Di tích Nhà tù Côn Đảo

Huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) là một quần đảo bao gồm 16 hòn đảo với tổng diện tích 76,650km2, trải ra trên vùng tọa độ từ 8037’-8047’ vĩ độ bắc, từ 106032’-106045’kinh độ đông.

Côn Đảo cách xa thành phố Vũng Tàu về phía đông nam 90 hải lý (179km), cách cửa sông Hậu 45 hải lý (83km). Núi rừng chiếm hơn 80% diện tích tự nhiên, cao nhất là đỉnh Thánh Giá (577m), núi Chúa (515m). Rừng Đặc dụng Quốc gia Côn Đảo, hệ sinh thái đa dạng với nhiều chủng loại động thực vật quí hiếm tiêu biểu cho cả ba miền Bắc – Trung – Nam.

Khí hậu Côn Đảo thuộc loại cận xích đạo. Nhiệt độ trung bình hàng năm 26,9oC. Lượng mưa trung bình: 2.200mm. Độ ẩm trung bình 80%. Mùa khô từ tháng 11 đến tháng 04 có gió mùa đông bắc (còn gọi là gió chướng), mùa mưa từ tháng 05 đến tháng 10 có gió tây nam.

Các di chỉ khảo cổ học đã được phát hiện, khai quật nghiên cứu: Hòn Cau, Cồn Hải Đăng, Cồn Miếu Bà, Hàng Dương, Cồn Nhà máy nước, Bàu sen… cho thấy vào thời sơ kỳ kim khí cách ngày nay 2500 – 2000 năm lớp cư dân đầu tiên đã có mặt tại Côn Đảo. Trong quá trình sinh tụ trên đảo họ đã có những mối quan hệ giao thương rộng rãi với các nhóm cư dân đồng đại trong đất liền Nam bộ, Trung bộ Việt Nam cũng như các khu vực khác của Đông Nam Á lục địa và hải đảo.

Từ xưa người Mã Lai gọi Côn Đảo là Pulao Cundur. Người Việt gọi là Côn Lôn, Côn Sơn… Người Pháp gọi Côn Đảo là Poulo Condore. Trong quá trình lập nghiệp ở Đàng Trong, các chúa Nguyễn đã thực sự quản lý và khai thác có tổ chức quần đảo Côn Lôn. Thời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) Côn Đảo do đội Hoàng Sa quản lý.

Sau khi chiếm đóng Gia Định, ngày 23/11/1861 đô đốc Bonard Thiếu tướng Hải quân Pháp đã hối thúc đô đốc Charner phải chiếm ngay quần đảo Côn Lôn. Charner liền ra lệnh cho Lespes chỉ huy thông báo hạm Norzagaray tới Vũng Đầm kéo cờ Pháp rồi lập biên bản về việc chiếm lãnh vào hồi 10 giờ sáng ngày 28/11/1861. Ngày 01/02/1862, Bonard quyết định thành lập nhà tù ở Côn Đảo. Từ đây, khởi đầu một giai đoạn lịch sử nhà tù đầy man rợ dưới thời thực dân đế quốc

Cách mạng Tháng 8/1945 thành công, chính quyền cách mạng được thiết lập trên “đảo tù” này. Nhưng chỉ ít lâu sau đó, cùng với việc tái xâm lược Nam Bộ. thực dân Pháp cũng chiếm đóng trở lại Côn Đảo. Một lần nữa chúng biến nơi đây thành nhà tù giam giữ những người yêu nước, các chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam, cán bộ Việt Minh không may sa vào tay giặc.

