Là một quần đảo giàu tiềm năng lại nằm ở vị trí địa lý hết sức thuận lợi, Côn Đảo có một vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống chính trị, quân sự và kinh tế không chỉ đối với các chúa Nguyễn trong bước đầu lập nghiệp ở Đàng trong mà còn đối với cả triều Nguyễn và đất nước ta ngày nay. Không phải ngẫu nhiên mà Côn Đảo được người Phương Tây biết đến từ rất sớm. Và cũng từ rất sớm, các cư dân Việt trong bước đường tìm kế sinh nhai đã có mặt ở Côn Đảo để khai thác sản vật. Đây chính là cơ sở để các chúa Nguyễn trong bước đường Nam tiến thực hiện chính sách khẩn hoang, khai thác nguồn tài nguyên phong phú, phát triển kinh tế để khẳng định chủ quyền, đảm bảo an ninh quốc phòng của Đại Việt trên vùng biển đảo ở phía đông nam của Tổ quốc.
Chúa Nguyễn khẩn hoang
Hơn 10 năm sau khi vào trấn thủ đất Thuận Hóa, năm 1570, Nguyễn Hoàng chính thức được vua Lê giao cho kiêm lãnh Trấn thủ hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam. Ngay sau đó, ông bắt tay vào việc xây dựng một chính quyền độc lập, dần tách khỏi sự ràng buộc với họ Trịnh ở miền Bắc. Nhằm tạo ra một cơ sở xã hội vững chắc, trên vùng đất Nam Bộ (trong đó có Côn Đảo), chúa Nguyễn đã thi hành chính sách khuyến khích đặc biệt đối với việc khai phá đất hoang. Trong sách Gia Định thành thông chí, Trịnh Hoài Đức đã phản ảnh lại tình hình này: dân ở vùng này đều có thể tự do đi khai khẩn đất ruộng ở các vùng khác, ai muốn đến ở đâu, khai khẩn ruộng gò, ruộng thấp ở nơi nào tùy ý. Lựa chọn đất đai rồi chỉ cần khai báo với nhà cầm quyền là mình trở thành nghiệp chủ khoảnh đất ấy, chính quyền cũng không đo đạc xem diện tích bao nhiêu, không cần biết đất ấy tốt xấu thế nào. Người nghiệp chủ tùy theo điền sản mình chiếm rộng hẹp mà tự nguyện nộp thuế nhiều hay ít và nộp thuế bằng thóc dùng hộc già hay hộc non đong cũng được.
Trước làn sóng lẻ tẻ, tự phát di cư vào Nam tìm đất sinh sống của đông đảo nông dân nghèo, dân trốn lính, thợ thủ công nghèo…, chúa Nguyễn đã cho người đứng ra tổ chức các cuộc di cư và lập thành các xã, thôn, phường, ấp của người Việt, tạo điều kiện thuận lợi cho những người giàu có ở Thuận – Quảng đem tôi tớ và được phép chiêu mộ nông dân lưu vong vào đây khai hoang lập ấp. Chính sách này được thực thi lâu dài và nhất quán như một phương thức khai hoang của chúa Nguyễn chủ yếu ở Nam Bộ.
Với tư duy và ý thức hướng biển mạnh mẽ, các chúa Nguyễn đều đặc biệt quan tâm đến việc khai thác nguồn sản vật và khẳng định chủ quyền của mình trên các quần đảo nhằm thực thi chính sách khuyến khích thương mại, tích cực mở rộng quan hệ bang giao với nhiều nước trong khu vực, thế giới. Với vị trí địa lý thuận lợi và nguồn tài nguyên dồi dào, Côn Đảo luôn giữ một vai trò quan trọng trong quá trình mở cõi của các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn. Trong Gia Định thành thông chí, Trịnh Hoài Đức đã nhắc tới Côn Đảo như là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Nam Bộ với những đặc điểm quan trọng về quân sự và sự dồi dào về sản vật địa phương:“Ở giữa Biển Đông, từ cửa cảng Cần Giờ chạy thuyền ra biển theo hướng đông mặt trời mọc hai ngày mới đến. Đảo lớn 100 dặm có ruộng núi trồng lúa, bắp, khoai, đậu nhưng cũng không nhiều, nên thường phải mua gạo ở Gia Định mới đủ dùng. Thổ sản ở đây là ngựa và trâu, núi không có cọp beo…. Dân lính ở đấy thường lấy yến sào, đồi mồi, vích, quế hương, mắm, ốc tai tượng, rồi theo mùa mà dâng nộp, còn lại thì đánh bắt hải sản như cá, tôm, để sinh sống. Quả cau ở đây to, vỏ màu hồng, vị lại ngọt thơm, cứ đến đầu mùa xuân, lúc cau ở Gia Định chưa kết quả, thì cau ở đây đã dùng được, người ta chở vào bán với giá rất cao”[1].
