Đấu tranh bảo vệ khí tiết ở nhà tù Côn Đảo thời chống Mỹ

Trong bản “Kế hoạch chống chi bộ nhà lao” do nha Cải huấn chính quyền Việt Nam cộng hòa soạn thảo có đề cập đến 82 hình thức đấu tranh của tù chính trị. Con số ấy thể hiện phần nào tính phong phú, sáng tạo của tù chính trị về hình thức đấu tranh. Tuy nhiên, thực chất chế độ cải huấn thời Mỹ – ngụy là vấn đề tố cộng diệt cộng trong tù, là triệt hạ chính trị – tư tưởng của tù chính trị. Vì vậy, đấu tranh chính trị là nội dung cơ bản nhất mà thực chất, như những người tù chính trị thường gọi, là cuộc đấu tranh bảo vệ khí tiết.

I. NHÀ TÙ CÔN ĐẢO THỜI MỸ – NGỤY

1.1 Tổ chức hành chánh: Tháng 3-1955 thiếu tá A.Blanck bàn giao đề lao Côn Đảo cho Bạch Văn Bốn, Thiếu tá quân đội Sài Gòn, chấm dứt gần một thế kỉ cai trị của thực dân Pháp.[1] Ngày 24-10-1956, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa ban hành Sắc lệnh 147-NV thành lập tỉnh Côn Sơn. Thiếu tá Bạch Văn Bốn được cử làm Tỉnh trưởng của “tỉnh tù”. Tỉnh không có quận, huyện, phường, xã, không có cơ sở kinh tế, văn hóa, xã hội, chỉ có tù nhân và bộ máy trị tù. Tháng 4-1965, ngụy quyền Sài Gòn ra Sắc lệnh 75-NV, bãi bỏ tỉnh Côn Sơn, thiết lập một Cơ sở hành chính trực thuộc Trung ương, đứng đầu là một sĩ quan quân đội với chức danh Đặc phái viên hành chánh kiêm Quản đốc Trung tâm Cải huấn Côn Sơn. Từ tháng 3-1955 đến tháng 4-1975, có 14 đời chúa đảo cai trị.

1.2. Hệ thống trại giam: Nhà tù thời Pháp có 3 trại giam chính: Trại I, Trại II, Trại III và nhiều Trại phụ. Riêng Trại III có một Trại chính, một Trại phụ và 2 dãy biệt lập (còn gọi là Chuồng Cọp Pháp). Trại III chính được sửa chữa và sử dụng vào tháng 7-1959, mang tên Trại IV.[2] Trại V được xây dựng từ năm 1962, cùng kiểu cấu trúc như như 4 trại trước. Trại VI, Trại VII và Trại VIII được Mỹ chi tiền, thiết kế và thầu xây cất. Ba trại này được xây dựng vào năm 1968, hoàn thành cơ bản vào năm 1970-1971. Trại IX và Trại X đã được đổ móng, đúc cột, xây vài bức tường rồi bỏ dở sau Hiệp định Pari 1973. [3]

1.3. Số lượng tù nhân: tính đến ngày 26-12-1956, số tù tư pháp từ thời Pháp chuyển giao còn lại 674 người. Tháng 1-1957, ngụy quyền Sài Gòn thanh lọc tù chính trị ở các nhà tù trong đất liền đày ra Côn Đảo, tù không có án tiết, được gọi là tù chính trị câu lưu (câu thúc, lưu giữ, giam giữ). Tháng 12-1959, số tù câu lưu tăng lên mức cao nhất là 4061 rồi giảm dần từ năm 1960, do chuyển về đất liền và trả tự do, đến tháng 7-1963 chỉ còn lại 519 người. Trong khi đó thì tù án ngày càng tăng lên, cuối năm 1960, số lượng tù án là 2415 người. Tháng 7-1963 là 3355 người. Số lượng tù nhân thời chống Mỹ lúc cao nhất xấp xỉ mười ngàn người vào năm 1972.[4] Sau Hiệp định Pari (1973) chính quyền Sài Gòn trao trả 5081 nhân viên dân sự, trong đó có 4075 người ở nhà tù Côn Đảo. Trước ngày giải phóng (30-4-1975), Côn Đảo có 7448 tù nhân, trong đó 4234 là tù chính trị (có 494 phụ nữ) và 3214 là tù thường phạm, quân phạm.

1.4. Phân loại Tù nhân: trước hết, tù nhân được phân loại theo án tiết, thành tù có án và tù không án (câu lưu). Tù có án còn được phân theo loại án (án tù giam, án khổ sai hữu hạn, khổ sai chung thân, tử hình) và phân theo màu sắc chính trị (Chính trị cộng sản, Chính trị quốc gia, Thường án, Quân phạm thường án, Quân phạm chính trị). Những đặc điểm phân loại được cụ thể hóa bằng màu sắc, kí hiệu, số hiệu ghi trên thẻ bài của mỗi tù nhân để chúng dễ kiểm soát.[5] Sự phân biệt giữa tù án và tù câu lưu chỉ là tương đối. Tù câu lưu theo luật, bị câu lưu tối đa là 2 năm, song chúng có thể gia hạn nhiều lần, hoặc bị truy tố ra tòa vì bất cứ tội gì mà chúng muốn gán ghép.[6] Tù án cũng có thể bị chuyển thành câu lưu ngay khi mãn án. Dưới thời Mỹ ngụy, vấn đề khí tiết hệ trọng hơn án tiết. Người mang án tử hình vẫn có thể giảm xuống chung thân, dưới mức chung thân và trả tự do trước mỗi biến động chính trị. Ngược lại, nhiều người bị câu lưu cho đến chết (như án tử hình), bị câu lưu suốt đời (như án chung thân) vì chống li khai, chống chào cờ ngụy, chống nội quy nhà tù, giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cách mạng.

1.5. Thủ đoạn cai trị: Tiếp tục thủ đoạn và các cơ sở lao động khổ sai do thực dân Pháp để lại, ngụy quyền Côn Đảo bóc lột lao động khổ sai của tù nhân, lấy tù nuôi tù, xây dựng trại giam, sân bay và các công trình trên đảo. Dù bị hành hạ, chế độ khổ sai vẫn dễ chịu hơn là cấm cố. Âm mưu sâu xa của địch trong việc bóc lột khổ sai nhằm phân hóa và cải huấn tù chính trị. Thực chất của chế độ cải huấn là tố cộng trong tù. Việc phân loại tù nhân, áp dụng các chế độ giam giữ, chế độ kỉ luật, cưỡng bức khổ sai, đàn áp và khủng bố nhằm mục đích đày đoạ, làm kiệt quệ về thể xác, mòn mỏi về tinh thần triệt hạ khí tiết cách mạng, biến người tù chính trị thành kẻ phản bội, trở thành tay sai cho chúng. Không làm được như vậy, chúng đánh đập, đày ải đến tàn phế, để khi mãn hạn tù, họ sẽ thành kẻ tật nguyền, không còn khả năng hoạt động. Các thủ đoạn cơ bản của Mỹ – Ngụy đều nhằm mục đích triệt hạ khí tiết của tù chính trị, vì vậy, nội dung cơ bản của phong trào đấu tranh trong tù là đấu tranh bảo vệ khí tiết, với những hình thức, mức độ khác nhau ở mỗi trại tù.

II. TÙ CHÍNH TRỊ CÂU LƯU ĐẤU TRANH CHỐNG LY KHAI CỘNG SẢN VÀ CHỐNG HỌC TỐ CỘNG THỜI KỲ 1957-1964

2.1. Tù chính trị câu lưu đấu tranh chống ly khai Đảng Cộng sản: Từ tháng 5-1957, địch tiến hành cưỡng bức li khai Đảng cộng sản đối với tù chính trị câu lưu. Những người chống ly khai bị giam tại Trại I, chúng gọi là “Trại cộng sản”. Trên 1.000 tù chính trị câu lưu Trại I đã kiên cường đấu tranh chống ly khai Đảng cộng sản, chống hô khẩu hiệu xúc phạm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hàng trăm người đã hy sinh anh dũng, còn lại 59 người kiên cường chống ly khai, địch đưa về Chuồng Cọp và khủng bố vô cùng man rợ (4-1960). Tháng 3-1961, lực lượng chống ly khai chỉ còn 17 người. Địch tập trung những tên ác ôn nhất để đàn áp, dụ dỗ và cưỡng bức. Từng người đã viết bản xác định lập trường, cam kết thà chết không ly khai cộng sản, không đả đảo lãnh tụ Hồ Chí Minh, không từ bỏ con đường đấu tranh vì độc lập tự do và thống nhất Tổ quốc. Địch đàn áp khốc liệt, đánh chết tại chỗ 7 người,[7] tàn phế 3 người và tiếp tục đày ải, hành hạ cao hơn đối với 7 người còn lại. Hai anh Trần Trung Tín và Lưu Chí Hiếu đã tuyệt thực đến chết để phản đối hành động khủng bố man rợ và ngăn chặn bàn tay khát máu của kẻ thù. Năm chiến sĩ còn lại tiếp tục giương cao ngọn cờ chống ly khai cho đến ngày toàn thắng, kẻ thù phải chịu thua và trả tự do cho các anh sau ngày Ngô Đình Diệm bị lật đổ, đó là: Nguyễn Đức Thuận, Phan Trọng Bình, Phạm Quốc Sắc, Nguyễn Minh và Lê Văn Một, được tập thể tù chính trị Côn Đảo tôn vinh là “Năm ngôi sao sáng” và nêu gương học tập trong tù.[8]

2.2. Tù chính trị câu lưu đấu tranh chống học tố cộng: Những người chấp nhận ly khai bị đưa về Trại II, gọi là “Trại quốc gia”, buộc phải học tố cộng, chào cờ “quốc gia”, hô khẩu hiệu phản động, ký kiến nghị phản động, nhằm triệt hạ khí tiết, biến người tù chính trị thành kẻ phản bội, làm tay sai cho chúng. Tuy vậy, chỉ có một số ít tù chính trị thuộc loại khuất phục, đầu hàng, còn đại bộ phận tù chính trị chấp nhận ở lại Trại II là do sức chịu đựng yếu và có những quan điểm khác nhau về mức độ và phương pháp đấu tranh. Trình độ giác ngộ và tinh thần chiến đấu của mỗi người đều có sự khác biệt, bởi thế, trước những thủ đoạn khủng bố ác liệt của kẻ thù, sự phân hóa về quan điểm đấu tranh trong lực lượng tù chính trị là không tránh khỏi. Thực tiễn tranh đấu trong tù không loại trừ hình thức, mức độ đấu tranh nào, không loại trừ việc tập hợp lực lượng rộng rãi, kể cả những người chỉ đủ sức tham gia những hình thức đấu tranh ở những mức độ khác nhau.

