác Vân, ứng lệnh vua Hàm Nghi đứng lên chống Pháp. Sau đó thất bại, hai anh em lần lượt bị bắt và bị đày ra Côn Đảo. Trong thời gian ở đảo, người anh cưới một cô vợ người địa phương tên là Đào Minh Nguyệt. Vì hai anh em sinh đôi rất giống nhau, lại chung sống trong một gia đình, nên nhiều lần người chị dâu xinh đẹp luôn nhầm lẫn giữa chồng và chú em chồng mà mình cảm mến. Để tránh sự hiểu lầm đáng tiếc xảy ra và không muốn làm anh trai bị tổn thương, nên Đặng Trác Vân đã bỏ sang một hòn đảo nhỏ. Người anh rất thương em, nên có ý đi tìm. Nhưng khi sang tới nơi thì người em lại bỏ trốn sang hòn đảo khác. Cứ như thế hai anh em đuổi nhau trên mấy hòn đảo, nhưng không gặp được nhau. Về sau mỗi người chết trên một hòn đảo. Hòn Trác – Hòn Tài có tên từ đó. Dân gian Côn Đảo đã mượn tâm sự của người vợ cô quạnh ở lại trên đảo lớn, mà nhắn sang rằng :

Ai sang Hòn Trác, Hòn Tài

Cho em nhắn gởi một vài câu thơ

Đêm suông gió lặng, sao mờ

Trăng khuya chếch bóng vẫn chờ đợi mây

Chừng nào núi Chúa hết cây

Côn Lôn hết đá, dạ này hết thương

9. Hòn Trọc (Phú Nghĩa) còn gọi là hòn Trai. Diện tích 0,400km².

Hòn Trọc nằm về phía tây đảo Côn Sơn, và chỉ cách hòn đảo chính này khoảng vài trăm mét. Đảo có diện tích khá nhỏ, chỉ khoảng 0,4km² nhưng lại là nơi sinh sống của rất nhiều loài trai, ốc, trong đó có loài trai làm ngọc quý hiếm mang lại giá trị cao.

10. Hòn Bông Lan (Phú Phong) từ xa trông giống như một nửa chiếc bánh bông lan. Diện tích 0, 200km².

Hòn Bông Lan là một hòn đảo nhỏ nằm về phía Nam của hòn Bảy Cạnh. Hòn Bông Lan có hình dáng tròn dài giống như một chiếc bánh bông lan nên người dân lấy tên này đặt cho hòn đảo luôn.

Trên đảo chủ yếu chỉ có đá, phần đỉnh là một thảm thực vật xanh mướt với rất nhiều loài thực vật lạ. Hòn Bông Lan không có bãi biển và cảnh đẹp nên có rất ít người tới đây khám phá, du lịch. Những người ghé thăm hòn Bông Lan chủ yếu là những nhà khám phá thiên nhiên hoặc du khách tò mò muốn xem rùa đẻ trứng.

11. Hòn Tre Lớn (Phú Hòa) diện tích 0,750km², nẳm ở phía tây đảo Côn Lôn

12. Hòn Tre Nhỏ (Phú Hội) diện tích 0,250km². Hòn Tre này có những bụi tre dày, thân trắng.

13. Hòn Trứng (Phú Thọ; hòn Đá Bạc) hình dáng gần giống như trái trứng màu trắng, do phân chim bao phủ trắng xóa cả hòn đảo. Đây là một trong những “sân chim” của miền Nam nước ta. Diện tích 0,100km².

14. Hòn Vung (Phú Vinh) diện tích 0,150km². Giống như chiếc vung nồi úp chụp xuống mặt biển xanh. Nằm cạnh hòn Bà.

Hòn Vung là một hòn đảo nhỏ nằm ngay sát phía Nam của đảo Hòn Bà. Đảo Hòn Vung có cảnh quan thiên nhiên không quá đặc biệt nên thường có ít du khách tới ghé thăm hòn đảo này.

15 – 16. Hòn Anh và Hòn Em là hai hòn đảo nhỏ, cách Côn Lôn lớn 50km về phía tây nam.

Côn Đảo là một vùng đất thiêng liêng, chứa đựng trong đó những giá trị lịch sử đấu tranh cách mạng hào hùng của dân tộc. Côn Đảo được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh quan tự nhiên xinh đẹp, thơ mộng. Mỗi rừng cây, bãi cát, suối nguồn…đều mang đậm dấu tích văn hóa của người xưa. Đó là những di sản văn hóa quí báu, truyền lại cho các thế hệ mai sau. Người Côn Đảo hiền hòa, mến khách, giàu tình cảm. Tất cả những yếu tố đó đã góp phần tạo nên một vùng đất du lịch hấp dẫn, và không ngừng khám phá qua những địa danh tuy đã nghe quen nhưng vẫn luôn mới mẻ.

4.7/5 - (4 bình chọn)
Previous Post
Giỗ tổ Hùng Vương nghỉ 3 ngày, 30-4 và 1-5 nghỉ 5 ngày
Next Post
Bà Rịa – Vũng Tàu chi 49,6 tỷ đồng xây nhà ở xã hội tại Côn Đảo
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.