Với vị trí và nguồn tài nguyên dồi dào như vậy, ngay trong bước đầu mở cõi về phương Nam, việc khai thác tài nguyên ở Côn Đảo đã được các chúa Nguyễn quan tâm, thực hiện một cách có tổ chức và theo hệ thống. Ngoài việc tăng cường thêm nguồn hàng trao đổi ngoại thương, điều quan trọng hơn, thông qua việc khai thác thường xuyên hàng năm ở Côn Đảo, các chúa Nguyễn nhằm nâng cao ý thức chủ quyền lãnh thổ quốc gia trên biển đảo của triều thần và dân chúng. Lê Quý Đôn, trong Phủ biên tạp lục cho biết, những biện pháp mà chúa Nguyễn đã thực hiện như: Lập các đội hải thuyền, quy định nhân sự, thời gian đi về, số lượng lương thực đem theo, ra các vùng đảo xa như Hoàng Sa, Trường Sa, Côn Lôn… để quản lý lãnh thổ, khai thác sản vật cùng các hàng hóa ở các con tàu đắm. Sách Đại Nam thực lục ghi: “Buổi quốc sơ đặt đội Hoàng Sa 70 người, lấy dân xã An Vĩnh sung vào, hằng năm, đến tháng 3 thì đi thuyền ra, độ ba đêm ngày thì đến bãi, tìm lượm hóa vật, đến tháng 8 thì về nộp…., sai đi thuyền nhỏ đến các xứ Bắc Hải, Côn Lôn, để tìm lượm hóa vật; đội này cũng do đội Hoàng Sa kiêm quản”[2].
Sau đó ít lâu, nhằm khai thác nhiều hơn nguồn lợi kinh tế ở Côn Đảo, chính quyền chúa Nguyễn đã thành lập một đơn vị mới là đội Bắc Hải phụ trách việc quản lý và khai thác quần đảo Côn Lôn và các đảo ở Hà Tiên, nhưng vẫn giao cho đội Hoàng Sa kiêm nhiệm: “Họ Nguyễn lại đặt đội Bắc Hải, không định bao nhiêu suất, hoặc người thôn Thứ Chính ở Bình Thuận, hoặc người xã Cảnh Dương (Ròn, Quảng Bình), ai tình nguyện đi thì cấp giấy sai đi, miễn cho tiền sưu và các tiền tuần đò, cho đi thuyền câu nhỏ ra các xứ Bắc Hải, cù lao Côn Lôn và các đảo ở Hà Tiên tìm lượm vật của tàu đắm và các thứ đồi mồi, hải ba, bào ngư, hải sâm, cũng sai cai đội Hoàng Sa kiêm quản. Chẳng qua là lấy các thứ hải vật, còn vàng bạc của quý ít khi lấy được”[3]. Đời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691 – 1725), việc tuần tiễu, khai thác sản vật ở các quần đảo được tiến hành thường xuyên. Côn Đảo thời đó do đội Hoàng Sa quản lý. Trong sách Phủ Biên tạp lục, Lê Quý Đôn viết: “Ngày trước thiết lập đội Hoàng Sa, họ Nguyễn còn thiết lập thêm đội Bắc Hải. Quan trên sai những người trong đội chèo thuyền tư và thuyền câu nhỏ ra Cù lao Côn Lôn ở giữa Bắc Hải để tìm kiếm, lượm lặt các hạng đại mội, hải ba, đồn ngư lục quý ngư, hải sâm,…[4].