Ngày 7-7-1957, đợt chống kí kiến nghị ủng hộ Ngô Đình Diệm có 442 tù chính trị câu lưu Trại II tham gia.[9] Đợt thứ 2, ngày 6-6-1958, có 908 tù chính trị câu lưu Trại II chống kí kiến nghị phản động.[10] Hai đợt chống kiến nghị ngày 7-7-1957 và ngày 6-6-1958 đã khởi đầu cuộc đấu tranh vươn lên bảo vệ khí tiết của tù chính trị Trại II. [11]  Ngày 15-7-1959, địch chuyển toàn bộ tù chính trị Trại I đưa về giam tại Trại III, Trại IV và Chuồng Cọp.  Tháng 1-1960, 40 tù chính trị bị bắt trong vụ bể bạc “Đảng ủy Trại II” bị biệt giam Chuồng Cọp. Tháng 2-1960, địch thanh lọc 285 tù chính trị Trại II đã tham gia 3 đợt chống kí kiến nghị về giam tại Trại III, áp dụng chế độ khủng bố giống như tù chính trị chống ly khai. Đến thời điểm này, một bộ phận tù chính trị Trại II đã vươn lên sát cánh cùng Trại I trong cuộc đấu tranh bảo vệ khí tiết.

Tháng 4-1960, chính quyền Sài Gòn mở một chiến dịch quy mô, do Thiếu tướng Mai Hữu Xuân cầm đầu, đưa một lực lượng chống cộng dày dạn kinh nghiệm từ Sài Gòn ra đánh phá, đánh rã hơn 1000 tù chính trị câu lưu, kể cả số tù chính trị câu lưu chống ly khai cộng sản (Trại I) và 285 tù chính trị câu lưu chống ký kiến nghị phản động ở Trại II trước đó[12] chỉ còn lại 59 người kiên cường nhất, giữ vững vị trí bảo vệ khí tiết, đậu được trong chiến dịch này bị đưa về Chuồng Cọp.[13] Kết thúc chiến dịch, địch xóa sổ cả “Trại cộng sản” và “Trại quốc gia”, thiết lập Trung tâm Cải huấn I gồm các trại: Nhân Vị (Trại II cũ), Bác Ái (Trại III – IV cũ) và chi nhánh ở Cỏ Ống, Bến Đầm, Sở ruộng Quang Trung.

Thấm thía thất bại đau xót, thấm thía nỗi cay đắng tủi nhục khi bị khuất phục, những người có trách nhiệm đã nung nấu ý chí vươn lên khôi phục lại vị trí đấu tranh bảo vệ khí tiết. Các anh Lương Chi (Lương Thạnh), Đặng Ngọc Cảnh, Nguyễn Hào (Nguyễn Thành), Nguyễn Ngọc Cao (Trần Văn Cao), Nguyễn Văn Nghĩa, Phan Xuân Nhị (tự Bình), cùng những người có trách nhiệm ở Trại I vừa bị đánh rã đã tập họp lại lực lượng, bàn phương án đấu tranh vươn lên, khôi phục lại vị trí bảo vệ khí tiết của Trại I – Trại cộng sản, từng bước chống học tố cộng, chống ký kiến nghị phản động, chống chào sĩ quan, chống khổ sai nặng nhọc, chống hô khẩu hiệu phản động để khi có thời cơ, vươn lên đấu tranh chống chào cờ ngụy và chống toàn bộ nội quy nhà tù, kiến tạo lại vị trí bảo vệ khí tiết.

2.3. Chi bộ Lê Hồng Phong và cuộc đấu tranh vươn lên: Từ tháng 8-1962, lực lượng tù chính trị câu lưu bước vào thời kỳ đấu tranh vươn lên khôi phục toàn bộ khí tiết. Anh Lương Chi quê Quảng Ngãi, nguyên là cán bộ tỉnh Plâycu được tập thể tín nhiệm trong cương vị lãnh đạo chung. Anh Đỗ Hằng (ở Plâycu) được cử cùng Trần Thám (ở Bình Định) và một số người có trách nhiệm soạn thảo tài liệu Vươn lên khôi phục toàn bộ khí tiết, mục tiêu đấu tranh là Toàn bộ khí tiết, nghĩa là không chỉ chống chào cờ ngụy, chống khẩu hiệu phản động nữa mà chống mọi thủ đoạn cưỡng bức tư tưởng tù chính trị. Ngày 1-5-1963, tại phòng 4, Trại IV, chi bộ mang tên Lê Hồng Phong được thành lập, gồm: Lương Chi, bí thư, Đặng Ngọc Cảnh, phó bí thư phụ trách tổ chức; Đỗ Hằng, đảng viên phụ trách tuyên huấn; Hoàng Phùng, đảng viên, đại diện đấu tranh, các đảng viên Trần Thám, Nguyễn Quýnh, Nguyễn Hài được phân công phụ trách từng bộ phận.[14] Chi bộ đề ra 3 nhiệm vụ trước mắt: (1) Củng cố nòng cốt ở các phòng giam, các kíp tù; (2) Tiếp tục đấu tranh đòi các quyền dân sinh, dân chủ; (3) Chuẩn bị thực lực khi có điều kiện sẽ chống chào cờ.

Sáng 2-11-1963, được tin giới quân sự ở Sài Gòn làm đảo chính, chi bộ Lê Hồng Phong đã phát động cuộc đấu tranh chống hô khẩu hiệu phản động. Các anh Lê Quang Ba, Phạm Minh Sáu, Nguyễn Văn Sâm (tức Lê Thành Tâm) đứng ra tuyên bố không ủng hộ bất cứ tổ chức nào của chế độ Sài Gòn. Ba anh bị biệt giam Chuồng Cọp. Khi đó có 13 người khác, trong đó có những đảng viên của Chi bộ Lê Hồng Phong[15] bị địch biệt giam ở chuồng cọp, tất cả 16 anh đã tuyên bố chống chào cờ theo chủ trương của Chi bộ Lê Hồng Phong. Những ngày tiếp theo, địch đưa thêm 22 người nữa vào biệt giam. Các phòng còn lại đều bị cấm cố, bớt cơm, bớt nước uống, không cho tắm giặt (trừ phòng Nhà bếp). Gần một tháng bị cấm cố, các phòng trao đổi và quyết định đấu tranh bằng hình thức tuyệt thực vào ngày 22-12-1963, đòi được tự do tư tưởng và giải quyết các yêu sách dân sinh dân chủ.[16] Cuộc tuyệt thực nổ ra đúng vào đỉnh cao của cuộc khủng hoảng chính trị tại Sài Gòn làm cho ngụy quyền Côn Đảo rất hoang mang. Sau 3 ngày tuyệt thực, ngày 25-12-1963, Tỉnh trưởng Nguyễn Văn Sáu chấp nhận bỏ hô khẩu hiệu lúc chào cờ, và giải quyết các yêu sách, cho tù nhân được tự do tư tưởng, cải thiện đời sống, cho bầu Đại diện và Tổng Đại diện, riêng việc trả tự do và đưa về đất liền phải chờ ý kiến của Sài Gòn. Cuộc đấu tranh giành được thắng lợi, đạt các yêu cầu cơ bản mà chi bộ đã đề ra.[17]

Ngày 20-1-1964, địch lật lọng, bắt tù chính trị câu lưu phải chào cờ ngụy. Tất cả đều nhất loạt phản đối, địch đàn áp, bắt 25 người biệt giam Chuồng Cọp, 38 người bị cấm cố tại phòng 8 và đưa 100 người về cấm cố tại Hầm Đá Trại II và Trại III. Chi bộ Lê Hồng Phong chủ trương dù địch phân tán đi đâu, thực hiện những thủ đoạn khủng bố nào cũng phải kiên định mục tiêu khôi phục toàn bộ khí tiết. Sau 73 ngày đấu tranh quyết liệt, ngày 4-4-1964, địch phải trả toàn bộ tù chính trị câu lưu bị phân tán ở Chuồng Cọp, Hầm Đá Trại II, Trại III về Trại IV và đổi tên Trại IV thành Trại I, với ý nghĩa là Trại cộng sản trước đây, Trại cứng đầu, không thế khuất phục được, chỉ có thể “xây thêm nhà lao để giam giữ họ suốt đời”. Chi bộ Lê Hồng Phong đã hoàn thành nhiệm vụ lãnh đạo lực lượng tù chính trị câu lưu vươn lên đấu tranh khôi phục toàn bộ vị trí bảo vệ khí tiết. Trong những năm tiếp theo, Chi bộ Lê Hồng Phong cùng những cốt cán lãnh đạo của đoàn tù chính trị câu lưu từ nhà lao Thanh Tân Ồ Ồ (Quảng Trị) bị đày trở lại Côn Đảo (5-2-1964) đã lãnh đạo và rèn luyện lực lượng đấu tranh của lực lượng tù chính trị câu lưu từ năm 1964 trong gần 6 năm ròng rã địch phân tán ở Chuồng Cọp để giữ vững vị trí bảo vệ khí tiết. Các thành viên Chi bộ Lê Hồng Phong có vai trò lãnh đạo, rèn luyện lực lượng tù chính trị câu lưu và là hạt nhân hình thành Đảng bộ Lưu Chí Hiếu sau này.

