Đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Paris của tù nhân chính trị Côn Đảo

Nhà tù Côn Đảo – chứng tích tội ác của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đối với nhân dân ta. Tại đây, Mỹ – ngụy đã thực hiện một chính sách và chế độ đối rất tàn bạo

1. Những ngày cuối tháng 12/1972, sự lật lọng của Mỹ và chính quyền Sài Gòn về những nội dung đã thỏa thuận tại Hòa đàm Paris, đã bị cả thế giới lên án gay gắt, sau khi phái đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa miền Nam Việt Nam công bố trước dư luận. Nỗ lực cuối cùng trong cơn tuyệt vọng của Mỹ với chiến dịch ném bom có tính hủy diệt bằng máy bay B.52 xuống Hà Nội, Hải Phòng suốt 12 ngày đêm đã bị quân dân miền Bắc trừng trị thích đáng. Những tin tức thắng lợi đó đã đến với một bộ phận tù nhân Côn Đảo đang lao dịch ở các công sở của địch. Từ đó, tin tức được nhanh chóng lan truyền đến các trại tù bằng nhiều nguồn, nhiều hình thức, mặc dù kẻ địch ra sức bưng bít, khống chế hết sức chặt chẽ.

Vào thời điểm Hiệp định Paris có hiệu lực (tháng 3/1973), ở Côn Đảo có 9.892 tù nhân, trong đó có 274 là thường phạm, 940 quân phạm thường tội, 636 quân phạm chính trị, 4.020 can phạm đặc biệt (chính trị có án), 3.498 an trí đặc biệt (tù chính trị không có án), 37 nghi can, 487 chưa phân loại. Trong khi đó, ngụy quyền Sài Gòn chỉ công bố danh sách trao trả cho ta 5.081 nhân viên dân sự (tù chính trị) toàn miền Nam, riêng ở Côn Đảo là 4.075 người.[1] Nhờ có radio bí mật giấu trong phòng, những người tù ở các trại nắm được diễn biến cuộc đàm phán tại Hội nghị Paris, sau đó đã chép lại toàn văn Hiệp định và các Nghị định thư; đồng thời, được anh em ở bên ngoài, trong đường dây thông tin cung cấp kịp thời.

Từ cuối năm 1974, phong trào đấu tranh của anh chị em tù chính trị đã phát triển một cách liên tục, dai dẳng và đều khắp bằng hình thức gây náo loạn cả khu vực nhà giam. Các chiến sĩ cách mạng nhận thức được cuộc tiến công quyết định của quân và dân ta đã bắt đầu, sự chuẩn bị cho ngày giải phóng của tù chính trị ở các trại giam cũng ngày càng khẩn trương. Các trại tù một mặt liên tục đấu tranh với địch đòi trao trả, đòi tăng khẩu phần ăn hàng ngày, đòi thực hiện quy chế tù chính trị; mặt khác tổ chức cuộc sống, phát triển các loại hình sinh hoạt tinh thần: văn nghệ, báo chí, học tập chính trị, văn hóa…

Nổi bật trong đợt đấu tranh của nhà tù Côn Đảo là Trại 6B, sinh hoạt văn nghệ luôn được duy trì đều đặn hàng tuần, báo chí (báo Xây dựng) ra mắt hàng tháng, việc học tập chính trị có những nội dung thiết thực, vấn đề thời sự nóng bỏng nhờ những thông tin tập hợp được qua theo dõi bằng radio và những tài liệu có tính chất trang bị nhận thức chính trị cơ bản (công tác rèn luyện tư tưởng, tu dưỡng tổ chức kỷ luật, dân chủ tập trung và tập trung dân chủ…). Bên cạnh đó, các chiến sĩ cách mạng của ta luôn tìm nhiều biện pháp, tranh thủ giữa khoảng cách các đợt hô la tập thể là chương trình phát thanh, phân tích thái độ hiếu chiến, phá hoại hòa bình của nhà cầm quyền Sài Gòn, kêu gọi binh sĩ, công chức trong hàng ngũ địch, kể cả trật tự ủng hộ và đồng tình với cuộc đấu tranh vì hòa bình và độc lập cho đất nước; đây thực sự như một vùng giải phóng ngay trong vòng kềm kẹp của địch.

