Ở nước ta có một nơi được gọi là “bàn thờ Tổ quốc” ngoài biển đảo, không cứ vào tháng 7 dương có ngày Thương binh – Liệt sĩ 27-7 hay tháng 7 âm (còn gọi là tháng cô hồn), mà vào bất kỳ tháng nào trong năm, bất kỳ ai khi đã đặt chân lên hòn đảo này cũng ra thắp hương nghĩa trang Liệt sĩ, cầu cho quốc thái dân an, bản thân có sức khỏe, may mắn, tai qua nạn khỏi. “Bàn thờ Tổ quốc” đó chính là Côn Đảo – một huyện đảo của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Vào dịp tháng 7 năm ngoái, sau gần 20 năm, người viết bài này có dịp quay lại thăm Côn Đảo. So với 20 năm về trước, đến nay Côn Đảo đã có nhiều đổi mới phát triển. Tôi còn nhớ dịp ấy, sau khi đi thăm Côn Đảo về, anh đồng nghiệp của tôi có viết bài đăng trên một tờ báo lớn ở Trung ương với nhan đề: “Từ địa ngục trần gian đến thiên đường nơi trần thế”. Bài báo miêu tả và trả lời câu hỏi tại sao người ta lại gọi Côn Đảo là “địa ngục trần gian” và khi đó ra hòn đảo thơ mộng, hoang sơ, tinh khiết thì có thể gọi nơi đây là “thiên đường nơi trần thế”.
Trong những ngày của tháng 7 năm nay, nếu ai đó có dịp đến Côn Đảo thì “địa ngục trần gian” chỉ còn là quá khứ, ký ức trong tâm khảm của nhiều người từ hơn 44 năm về trước. Khi nói đến “địa ngục trần gian” ai trong chúng ta cũng liên tưởng đến nhà tù Côn Đảo dưới thời Pháp – Mỹ với một hệ thống các cụm công trình như: Chuồng Cọp, Chuồng Bò, trại Phú Hải, cầu Ma Thiên Lãnh, sở Lò Vôi, sở Muối… nhằm mục đích cải tạo, giam giữ và tra tấn các chiến sĩ cách mạng. Ngày nay, trong hệ thống nhà tù Côn Đảo vẫn còn 9 trại tù là: Trại Phú Hải, trại Phú Sơn, trại Phú Thọ, trại Phú Tường, Chuồng Cọp Pháp, khu biệt lập Chuồng Bò, trại Phú Phong, trại Phú An, Chuồng Cọp Mỹ và trại Phú Hưng… Đặc biệt, khi nghe đến từ Chuồng Cọp, người ta liên tưởng đến nơi giam cầm, tra tấn tù nhân dã man và tàn bạo nhất của hệ thống nhà tù Côn Đảo.
Côn Đảo – nhà tù thuộc loại lớn nhất, tàn khốc nhất, ghê rợn nhất thế giới này. Sau 113 năm tồn tại (1862-1975), nơi đây đã giam cầm, đày đọa hàng chục vạn người yêu nước Việt Nam, làm cho hơn 20.000 chiến sĩ cách mạng bị sát hại. Nhưng Côn Đảo cũng là “trường đại học” lớn nhất của những người cộng sản. Với họ, Côn Đảo không chỉ là những câu chuyện kiên trung của người cách mạng, mà còn là những câu chuyện tình người, tình yêu trong chốn “địa ngục trần gian”. Di tích lịch sử Nhà tù Côn Đảo được Nhà nước ta xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt.
Với địa thế, tiềm năng, thế mạnh hiếm có của Côn Đảo cũng như truyền thống anh dũng, kiên cường, cần cù, chịu khó, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện đảo, chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng nơi đây thành một “thiên đường nơi trần thế” như ý tưởng của nhiều người. Muốn vậy, có nhiều vấn đề cần được các cấp, các ngành, đoàn thể và nhân dân huyện đảo cũng như của tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu lãnh đạo, hỗ trợ và nhất là sự chung tay góp phần của chúng ta, những người con đất Việt, mỗi khi đến thắp hương “Bàn thờ Tổ quốc” nơi biển khơi và tham quan địa danh vô cùng thơ mộng, phong phú này. Một trong những vấn đề nan giải, khó giải quyết ở Côn Đảo hiện nay là vấn nạn rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa – vấn đề được Thủ tướng Chính phủ phát động trong cả nước vào dịp Ngày Môi trường thế giới vừa qua.