III. TÙ ÁN CHÍNH TRỊ ĐẤU TRANH CHỐNG CHÀO CỜ NGỤY 1965-1970

3.1. Phong trào đấu tranh chống chào cờ ngụy 1965-1967 và sáu ngọn cờ đầu: Khi tù chính trị câu lưu khẳng định được vị trí bảo vệ khí tiết, chống ly khai Đảng Cộng sản cũng là lúc tù án chính trị phát khởi cuộc đấu tranh chống chào cờ ngụy. Chào cờ “quốc gia” là nội quy bắt buộc của nhà tù, đồng thời là một thủ đoạn tố cộng. Khi chào cờ, chúng buộc tù nhân phải hô khẩu hiệu phản động: “Ủng hộ Ngô Tổng thống”, “Đả đảo Hồ Chí Minh”[18] nhằm triệt hạ khí tiết và bôi vết đen lên phẩm chất những người tù chính trị. Từ cuối năm 1964, tù án chính trị đã đấu tranh chống chào cờ ngụy. Đầu tháng 4-1967, số tù án chống chào cờ tăng lên 180 người. Chúa đảo Nguyễn Văn Vệ quyết định mở đợt đàn áp, bức hàng. Không chịu nổi chế độ đàn áp quá khắc nghiệt, 77 người rớt trong tuần đầu, còn lại 103 người tiếp tục chiến đấu. Từ ngày 7 đến ngày 11-4-1967, lần lượt có 27 người tham gia tuyệt thực đòi: Được tự do tư tưởng; Không được đánh đập; Tăng khẩu phần ăn; Cho về trại để được rộng rãi; Tăng giờ ra chơi. Địch đàn áp quyết liệt. Cuộc tuyệt thực kéo dài 19 ngày, nhiều người đã phải bỏ cuộc, còn lại sáu người quyết tử bảo vệ khí tiết là: Hoàng Thanh, Phan Văn Huệ, Nguyễn Tử Tòng, Nguyễn Văn Trường, Phạm Thông và Ngô Đình Thời. Ngô Đình Thời năm ấy chưa đầy 18 tuổi. Chúa đảo Nguyễn Văn Vệ phải chấp nhận các yêu sách, để cho 6 người được tự do tư tưởng, trả lại mọi sinh hoạt bình thường. Đó là Sáu Ngọn Cờ Đầu thôi thúc lực lượng tù án chính trị vươn lên đấu tranh.

3.2. Đường càng đi đội ngũ càng đông: Tháng 10-1967, lực lượng chống chào cờ ngụy tăng lên 15 người, địch chuyển qua Chuồng Cọp I, giam ở các chuồng 57, 58 và 59, mỗi chuồng 5 người, còng một chân, không cho tắm giặt, không cho ăn rau.[19] Những người đã từng chống chào cờ ngụy bị đánh “rớt” trong đợt tháng 4-1967 cũng lần lượt đấu tranh vươn lên, nâng số chống chào cờ ngụy lên 38 người. Ngày 8-2-1968, chuyến đầu tiên lưu đày 300 tù nhân sau cuộc tổng tiến công ra Côn Đảo, bị khủng bố phủ đầu tại Trại II, có 68 người tuyên bố chống chào cờ ngụy, bị tách riêng giam ở hầm đá Trại III, sau 4 ngày đàn áp dã man, còn lại 30 người, chúng đưa qua nhốt ở Hầm Đá Trại II, đánh đập cả ngày lẫn đêm. Cuối cùng còn lại 10 người, bị đưa về chuồng cọp Côn Đảo.[20] Mỗi chuyến tù lưu đày ra Côn Đảo, địch đều đàn áp khốc liệt phủ đầu để phân hóa. Sau mỗi đợt đàn áp như vậy, chỉ còn một vài người “đậu” được. Giống như học trò đi thi, cặp từ “đậu” và “rớt” đã trở thành phổ biến đối với lực lượng tù án chính trị chống chào cờ ngụy. Cuộc “thi” này không chỉ đòi hỏi có trí tuệ mà cả phẩm chất chính trị, tư tưởng, nhân cách và sức chịu đựng bền bỉ kiên cường. Mỗi vinh quang và cay đắng trong sự thành bại của cuộc “thi” này, người tù đều phải trả giá bằng máu và tính mạng mình.

Ngày 14-2-1968, địch mở trận khủng bố bức hàng. Chúng đổ nước ngập các chuồng rồi trút vôi bột xuống đầu người tù. Vôi gặp nước sôi lên làm phỏng da thịt. Tù nhân bị bỏng toàn thân, sặc sụa trong bụi vôi mù mịt. Ngày 15-2-1968, địch chuyển toàn bộ số chống chào cờ về Chuồng Cọp 2, tổng số 84 người, giam một chuồng – để trống một chuồng nhằm ngăn cách, không cho gõ morse qua tường liên hệ với nhau,[21] còng chân, đánh đập suốt ngày đêm.[22] Địch tìm cách khuất phục từng người. Các anh Hoàng Thanh, Phan Văn Huệ, Nguyễn Tử Tòng là những ngọn cờ đầu “đậu” được từ tháng 4-1967, nổi tiếng về chịu đòn bị lôi ra đánh nhiều lần đến ngất xỉu. Nguyễn Tử Tòng bị đánh đập nhiều nhất, sáng đánh, trưa đánh, chiều đánh, buổi tối đánh nữa, bất kể lúc nào. Sức khỏe anh suy kiệt dần, tâm thần bất ổn, nhưng anh luôn đứng vững ở vị trí chống chào cờ ngụy, nêu tấm gương sáng ngời trong phong trào bảo vệ khí tiết.[23]

Trong vòng 10 ngày đầu của chiến dịch khủng bố sau Mậu Thân, 3 tù chính trị câu lưu đã chết vì đòn roi, bệnh tật và suy kiệt tại Chuồng Cọp là Trần Tùy (quê ở Quảng Nam), Ngô Khá (Bến Tre), Nguyễn Quyên (Khánh Hòa). Ông Tôn (ở Cần Thơ) bị đánh hộc máu, ngất xỉu. Đoàn Văn Sạng bị đánh đập dã man cho đến khi tắt thở.[24] Tính đến ngày 1-5-1968, nhiều anh em trong lực lượng tù án chính trị chống chào cờ ngụy bị đánh chết và đánh “rớt”, nhưng con số chống chào cờ ngụy vẫn tăng lên 71 người. Đây là những hạt nhân của tù án chính trị, thôi thúc cuộc đấu tranh chống chào cờ ngụy, , đúng như phương châm của những người tiên phong: Đường càng đi, đội ngũ càng đông.[25]

3.3. Những kỷ lục trong đấu tranh chống chào cờ ngụy: Tháng 5-1968, Đợt II cuộc Tổng tiến công diễn ra trên toàn Miền. Bọn chúa ngục đàn áp tù chính trị bằng các thủ đoạn: bớt cơm, bớt nước, không cho tắm giặt, cấm ngặt không cho ăn rau. Bữa cơm chỉ có một loại mắm ruốc đen, nặng mùi. Các yêu sách của tù nhân đều bị đàn áp đẫm máu. Tên giám thị Nguyễn Văn Rồng phó Ban chuyên môn đã thẳng thừng tuyên bố trước đòi hỏi cấp rau của tù nhân Chuồng Cọp: “Ranh giới giữa các anh với nội quy nhà tù là rau. Muốn ăn rau phải chịu chào cờ quốc gia“. Không chịu đựng nổi sự khốc liệt, nhiều người bị đánh rớt. Việc không cấp rau trong nhiều tháng liền làm cho cơ thể tù nhân suy sụp nghiêm trọng, phát sinh bệnh táo bón, kiết lị, phù thũng khiến nhiều người tù kiệt sức, teo cơ, bại lết, không còn đứng nổi trên đôi chân của mình. Anh Phan Đình Tựu (quê ở Điện Bàn, Quảng Nam) bị đánh đập đến phát bệnh tâm thần, luôn miệng hát những bài ca cách mạng. Địch còng cả hai tay, hai chân, khớp miệng và đánh anh cho đến chết. Anh trút hơi thở cuối cùng lúc 23 giờ ngày 28-5-1968 tại hầm số 28 khu Chuồng Cọp 2, tròn 36 tuổi.[26]

Lực lượng chống chào cờ ngụy còn lại 25 người. Anh Nguyễn Văn Trường và anh Hồ Văn Sắc đã tuyên bố tuyệt thực đến chết để chặn bàn tay khủng bố của kẻ thù. Hồ Văn Sắc rớt sau 10 ngày, một mình Nguyễn Văn Trường tiếp tục cuộc tuyệt thực ròng rã hơn 2 tháng. Khi anh lả đi, bọn trật tự đè ra bơm sữa vào hậu môn. Tỉnh lại, anh tiếp tục tuyệt thực.[27] Nguyễn Văn Chánh và Sầm Thanh Liêm cũng tuyên bố tuyệt thực, phản đối kỉ luật tàn bạo. Công văn số 341/CSQG CS/CSĐB/M ngày 31-7-1968 của Trưởng Ty Cảnh sát Quốc gia Côn Sơn cho biết, ngày 24-7-1968, Ty Cảnh sát Quốc gia Côn Sơn đã cử nhân viên đến “chứng kiến cuộc tuyệt thực của 3 chính trị phạm VC tên Nguyễn Văn Trường đính bài số C.18526, Sầm Thanh Liêm số A.3564 và Nguyễn Văn Chánh CT.610 đang bị biệt giam tại Khu biệt lập II để phản đối nội qui Trung tâm… Can phạm Nguyễn Văn Trường tuyệt thực đến nay đã 2 tháng 6 ngày, được đưa về bệnh xá Trại IV vào sáng 23-7-1968… Hai can phạm Sầm Thanh Liêm và Nguyễn Văn Chánh tuyệt thực tính đến nay đã 18 ngày, vẫn còn ngoan cố, chưa chịu tuân theo nội qui Trung tâm, nhưng cũng đã được đưa về bệnh xá Trại IV ngày 26-7-1968“.[28]