2. Bước sang đầu năm 1975, nguy cơ thất bại hoàn toàn của Mỹ càng lộ rõ, nhất là sau chiến thắng của lực lượng võ trang cách mạng. Suốt những ngày Tết, khi màn đêm buông xuống, các trại tù lại vang lên tiếng ca. Trong những ngày lịch sử này, những món ăn tinh thần đến với anh em ở Trại 6B là các tờ báo Xuân của các phòng và tờ báo Xây dựng số đầu tiên mừng Xuân Quý Sửu – Hòa bình đã được ấn hành. Dù không hề thấy mặt nhau và bụng đói cồn cào, nhưng tất cả đều cất tiếng hát bởi họ đều hiểu rằng: ca hát trong tù, nhất là trong cảnh ngộ này, là một hình thức đấu tranh với địch để thể hiện khí phách ngang nhiên và cũng là đấu tranh với bản thân mình để vượt qua gian nguy, đói khổ, củng cố lòng tin, thêm lạc quan cho cuộc chiến đấu vinh quang nhưng đầy gian khó này.

Tháng 4/1975, nhà tù Côn Đảo có 7.448 tù nhân, trong đó có 4.234 tù chính trị (494 phụ nữ), còn lại 3.214 là tù thường phạm, quân phạm. Trong số 4.234 tù chính trị, có 2.488 người đang chịu chế độ cấm cố ở Trại I, Trại V, Trại VI và Trại VII do việc chống chào cờ ngụy, chống tố cộng, chống khai báo…, 1.746 người còn lại chịu làm khổ sai chung với tù thường phạm ở Trại II và Trại III[2].

Ngày 29/4/1975, khi quân giải phóng tiến vào Sài Gòn, ở Côn Đảo các trại tù cấm cố bị canh gác chặt chẽ, một sự căng thẳng đáng sợ bao trùm. Bầu trời náo loại bởi các chuyến bay quân sự lên xuống sân bay Cỏ Ống; cano, tàu há mồm cặp bãi chở quân tướng Mỹ, ngụy di tản. 16 giờ 30 phút, nhóm cố vấn Mỹ đóng ở Côn Đảo cũng rút chạy. Sáng 30/4/1975, anh em nhà bếp được điều động vào đổ thùng vệ sinh dưới sự kiểm soát gắt gao của trật tự. Sau bữa cơm khoảng 10 giờ sáng, tất cả anh em nhà bếp bị đưa vào cấm cố. Trật tự trực tiếp nấu cơm. Chúng làm mệt, chửi bới um sùm. Buổi xế, cơm đưa vào xà lim. Tin tức cuối cùng mà anh em trong cấm cố nhận được: “Hương đỗ (Trần Văn Hương), Dương Văn Minh lên thay. Đang thương lượng với Chính phủ Cách mạng”.[3]

Các chiến sĩ cách mạng bằng nhiều nguồn tin, cùng sự nhạy cảm đặc biệt, anh em đều phán đoán trong đất liền có biến động lớn, nhưng chưa biết là Sài Gòn đã được giải phóng. Chiếc Radio của giám thị Nguyễn Văn Thương được mang tới, mọi người hồi hộp lắng nghe giọng nói thân thương của Đài Tiếng nói Việt Nam phát bản tin Dương Văn Minh đầu hàng, thành phố Sài Gòn hoàn toàn được giải phóng, Ủy ban quân quản đã được thành lập và công bố 12 chính sách trong vùng mới giải phóng. Ngay sau giây phút bàng hoàng vì sung sướng, các chiến sĩ cách mạng quyết định hành động, chớp thời cơ giải phóng Côn Đảo.