Từ 1955 Mỹ, Ngụy tiếp quản Côn Đảo. Chúng nâng lên thành tỉnh Côn Sơn, tiếp tục mở rộng trại giam để đày ải, giết hại các chiến sĩ cách mạng. Biến nơi đây thành địa ngục trần gian, với các khu nghĩa địa Hàng Keo, Hàng Dương trùng điệp 20.000 nấm mồ tù nhân. Nhưng với mọi thủ đoạn tinh vi, ác độc kẻ địch cũng không sao khuất phục được tinh thần quật cường của các chiến sĩ cộng sản. Để rồi rạng sáng ngày 1 tháng 5 năm 1975 dưới sự lãnh đạo của Đảo Ủy toàn thể tù nhân Côn Đảo nổi dậy phá tan ngục tù, bẻ gãy gông xiềng giải phóng hòn đảo tự do.

Ngày 29/4/1979, Bộ Văn hóa-Thông tin đã ra quyết định số 54/VH.QĐ đặc cách công nhận khu di tích lịch sử Côn Đảo và ghi nhận đây là một trong những di tích đặc biệt quan trọng của Quốc gia. Tại hội nghị ngày 23/02/1998 do UBND Tỉnh chủ trì, với sự tham dự của lãnh đạo các cơ quan ban ngành trong tỉnh và đại diện Bộ Văn hóa Thông tin đã thông qua đề án quy định khu vực bảo vệ Di tích lịch sử Nhà tù Côn Đảo. Hội nghị thống nhất bước đầu khoanh vùng khu vực bảo vệ 20 địa điểm di tích trọng tâm.

1. Nhà Chúa Đảo: Tổng diện tích 21.500m2, xây dựng cuối TK XIX, là nơi ở và làm việc của 53 đời chúa đảo, (39 tên người Pháp, 14 tên người Việt Nam), nơi tập trung đầu não của bộ máy cai trị tù thời Pháp – Mỹ. Nhà Chúa đảo cũng là nơi xuất phát những mệnh lệnh, âm mưu thủ đoạn của địch nhằm đày ải, tiêu diệt tù nhân. Năm 1919, tên chúa đảo khét tiếng tàn bạo Anduara đã bị tù nhân trừng trị tại chính sào huyệt của hắn. Di tích còn thể hiện cuộc sống xa hoa của địch bên cạnh cuộc sống nghèo nàn, hà khắc của tù nhân. Khuôn viên nhà chúa đảo trước đây được gọi là Sở rẫy Ông Lớn, thường xuyên có hàng chục tù nhân bị bắt lao động khổ sai phục vụ cho cuộc sống đế vương của các tên chúa đảo. Di tích là nơi ghi dấu sự kiện thành lập chính quyền cách mạng đầu tiên ở Côn Đảo năm 1945 và năm 1975.

2. Cầu Tàu lịch sử Côn Đảo (Cầu Tàu 914): Xây dựng năm 1873, diện tích 1.400m2, nơi gần 1.000 tù nhân bị địch giết hại dần mòn trong quá trình lao động khổ sai khai thác vận chuyển những khối đá lớn để xây cầu. Cầu tàu cũng là nơi cập bến của các con tàu chở tù ra Côn Đảo, nơi chứng kiến những trận đòn khốc liệt phủ đầu nhằm uy hiếp tù nhân.

Cầu tầu 914 – Côn Đảo

3. Nhà Công quán: Xây dựng cuối TK XIX, diện tích 850m2, từng là nơi dừng chân của nhạc sĩ người Pháp, danh nhân văn hóa thế giới Camille Saint Saens. Tại đây ông đã hoàn tất 3 chương cuối của vở nhạc kịch bất hủ Brunenida. Đó là dấu ấn đẹp đẽ duy nhất của người Pháp trên hòn đảo “Địa ngục trần gian” này.

4. Sở Lưới: Xây dựng cuối thế kỷ XIX, diện tích: 750m2. Là nơi giam giữ những người tù bị lao động khổ sai đi đánh cá, lặn lấy sản vật dưới đáy biển, khai thác tổ yến trên những vách đá cheo leo hiểm trở, để cống nạp cho chúa đảo.