Như vậy, ngay từ thế kỷ XVII, các chúa Nguyễn đã thực sự quản lý và khai thác có tổ chức ở Côn Đảo. Chủ quyền của Đại Việt đã mở rộng đến tận Hà Tiên, mũi Cà Mau, bao gồm các hải đảo ngoài biển Đông và vịnh Thái Lan. Lúc này, bên cạnh đội Hoàng Sa trấn giữ các quần đảo giữa Biển Đông, Chúa Nguyễn còn đặt ra đội Bắc Hải (dưới sự kiêm quản của đội Hoàng Sa) có trách nhiệm khai thác sản vật, kiểm tra, kiểm soát thực thi chủ
quyền của Việt Nam ở khu vực ”các xứ Bắc Hải, cù lao Côn Lôn và các đảo ở Hà Tiên”[5].
Có thể nói, từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII, sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống thương mại quốc tế, đã ảnh hưởng tích cực tới hoạt động ngoại thương của chính quyền chúa Nguyễn. Các chúa Nguyễn đã vận dụng những kinh nghiệm đi biển của cộng đồng người Chăm, cùng các cộng đồng dân cư khác đang sinh sống tại ven biển, nhằm khai thác triệt để tiềm năng vốn có của vùng đất mình cai quản, đặc biệt là tiềm năng phong phú của các quần đảo (trong đó có Côn Đảo) nhằm mục đích phát triển kinh tế, thúc đẩy quan hệ thương mại, giao lưu văn hóa trên biển. Trong bối cảnh ấy, chính quyền chúa Nguyễn một mặt vẫn duy trì chính sách đối ngoại rộng mở, nhưng đồng thời cũng luôn cảnh giác, kịp thời đưa ra những phương thức hữu hiệu để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trên biển đảo của quốc gia.
Năm 1702, công ty Đông Ấn của Anh ngang nhiên đổ quân lên Côn Đảo và xây dựng pháo đài[6]. Chúng mở thương điếm buôn bán với các nước quanh vùng: “Có thuyền Trung Hoa chở gạch ngói tới đây đổi lấy hàng hóa của Hồng Mao (nước Anh) vì vốn ít mà lãi nhiều”[7]. Trước hành động của thực dân Anh, chúa Nguyễn Phúc Chu đã tổ chức đánh đuổi quân Anh ra khỏi đảo, bảo đảm chủ quyền đối với Côn Đảo. Sách Đại Nam thực lục chép về sự kiện này như sau: “Năm Nhâm Ngọ, đời Chúa Nguyễn Phúc Chu năm thứ 11 (1702), giặc biển là người Man An Liệt (tức người Anh) có 8 chiếc thuyền đến đậu ở đảo Côn Lôn… Trấn thủ dinh Trấn Biên là Trương Phúc Phan đen việc báo lên.
Chúa sai Phúc Phan tìm cách trừ bọn ấy”[8]. Năm sau (1703), “mùa đông tháng 10 dẹp yên đảng An Liệt. Trước là Trấn Biên Trương Phúc Phan mộ 15 người Chà Và sai làm kế trá hàng đảng An Liệt để thừa chúng sơ hở thì giết. Bọn An Liệt không biết. Ở Côn Lôn hơn 1 năm không thấy Trấn Biên xét hỏi, tự lấy làm đắc chí. Người Chà Và nhân đêm phóng lửa đốt trại, đâm chết nhất ban, nhị ban, bắt giữ ngũ ban trói lại, còn tam ban, tứ ban thì theo đường biển trốn đi. Phúc Phan nghe tin báo, tức thì sai binh thuyền ra Côn Lôn, thu hết của cải bắt được dâng nộp. Chúa trong thưởng người Chà Và và tướng sĩ theo thứ bậc. Tên ngũ ban thì đóng gông giải đi, chết ở dọc đường”[9]. Sự kiện này về sau cũng được Paulin Vial – giám đốc sở Nội chính Nam kỳ sau này nhắc tới: “Hòn đảo này ở trước cửa sông Cửu Long, một thế kỉ trước đây đã do người Anh chiếm đóng, song đã bỏ sau khi thấy không thể giữ được nó. Một đồn quân nhỏ của họ lẻ loi xa bờ một quãng ngắn, trên đường xa của thương thuyền từ Trung Hoa đến Mã Lai là mục tiêu tấn công không ngừng của người bản xứ. Các vua An Nam vẫn là người chủ hợp pháp của đảo ấy”[10]. Chính cách ứng xử kiên quyết, mạnh mẽ này của các chúa Nguyễn đã làm cho chủ quyền lãnh hải của quốc gia được bảo vệ vẹn toàn. Hơn nữa, hành động này đã góp phần tạo ra được một không gian ổn định trong giao thương quốc tế, gây niềm tin cho các đối tác đến buôn bán với các chúa Nguyễn ở Đàng Trong.