Nguyễn Văn Trường tuyệt thực đến ngày thứ 72. Khi ấy anh đã bị liệt cột sống, nằm bất động. Nguyễn Văn Chánh và Sầm Thanh Liêm tuyệt thực đến ngày thứ 26, nêu tấm gương bền bỉ tự lực đấu tranh chống chào cờ ngụy với kỷ lục tuyệt thực dài ngày nhất. Đến khi địch tuyên bố ngừng đợt khủng bố tại Chuồng Cọp, các anh mới ăn uống trở lại. Khi đó, ngoài Phan Đình Tựu đã anh dũng hy sinh và ba anh tuyệt thực thắng lợi là Nguyễn Văn Trường, Nguyễn Văn Chánh, Sầm Thanh Liêm, còn 21 anh “đậu” được trong đợt đàn áp này. Đó là : Hoàng Thanh, Ngô Đình Thời, Nguyễn Tử Tòng, Phan Văn Huệ, Võ Huy Quang, Đoàn Văn Khét, Bùi Văn Me, Liêu Văn Bé, Trương Văn Lành, Nguyễn Tấn Ngọc, Nguyễn Thới (đại đức Thích Hạnh Tuệ), Lê Văn Ngọc (Bảy Bê), Đặng Quốc Tuấn, Ngô Văn Thiều, Trần Việt Hùng, Đặng Trung Tâm, Phạm Ngọc Minh, Cao Văn Chín, Hồ Văn Minh, Lê Tùng, Tào Tựu, tổng số 24 người.[29] Nếu như cuộc đàn áp khốc liệt mùa hè 1967 chỉ có sáu anh “đậu” được thì đợt đàn áp đẫm máu giữa năm 1968, con số đậu được là 24. Điều đó chứng tỏ sức sống mãnh liệt của phong trào bảo vệ khí tiết.

3.4. Đồng khởi đấu tranh chống chào cờ và chống khổ sai.

Chúa đảo Nguyễn Văn Vệ duy trì chế độ còng tại Chuồng Cọp cho đến cuối năm 1968.[30] Từ cuối năm 1968, phong trào chống chào cờ ngụy lại bùng lên mạnh mẽ. Nhiều đợt lưu đày tù chính trị từ nhà lao Chí Hoà ra Côn Đảo đã bổ sung lực lượng chống chào cờ ngụy. Tháng 8-1966, ngụy quyền Sài Gòn đày 36 phụ nữ từ các nhà lao đất liền ra Côn Đảo, giam ở Trại V. Các chị tuyên bố chống chào cờ, chống nội qui, chịu chế độ cấm cố khắc nghiệt. Cuối năm 1968, địch đưa 36 chị về Nhà lao Thủ Đức. Sau cuộc tổ chức lễ tang Bác tại các nhà lao Thủ Đức, Chí Hoà (9-1969), ngụy quyền Sài Gòn đày 342 phụ nữ và 2 cháu bé ra Côn Đảo ngày 29-11-1969. Tất cả bị giam ở Chuồng Cọp, mỗi chuồng 5 người. Bất chấp nội qui, các chị đã công khai hát những bài ca cách mạng, đấu tranh đòi tăng khẩu phần ăn, đòi trả quần áo, vận dụng vệ sinh, đòi được tắm giặt, có thuốc trị bệnh, đòi cho các chị có thai ra bệnh xá sinh nở.

Tháng 6-1970, một Ủy ban điều tra của Hạ nghị viện Mĩ đã đến Sài Gòn để điều tra về các khoản viện trợ Mĩ cho Nam Việt Nam. Ngày 2-7-1970, hai dân biểu Mĩ Augustus Hawkins và Wiliam Anderson và nhà báo Don Luce đã tách khỏi đoàn, bay ra Côn Đảo điều tra.[31] Tường thuật trước báo giới, hai dân biểu Mĩ khẳng định rằng, các ông đã tận mắt chứng kiến “sự đối xử kinh khủng nhất đối với con người mà chúng tôi chưa bao giờ được thấy…”[32]. Bài viết về Chuồng Cọp Côn Đảo của John Helmul và Don Luce đăng trên tạp chí TIME, phát hành hàng triệu bản trên toàn cầu cuối tháng 7-1970 đã làm chấn động dư luận thế giới về sự khủng khiếp của nhà tù Mĩ ngụy tại Nam Việt Nam.

Tinh thần đấu tranh kiên quyết của nữ tù chính trị, của tù chính trị chống chào cờ và tù bại lết ở Chuồng Cọp, Chuồng Bò, nhà dù Trại VII dồn dập từ đầu năm 1970 đã tạo khí thế mới, thôi thúc phong trào, nhất là từ khi vụ “Chuồng Cọp Côn Đảo” được phơi bày trước dư luận Quốc tế. Nhận thấy tình hình trong nước và quốc tế có nhiều thuận lợi, Ban lãnh đạo các trại tù án chính trị đã phát động cao trào Đồng Khởi chống khổ sai và chống chào cờ ngụy với hơn 4000 người tham gia vào tháng 8-1970. Phong trào đấu tranh trong tháng 8-1970 đã diễn ra sôi nổi với các hình thức trực diện, đưa yêu sách, bãi công đòi hạ mức khổ sai, cải thiện đời sống, loại trật tự, mật báo ra khỏi phòng, bầu đại diện, làm chủ sinh hoạt trong các phòng giam kết hợp chống chào cờ.[33] Phong trào đấu tranh đồng loạt chống khổ sai và chống chào cờ tháng 8-1970 được tù chính trị Côn Đảo gọi là “phong trào Đồng Khởi chống khổ sai và chống chào cờ ngụy“. Theo một bản báo cáo của tù chính trị Côn Đảo gửi về Trung ương cục miền Nam, hơn 4000 tù chính trị đã tham gia đấu tranh trong đợt này. Sau 3 tháng đàn áp, có đến một phần ba số tù chính trị chống chào cờ bị bức rời hàng ngũ, còn “đậu” được 2640 người. Đó là con số kỉ lục về chống chào cờ sau những trận đàn áp khốc liệt từ trước đến nay.

IV. PHÁT HUY VỊ TRÍ BẢO VỆ KHÍ TIẾT TRONG THỜI KỲ 1970-1975

4.1. Chống kế hoạch chiêu hồi sản xuất, xé phòng dồn trại : Bất lực trước phong trào Đồng Khởi chống khổ sai và chống chào cờ, Nguyễn Văn Vệ bị cách chức. Trung tá Cao Minh Tiếp ra Côn Đảo nhận chức tháng 2-1971),[34] thực hiện chương trình chiêu hồi sản xuất và phân vùng giam giữ. Chương trình chiêu hồi sản xuất đưa ra chiêu bài “hợp tác sản xuất” giữa tù nhân và nhà tù, nêu khẩu hiệu “tự túc tự cấp-có làm, có hưởng”, tăng mức hưởng lợi từ 25% lên 40%, 60%, 80% rồi 100%. Áp dụng nhiều thủ đoạn, Cao Minh Tiếp vẫn bất lực. Tù chính trị tẩy chay khẩu hiệu “tự túc, tự cấp-có làm, có hưởng”. Bất chấp sự đàn áp, khủng bố, lừa mị, số tù chính trị chống chào cờ vẫn tăng lên đến hơn 3000 vào tháng 7-1971. Thất bại trong chương trình chiêu hồi sản xuất, Cao Minh Tiếp ráo riết thúc đẩy việc xây dựng khu biệt lập Trại VII (Chuồng Cọp Mỹ), và thanh lọc tù nhân, thực hiện chiến lược phân vùng giam giữ. Trong tháng 11 và tháng 12-1971, địch tổ chức đàn áp, xé phòng dồn trại, đưa trên 1000 tù án chính trị mà chúng xem là cốt cán, biệt giam về Trại VII, đưa hơn tám trăm tù chính trị câu lưu từ Trại I về Trại VI khu B. [35]

4.2. Chống “Chương trình tâm lí chiến Côn Sơn”: Phiên họp Hội đồng Nội các ngụy ngày 26-9-1969 phê duyệt Chương trình tâm lí chiến Côn Sơn, trưng dụng 300 sĩ quan tâm lí chiến của quân đội ngụy để thành lập 10 tiểu đoàn tâm lí chiến, trước mặt cho thành lập một tiểu đoàn thí điểm tại Côn Đảo. Tổng cục chiến tranh chính trị ngụy tuyển chọn 30 sĩ quan tâm lí chiến, đưa qua Đài Loan huấn luyện, rồi đưa ra Côn Đảo, tuyển lựa 800 tù chính trị chưa có biểu hiện chống đối thành lập Tiểu đoàn tâm lí chiến thí điểm. Trong số 800 trại sinh thuộc Tiểu đoàn tâm lí chiến thí điểm, có 426 người đã chống lại dưới nhiều hình thức, còn lại 374 người theo học hết chương trình. Mãn khoá (từ 31-8-1970 đến 29-10-1971), 368 trại sinh đủ điểm để phóng thích.[36] Trung tá Nguyễn Mẫu, Trưởng khối cảnh sát đặc biệt đã lập phiếu trình ngày 25-12-1971, đề nghị Tư lệnh Bộ chỉ huy Cảnh sát Quốc gia: “Tăng cường và bành trướng đoàn cán bộ Tâm lí chiến để có thể cung ứng ít nhất cho 4 trung tâm ở đất liền là Thủ Đức, Tân Hiệp, Sài Gòn và Trung tâm thiếu nhi Đà Lạt“. Theo chủ trương này, Tiểu đoàn Tâm lí chiến khoá II đã được thành lập vào tháng 4-1972, song tiểu đoàn này chết yểu sau đó một tháng do phong trào đấu tranh của tù chính trị Côn Đảo ngày càng mạnh mẽ.

