Côn Đảo hôm nay là một danh thắng đẹp với biển xanh, cát trắng và hoa nở rực rỡ muôn màu. Sự tĩnh lặng đến kỳ thú của nơi đây là quả hạnh của lịch sử, và khi đêm xuống, Côn Đảo hóa mình thành một vương quốc khác. Vương quốc của thế giới tâm linh mà tâm điểm là Nghĩa trang Hàng Dương – một di sản đặc biệt, di sản của chủ nghĩa anh hùng dân tộc – được kết hoa đăng dưới vòm trời Việt bằng một cụm công trình Kiến trúc, Điêu khắc nghệ thuật hiện đại.
Bước xuống hòn đảo với nụ cười trên gương mặt tràn ngập ánh nắng, gió biển tiết cuối xuân, tôi đã dừng đôi mắt rất lâu nơi những vòm hoa đa sắc rực rỡ, phong phú và dường như tất cả đều lộng lẫy hơn mọi nơi tôi đã đi qua. Bình minh trải ra trong vắt và thinh lặng. Côn Đảo mang trong mình một lịch sử về tinh thần đấu tranh giải phóng dân tộc, trải dài Phong trào Văn thân yêu nước, rồi kháng chiến chống Pháp đến hết chống Mỹ. Người hướng dẫn hào hứng giới thiệu về nơi đây với bao điều và đôi mắt bừng sáng khi kể về người nữ anh hùng Võ Thị Sáu đã thành huyền sử của đảo này.
Chiều xuống, tôi đến Nghĩa trang Hàng Dương, giờ đã thành một quần thể kiến trúc điêu khắc nổi bật. Bước vào Khu tưởng niệm, bắt gặp đầu tiên tác phẩm của nhà điêu khắc Đào Châu Hải, tác phẩm mang tên “Bất khuất” có chiều dài 22 m, cao 3,2 m (chưa kể bệ), là một dãy khối nằm ngang như một tấm bình phong phía mặt quần thể, hình tượng như một dãy núi, một bức tường nhà lao, được xếp chồng từng khối, những chi tiết điêu khắc khoét lõm sâu vào thể hiện những nhân vật bị giam cầm xiềng xích đang giúp đỡ, nương tựa nhau như đi xuyên trong những khối tường, như sự kết nối huyền thoại của tinh thần yêu nước, đấu tranh bất khuất chống chủ nghĩa thực dân. Những lỗ thủng là điểm thú vị của tác phẩm, nó vừa đạt lý do khi nằm chính diện tiền sảnh quần thể lại vừa cho cảm giác trong ngoài của các ô cửa xà lim. Nhịp đặc, rỗng, lõm, phẳng… đã tạo toàn cho khối điêu khắc một câu chuyện dày dặn, vừa cho xúc cảm câm lặng lại vừa thấy cái cuộn dâng sức mạnh tiềm ẩn, ý chí của tinh thần quật cường, ý chí tư tưởng giải phóng dân tộc.
Chính diện, lùi xuống bên trái là tác phẩm của nhà điêu khắc Phan Gia Hương, mang tên “Hy vọng” cao 5m, tạc một khối nhân vật nữ đứng hiên ngang trong gió biển, dang tay thả chim tự do, hình ảnh đó là biểu tượng về tinh thần lạc quan, yêu đời đầy hy vọng, như hóa thân chính từ nữ anh hùng Võ Thị Sáu – một huyền sử sáng chói tinh thần cách mạng, nhân văn.
Chính diện, lùi xuống bên phải là tác phẩm “Trao áo” ** của nhà điêu khắc Lưu Danh Thanh. Bức tượng tròn cao 5m tạc một nhân vật nam, tay phải nắm chắc kiên định và tay trái vắt ngang một tấm áo. Tác giả Lưu Danh Thanh đã sáng tạo, tạo hình hóa từ câu chuyện người chiến sỹ cộng sản tù Côn Đảo Vũ Văn Hiếu trước khi chết đã trao lại tấm áo của mình cho chiến sỹ cộng sản khác là đồng chí Lê Duẩn, câu chuyện bừng sáng tinh thần cách mạng vô sản, tinh thần hiến dâng cách mạng đến hơi thở cuối cùng. Đó là bài ca về sự hy sinh của người cộng sản, tất cả cho tổ quốc, tất cả cho cách mạng.
Xem thêm: Bức tượng “Trao áo” trong nghĩa trang Hàng Dương
Phần phía sau cụm điêu khắc là phần công trình kiến trúc và ở trung tâm là Đài tưởng niệm có điểm khác biệt đa số các Đài khác trên toàn quốc là trên đỉnh Đài đã không đặt Ngôi Sao vàng. Nghĩa trang Hàng Dương với ý nghĩa tưởng nhớ ghi công những người con đất Việt đã đấu tranh cho nền độc lập, giải phóng dân tộc, không kể quan điểm chính trị, nhóm đảng phái. Đó là tư tưởng chủ đạo, kiên định và minh triết, là bệ đỡ cho những ứng xử và nghệ thuật.
Ấn tượng và xúc cảm trước những biểu đạt văn hóa nghệ thuật đầy ý nghĩa, ấp ủ trong cả chuyến đi vào cuối mùa xuân khiến tôi làm một cuộc hành trình trở về với những tác giả của cụm công trình những tác phẩm điêu khắc ngoài trời ở Côn Đảo.
