Hồi ký Đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo

Ngày 30/5/1979, tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá VI đã quyết định thành lập Đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo. Đặc khu bao gồm TX Vũng Tàu, xã Long Sơn (tách từ tỉnh Đồng Nai), huyện Côn Đảo (tách từ tỉnh Hậu Giang), được Đảng và Chính phủ giao cho 4 nhiệm vụ chính:

(1) Đảm bảo tổ chức thực hiện nhiệm vụ trung tâm về công tác dịch vụ phục vụ kế hoạch tìm kiếm, thăm dò, chuẩn bị khai thác dầu và khí ở thềm lục địa phía Nam nước ta;

(2) Phát triển công nghiệp hải sản, tận dụng điều kiện tự nhiên của địa phương tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ đánh bắt, chế biến, nuôi trồng các loại hải sản phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu;

(3) Đảm bảo các hoạt động kinh doanh phục vụ và phát triển du lịch, nghỉ mát, tắm biển cho khách nước ngoài và nhân dân trong nước;

(4) Đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ về chính trị, an ninh, quốc phòng, ngoại vụ, kinh tế, văn hoá, xã hội…

QUỐC HỘI
********
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
********
  Hà Nội, ngày 30 tháng 5 năm 1979

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC THÀNH LẬP ĐẶC KHU VŨNG TÀU – CÔN ĐẢO TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG

QUỐC HỘI NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI XÃ CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Căn cứ vào Điều 50 của Hiến pháp năm 1959
Theo đề nghị của Hội đồng Chính phủ và sau khi nghiên cứu ý kiến của Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai và Hội đồng nhân dân tỉnh Hậu Giang

QUYẾT NGHỊ:

1. Phê chuẩn việc thành lập đặc khu Vũng Tàu-Côn Đảo gồm có: thị xã Vũng Tàu, xã Long Sơn thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Nai, và huyện Côn Đảo thuộc tỉnh Hậu Giang.

Đặc khu Vũng Tàu-Côn Đảo trực thuộc Trung ương và tương đương với cấp tỉnh.

2. Giao cho Hội đồng Chính phủ tiến hành các việc cần thiết để thực hiện Nghị quyết này.

  Trường Chinh(Đã ký)

 

Ngày 12 tháng 8 năm 1991, kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa VIII ra nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới hành chính nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.

Theo đó, Chính phủ quyết định thành lập tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu từ Đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo và 3 huyện Long Đất, Châu Thành và Xuyên Mộc thuộc tỉnh Đồng Nai. Đồng thời, thành lập thành phố Vũng Tàu trên cơ sở 11 phường: 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11 và xã Long Sơn của đặc khu cũ; thành lập huyện Côn Đảo trên cơ sở quận Côn Đảo của đặc khu cũ.

“Người trong cuộc” kể về 12 năm Đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo

Ít ai biết rằng, Việt Nam từng có một đặc khu mang tên Vũng Tàu – Côn Đảo, tồn tại trong 12 năm.
 
Ông Trần Văn Khánh kể lại với PV Báo Giao thông về thời kỳ tồn tại Đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo
Quốc hội vừa thảo luận về dự án Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt (HCKTĐB), trong đó có việc trao quyền cho người đứng đầu đơn vị đặc biệt này. Nhưng ít ai biết rằng, từ năm 1979, Việt Nam đã từng có một đặc khu mang tên Vũng Tàu – Côn Đảo và tồn tại trong 12 năm. Để tìm hiểu những thành công và thất bại của đặc khu đầu tiên này, PV Báo Giao thông đã có cuộc gặp với ông Trần Văn Khánh (nguyên Phó Bí thư Đặc khu; Nguyên Phó bí thư Thường trực, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu).
 

Đặc khu thực hiện nhiệm vụ phát triển ngành Dầu khí

Chiều 5/12, chúng tôi đến thăm gia đình ông Trần Văn Khánh ở P.3, TP Vũng Tàu (Bà Rịa – Vũng Tàu). Hơn 15 năm là lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu tỉnh, sau 14 năm về với cuộc sống đời thường, giờ công việc thường ngày của ông là dành thời gian tham gia công tác xã hội, chăm sóc lũ chim, cây cối trong vườn nhà. Ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, ông Khánh vẫn rất khỏe mạnh, nhanh nhẹn và có trí nhớ tốt.