Đến cuối thế kỷ XVIII, ngoài lực lượng biền binh đồn trú, khai thác sản vật, ở Côn Đảo đã có một ít cư dân sinh sống, chủ yếu là những người vì lý do đặc biệt không thể sống trong đất liền đã di cư cả gia đình ra đây sinh cơ lập nghiệp. Thời kỳ này có khoảng 60 gia đình, sống thành một xóm nhỏ ở Côn Đảo. Trong lá thư viết ngày 15-3-1789 gửi cho Bá tước Luydécnơ ở Paris – Toàn quyền Pondich-ery ghi rõ ở Côn Đảo: “… mọi người Âu đã bỏ đi và ở đó chỉ có không đầy 60 gia đình đi trốn sinh sống”[11].
Triều Nguyễn dựng đồn bảo
Năm 1802, triều đình nhà Nguyễn được thiết lập. Một trong những yêu cầu mang tính khách quan của xã hội lúc này là phải nhanh chóng phục hồi kinh tế – xã hội, đặc biệt phát triển sản xuất nông nghiệp vốn bị chiến tranh tàn phá. Đối với các quần đảo, các vua nhà Nguyễn đặc biệt coi trọng và đã ban hành nhiều chính sách nhằm tiếp tục khai thác và bảo vệ chủ quyền tại đây. Cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, nhà Nguyễn thực thi chính sách khai khẩn để kết hợp vừa khẩn hoang, phát triển kinh tế vừa đảm bảo an ninh quốc phòng ở những vùng biên giới hải đảo. Trong lời tâu của Tôn Thất Phan về tổ chức khai hoang và bảo vệ phòng thủ biên giới hải đảo có đoạn viết nên cho đóng quân đồn điền dựng kho thóc ở tỉnh Hà Tiên, một là để dự trù quân lấy cho đủ, hai là để giữ vững biên phòng rồi nhân ấy chiêu tập dân phiêu bạt xây dựng thôn ấp, đó là điều mấu chốt nhất cho việc chỉnh đốn công việc ngoài biên giới ngày nay.
Đối với Côn Đảo, nhà Nguyễn đã thiết lập hẳn một đội quân đồn trú thường trực đặt tại đây cùng nhiều khí giới để sẵn sàng chiến đấu khi bị tấn công. Bên cạnh đó, nhà Nguyễn còn cho xây dựng đồn bót, pháo đài, tăng cường quân số, khí giới, bố phòng chặt chẽ và cắt đặt người tuần tra ở những khu vực xung yếu. Sách Đại Nam thực lục chép, năm 1805 vua dụ: “Côn Lôn và Hà Tiên Phú Quốc đều là những nơi xung yếu, dân ở đông đúc, thường có giặc biển ẩn hiện vì thế cho quan thành chọn đất hai chỗ thủ ấy, xây đặt pháo đài, liệu cấp súng đạn, khí giới, thuyền bè, phái quân đóng giữ…., ra lệnh cho các làng sở tại ven biển đều sẵn sàng thuyền bè khí giới, nếu thấy thuyền giặc đến gần bờ, tức thì cùng nhau tiếp ứng góp sức đánh bắt”[12]. Năm 1836, vua Minh Mạng ra dụ xây dựng đồn bảo Thanh Hải và pháo đài Thanh Hải ở đảo Côn Lôn thuộc Gia Định nhằm bảo vệ Côn Đảo vững chắc hơn: “…đảo Côn Lôn ở Vĩnh Long, đảo Phú Quốc ở Hà Tiên, đều có đặt đồn bảo chia phái lính thú tuần phòng, để răn ngừa sự bất trắc. Như thế, ta ngăn giữ bờ biển đã có cái thế làm cho kẻ xấu đáng sợ mà không thể xâm phạm được.