Tại đây, bác Tôn Đức Thắng từng bị giam giữ. Chính Bác đã thiết lập một đường dây liên lạc giữa tù chính trị Côn Đảo với Trung ương Đảng Công Sản Pháp thông qua những thủy thủ thuộc hãng vận tải Năm Sao. Cũng chính tay Bác Tôn đã chăm sóc cây bàng lịch sử nổi tiêng tồn tại cho tới năm 1993. Tại Sở Lưới nhiều cuộc cướp tàu vượt ngục của tù nhân đã diễn ra thắng lợi. Năm 1994, toàn bộ kiến trúc Sở Lưới đã bị dỡ bỏ hoàn toàn để xây dựng công viên Tôn Đức Thắng.

5. Trại 2: Thời Pháp là Banh I, từ 1954-1973 là trại 2, từ 1973-1975 là trại Phú Hải. Xây dựng từ cuối thế kỷ XIX với tổng diện tích 12.800m2. Đây là trại giam chính lớn nhất và cổ nhất ở Côn Đảo. Các phòng giam ở trại này mang đậm dấu tích của các thời kỳ lịch sử, nơi giam giữ nhiều đồng chí lãnh tụ của Đảng và Nhà nước ta. Phòng 6 trước đây giam giữ các sĩ phu, văn thân yêu nước. Khu trừng giới “Hầm xay lúa” và khu hầm đá từng
được mệnh danh là nhà tù trong nhà tù, địa ngục trong địa ngục. Trại 2 cũng là nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên ở nhà tù Côn Đảo năm 1932, do đồng chí Nguyễn Hới làm bí thư. Nơi ra đời các tờ báo bí mật của Chi bộ Đảng trong tù.

6. Trại 3 : Thời Pháp là Banh II, từ 1954 -1973 là trại 3, từ 1973 -1975 là trại Phú Sơn. Xây dựng năm 1916, tổng diện tich 15.200m2 bao gồm 12 phòng lớn, 14 xà lim biệt lập do người Pháp xây dựng sau trại 2. Nhiều đồng chí lãnh tụ và cán bộ cao cấp của Đảng ta đã bị giam giữ, đầy ải tại đây. Trại 3 là nơi diễn ra cuộc đấu tranh quyết liệt và giành thắng lợi của hệ tư tưởng Cộng sản đối với hệ tư tưởng của Quốc dân Đảng.

7. Phòng điều tra (nhà tra tấn) : Diện tích 620m2, là nơi Mỹ-Ngụy dùng để tra tấn, khai thác khẩu cung và giam giữ tù nhân trong hầm tối.

8. Chuồng cọp Pháp : Là xà lim biệt lập của trại 1 và trại 4, xây dựng năm 1941, tổng diện tích 5.432m2 gồm hai dãy, mỗi dãy có 60 phòng giam nhỏ và buồng tắm nắng. Tại đây bọn Pháp, Mỹ đã dùng mọi thủ đoạn tàn bạo để đày ải, giêt dần mòn tù chính trị. Khu chuồng cọp nổi tiếng là “ địa ngục của địa ngục”. Đồng thời cũng là nơi các chiến sĩ cách mạng thể hiện ý chí đấu tranh bất khuất thà hy sinh chứ không chịu đầu hàng, không chịu ly khai Đảng, Bác Hồ. Điển hình là cuộc đấu tranh giữ vững khí tiết với 5 ngôi sao sáng thắng lợi trở về 1964.

9. Trại 4 : Thời Pháp là Banh phụ của Banh III, từ 1954-1973 là trại 4, từ 1973-1975 là trại Phú Tường. Xây dựng năm 1942, tổng diện tích 6.054m2. Thời Pháp giam giữ các tù nhân có bệnh truyền nhiễm. Sau đó dùng để giam giữ tù binh Việt Minh. Thời Mỹ-Ngụy dùng làm nơi giam cầm, đày ải các tù nhân chống ly khai.