Khởi đầu từ cuộc trò chuyện rất ngắn với Nhà điêu khắc Lưu Danh Thanh trong một lần xem Triển lãm ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, tôi biết đến lịch sử vấn đề, những người thực hiện đã nghiêm túc và mang lại thành công cho một hợp thể lịch sử, văn hóa, nghệ thuật ra sao. Một dự án điêu khắc cộng đồng đã được triển khai, phối hợp nhất quán từ cơ quan tổ chức thực hiện là Bộ Lao động, Thương binh, Xã hội cùng các Nhà Kiến trúc như Kiến trúc sư Nguyễn Trực Luyện, Nguyễn Luận, Hoàng Phúc Thắng (đã mất 2005) cùng các Nghệ sỹ điêu khắc Lưu Danh Thanh, Phan Gia Hương, Đào Châu Hải và các thành phần khác. Sự phân tích, trao đổi về tư tưởng, nghệ thuật, biện pháp thi công đã khẳng định sự thành công về quy hoạch kiến trúc; điêu khắc không gian; phương pháp tổ chức thực hiện; ý tưởng nghệ thuật; chất liệu (sử dụng đá Granite khai thác tại núi chỉ cách khu di tích 2 km). Những bức tượng có độ cao, khối tích điêu khắc cũng hòa hợp trong tổng thể quy hoạch với kiến trúc và cảnh quan môi trường, mặt bằng. Như thế, tác phẩm thực sự cho cảm giác tồn tại tự nhiên hợp lẽ.
Một ngày tháng 6, chạy xe lên Phú Thọ, nơi ẩn cư của nhà điêu khắc Đào Châu Hải, tôi lại hiểu rõ thêm những điều quý giá. Điều kể đến đầu tiên trước khi nghệ thuật tỏa sáng là tư tưởng chỉ đạo tiệp mẫn của Cố thủ tướng Võ Văn Kiệt. Cá nhân nhà điêu khắc Đào Châu Hải là một câu chuyện gắn liền với Côn Đảo bởi trong gia đình ông có đến bốn người ruột thịt từng là cựu tù Côn Đảo trong các giai đoạn kháng chiến chống chủ nghĩa thực dân, ngay chính trong gia đình nhỏ của ông lại có một lịch sử riêng khi trong số những người thân ấy không phải tất cả là chiến sỹ Cộng sản, nhưng đều là những cá nhân yêu nước đấu tranh về nền độc lập dân tộc thiêng liêng này. Một tâm thế đau đáu và gặp vận hội quý, người nghệ sỹ đã mặc nhiên đặt mình trong sự giao thoa nhân văn toàn bích ấy.
Như lời kết:
Cụm công trình hoàn thành trong giai đoạn 2003 -2004 đã cách nay 12 năm, Có thể nói, toàn bộ quần thể kiến trúc điêu khắc nơi đây là một điển hình thành công lớn về tư tưởng, thái độ và trình độ của những con người Việt Nam hôm nay trước một di sản tinh thần của quá khứ.
Một công trình tưởng niệm ngoài trời vẫn phải hiểu là một tác phẩm Kiến trúc điêu khắc ngoài không gian, sự thành công về tư tưởng, về nghệ thuật mới đảm bảo sức sống, sự lay động truyền đi theo thời gian những giá trị nhân văn, điều mà đa số những công trình các địa phương làm chưa thật đạt được. Đã chừng gần hai thập niên giới chuyên môn phàn nàn và dấy lên dư luận về việc các công trình điêu khắc, khu tưởng niệm có nên làm hay không, vì bởi lẽ làm không tới sẽ rất tốn kém và phí hoài, mặt khác, dù rằng dựng lên đã tốn không ít công sức và tiền của nhưng nếu kết quả không đạt thì loại bỏ nó khó hơn rất nhiều, đặc biệt, với công trình gắn với tâm linh. Quần thể Kiến trúc – Điêu khắc Nghĩa trang Hàng Dương đã xứng đáng là công trình cộng đồng thành công, xứng với với sứ mệnh lịch sử, nơi nghệ thuật và lòng tri ân hòa quyện viết lên một câu chuyện nhân văn mới, chuyện ứng xử đúng, đạt và trọn vẹn đòi hỏi của Lịch sử – Văn hóa – Nghệ thuật.
Bài & ảnh: Phạm Hà Hải 11/08/2016
https://ape.gov.vn
(*) Côn Đảo là một quần đảo ở ngoài khơi bờ biển Nam Bộ (Việt Nam) và cũng là huyện trực thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Côn Đảo cách thành phố Vũng Tàu 97 hải lý theo đường biển. Nơi gần Côn Đảo nhất là xã Vĩnh Hải, tỉnh Sóc Trăng, cách 40 hải lý.
Côn Đảo hay Côn Sơn cũng hay dùng cho tên của hòn đảo lớn nhất trong quần đảo này. Lịch sử Việt Nam trước thế kỷ 20 thường gọi đảo Côn Sơn là đảo Côn Lôn. Tên gọi cũ trong các văn bản tiếng Anh và tiếng Pháp là Poulo Condor.
Năm 1977, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam quyết định tên gọi chính thức là Côn Đảo. Côn Đảo cũng là đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
(**) Tác phẩm “Trao áo” được thực hiện lại từ bản gốc đầu tiên đã dựng năm 1979-1980 ngay tại vị trí Đài trưởng niệm ngày nay.