4.3. Thành lập Đảng bộ Lưu Chí Hiếu: Ngày 20-12-1971, hơn tám trăm tù chính trị câu lưu Trại I bị đưa về giam tại Trại VI khu B. Lực lượng tù chính trị câu lưu đã thành lập Chi bộ Lê Hồng Phong từ năm 1963, đấu tranh vươn lên khôi phục vị trí bảo vệ khí tiết từ 1964, giữ vững vị trí bảo vệ khí tiết qua 5 năm địch đày ải nghiệt ngã tại chuồng cọp Côn Đảo. Thế hệ tù chính trị bị đày ra Côn Đảo những năm 1969-1970 trở đi đã được các chú, các anh lớp trước giáo dục, rèn luyện, sớm trưởng thành, góp phần xây dựng đội ngũ ngày càng vững mạnh. Kế thừa truyển thống đấu tranh của Trại I và sự tiếp nối, phát huy của Chi bộ Lê Hồng Phong, một Ban vận động thành lập Đảng bộ tại Trại VIB được thành lập do Trần Văn Cao làm Trưởng ban[37]. Ban vận động soạn thảo quy ước và tuyên bố thành lập Đảng bộ mang tên Lưu Chí Hiếu vào ngày 3-2-1972, Trần Văn Cao là Bí thư, Đào Văn Trân là Phó bí thư, Mai Xuân Cống là ủy viên thường vụ, kiêm Trưởng Ban điều hành trại;[38] Phó Ban điều hành kiêm Tổng đại diện là Hoàng Phùng. Đợt đầu, Đảng bộ kết tập 11 người, sau đó xây dựng 10 chi bộ trong 10 phòng của Trại VI khu B, mỗi chi bộ từ 5 đến 10 đảng viên tổng số 62 đảng viên được kết tập vào cuối năm 1972. Việc thành lập Đảng bộ Lưu Chí Hiếu đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của tù chính trị câu lưu. Đảng bộ Lưu Chí Hiếu thực sự trở thành bộ tham mưu chiến đấu lãnh đạo toàn bộ các hoạt động và tranh đấu tại Trại VI khu B. Nhiều đảng viên của Đảng bộ sau này đã được cử vào Đảng ủy lâm thời, góp phần quan trọng trong thời điểm nổi dậy giải phóng hoàn toàn Côn Đảo.

4.4. Đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Paris: Theo tài liệu do bộ phận Đường dây Côn Đảo gửi về Trung ương Cục, vào thời điểm Hiệp định Pari có hiệu lực (3-1973), ở Côn Đảo có 9892 tù nhân, trong đó có 274 là thường phạm, 940 quân phạm thường tội, 636 quân phạm chính trị, 4020 can phạm đặc biệt (chính trị phạm có án), 3498 an trí đặc biệt (tù chính trị không có án), 37 nghi can, 487 chưa phân loại. Trong khi đó, ngụy quyền Sài Gòn chỉ công bố danh sách trao trả 5081 nhân viên dân sự (tù chính trị) toàn miền Nam, trong đó ở Côn Đảo có 4075 người. Ngụy quyền Sài Gòn điều một tiểu đoàn cảnh sát dã chiến ra Côn Đảo làm nhiệm vụ thanh lọc được 4075 tù nhân có tên trong danh sách trao trả, lập tòa án quân sự đặc biệt để “xử” những người không có tên trong danh sách trao trả thành thường án với các tội danh “phá rối trị an”, “gian nhân hiệp đảng”, “giữ vũ khí bất hợp pháp”… Cuộc đấu tranh diễn ra quyết liệt ở các trại, 4 tù chính trị hy sinh vì lựu đạn cay, phi tiễn và đòn thù. Cuối cùng, không thể cưỡng bức bằng bạo lực, địch phải chấp nhận yêu sách của tù chính trị, phải rút toàn bộ quân đội, cảnh sát và trật tự an ninh ra khỏi trại, công bố Hiệp định Pari và Nghị định thư, đưa danh sách cho đại diện ta gọi những anh em có tên ra tập trung về nơi trao trả.

4.5. Nổi dậy giải phóng Côn Đảo: Tháng 4-1975, Nhà tù Côn Đảo có 7448 tù nhân, trong đó có 4234 tù chính trị (494 phụ nữ). Bộ máy kìm kẹp của địch gồm một tiểu đoàn bảo an (khoảng trên 500 tên), một Đại đội cảnh sát (gần 100 tên), 89 giám thị, 130 công chức và gần 1000 trật tự an ninh, tất cả khoảng 2000 tên. Như vậy cứ hơn 2 tù chính trị thì có một tên trong bộ máy kìm kẹp.    Ngày 29-4-1975, khi quân giải phóng tiến công vào Sài Gòn, ở Côn Đảo các trại tù cấm cố bị canh gác chặt chẽ. Sáng 30-4-1975, ngụy quyền ở Côn Đảo tổ chức di tản ra tàu và âm mưu thủ tiêu toàn bộ tù chính trị bằng lựu đạn vào giờ chót. Nhưng bão táp cách mạng ập đến khiến bọn ác ôn chưa kịp thực hiện tội ác cuối cùng. Tin Dương Văn Minh đầu hàng, thành phố Sài Gòn hoàn toàn giải phóng đã làm cho bọn ác ôn kinh hoàng tháo chạy hỗn loạn cho đến nửa đêm. Tù thường phạm quân phạm làm trật tự sổng chuồng ra cướp bóc tài sản của các gia đình binh sĩ, công chức còn kẹt lại. Trong bối cảnh đó, linh mục Phạm Gia Thụy cùng một nhóm sĩ quan, binh sĩ và công chức trên đảo đã bàn phương án mời tù chính trị ra quản lý an ninh trật tự trên đảo.

Bằng nhiều nguồn tin, tù chính trị ở các trại đều phán đoán trong đất liền có biến động lớn. Ban lãnh đạo các trại tù đều chuẩn bị tổ chức kỉ niệm trọng thể ngày Quốc tế lao động (1-5) để phát huy uy thế cách mạng, đồng thời thăm dò phản ứng của địch. Vào lúc 23 giờ ngày 30-4, nhóm sĩ quan, công chức đã mở phòng 24 khu H, báo tin Dương Văn Minh đầu hàng, Sài Gòn được giải phóng, bọn ác ôn trên đảo đã bỏ chạy hết, bọn trật tự an ninh gốc thường án, quân phạm, lưu manh đang cướp bóc, gây rối loạn trên đảo và yêu cầu anh em tù chính trị ra giải phóng Côn Đảo, duy trì trật tự an ninh và đảm bảo tính mạng, tài sản cho những người còn lại trên đảo. Sau khi thẩm tra nguồn tin qua rađiô và cử người ra ngoài trại nắm tình hình, những người có trách nhiệm ở Khu H quyết định hành động, chớp thời cơ giải phóng Côn Đảo. Sau khi ra khỏi phòng giam, Đảo ủy lâm thời được thành lập tại Trại VII đã chỉ đạo thành lập lực lượng vũ trang và cử người đi mở cửa cho các trại. 10 giờ ngày 1-5-1975, Đài truyền thanh Côn Đảo phát sóng, báo tin Côn Đảo hoàn toàn giải phóng và công bố danh sách các thành viên trong chính quyền cách mạng. Chính quyền được tổ chức theo tinh thần “hoà hợp – hoà giải dân tộc”, gồm 15 người, lấy tên là Ủy ban Hoà hợp -Hoà giải Dân tộc tỉnh Côn Sơn.[39]

Chiều 1-5-1975, Trung tướng Lê Trọng Tấn, Tư lệnh cánh quân Duyên Hải đã họp với đại diện Bộ tư lệnh Hải quân, Khu ủy miền Đông, Sư đoàn Sao Vàng (F3) và Thành ủy Vũng Tàu, bàn phương án giải phóng Côn Đảo bằng một cuộc hiệp đồng quân chủng Hải-Lục-Không quân. Khi tàu hải quân chở bộ đội ra đến nơi thì những người tù chính trị Côn Đảo đã tự nổi dậy giải phóng và ổn định tình hình trên đảo. Ủy ban quân quản Côn Đảo được thành lập, bố trí kế hoạch đưa tù chính trị trở về đất liền. Theo yêu cầu nhiệm vụ, một số tù chính trị tình nguyện ở lại công tác tại Côn Đảo cho đến ngày hôm nay.

V. MỘT VÀI NHẬN XÉT

4.1. Chế độ khủng bố của Mỹ – ngụy trong nhà tù Côn Đảo giống như một loại “hàn thử biểu” phản ánh tương quan lực lượng trên chính trường và trên chiến trường miền Nam. Mỗi khi phong trào cách mạng miền Nam phát triển, mỗi khi ta đánh mạnh trên các chiến trường thì Mỹ – ngụy lại mở rộng qui mô nhà tù và tăng cường đàn áp, khủng bố tù chính trị. Nhưng bất chấp các thủ đoạn khủng bố của địch, phong trào đấu tranh của tù chính trị vẫn phát triển không ngừng, từ thấp đến cao, từ những hạt nhân, những ngọn cờ tiêu biểu phát triển thành đội ngũ ngày càng đông, chất lượng ngày càng được củng cố.