10. Trại 1 : Thời Pháp là Banh III, từ 1954-1973 là trại 1, từ 1973-1975 là trại Phú Thọ. Xây dựng năm 1935, diện tích 13.400m2. Nơi tập trung giam giữ những tù nhân “nguy hiểm” được thanh lọc từ Banh I và Banh II. Tù nhân bị bắt sau Nam Kỳ khởi nghĩa (1940) cùng nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta cũng bị địch giam giữ tại đây trong khu cấm cố “chuồng gà”. Thời Mỹ-Ngụy là nơi giam giữ những người chống ly khai bảo vệ khí tiết của người cộng sản.

11. Trại 5 (Từ 1973-1975 là trại Phú Phong) : Do Mỹ-Ngụy xây dựng năm 1962, diện tích 6.800m2. Là nơi giam giữ tù câu lưu dân sự, quân sự (tù binh) và giam giữ nữ tù chính trị năm 1970.

12. Trại 6 (Từ năm 1973-1975 là trại Phú An) : Mỹ-Ngụy xây dựng năm 1968, tổng diện tích 30.300m2 chia làm hai khu A và B giam giữ tù câu lưu và tù phụ nữ. Tại đây diễn ra nhiều cuộc đấu tranh của tù nhân chống lại bộ máy cai trị tù. Điển hình nhất là khu B với phong trào chống lăn tay chụp hình tráo án tù chính trị thành tù thường phạm để trốn tránh trao trả tù sau hiệp định Paris năm 1973. Cũng tại khu B anh em đã tổ chức nhiều đợt biểu diễn văn nghệ, biên tập các tập san Xây dựng, cất dấu radio để tuyên truyền giữ vững tinh thần đấu tranh cách mạng cho tới ngày giải phóng.

13. Trại 7 ( chuồng cọp Mỹ ) : Từ năm 1973-1975 là trại Phú Bình. Xây dựng năm 1970, tổng diện tích 30.000m2 với 384 phòng giam chia làm 8 khu biệt lập. Đây là trại giam điển hình kiểu Mỹ ( thay thế cho chuồng cọp Pháp đã bị dư luận trong nước và quốc tế lên án mạnh mẽ), dùng để giam giữ đày ải những người tù “nguy hiểm” nhất được thanh lọc từ các trại. Khu H là nơi xuất phát đầu tiên của cuộc nổi dậy giải phóng hoàn toàn Côn Đảo 1/5/1975.

Di tích chuồng cọp Mỹ

14. Trại 8 (trại Phú Hưng) : Mỹ – Ngụy xây dựng năm 1971, diện tích 26.200m2 còn đang xây dựng dở dang. Địch dùng giam giữ tù chính trị không án từ đất liền mới ra đảo.

Di tích trại Phú Hưng

15. Nghĩa trang Hàng Dương: Tổng diện tích 190.000m2. Được hình thành từ năm 1941, chôn cất khoảng 5.000 tù nhân trên tổng số 20.000 người đã bị sát hại tại nhà tù Côn Đảo. Đây cũng là khu điển hình nhất trong các nghĩa địa tù. Nghĩa trang chia làm 3 khu vực: Khu A tiêu biểu là mộ cụ Nguyễn An Ninh và đ/c Lê Hồng Phong. Khu B tiêu biểu là mộ anh hùng Võ Thị Sáu. Khu C nơi chôn cất tù nhân bị chết dưới thời Mỹ – Ngụy.

Đã có nhiều chiến sĩ đã ngã xuống vì đòn roi, tra tấn và một phần thân xác đã nằm lại nghĩa trang Hàng Dương

Ngoài ra còn khu hành lễ và tượng đài trao áo được xây dựng năm 1980. Trong thời gian 1990 tới nay Bộ Lao động, Thương binh, Xã hội đã tôn tạo toàn bộ khu nghĩa trang, xây tường bao quanh, cổng ra vào, trục đường chính, nhà quản trang, 1.800 ngôi mộ, bãi đỗ xe và các công trình phụ.

