Sáng 29/9, sau hơn 2 giờ bay, chiếc Embraer 195 mang tên Côn Sơn Island (Đảo Côn Sơn) của Bamboo Airways đã hạ cánh tại sân bay Côn Đảo lúc 9 giờ 10 phút. Đây là chuyến bay thương mại kết nối tới Côn Đảo đầu tiên của Bamboo Airways, mở màn cho 3 đường bay không dừng tới Côn Đảo mà hãng khai thác bắt đầu từ 29/9. Với 3 đường bay mới này, Bamboo Airways trở thành hãng hàng không đầu tiên trong lịch sử hàng không nội địa mở cùng lúc nhiều đường bay thẳng tới Côn Đảo, đồng thời là hãng hàng không đầu tiên vận hành dòng máy bay phản lực hiện đại Embraer 195 tại Việt Nam. Bamboo Airways khai thác 3 đường bay thẳng Côn Đảo với tần suất lần lượt là Hà Nội – Côn Đảo 2 chuyến khứ hồi/ngày, Hải Phòng – Côn Đảo 1 chuyến khứ hồi/ngày, Vinh – Côn Đảo 3 chuyến khứ hồi/tuần.
Những năm qua, Côn Đảo luôn là địa điểm du lịch về nguồn hấp dẫn hàng đầu tại Việt Nam. Côn Đảo là một quần thể quy tụ 16 hòn đảo lớn nhỏ, có hệ sinh thái thiên nhiên còn gần như nguyên vẹn. Tại đây có nhiều loài sinh vật quý hiếm cần bảo tồn như rùa biển, hệ sinh thái dưới biển là san hô thuộc loại đẹp nhất tại Việt Nam, cùng diện tích lớn rừng nguyên sinh… Côn Đảo cũng được Chính phủ công nhận là khu di tích lịch sử đặc biệt cấp quốc gia, ngoài ra còn có di tích nhà tù hơn 100 năm lịch sử, được du khách trong và ngoài nước quan tâm. Vườn Quốc gia Côn Đảo là ramsar thế giới thứ 6 của Việt Nam và là ramsar nằm đầu tiên nằm biệt lập giữa biển khơi. Năm 2017, CNN công bố Côn Đảo là một trong 10 hòn đảo bình yên nhất châu Á. Còn tờ Guardian (Anh) nhận định đây là điểm du lịch lý tưởng ít người biết ở Đông Nam Á. Travel & Leisure liệt kê địa danh này là hòn đảo kỳ thú nhất thế giới. Tuy nhiên, các phương tiện vận chuyển du khách ra đảo chưa đáp ứng đủ nhu cầu đang tăng lên nhanh chóng. Vì vậy, cùng với tàu cao tốc Côn Đảo Express 36 đang hoạt động hàng ngày tại Vũng Tàu để đưa – đón khách ra Côn Đảo, các đường bay mới sẽ giúp nâng cao năng lực giao thông và chất lượng dịch vụ, kỳ vọng sẽ góp phần đưa Côn Đảo bước sang trang mới, trở thành điểm sáng của du lịch BR-VT.
Mặc dù con đường tới Côn Đảo đã trở nên rộng mở hơn, tuy nhiên việc làm thế nào để phát huy hết tiềm năng, lợi thế của vùng đất này là bài toán cần sớm lời giải. Lâu nay, du lịch Côn Đảo mới dừng ở việc khai thác các giá trị tự nhiên, thiếu đột phá, chưa chú trọng vào chiều sâu các giá trị văn hóa để phục vụ du lịch. Các di tích, lễ hội cũng chủ yếu phục vụ nhu cầu văn hóa tâm linh, tham quan của người dân, đồng thời chưa phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có của vùng. Ngoài ra, sự phát triển “nóng” thời gian qua cũng đang đặt ra cho Côn Đảo nhiều thách thức, đặc biệt là vấn đề rác thải, điện, hạ tầng… Việc cân đối giữa tăng lượng du khách và bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững cũng là điều mà địa phương cần quan tâm. Trong dài hạn, Côn Đảo được Chính phủ quy hoạch thành “Khu du lịch sinh thái biển đảo và văn hóa – lịch sử – tâm linh chất lượng cao, đặc sắc tầm cỡ khu vực và quốc tế”. Muốn đạt mục tiêu này, Côn Đảo cần được quan tâm phát triển không chỉ là hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có thương hiệu, sức cạnh tranh cao mà còn phải bảo tồn các giá trị tài nguyên môi trường rừng, biển và gìn giữ các giá trị văn hóa – lịch sử của vùng đất đặc biệt này.
NGÔ GIA
Báo Bà Rịa – Vũng Tàu