4.2. Bảo vệ khí tiết là mức độ đấu tranh cao nhất của tù chính trị. Trong tù, có nhiều hình thức, mức độ đấu tranh, từ các khẩu hiệu dân sinh dân chủ (chống khủng bố, đòi nới rộng chế độ sinh hoạt trong tù) đến các yêu sách chính trị (chống các thủ đoạn truy bức tư tưởng, triệt hạ khí tiết tù chính trị). Khẩu hiệu đưa ra trong các cuộc đấu tranh chính trị tùy thuộc vào thủ đoạn cụ thể của địch trong mỗi thời kỳ, từ đấu tranh chống ly khai của tù chính trị câu lưu Trại I, đấu tranh chống các thủ đoạn tố cộng của tù chính trị câu lưu Trại II trong giai đoạn 1957-1963 cho đến phong trào đấu tranh chống chào cờ ngụy của tù án chính trị phát khởi từ năm 1964. Mục tiêu của các cuộc đấu tranh này đều nhằm chống các thủ đoạn tố cộng, diệt cộng của địch, bảo vệ khí tiết của người chiến sĩ cách mạng. Đây là mức độ đấu tranh cao nhất, thủ thách quyết liệt nhất đối với tù chính trị.

4.3. Chống ly khai cộng sản và chống chào cờ ngụy là trung tâm phong trào đấu tranh của tù chính trị Côn Đảo. Từ sau khi chế độ độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm bị lật đổ (11-1963), lực lượng tù chính trị câu lưu Trại II đã phát động phong trào đấu tranh chống chào cờ ngụy, và giành thắng lợi quyết định sau cuộc tuyệt thực kéo dài 23 ngày vào tháng 6-1964 (04 người hy sinh anh dũng) khẳng định vị trí chính trị bảo vệ khí tiết của tập thể tù chính trị câu lưu. Khi đó, đội ngũ trực diện chống ly khai của tù chính trị câu lưu Trại I đã giành toàn thắng với Năm ngôi sao sáng (Nguyễn Đức Thuận, Phan Trọng Bình, Phạm Quốc Sắc, Nguyễn Minh, Lê Văn Một), và hàng trăm người đã hy sinh anh dũng, vẹn toàn khí tiết. Kể từ thời điểm này, Mỹ – ngụy bỏ hẳn các thủ đoạn cưỡng bức ly khai cộng sản, bỏ chương trình học tố cộng trong tù, công nhận vị trí chính trị, bảo vệ khí tiết của tập thể tù chính trị câu lưu, giam giữ họ trong vòng kỷ luật. Chúng tập trung cưỡng bức chào cờ “quốc gia” và tập trung bọn ác ôn đàn áp, khuất phục lực lượng tù án chính trị bị kết án và đày ra đảo ngày càng đông. Phong trào đấu tranh chống chào cờ ngụy của tù án chính trị bùng lên từ năm 1964, từ vài ba người đến hàng chục, hàng trăm người rồi “đậu” được 06 người – 06 ngọn cờ của tù án chính trị vào tháng 4-1967 sau rất nhiều cuộc đàn áp quyết liệt của địch. Từ 06 hạt nhân được xem là “những hạt gạo cội” trên sàng, cuộc đấu tranh chống chào cờ ngụy của tù án chính trị được phát động thành phong trào mạnh mẽ và quyết liệt, dẫn đến phong trào đồng khởi chống khổ sai và chống chào cờ ngụy tháng 8-1970 với 4000 người tham gia, sau đó phần lớn lực lượng đấu tranh giữ vững đội ngũ cho đến ngày giải phóng.

4.4. Chống ly khai cộng sản và chống chào cờ ngụy là cuộc đấu tranh mang ý nghĩa chính trị, tư tưởng sâu sắc, là một mặt trận đấu tranh khốc liệt và không cân sức, phần thắng cuối cùng thuộc về những người tù chính trị biết phát huy giá trị to lớn của vũ khí tinh thần. Đấu tranh trong tù là một mặt trận đấu tranh đặc biệt, nơi diễn ra cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt, một mất một còn. Người tù, khi bị biệt giam cô độc giữa xà lim, khi trần trụi giữa bầy ác ôn say máu, phải chống trả sự tàn bạo, thâm độc vô hạn độ. Trong lao tù, xiềng xích và chế độ khủng bố bạo tàn, những người tù chính trị vẫn công khai phủ nhận ngụy quyền Sài Gòn bằng “vũ khí tư tưởng”, tuyên bố không thừa nhận chế độ Sài Gòn, công khai bảo vệ lý tưởng độc lập tự do và CNXH, tuyên bố Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam là người đại diện hợp pháp duy nhất của nhân dân miền Nam. Không giống như lời tuyên bố của một tổ chức chính trị, một phái đoàn ngoại giao mà đây là lời tuyên bố của những con người bị cầm tù trong xiềng xích đọa đày cùng cực, trong nanh vuốt và cạm bẫy của kẻ thù, trong sự đày ải, khủng bố triền miên và căng thẳng tột độ, từng bị đánh đập chết đi sống lại hàng trăm lần. Mỗi một lời tuyên bố của họ đều phải trả giá bằng máu và mạng sống. Hàng trăm người đã hy sinh vô cùng anh dũng để năm người toàn thắng và tỏa sáng, hàng ngàn người đã vấp ngã, thấm thía nỗi đau của mỗi lần thất bại tạm thời lại đúng dậy đấu tranh, giành lại vị trí bảo vệ khí tiết. Đó là những người hàng trăm lần anh hùng.

4.5. Đấu tranh bảo vệ khí tiết có nhiều hình thức và mức độ khác nhau.           Tập thể tù chính trị tham gia phong trào đấu tranh bảo vệ khí tiết, trong đó có “Năm ngôi sao” toàn thắng cùng với “Sáu ngọn cờ đầu” chống chào cờ ngụy của tù án chính trị cùng hàng trăm người đã hy sinh vô cùng anh dũng là những trang sử hào hùng nhất của lịch sử nhà tù Côn Đảo. Các anh đã đưa cuộc chiến đấu bảo vệ khí tiết của tù chính trị Côn Đảo lên đỉnh cao của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam và để lại những bài học vô cùng quý giá, trở thành ngọn cờ, thành những ngôi sao sáng cho cả một thế hệ tù chính trị noi theo, vươn lên giành thắng lợi hoàn toàn. Cuộc chiến đấu của lực lượng trực diện chống ly khai cộng sản và chống chào cờ ngụy luôn nhận được sự cổ vũ, chia lửa, hỗ trợ và bổ sung lực lượng từ trận tuyến thứ 2. Phong trào đấu tranh bảo vệ khí tiết trong tù luôn diễn ra với nhiều hình thức và mức độ đấu tranh khác nhau. Có người vì sự khủng bố, đày ải quá sức chịu đựng mà chấp nhận ly khai, chấp nhận chào cờ ngụy trên danh nghĩa mà lòng không theo “quốc gia”, không chống lại cộng sản. Sự chấp nhận ấy chỉ là nhất thời. Xót xa, hổ thẹn với sự yếu hèn của mình, họ nghiêm khắc tự kiểm điểm, tự rèn luyện, và ngẩng đầu đứng dậy, tuyên bố chống trở lại, giành lại bằng được vị trí khí tiết. Phải tích hợp đủ dũng khí mới dám công khai tuyên bố lập trường không ly khai cộng sản, không thừa nhận lá cờ ba que của ngụy quyền trong khi họ đang bị xiềng xích, đối đầu với một chế độ khủng bố tàn bạo vô hạn độ. Phải tích hợp đủ ý chí kiên cường mới dám đem thân xác mình chịu đựng đau đớn về thể xác, dày vò về tâm lý, giằng xé về tư tưởng hàng trăm lần để vươn lên đấu tranh vì phẩm giá con người. Phải kết tinh được phẩm chất anh hùng và hun đúc nhiều lần phẩm chất anh hùng ấy mới có thể chịu đựng được hàng ngàn ngày đày ải khốc liệt, đến mức chết đi sống lại hàng ngàn lần mà vẫn không sờn lòng, nhụt chí. Phải có một nhân cách lớn, một lẽ sống cao cả mới có thể vượt lên mọi sự đọa đày mà tận hiến cho lý tưởng cao đẹp. Sự vươn lên của tập thể tù chính trị câu lưu, giành lại vị trí bảo vệ khí tiết vào năm 1964 và sự phát triển của phong trào chống chào cờ ngụy của tù án chính trị những năm 1968-1970 chính là thành quả khai hoa, kết trái từ phẩm chất anh hùng của “Năm ngôi sao” chống ly khai cộng sản, “Sáu ngọn cờ đầu” chống chào cờ ngụy. Đó là sự phát triển biện chứng của phong trào, chính vì thế mà cách mạng đã thắng, đế quốc đã thua.

4.6. Diễn biến của phong trào đấu tranh bảo vệ khí tiết đồng hành với quá trình xây dựng tổ chức và tự rèn luyện của mỗi cá nhân. Cuộc đấu tranh vươn lên của tù chính trị câu lưu 1960-1964 xuất hiện yêu cầu cần có một tổ chức Đảng để lãnh đạo thì những người tiên phong trong cuộc đấu tranh vươn lên đã thành lập Chi bộ Lê Hồng Phong (1963) làm tròn nhiệm vụ lãnh đạo tập thể tù chính trị câu lưu đấu tranh vươn lên giành lại vị trí bảo vệ khí tiết (1964). Các thành viên trong Chi bộ Lê Hồng Phong cùng với thế hệ tù chính trị từng trải qua cuộc đấu tranh khốc liệt 1957-1964 đã lấy những kinh nghiệm mà chính họ đã từng vấp ngã và vươn lên thành công để giáo dục, rèn luyện cho thế hệ tù chính trị bị đày ra sau đó, để lớp sau sớm trưởng thành, và sát cánh cùng tập thể đấu tranh vươn lên. Các thành viên trong Chi bộ Lê Hồng Phong và những người từng vấp ngã, từng đấu tranh vươn lên thành công cũng là những người đứng ra vận động thành lập Đảng bộ Lưu Chí Hiếu, giữ vai trò lãnh đạo chủ chốt trong Đảng bộ Lưu Chí Hiếu mà nhiều công trình nghiên cứu đã đánh giá rất cao.

