DI TÍCH NGHĨA TRANG HÀNG DƯƠNG

Côn Đảo, là nơi yên nghỉ của hàng vạn chiến sỹ cách mạng và đồng bào yêu nước Việt Nam qua nhiều thế hệ bị tù đày kéo dài 113 năm đã lần lượt hy sinh dưới ách tàn bạo của thực dân và đế quốc.

Nghĩa trang Hàng Dương rộng 190.000m2 .Theo số liệu ước định, có khoảng 2 vạn tù nhân yên nghỉ tại Côn Đảo. Tuy nhiên không phải tất cả đều nằm ở Hàng Dương. Nghĩa địa đầu tiên được lập ở khu vực Chuồng Bò (Di tích bãi sọ người), sau dời lên Hàng Keo. Đến sau năm 1934 và nhất là giai đoạn 1941, chế độ khủng bố trắng sau cuộc khởi nghĩa Nam kỳ đã giết hại hàng ngàn tù nhân. Nghĩa địa Hàng keo hầu như hết chỗ, thực dân Pháp mới mở nghĩa địa Hàng Dương để chôn tù.

Hiện nay NTHD được chia làm 4 khu: A-B-C và D ( Riêng khu B được chia ra làm 2 phần B1 và B2).

Khu A Nghĩa trang Hàng Dương, là nơi chôn những ngôi mộ đầu tiên (Khoảng năm 1934), ở đó có phần mộ của đồng chí Lê Hồng Phong (Cố Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam ), chí sỹ yêu nước Nguyễn An Ninh.

Đến cuối năm 1944, khu A đã chôn chật mộ, nhà tù đã mở rộng nghĩa trang về phía Nam, tức khu B hiện nay. Hài cốt lớp tù nhân kháng chiến chống Pháp (1945 – 1954) được chôn kế tiếp từ đồi cát chạy dài xuống phía Đông Nam, nơi có các phần mộ của nữ AHLLVTNDVN Võ Thị Sáu, Anh hùng Cao Văn Ngọc, Anh hùng Lưu Chí Hiếu.

Hài cốt lớp tù nhân chống Mỹ được chôn vào phần còn lại của khu B (Còn gọi là khu B2) .

Đến khoảng năm 1960 chôn tiếp qua khu C. Ở đây có phần mộ của anh hùng LLVTND VN Lê Văn Việt, Anh hùng Nguyễn Thị Thanh (Trần Thị Hoa), Anh hùng Hùynh Tấn Lợi.

Nghĩa trang Hàng Dương được khởi công xây dựng và tôn tạo vào ngày 19/12/1992. Ngoài 3 khu mộ được phân định trên, công trình tôn tạo còn lập thêm khu D, đây là nơi quy tập 162 bộ hài cốt từ nghĩa trang Hàng Keo, Hòn Cau và 1 số nơi khác trên Côn Đảo về. Có phần mộ AHLLVTNDVN Trần Văn Thời.

Nghĩa trang Hàng Dương Côn Đảo là một di tích căm thù, có giá trị tố cáo chế độ thực dân, đế quốc đồng thời giáo dục truyền thống cho các thế hệ. Do đó Nghĩa Trang Hàng Dương khác hẳn với các nghĩa trang liệt sỹ có trong nước ta, không phô trương khác với thực tế lịch sử mà hài hòa hợp với cảnh trí thiên nhiên, gây ấn tượng tưởng niệm sâu lắng.

“Núi Côn Lôn được pha bằng máu

Đất Côn Lôn năm sáu lớp xương người

Mỗi bước chân che lấp một cuộc đời

Mỗi tảng đá là một trời đau khổ”

Hay:

“ Nghĩa địa Hàng Dương vùi thây bao số phận

Hết lớp này lớp khác dập lên trên

Mặt phẳng lì không mô đất nhô lên

Không bia mộ không tên và không tuổi…”

Những vần thơ trên đã nói lên cách chôn tù của thực dân và đế quốc ở Côn Đảo. Nhất là trong thời thực dân Pháp, mỗi khi có một người tù chết cai ngục cho an táng bằng cách dùng hai chiếc bao bàng, một chiếc trùm từ trên đầu xuống, một chiếc trùm từ dưới chân lên rồi buộc lại bằng vài nuộc dây, sau đó đưa ra nghĩa địa đào một cái hố sơ xài để vùi xuống, bên trên cắm một cọc gỗ có đính một mảnh nhôm (2 x 3 cm), trên mảnh nhôm ấy chỉ ghi vắn tắt số tù và ngày quá cố của người tù. Mấy hôm sau, những đợt gió mạnh hoặc Trâu – Bò dẫm bừa lên cọc gỗ ngã … mất hết dấu vết.

Chưa kể có những trường hợp tù nhân đi làm khổ sai bị tai nạn hoặc kiệt sức chết, bọn cai ngục cho vùi chôn tại chỗ. Nhiều chuyến vượt biển của tù nhân bị sóng gió, thuyền – bè chìm đắm giữa biển khơi. Có thể nói rải rác khắp Côn Đảo đều có xác tù.