Việc võ bị mà chỉnh đốn, thì người ngoài trông thấy cũng tiêu tan lòng tà”[13]. Nhà Nguyễn hàng năm còn tổ chức cho binh lính ra khai thác tài nguyên, sản vật ở Côn Đảo: năm Minh Mạng thứ 19 (1838), lấy tổ yến ở đảo Côn Lôn: “….tỉnh Gia Định phái bắt binh thuyền đưa đến đảo Côn Lôn cùng với lính đồn đi lấy tổ yến…”[14]. Năm Kỷ Hợi, đời vua Minh Mạng thứ 20 (1839), đưa binh lính đến đảo Côn Lôn, Phú Quốc tìm lượm sản vật, tổ yến, trầm hương: “Phái viên là Ngự sử Trần Thiện thấy Yến hộ binh đi lấy tổ yến ở đảo Côn Lôn…., chuẩn cho các nơi sản ra tổ yến, hàng năm bắt binh lính ở đảo đi kiếm về nộp, nếu dám ẩn giấu thì trị tội…[15]. Nhằm tiếp tục khai thác quần đảo giàu tiềm năng này, nhà Nguyễn thực hiện chính sách “ngụ binh ư nông”, sử dụng binh lính khai phá đất đai ở những khu vực gần nơi đóng quân để tự canh tác nuôi quân và mộ dân, tổ chức tập trung như hình thức trại lính để lập đồn điền khẩn hoang. Những người này được gọi là dân binh. Nhiệm vụ chính là sản xuất nông nghiệp tập trung nhưng khi cần họ cũng được sử dụng tham gia chiến trận như quân sĩ tại ngũ. Những loại ruộng do binh lính khai hoang được gọi là “quan điền, quan trại”. Ruộng đất này khi khai khẩn xong thuộc về sở hữu nhà nước. Việc cày cấy do binh lính cùng nhau thực hiện. Thóc lúa thu họach về được nhập chung vào kho. Thời Minh Mạng hoạt động này được đẩy mạnh, đồn điền được lập ở nhiều nơi đặc biệt ở vùng biên giới, hải đảo như Hà Tiên, Côn Lôn,… Năm Minh Mạng năm thứ 21 (1840), vua xuống Dụ: “đảo Côn Lôn thuộc tỉnh Vĩnh Long, đất rộng và tốt, có thể cày cấy trồng trọt được, mà dân cư còn thưa, đã xuống Dụ cho biền binh đóng giữ ở đảo ấy ngày thường không có việc gì, phải đem sức khai khẩn…”[16]. Cũng trong năm đó, Minh Mạng gửi Dụ cho quan tỉnh Vĩnh Long đốc thúc biền binh trú đóng ở Côn Lôn ra sức khẩn ruộng hoang để tự túc lấy lương thực. Rõ ràng, chính sách đồn điền của vua Minh Mạng đã có những tác dụng nhất định, khi biến đội quân đồn trú làm nhiệm vụ canh phòng, tuần tra vùng hải đảo thành một đội quân đảm nhiệm việc phát triển kinh tế ở đây. Đồng thời, với chính sách này, nhà Nguyễn đã thu hút được lực lượng nông dân và các thành phần xã hội khác đến Côn Đảo, góp phần khai thác những tiềm năng của quần đảo rộng lớn này.