Người viết bài này đã một lần thuê xe máy tự mình khám phá hòn đảo lớn nhất (thủ phủ) trong 16 đảo lớn nhỏ của quần đảo Côn Đảo. Đúng là quang cảnh đẹp đẽ, thơ mộng thật, nhưng rác thải – chủ yếu là rác thải nhựa – thì nhiều vô kể và rác, rác khắp mọi nơi, kể cả bãi Đầm Trầu – bãi tắm dài với cát vàng nước biển trong xanh biếc. Trong khi dân số của toàn huyện Côn Đảo hiện nay chưa tới 10 nghìn người, nhưng hằng năm có tới 200 nghìn khách du lịch (tương lai sẽ tăng hơn nữa) đặt chân đến lưu trú ở Côn Đảo. Việc tăng lượng khách du lịch có một số mặt tích cực về kinh tế, quảng bá vùng đất này, nhưng kéo theo một loạt vấn nạn về xã hội, nhất là về ô nhiễm môi trường, trong đó có nạn rác thải nhựa. Lượng lớn du khách cộng với rác thải từ sản xuất kinh doanh, sinh hoạt, xây dựng và vô số những hoạt động khác đã dẫn đến tình trạng quá tải cho việc xử lý rác thải. Hiện nay, lượng rác thải phát sinh hàng ngày ở Côn Đảo lên tới 15 tấn.
Theo báo cáo của UBND huyện Côn Đảo, toàn bộ lượng rác thải sinh hoạt của huyện hiện được thu gom về bãi rác khu vực Bãi Nhát (diện tích 3.800 m2) được chôn lấp đơn giản. Do thời gian sử dụng quá lâu (trên 20 năm) nên bãi rác quá tải, diện tích chứa rác hiện chỉ còn khoảng 300 m2. Mặc dù Côn Đảo đã đầu tư một lò đốt rác công nghệ Nhật Bản ngay tại bãi rác này, tuy nhiên, mỗi ngày, lò đốt này chỉ xử lý được khoảng 5 tấn rác sinh hoạt (tùy thuộc mùa khô hay mùa mưa), lượng rác chưa xử lý hết trong ngày tiếp tục được tập kết tại bãi. Lượng rác tồn đọng tại bãi rác đến nay khoảng 70.000 tấn.
Gần đây, chính quyền Côn Đảo đã đưa ra 3 phương án để xử lý rác thải phát sinh hàng ngày và và tồn đọng ở đây, đó là: Đầu tư nhà máy xử lý đốt rác tại chỗ; ép rác thành từng bánh, để xử lý ô nhiễm tạm thời cho khu vực Bãi Nhát, sau đó đốt từ từ khoảng 40 tấn/ ngày; ép rác thành từng khối rồi vận chuyển vào đất liền để xử lý (kinh phí cho phương án 3 này hết khoảng 70 tỷ đồng)…
Có thể nói, không chỉ ở Côn Đảo, giải quyết vấn đề rác thải là một trong những vấn đề làm “đau đầu” các nhà lãnh đạo các địa phương và là vấn đề chung của cả nước hiện nay. Tổ chức Lương Nông Liên hiệp quốc (FAO) thống kê cho thấy: Năm 2018, Việt Nam đã thải ra hơn 1,8 triệu tấn rác thải nhựa không được xử lý, chiếm gần 6% lượng rác nhựa trên thế giới. Tính riêng lượng rác thải nhựa ra biển, Việt Nam đứng thứ 4 thế giới trong năm qua. Chính vì vậy, du lịch Việt Nam bị “mất điểm” do ô nhiễm môi trường. Cả nước nói chung và ở Côn Đảo nói riêng lại có những giải pháp khả thi, hữu hiệu, bền vững hơn. Đó là ý thức chủ quan của mỗi người. Đó là cần tăng cường, kiên trì tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của tất cả mọi người về bảo vệ môi trường biển đảo, đồng thời có trọng tâm, trọng điểm từng đối tượng cụ thể.
Đó là có biện pháp ngăn chặn, xử lý việc sản xuất, sử dụng, thải chất thải nhựa dùng một lần ra môi trường. Đó còn là giáo dục, rèn luyện, nêu gương của cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên sử dụng những nguyên, vật liệu thân thiện với môi trường… Mỗi người chúng ta ra hòn đảo đã từng được gọi là “địa ngục trần gian” để thắp hương, viếng các anh hùng, liệt sĩ cách mạng và ngưỡng mộ cảnh đẹp nơi đây, thì hành động biết ơn có ý nghĩa nhất, thiết thực nhất là “hãy nói không” mang theo những chai nhựa, túi nilon, đồ nhựa dùng một lần ra Côn Đảo. Mỗi người hãy luôn luôn trong mình ý thức tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường vì sự phát triển bền vững đất nước, biển đảo. Đó là việc làm, cách suy nghĩ tích cực để xây dựng Côn Đảo thành “thiên đường nơi trần thế” .
Vũ Lân
https://daidoanket.vn