Trãi qua 113 năm ngục tù Côn Đảo, có khoảng hai vạn người đã yên nghỉ, nhưng thực tế dấu vết còn lại đến ngày hôm nay là 1.921 phần mộ, trong đó chỉ tìm được 713 phần mộ có danh tánh. Vì trong quá trình bị địch bắt tù đày có nhiều người tù chính trị giữ vững khí tiết và bí mật cho cơ sở nên đã khai tên tuổi, quê quán giả…

Dù cho mộ chí ở đây có tên hay không tên, được tôn tạo hay còn bị vùi lấp thì mỗi nắm đất nơi đây đều là một dấu tích của bao sự kiện đấu tranh cách mạng đối với mỗi liệt sỹ, mỗi con người, mỗi thời kỳ đấu tranh của nhà tù Côn Đảo.

Đã có nhiều chiến sĩ đã ngã xuống vì đòn roi, tra tấn và một phần thân xác đã nằm lại nghĩa trang Hàng Dương

Di tích Nghĩa trang Hàng Dương Côn Đảo đã được, Bộ Văn Hóa – Thông Tin đã ra quyết định số 54-VHQĐ Đặc cách công nhận Khu di tích đặc biệt quan trọng của Quốc gia ngày 29/4/1979. Ngày 10/5/2012 Thủ Tướng chính phủ ra quyết định 548/ QĐTTg công nhận là Di tích Đặc biệt Quốc gia.

Nghĩa trang Hàng Dương không giống các nghĩa trang khác. Ở đây bất kể ngày hay đêm, lúc nào cũng có người đến viếng thăm, thắp nhang tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ. Trong đó, phần mộ có nhiều người đến dâng hương nhất là mộ nữ Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu. Ý chí hiên ngang bất khuất của vị nữ anh hùng trong những ngày lĩnh án tử tù, đến giây phút bước ra pháp trường vẫn ngẩng cao đầu kiêu hãnh khiến kẻ thù phải nghiêng mình kính phục. Nhiều giai thoại, huyền thoại về sự linh thiêng, hiển linh của người nữ anh hùng đã được truyền lại.

Người ta kể rằng, sau khi vị nữ anh hùng hy sinh, đồng chí, đồng đội nhiều lần bí mật lập bia trên phần mộ chị Sáu nhưng cứ lập nên lại bị kẻ thù đập phá. Rồi điều kỳ lạ đã xảy ra, dù là chúa đảo hay cai ngục, tất cả những kẻ tham gia đập phá bia mộ vị nữ anh hùng đều bị chết bất đắc kỳ tử.

Khiếp sợ sự linh thiêng của người nữ anh hùng quê hương Đất Đỏ, một chúa đảo mới nhậm chức đã cùng vợ lập tấm bia tạ tội, trên bia mộ có ghi dòng chữ: Liệt sĩ Võ Thị Sáu. Sau này, khi tôn tạo phần mộ chị Sáu, cán bộ quản trang đã dựng tấm bia ghi đầy đủ ngày hy sinh của vị nữ anh hùng, nhưng vẫn để những tấm bia cũ cùng tồn tại bên phần mộ linh thiêng của vị nữ anh hùng.

Mỗi phần mộ ở Nghĩa trang Hàng Dương không chỉ là nơi an nghỉ của một người yêu nước, một chiến sĩ cách mạng, một chứng tích tội ác của thực dân đế quốc, mà còn là trang sử vĩnh hằng ghi lại những tấm gương trung kiên bất khuất của các chiến sĩ cách mạng trong nhà tù đế quốc.

Đến Nghĩa trang Hàng Dương, khách viếng thăm không thấy vẻ lạnh lẽo cô liêu, mà chỉ thấy cảm giác ấm cúng lan tỏa trong tiếng nhạc trầm hùng phát ra từ những chiếc loa nhỏ đặt rải rác giữa các phần mộ, hòa cùng tiếng sóng biển rì rào, tiếng gió thổi vi vu trên cành dương, tạo thành bản nhạc du dương đưa giấc ngủ thiên thu của các anh hùng liệt sĩ về miền cực lạc.

Ngày nay, Nghĩa trang Hàng Dương là địa chỉ du lịch tâm linh, là bằng chứng hùng hồn về tội ác của đế quốc, thực dân và những thế lực thống trị phản dân hại nước. Nơi đây, hàng vạn người con ưu tú của dân tộc đã nằm xuống trong cuộc đấu tranh ngoan cường với kẻ thù nơi lao tù, gan góc quả cảm trước đòn roi, xiềng xích, sẵn sàng hy sinh cuộc sống vì độc lập tự do, vì hòa bình thống nhất, vì hạnh phúc đồng bào.

5/5 - (1 bình chọn)
Bài trước
Di tích Nhà Công Quán
Bài sau
DI TÍCH KHU ĐIỀU TRA – CÔN ĐẢO
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.