Để giảm bớt gánh nặng cho nhà nước, triều đình nhà Nguyễn đã đề ra chính sách đưa tù phạm đi khai hoang ở một số nơi mà điều kiện khó khăn như vùng biên giới hải đảo và có chế độ thưởng phạt cho những người khai phá. Mục tiêu của chính sách này là nhằm đẩy mạnh khẩn hoang, gia tăng sản xuất lương thực, tạo ra nguồn tô thuế cho nhà nước phong kiến, đồng thời để đảm bảo an ninh quốc phòng, làm chỗ dựa vững chắc cho chính quyền phong kiến nhà Nguyễn. Thực hiện chính sách trên, nhà Nguyễn đã đưa những người bị kết tội do chống đối triều đình hoặc dính đến việc tham ô công quỹ, hoặc phạm các tội khác ra Côn Đảo. Sách Đại Nam thực lục chính biên chép về sự kiện này như sau: “Gia Định phải giải những kẻ phản loạn là bọn giặc Nặc Yểm, quan mục là tên Giao, Xiêm mục là Ba Lặt Đột đến kinh, vua sai đình thần tra xét ở nhà công chính. Nặc Yểm, tên Giao đều bị giam cầm, còn những nô bộc trước kia lưu đày các tỉnh Biên Hòa, Vĩnh Long, Định Tường nay phái đi an trí ở Côn Lôn…, nhiều lần lại đem các tù phạm án nhẹ, tháo bỏ xiềng khóa đưa đến ở đấy (Côn Đảo), cho làm ăn sinh sống, nhân dân dần dần nhiều thêm”[17]. Thời kỳ này, tại Côn Đảo có khoảng 210 tù phạm bị giam giữ. Nhà vua đã ra lệnh, cho phép những tù phạm này sau khi hết hạn lưu đày sẽ trở thành thường dân sinh sống tại đây. Trong tờ Sớ của tỉnh thần Vĩnh Long tâu lên vua Minh Mạng tháng 10 năm Canh Tý (1840) viết: Bình dân ở đảo Côn Lôn, số người khá nhiều (250 người) cùng với số tù phạm tiết tháo phát vãng đến (210 người) giản hoặc có người đã mãn hạn, lệ theo vào sổ dân. Xin cho trong số binh dân ấy lựa lấy 50 người đặt làm một đội Thanh Hải, sai phái việc công và hằng năm sai đi lấy tổ yến để nộp, còn thì cho cùng với số tù phạm đã lệ thuộc vào sổ đặt làm thôn An Hải. Duy xét ra điền thổ ở đảo không có mấy (binh dân trước đã khai khẩn thành điền là 150 mẫu, đất vườn trồng cau hơn 8 mẫu, đất trồng khoai đậu hơn 21 mẫu. Về tù phạm mới khẩn thành điền hơn 23 mẫu, còn thì bỏ hoang, rừng rậm có thể cung cấp được còn 180 mẫu, mà nơi dân ở thì có chỗ chưa thành. Một biện pháp hết sức quan trọng trong việc khai thác quần đảo Côn Lôn mà nhà Nguyễn (đặc biệt là dưới thời vua Minh Mạng) thực thi đó là đẩy mạnh chính sách di dân (tự nguyện) ra Côn Đảo nhằm giữ đất, giữ làng, khẩn hoang, khai thác sản vật, phát triển kinh tế. Để khuyến khích người dân, nhà Nguyễn đã tạo sự dễ dãi trong thủ tục đối với người dân ra đảo khẩn hoang như: để cho người đi khẩn hoang tự do lựa chọn đất khai phá; cho phép người đi khẩn hoang lập làng với thủ tục đơn giản; miễn thuế cho người khai khẩn hoang từ ba năm trở lên; cho dân mượn những nông cụ, trâu bò, lúa giống, cấp tiền vốn, đôi khi còn cấp không cho dân nghèo. Năm 1833, Minh Mạng ra chỉ dụ: “Nếu người đi khẩn hoang thiếu trâu cày, điền khí và lúa giống thì các quan phải cấp phát”[18]. Trong sách Đại Nam thực lục chính biên viết: Năm 1840, vua Minh Mạng truyền dụ: “cho 5 tỉnh Vĩnh Long, Định Tường, Gia Định, Biên Hòa và An Giang chiêu mộ dân trong tỉnh, không kể trai gái già trẻ ai tình nguyện ra đảo làm ăn sinh sống sẽ được cấp tiền vốn, mỗi người 10 quan hay 3,5 quan…, lại cho các tỉnh Vĩnh Long, Định Tường, Biên Hòa, An Giang đều phải xét hỏi trong hạt như có dân góa vợ, góa chồng, mồ côi, người già không có con, nghèo thiếu không nhờ vào đâu được, người nào nếu tình nguyện đi tới đảo ấy làm ăn mưu sống, thì không cứ đàn ông, đàn bà, người già, người trẻ, và người nào muốn mang theo vợ con cùng đi, thì đều cho, nhưng do quan các tỉnh ấy xét cấp cho mỗi người tiền là 10 quan, hoặc năm ba quan làm vốn…. Việc chiêu mộ cốt phải thuận theo lòng người, không được cưỡng ép, tỉnh nào mộ được bao nhiêu người giao cả cho thuyền máy ở Vĩnh Long tải đi, giao cho viên ở đồn ấy lại phải quan tâm chiếu cố, cốt mong đất đai ngày càng mở mang, cư dân ngày càng phồn thịnh” [19].