Hơn 10 giờ đêm ngày 30/4/1975, các đồng chí Kiều Văn Dậu, Nguyễn Văn Đồng, Nguyễn Văn Sơn và khu H Trại 7 (Phú Bình) tìm gặp số cán bộ tình báo là Lê Câu, Trần Quang Tín… ở xà lim số 24. Họ báo tin Sài Gòn đã giải phóng, tình hình trên đảo đang rối loạn, mời anh em ra bàn bạc cách giải quyết ổn định tình hình. Tin chiến sự được xác định, Bộ phận lãnh đạo ở khu H nhanh chóng quyết định: “Đồng ý để các anh Lê Câu, Trần Quang Tín, Nguyễn Văn Thành và anh Đoàn (số cán bộ tình báo) cùng lên thị trấn để bàn bạc giải quyết công việc cụ thể. Trước mắt phải mở cửa cho tất cả anh em ở trại ra bên ngoài”[4]. Ngay sau đó, lực lượng tù nhân thu ngay khẩu súng cácbin và nhiều chùm chìa khóa các Trại, người mở cửa, người phát loa thông báo cho các khu hay tin, anh em lần lượt bẻ song, phá cửa, đạp tường xông ra; lúc đó là 1 giờ sáng ngày 1/5/1975.

Đến chiều ngày 1/5/1975, các trại giam đã được giải phóng, toàn bộ các cơ sở quân sự, hành chính, cảnh sát, trang thiết bị vũ khí của địch trên đảo đều được anh em “tù nhân” tiếp quản nguyên vẹn. Công việc cấp thiết là tìm mọi cách liên lạc với đất liền để báo tin Côn Đảo đã được giải phóng, vào 15 giờ ngày 3/5/1975, đồng chí Trần Trọng Tân đã trực tiếp nói chuyện với Thành ủy Sài Gòn, báo tin giải phóng Côn Đảo và yêu cầu cấp cho ảnh Bác Hồ. Đến chiều ngày 4/5/1975, lễ tiễn đưa 549 (danh sách được lập là 503) anh chị em diện đau yếu bệnh tật về chuyến đầu tiên được tổ chức ngay tại Cầu Tàu lịch sử trong rừng cờ cách mạng. đúng 7 giờ sáng ngày 5/5/1975, lễ chào cờ thống nhất đầu tiên được tiến hành trên toàn đảo. Chiều ngày 24/5, chuyến tàu cuối cùng trong 6 chuyến, đưa 976 anh em thuộc Liên khu 5 về đất liền, còn lại hơn 150 anh em tình nguyện ở lại Côn Đảo tiếp tục công tác.

Có thể thấy rằng, mỗi người chiến sĩ và tù nhân yêu nước luôn luôn tự rèn luyện về tư tưởng và bản lĩnh chính trị, kiên quyết bảo vệ khí tiết cách mạng, chống ly khai và giữ vững lý tưởng cộng sản dù cho cuộc chiến trong nhà tù Côn Đảo cực kỳ khốc liệt và khó khăn. Bằng sự chuyển hướng tư tưởng đúng lúc, kịp thời nắm bắt thời cơ, bằng sự đồng lòng, vững tin cách mạng của những con người đi theo lý tưởng chân chính, những người tù chính trị đã làm nên một điều kỳ diệu – tự giải phóng bản thân và chấm dứt 113 năm tồn tại của nhà tù Côn Đảo ngay trong ngày lịch sử giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của cả dân tộc.

Ái Nhi – Cờ đỏ TP Hồ Chí Minh

[1] Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Nhà tù Côn Đảo 1955-1975, Nxb CTQG, 1996.

[2] Lịch sử đấu tranh của các chiến sĩ yêu nước và cách mạng nhà tù Côn Đảo (1862-1975), Nxb CTQG-ST, 2011.

[3] Côn Đảo 6.694 ngày đêm, Nxb Trẻ, 2002.

[4] Côn Đảo 6.694 ngày đêm, Nxb Trẻ, 2002

Rate this post
Previous Post
Trồng cây, thả rùa về biển – Hưởng ứng bảo vệ môi trường tại Côn Đảo
Next Post
Tàu cao tốc Mai Linh Express tuyến Cần Thơ – Côn Đảo
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.