Sơ lược về quá trình công tác, ông Khánh cho biết: Năm 1986, đang là Bí thư Tỉnh đoàn Đồng Nai, ông được Trung ương điều động về Đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo làm Ủy viên Thường vụ thường trực. Năm 1987, làm Phó Bí thư Đặc khu cho đến khi thành lập tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (1991). Từ 1991 – 2000, làm Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy. Từ 2000 – 2003, làm Bí thư Tỉnh ủy…

Ông nhớ lại: Sau giải phóng, năm 1976, Trung ương có chủ trương khai thác dầu khí. Nhiều chuyên gia, công ty nước ngoài đã được mời đến Vũng Tàu để thăm dò và khai thác. Năm 1979, sau khi được Quốc hội đồng ý, Đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo được thành lập. Thời kỳ này, Trung ương đã tăng cường một số đồng chí như Ba Hương, Bùi Thiện Ngộ và luân chuyển nhiều cán bộ từ các tỉnh về lãnh đạo đặc khu.

Kết quả thăm dò của các công ty tư bản cho thấy lượng dầu rất ít. Họ chỉ thăm dò nông trong lớp bùn. Chủ trương phải làm sao để có dầu nên chúng ta đã ký kết với Liên Xô và Vietsovpetro ra đời. Đặc khu từ đó thành cơ sở liên kết với Liên Xô, có cả Lãnh sự quán, khu dân cư cho người Nga. Thời kỳ đầu, Đặc khu gặp rất nhiều khó khăn như tình trạng thiếu điện, thiếu nước, thiếu lương thực trầm trọng.

Lãnh đạo đặc khu đã đề nghị Trung ương mở rộng địa bàn mới có thể đáp ứng trước yêu cầu nhiệm vụ mới và đã được Trung ương đồng ý. Cùng đó, đặc khu phải đưa điện, nước từ Đồng Nai về phục vụ phát triển. Ngoài ra, việc chỉ cho người dân đem lương thực đến mà không cho đưa ra ngoài địa bàn cũng đã giúp cải thiện đời sống, giải quyết được vấn nạn thiếu đói lúc bấy giờ cho đặc khu. Một số công ty dịch vụ dầu khí cũng nỗ lực đi quan hệ với nhiều tỉnh bạn để giải quyết những khó khăn khác. Để thu hút nguồn nhân lực, đặc khu có nhiều chế độ, chính sách ưu đãi cán bộ, công nhân từ Bắc vào làm việc.

Chỗ nào quan trọng là giao hết cho dầu khí. Đặc khu hình thành các công ty du lịch; Giải tỏa khu Lam Sơn để xây dựng một khu vực tập trung cho dầu khí. Để làm khu tập trung, đặc khu phải xây dựng khu tái định cư khang trang để đưa các hộ dân về đó. “Khi chúng ta bắt tay với Liên Xô khai thác dầu, để tìm kiếm nguồn dầu, đồng chí Ngô Thường Sang lúc đó là Tổng giám đốc Vietsovpetro đã chỉ đạo cứ khoan sâu xuống và đã tìm thấy dầu nằm trong đá phiến với trữ lượng lớn. Thành công này vượt xa kết quả của các công ty tư bản chỉ với lượng dầu ít ỏi trong “bồn”.

Tuy nhiên, để lấy được dầu, chúng ta phải đưa nước ngọt xuống cho dầu nổi lên… Đặc khu phát triển, cư dân đến địa bàn sinh sống cũng tăng nhanh. Khi mới giải phóng, dân số chỉ khoảng 30.000 người, nhưng trong thời kỳ đặc khu đã lên tới cả trăm nghìn dân. Tình hình trật tự an ninh tốt, mối quan hệ với Liên Xô phát triển mạnh. Mọi chế độ chính sách với người nước ngoài được đáp ứng đầy đủ…”, ông Khánh kể.

Thành lập đặc khu phải có cơ chế chính sách phù hợp

Ông Trần Văn Khánh cho biết, mọi quyền hành của lãnh đạo Đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo cũng chỉ tương đương với tỉnh. Đặc khu có Bí thư Đặc khu ủy, Chủ tịch UBND Đặc khu. Cùng đó là các sở, ban, ngành. Khác biệt ở chỗ là không có Đảng ủy khối mà tất cả các Đảng bộ cơ sở đều trực thuộc Đặc khu ủy. Khi mới thành lập, đặc khu chỉ có 5 phường, 1 xã (Long Sơn) và 1 huyện (Côn Đảo). Đến năm 1986, chia từ 5 phường thành 11 phường.