Ngoài ra, triều đình còn cấp cho nhân dân ở đảo thóc giống, trâu bò, đồ làm ruộng; mua gia súc như dê, lợn, gà, chó giao cho dân chăn nuôi, để giúp lương thực cho dân:“đảo Côn Lôn ở Vĩnh Long, mới bắt đầu khai khẩn, mở mang, nguồn sống của dân ở đấy chưa nhiều, trước đã xuống Dụ cho quan tỉnh ấy mua sắm trâu cày, đồ làm ruộng, thóc giống gieo mạ, giao cho viên biên đóng giữ ấy, lượng cấp cho nhân dân trong đảo ở đấy cày và bừa, cho đến gia súc như dê, lợn, gà, chó, cũng đặt giá mua, giao cho dân chăn nuôi thêm nhiều, để giúp lương thực cho dân…., trong đó chỗ nào cây ở rừng hiện đã to lớn, có thể dùng làm nhà cửa, thuyền bè được, thì để lại như cũ, không nên chặt, còn phàm chỗ bụi rậm đất hoang, sẽ để cho dân binh tù phạm hết sức khai phá tùy chỗ trồng trọt lúa thóc, khoai đậu, để giúp cho ăn dùng, cốt mong đất không chỗ bỏ hoang, người có lương thừa, cho hải đảo xa xôi, dần dần thành đất vui”[20].
Bằng những chính sách như trên, triều đình Huế đã đưa một số lượng lớn dân cư tới sinh sống ở Côn Đảo nhằm triệt để khai thác tiềm năng to lớn của quần đảo và tạo ra ở đây một cơ sở xã hội vững chắc cho quân đội đồn trú. Đến năm 1840, trên đảo Côn Lôn ngoài những người phát vãng biền binh trú phòng, đã xuất hiện những người dân thường thuộc 5 tỉnh Nam kỳ tự nguyện di cư ra đảo làm ăn sinh sống. Vì thế, số dân trên đảo ngày càng đông đúc thêm, việc khai hoang phát triển kinh tế ngày càng được đẩy mạnh. Đến giữa thế kỷ XIX, dân số ở Đảo lên tới 1.000 người, gồm 3 thành phần: dân thường, biền binh trú phòng và những người bị phát vãng.
Nhờ nhận biết được vị trí và điều kiện tự nhiên thuận lợi của Côn Đảo, cũng như những chính sách (cả cưỡng bức và khuyến khích) hết sức dễ dãi đối với người dân trong việc khai hoang; lợi dụng sức lao động và khả năng khai thác nguồn tài nguyên của các tầng lớp nhân dân nghèo; sử dụng binh lính khai phá đất đai, phát triển kinh tế nông nghiệp ở khu vực cư trú và mộ dân lập đồn điền khẩn hoang; đưa tù phạm ra khai hoang, v.v… của các chúa Nguyễn và sau này là triều Nguyễn mà công cuộc khai hoang, phát triển kinh tế ở đây đã được mở rộng. Có thể nói, những chính sách thực thi ở Côn Đảo (thế kỷ XVII – nửa đầu XIX) của nhà Nguyễn đều nhằm hướng tới những mục đích là mở mang đất đai, khai thác nguồn tài nguyên phong phú, để khẳng định chủ quyền và đảm bảo an ninh quốc phòng của Đại Việt trên vùng biển đảo phía đông nam của Tổ Quốc. Tuy nhiên, từ nửa sau thế kỷ XIX, triều đình nhà Nguyễn rơi vào khủng hoảng, không đủ sức bảo vệ đất nước. Để rồi năm 1861 khi thực dân Pháp xâm lược, chiếm được Côn Đảo và sau đó là đế quốc Mỹ và tay sai, Côn Đảo đã trở thành nhà tù để giam cầm những người chiến sĩ cách mạng Việt Nam yêu nước.