Trong một diễn biến khác ở lực lượng tù án chính trị, khi phong trào đấu tranh chống chào cờ ngụy nổ ra (1965), ở các trại giam, phòng giam và các sở tù khổ sai đều có những hình thức tổ chức và chỉ đạo khác nhau, dưới hình thức Ban lãnh đạo, Tổ Trung tâm, có nơi hình thành tổ chức danh xưng Chi uỷ, Đảng ủy, Đảo ủy. Song, cho đến lúc đó, Ban lãnh đạo ở các phòng, ngay cả những tổ chức danh xưng là Chi uỷ, Đảng ủy, Đảo ủy ở các trại tù án đều chưa chủ trương chống chào cờ ngụy. Một số người từng có cương vị ở ngoài đời từng tham gia bộ phận trách nhiệm ở trong tù đem uy tín, lí lẽ và kinh nghiệm của mình ra thuyết phục số anh em đang chủ trương chống chào cờ ngụy chấp hành ý kiến tập thể, ở lại cùng tập thể, cho rằng chống chào cờ ngụy là phiêu lưu, manh động, vô tổ chức, anh hùng cá nhân vì điều kiện hiện tại chưa cho phép.

Những người tiên phong (phần lớn là trẻ tuổi) vẫn kiên trì quan điểm chống chào cờ ngụy, cho rằng trong lúc kẻ thù dùng mọi thủ đoạn để triệt hạ khí tiết thì những người tù chính trị phải đặt mục tiêu đấu tranh bảo vệ khí tiết lên hàng đầu, phải chiến đấu bằng mọi hình thức, phải gầy dựng phong trào, nhen nhúm từ những đốm lửa nhỏ thì mới có cao trào đấu tranh. Học hỏi kinh nghiệm của lớp người đi trước và bằng kinh nghiệm của chính mình, những chiến sĩ tiên phong đã xác lập phương châm và nguyên tắc đấu tranh trong tù: “Trong đấu tranh dân sinh dân chủ thì cá nhân phục tùng tập thể, nhưng trong đấu tranh chính trị, bảo vệ khí tiết thì mỗi người tự quyết định sinh mạng chính trị của mình; có tập thể thì cùng tập thể đấu tranh, không có tập thể thì tự mình quyết định”. Họ tâm niệm một cách sâu sắc rằng, mỗi người tù chính trị đều phải tự mình chịu trách nhiệm trước Đảng: Đảng đã trao Đảng cho ta, ta phải giữ ta cho Đảng.[40] Trong đấu tranh dân sinh dân chủ, cá nhân phục tùng tập thể nhưng phải là tập thể tiên phong chiến đấu. Còn về phương diện bảo vệ khí tiết thì mỗi cá nhân tự khẳng định lập trường khí tiết, tự bảo vệ sinh mạng chính trị của mình, có tập thể thì đi cùng tập thể, không có tập thể thì cá nhân tự lực chiến đấu; khi cần thiết, sẵn sàng hy sinh tánh mạng của mình để bảo vệ khí tiết, bảo vệ lý tưởng, nêu cao gương bất khuất kiên trung. Đó chính là phẩm chất của những người anh hùng mang chí lớn mà nhiều năm sau, tập thể tù án chính trị mới nhận ra và vươn lên, noi theo./.

TS. NGUYỄN ĐÌNH THỐNG

Trường ĐHKHXH-NV ĐHQ TP.HCM

_______________

TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH

1. Nhà tù Côn Đảo 1862-1945, Nxb CTQG, Hà Nội, 1991.

2. Côn Đảo – Ký sự và Tư liệu. Ban Liên lạc tù chính trị – Sở Văn hoá – Thông tin – Nhà Xuất bản trẻ -thành phố Hồ Chí Minh, 1996.

3. Bà Rịa – Vũng Tàu Đất và Người, Nxb Văn Nghệ thành phố Hồ Chí Minh 1999.

4. Các báo cáo của Ban an ninh, Ban chuyên môn Trung tâm cải huấn Côn Sơn (Côn Đảo) lưu tại Ban quản lý Di tích lịch sử cách mạng Côn Đảo và A.27B Bộ Công an.

5. Băng ghi âm, tư liệu cung cấp của các nhân chứng: Ngô Đình Thời, Phạm Thông, Sầm Thanh Liêm, Nguyễn Văn Chánh, Võ Huy Quang. Tài liệu lưu tại Phòng Lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu.

[1] Nửa năm sau, chức Giám đốc nhà tù về tay Trần Văn Thiều. Ngày 6-5-1956 ngụy quyền Sài Gòn đưa Đại úy bảo an Hồ Chí Thiền ra nhận chức Giám đốc quần đảo và đề lao Côn Đảo, kiêm chỉ huy trưởng Liên đội Bảo an.

[2] Trại là tên gọi chính thức của nhà tù. Trong các báo cáo của tù chính trị gửi về đất liền thường gọi là Lao. Năm 1960, ngụy quyền đặt lại tên các trại: Trại I là Trại Cộng Hòa, Trại II là Trại Nhân Vị, Trại III và Trại IV là Trại Bác Ái và chi nhánh Trại Bác Ái. Năm 1964, các trại lại mang tên theo số hiệu: Trại I, Trại II, Trại III, Trại IV… Ngày 1-11-1974, ngụy quyền Sài Gòn cải tên Đặc khu hành chánh Côn Sơn thành thị xã Phú Hải, đặt trực thuộc tỉnh Gia Định và đổi tên: Trại I thành Trại Phú Thọ; Trại II thành Trại Phú Sơn; Trại IV thành Trại Phú Tường; Trại V thành Trại Phú Phong; Trại VI thành Trại Phú An; Trại VII thành Trại Phú Bình; Trại VIII thành Trại Phú Hưng.

[3] Ngoài các trại giam chính cố còn có nhiều trại giam phụ, được xây dựng bán kiên cố ở Sở Lưới, Công Xưởng, Nhà Đèn, Lò Than, Lò Vôi, Chuồng Bò. Một số cơ sở khác có trại dựng bằng gỗ lá như Sở ruộng Quang Trung, Lò Gạch, Sở rẫy An Hải, Sở Muối, Cỏ Ống, Bến Đầm, Sở Chăn nuôi…

[4] Tháng 7-1972, Côn Đảo có 9667 tù nhân, trong đó: Tù án: 4237 (4 nữ); Câu lưu: 2924 (313 nữ); Nghi can: 1226. Số nghi can (1226) phần đông là thường dân ở Quảng Trị-Thừa Thiên vừa bị địch bắt trong các cuộc hành quân mùa hè năm 1972. Ngoài ra có 53 trẻ em từ một đến 9 tháng tuổi bị bắt theo mẹ.

[5] Có 5 loại thẻ bài tương ứng với 5 loại án tù: Vàng ròng là thường án; Xanh vàng là quân phạm thường án; Xanh đỏ là quân phạm chính trị; Vàng đỏ là chính trị quốc gia; Đỏ ròng là chính trị cộng sản.

[6] Năm 1973, thực hiện âm mưu ém dấu tù chính trị, không trao trả theo Hiệp định, nguỵ quyền Sài Gòn đã đưa “Toà Án Quân sự mặt trận Quân khu III” ra Côn Đảo xử một cách phi pháp hàng ngàn tù chính trị với các án “gian nhân hiệp đảng”, “giữ vũ khí bất hợp pháp”, “ám sát”, “bắt cóc”,….

[7] Trong số đó có ông Cao Văn Ngọc đã được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

[8] Lưu Chí Hiếu, Nguyễn Đức Thuận, Phạm Quốc Sắc, Nguyễn Minh và Lê Văn Một đã được truy tặng và phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

[9] Theo Báo cáo ngày 29-7-1957 của Quản đốc Bùi Văn Năm, có 422 trong tổng số 1375 tù nhân chống kiến nghị. Đây là cuộc đấu tranh chính trị đầu tiên của tù chính trị Trại II. Đợt chống kiến nghị phản động khẳng định rằng một bộ phận tù chính trị ở Trại II đã xác lập cuộc đấu tranh bảo vệ khí tiết với hình thức, mức độ, và trình độ nhận thức của họ lúc đó.

[10] Địch tăng cường khủng bố, cưỡng ép được 232 người chịu kí. Phúc trình không số của công an biệt phái Nguyễn Văn Hoà ngày 6-6-1958 đã xếp những người này vào diện kém tinh thần kí kiến nghị. Tất cả bị biệt giam, cấm cố trong các phòng 1, 2, 3. Một thời gian sau, 352 người không chịu nổi cảnh cấm cố phải xin ra, còn 324 người, kiên quyết chống bản kiến nghị phản động. Cũng trong bản phúc trình nói trên, địch phát hiện số can cứu không kí kiến nghị ngày 7-7-1957 và ngày 6-6-1958 “hầu hết là người miền Trung, họ có tổ chức kết cấu từ tỉnh để tranh đấu mọi hình thức khi cần thiết“.

[11] Ngày 26-10-1959, tù chính trị câu lưu Trại II tiếp tục đấu tranh chống ký kiến nghị phản động lần thứ 3.

[12] Trong đó có trên 800 tù chính trị câu lưu chống ly khai cộng sản và 285 tù chính trị câu lưu chống ký kiến nghị.