“Đã thành lập đặc khu thì phải có cơ chế riêng để phát huy thế mạnh. Phải có cơ chế rất đặc biệt như một tổng công ty toàn quyền tập trung phát triển đặc khu và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Trung ương. Đặc khu cũng sẽ hình thành các điểm kinh tế. Các cơ quan của Nhà nước sẽ theo dõi, giám sát. Đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo thời đó chưa làm được điều này. Tôi từng đi Malaysia và thấy họ xây dựng đặc khu trên một hòn đảo, giao cho một tổng công ty phát triển đặc khu và họ rất thành công”, ông Khánh chia sẻ.

Theo ông Khánh, Đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo là để làm dịch vụ, phục vụ thăm dò và khai thác dầu khí. Tuy nhiên, cũng chỉ mới dừng lại ở quản lý Nhà nước trên địa bàn. Mặc dù có một số công ty nhưng chỉ phục vụ chủ yếu người dân đặc khu chứ chưa phục vụ cho dầu khí nhiều. Đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo chưa thực sự thành công còn có nhiều nguyên nhân, như việc chưa có đất làm vành đai thực phẩm, nước, điện; Năng lực cán bộ chưa phù hợp, cơ chế hành chính bao cấp vẫn dùng cho đặc khu…

Cũng theo lời ông, sau này, khi thành lập tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, lãnh đạo tỉnh đã thực hiện nhiều chính sách đột phá mà điển hình nhất là việc đổi đất lấy công trình (sáng kiến của Chủ tịch tỉnh Nguyễn Minh Ninh), được Trung ương, Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm, sau này nhân rộng ra nhiều tỉnh, thành khác. Kể từ thời điểm này, nhiều công trình mọc lên trên địa bàn tỉnh, đi đâu cũng thấy những đại công trường…

Mới đây, Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV đã nghe Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (HCKTĐB), đồng thời tiến hành thảo luận về dự án này với nhiều ý kiến trái chiều. Trước đó, tháng 11/2016, tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 11 Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc thành lập 3 đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn (Quảng Ninh), Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang). Tuy nhiên, đến nay, mô hình tổ chức và cơ chế phát triển cho các đơn vị này vẫn chỉ là những dấu hỏi.

Ngày 30/5/1979, tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá VI đã quyết định thành lập Đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo. Đặc khu bao gồm TX Vũng Tàu, xã Long Sơn (tách từ tỉnh Đồng Nai), huyện Côn Đảo (tách từ tỉnh Hậu Giang), được Đảng và Chính phủ giao cho 4 nhiệm vụ chính: (1) Đảm bảo tổ chức thực hiện nhiệm vụ trung tâm về công tác dịch vụ phục vụ kế hoạch tìm kiếm, thăm dò, chuẩn bị khai thác dầu và khí ở thềm lục địa phía Nam nước ta; (2) Phát triển công nghiệp hải sản, tận dụng điều kiện tự nhiên của địa phương tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ đánh bắt, chế biến, nuôi trồng các loại hải sản phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu; (3) Đảm bảo các hoạt động kinh doanh phục vụ và phát triển du lịch, nghỉ mát, tắm biển cho khách nước ngoài và nhân dân trong nước; (4) Đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ về chính trị, an ninh, quốc phòng, ngoại vụ, kinh tế, văn hoá, xã hội…

“Chỉ tồn tại trong 12 năm, nhưng Đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo đã cơ bản đáp ứng được những yêu cầu về nhiệm vụ chính trị nói trên, góp phần làm tiền đề quan trọng cho sự phát triển của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu hôm nay…”, ông Nguyễn Văn Xinh, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu cho hay

Mai Huyên
https://www.baogiaothong.vn/nguoi-trong-cuoc-ke-ve-12-nam-dac-khu-vung-tau-con-dao-d235854.html

Xem thêm: Côn Đảo từ góc nhìn lịch sử

 
5/5 - (1 bình chọn)
Bài trước
Danh sách các hãng xe đưa đón khách sân bay Tân Sơn Nhất – Vũng Tàu
Bài sau
Đón cơ hội từ tàu cao tốc Vũng Tàu – Côn Đảo
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.