16. Sở Lò Vôi: Xây dựng năm 1923, diện tích 5.000m2. Là nơi giam giữ và cưỡng bức lao động khổ sai. Tù nhân bị địch bắt khai thác san hô dưới biển về nung vôi phục vụ cho việc xây dựng trại giam và các công trình khác. Nhiều tù nhân bị bỏ mạng hoặc trở thành tàn phế do bị đánh đập và công việc khổ sai nặng nhọc.

DI TÍCH SỞ LÒ VÔI

17. Trại chuồng bò (biệt lập chuồng bò) : Tổng diện tích 8.400m2 có hai khu A và B với 24 phòng giam và một nhà chấp pháp (hỏi cung). Thời Pháp, đây là nơi giam giữ tù nhân lao động khổ sai kéo cây đốn củi. Thời Mỹ dùng để biệt lập các tù nhân chính trị bị chúng coi là ngoan cố, đầu sỏ. Các phòng giam còn nhiều dấu tích thể hiện khí phách kiên cường của các chiến sĩ cách mạng. Khu A còn “đường dây máu” hệ thống liên lạc bí mật
trong tù.

Di tích Chuồng Bò

Hầm phân bò: có cống ngầm thông với hai dãy chuồng bò, là nơi địch dùng để tra tấn, đày ải một số tù nhân (nguồn thông tin trên tuy chưa được kiểm chứng, nhưng vẫn khoanh vùng bảo vệ nguyên trạng).

19. Nghĩa trang Hàng Keo: Diện tích tạm ước tính: 80.000m2. Hình thành đầu thế kỷ XX tới 1940. Chôn cất khoảng 10.000 người tù bị Thực dân Pháp giết hại tại nhà tù Côn Đảo. Tới nay còn lại dấu vết một số ngôi mộ, khu vực này đã biến thành rừng dương.

Nghĩa trang hàng Keo

20. Khu thị trấn Côn Đảo: Diện tích 1.513.000m2, xây dựng từ cuối thế kỷ XIX với đặc điểm là thị trấn duy nhất chỉ nhằm phục vụ cho bộ máy cai trị tù. Kiến trúc và cảnh quan khu vực này hấp dẫn đối với khách du lịch và phục vụ công tác nghiên cứu lịch sử nhà tù Côn Đảo. Mặt khác các công trình kiến trúc ở đây đã minh chứng cho việc bóc lột sức lao động khổ sai của người tù, là sự so sánh đối lập với kiến trúc ghê rợn của trại giam.

Côn Đảo là khu nhà tù lớn nhất và lâu đời nhất ở nước ta. Trong suốt 113 năm (1862- 1975) thống trị, bọn xâm lược Pháp- Mỹ đã giam cầm đày đọa hàng chục vạn chiến sĩ cach mạng và những người yêu nước thuộc nhiều thế hệ. Chúng biến Côn Đảo thành “Địa ngục trần gian” khét tiếng. Nhưng cũng chính tại đây các chiến sĩ cách mạng đã thể hiện ý chí đấu tranh kiên cường thà hy sinh chứ không chịu đầu hàng, giữ vững khì tiết của người cộng sản. Từ lâu Côn Đảo đã đi vào tình cảm và sự ngưỡng mộ của nhân dân cả nước cùng bạn bè quốc tế như một vùng đất thánh thiêng liêng, biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.

PHẠM QUANG MINH

https://www.baotangbrvt.org.vn/

[wpgmza id=”1″]
Rate this post
Bài trước
Côn Đảo – Sinh cảnh làm tổ an toàn nhất của rùa Xanh tại Việt Nam
Bài sau
Sự kiện sắp diễn ra: Giá vé tàu Côn Đảo Express chỉ còn 0 đồng
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.