ThS. NGUYỄN THỊ ÁNH NGUYỆT
Trường ĐH KHXH-NV ĐHQG TP.HCM
_______________
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. A. Septantt, Thời kỳ đầu của xứ Đông Pháp, Tư liệu của khoa Lịch sử trường Đại học KHXH & NVHN.
2. Lê Quý Đôn toàn tập, tập 1, 2, Nxb Khoa học Xã hội, H., 1977.
3. Paulin Vial, Những năm đầu của Nam kỳ thuộc Pháp, Tư liệu của khoa Lịch sử trường Đại học KHXH & NVHN.
4. Đại Nam thực lục chính biên, Nxb KHXH, H., 1969.
5. Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí (Lý Việt Dũng dịch và chú giải), Nxb Tổng hợp Đồng Nai, 2004.
6. Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Viện sử học, Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 1, 2, 3, Nxb Giáo dục, 2004.
[1] Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí (Lý Việt Dũng dịch và chú giải), Nxb. Tổng hợp Đồng Nai, 2004, tr.48.
[2] Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Viện sử học, Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 1, Nxb. Giáo dục, năm 2007, tr.164.
[3] Lê Quý Đôn toàn tập, tập 1, Nxb. Khoa học Xã hội, H., 1977, tr.120.
[4] Lê Quý Đôn, Phủ Biên tạp lục, tập 1, Sài Gòn 1972, tr.212.
[5] Hội KHLS TpHCM, Lược sử vùng đất Nam Bộ – Giai đoạn từ đầu thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XVIII, Nxb. Thế giới, 2006, tr. 26
[6] Ngày nay vết tích thành cổ của Pháp do công ty Anh xây dựng vẫn còn tại Côn Đảo.
[7] Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Viện sử học, Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 1, Nxb Giáo dục, 2004, tr.217.
[8] Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Viện sử học, Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 1, Nxb Giáo dục, năm 2007, tr.115.
[9] Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Viện sử học, Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 1, Nxb Giáo dục, năm 2007, tr.117.
[10] Paulin Vial, Những năm đầu của Nam kỳ thuộc Pháp, Tư liệu khoa Lịch sử trường Đại học KHXH & NVHN, tr. 82.
[11] A. Septantt, Thời kỳ đầu của xứ Đông Pháp, Tư liệu khoa Lịch sử trường Đại học KHXH & NVHN, tr. 54.
[12] Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Viện sử học, Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 2, Nxb. Giáo dục, 2007,tr.265.
[13] Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Viện sử học, Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 1, Nxb. Giáo dục, 2007,tr.134.
[14] Lê Quý Đôn toàn tập, tập 1, Nxb. Khoa học Xã hội, H., 1977, tr.231.
[15] Lê Quý Đôn toàn tập, tập 1, Nxb. Khoa học Xã hội, H., 1977, tr.233.
[16] Đại Nam thực lục chính biên, tập XXII, đệ nhị kỷ XVIII (1840), Nxb KHXH, H., 1969, tr.138.
[17] Đại Nam thực lục chính biên, tập XXII, đệ nhị kỷ XVIII (1840), Nxb KHXH, H., 1969, tr.16.
[18] Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Viện sử học, Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 1, Nxb. Giáo dục, 2007,tr.241.
[19] Đại Nam thực lục chính biên, tập XXII, đệ nhị kỷ XVIII (1840), Nxb KHXH, H.1969, tr.16-17.
[20] Đại Nam thực lục chính biên, tập XXII, đệ nhị kỷ XVIII (1840), Nxb KHXH, H.1969, tr.65.