[13] 59 người quyết tử chống ly khai cộng sản tiếp tục cuộc chiến đấu cho đến khi còn lại 5 người toàn thắng, được tôn vinh là Năm Anh – 5 ngôi sao sáng.

[14] Chi bộ Lê Hồng Phong chỉ phân công Bí thư, Phó Bí thư và các đảng viên phụ trách từng mặt công tác hay phụ trách từng khối tù chính trị mà không cử ra cấp ủy. Tháng 10-1963, chi bộ tập hợp thêm Nguyễn Thiện, Nguyễn Văn Chẩn, Bùi Dục (Bùi Dưa). Ngày 6-1-1964, chi bộ kết nạp Lê Quang Ba, một đoàn viên thanh niên lao động tiêu biểu trong tranh đấu.

[15] như Lương Chi, Đặng Ngọc Cảnh, Nguyễn Hài, Nguyễn Xuân Tốn …

[16] các yêu sách gồm: (1) Giải tỏa cấm cố; (2) Tự do tư tưởng, bỏ hô khẩu hiệu, bỏ chào cờ; (3) Trả tự do cho tù chính trị câu lưu, trong lúc chờ đợi phải đưa tất cả về đất liền; (4) Cơm ăn đủ no, có đủ thức ăn, có rau tươi, thịt cá; (5) Đau ốm có thuốc chữa bệnh, được đi bệnh xá; (6) Được bầu Đại diện phòng, Tổng Đại diện trại.

[17] Ngày 27-12-1963, lần đầu tiên trong lịch sử Nhà tù Côn Đảo, cuộc bầu cử dân chủ, công khai của tù chính trị đã diễn ra tại sân Trại IV, trước sự chứng kiến của Ban Quản đốc nhà tù. Anh Nguyễn Văn Thọ quê Bến Tre được bầu làm Tổng Đại diện. Anh Thọ chuyển bệnh chết đột ngột (14-1-1964), tù chính trị Trại IV đã tổ chức lễ truy điệu trọng thể rồi đưa anh về nơi an nghỉ. Hồ Sĩ Phan (quê Quảng Trị) được tập thể tín nhiệm giữ cương vị Tổng Đại diện.

[18] Từ khi Ngô Đình Diệm bị lật đổ, khẩu hiệu đổi là “Ủng hộ Việt Nam Cộng hoà”, “Đả đảo cộng sản xâm lược”.

[19] Côn Đảo có 02 khu kỷ luật lớn được xây dựng từ thời Pháp, gọi là Chuồng Cọp I và Chuồng Cọp II, mỗi khu có 02 dãy đấu lưng vào nhau, mỗi dãy 30 chuồng. Từ năm 1970, Mỹ – nguỵ đưa khu biệt lập Trại VII – còn gọi là Chuồng Cọp Mỹ vào sử dụng gồm 08 khu, mỗi khu có 48 chuồng, tổng cộng 384 chuồng.

[20] Trong đó có: Nguyễn Thới (Đại đức Thích Hạnh Tuệ) quê Quảng Nam, Lê Tùng quê Quảng Nam, Trần Việt Hùng quê Cà Mau, Đặng Trung Tâm quê Bình Dương, Lê Văn Ngọc (Bảy Bê) quê Bình Thuận…

[21] Anh em tù chính trị lại có sáng kiến dùng ký hiệu bằng quạt tay, đánh chéo góc từ dãy phòng bên này với góc phòng dãy bên kia, duy trì đường dây liên lạc, thông báo tình hình, thống nhất chủ trương tranh đấu (khu Chuồng Cọp có 60 phòng, 30 phòng bên này đấu lưng với 30 phòng bên kia).

[22] Tám Kính trưởng trật tự và các tên nổi tiếng ác ôn như: Giỏi, Ba Đen, Mông, Một, Phi Hùng, Ốm, Đào Thanh Huy,… được tập trung về đàn áp. Trưởng ban an ninh Lê Văn Khương chỉ huy chiến dịch; Phó ban an ninh Nguyễn Văn Rồng là chỉ huy phó.

[23] Nguyễn Tử Tòng quê Bình Định, sinh năm 1937. Cha anh là cụ Nguyễn Kiệt, mẹ anh là cụ bà Nguyễn Thị Thao. Anh hoạt động cách mạng bị địch bắt ngày 22-7-1963. Tòa án quân sự Sài Gòn xử ngày 17-8-1965, 10 năm khổ sai, 8 năm quản chế. Anh bị lưu đày ra Côn Đảo ngày 26-2-1966.

[24] Anh Đoàn Văn Sạng, một trong những thanh niên hăng hái chống chào cờ ngụy bị đánh đập mang bệnh thần kinh. Ngày 12-4-1968, địch đưa Đoàn Văn Sạng về còng chân giam riêng ở Hầm Đá Trại II. Người anh gầy đét, chân tay teo tóp, lọt lỗ còng, anh tháo được còng chân, thừa lúc trật tự mở cửa, anh lao ra, đánh bọn trật tự ác ôn. Bọn trật tự vây anh ở một góc tường phía sau Hầm Đá Trại II. Anh cố thủ tại một đống gạch vụn, dùng làm vũ khí tự vệ. Qua nhiều lần tấn công, bọn trật tự đều bị anh đánh bật ra, đứa bể đầu, đứa bể trán. Nguyễn Văn Thà, giám thị trưởng Trại II trực tiếp chỉ huy cuộc phản kích. Ba chục tên trật tự dùng cần xé làm vật chắn né gạch đá, tiến vào. Sau nhiều lần bị đánh bật ra, chúng lại xiết vòng vây, cuối cùng Đoàn Văn Sạng bị hạ gục trong thế cô, đuối sức, anh bị còng hai tay, 2 chân vứt trên hành lang phía sau Hầm Đá Trại II, bị đánh từ sáng đến tối cho đến khi anh tắt thở. Đoàn Văn Sạng hy sinh khi mới bước qua tuổi 20.

[25] Những đoạn dẫn, in nghiêng trích trong tài liệu cung cấp của các nhân chứng Ngô Đình Thời, Nguyễn Văn Chánh, Võ Huy Quang, tài liệu lưu trữ tại Phòng Lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu.

[26] Là một trong những người kiên trì quan điểm vươn lên đấu tranh chống chào cờ ngụy, sẵn sàng hy sinh vì thanh danh của Đảng, Phan Đình Tựu bị đánh đập nhiều lần, tâm thần phân liệt. Điều đặc biệt là từ khi anh có dấu hiệu phát bệnh tâm thần, anh chỉ gọi tên anh em đồng đội rồi hát những bài ca cách mạng, đọc những bài thơ mang tính chiến đấu như lời như nhắc nhở, dặn dò, như động viên, khích lệ tập thể vững tin, quyết tâm chiến đấu và chiến thắng. Mỗi lần nghe anh hát những bài ca cách mạng là bọn trật tự an ninh lại lôi anh ra đánh, Phan Đình Tựu ngất đi, bọn chúng còn hè nhau: “đánh cho nó chết luôn”. Nhưng mỗi lần tỉnh dậy, anh lại gọi tên đồng đội thân quen trong tập thể chiến đấu, lại hát những bài ca cách mạng, ngâm những bài thơ khí tiết, động viên cuộc chiến đấu tại Chuồng Cọp Côn Đảo trong những ngày đấu tranh ác liệt. Tên Tám Kính – Trưởng toán trật tự ác ôn gác Chuồng Cọp sau khi được lệnh thẳng tay đàn áp liền tuyên bố với lũ đàn em: “Tao kỳ hẹn đêm nay đánh cho nó chết”, và hắn đánh Phan Đình Tựu đến chết trong đêm ấy.

[27] Nguyễn Văn Trường và Hồ Văn Sắc tuyệt thực giữa tháng 5-1968 để phản đối đàn áp, đòi tôn trọng tự do tư tưởng, thực hiện qui chế tù chính trị và tuyên bố, nếu không giải quyết yêu sách, các anh sẽ tuyệt thực đến chết để phản đối.

[28] Hồ sơ lưu trữ tại Ban quản lý Di tích lịch sử Côn Đảo.

[29] Nguyễn Văn Trường, Hoàng Thanh, Ngô Đình Thời, Nguyễn Tử Tòng, Phan Văn Huệ là năm trong sáu ngọn cờ đầu chống chào cờ ngụy đậu được trong đợt đàn áp khốc liệt tháng 4-1967. Người thứ sáu là Phạm Thông đã mãn án, địch chuyển qua chế độ “câu lưu”, giam chung với tù chính trị câu lưu.

[30] Tháng 10-1968, địch lựa một số tù chính trị bị bệnh nan y đưa về nhà tù Tân Hiệp. Về Tân Hiệp, anh em tù chính trị Côn Đảo giữ vững vị trí chiến đấu, bảo vệ khí tiết, từng bước phá vỡ cái nội quy khắt khe ở nhà lao Tân Hiệp, đưa phong trào chống chào cờ ngụy ở nhà lao này từng bước vươn lên. Đặc biệt trong dịp Bác Hồ qua đời (9-1969), anh em tù chính trị Côn Đảo về Tân Hiệp tổ chức để tang Bác, mang băng tang suốt 3 ngày. Không khuất phục được, tháng 12-1969 chúng đày tất cả trở ra đảo, ngoài số tù chính trị Côn Đảo về bị đày trở lại, địch còn đày thêm số anh em ở Tân Hiệp mới vươn lên chống chào cờ ngụy.

[31] Cùng thời điểm đó, Bản tường trình của 5 sinh viên học sinh Cao Nguyên Lợi, Nguyễn Thanh Tòng, Nguyễn Tuấn Kiệt, Trần Văn Long, Nguyễn Minh Trí về một địa ngục có thật tại Chuồng Cọp Côn Đảo mà họ vừa trải qua đã được đọc trước Liên Ủy ban Nội vụ-Tư pháp định chế- Xây dựng nông thôn của Hạ nghị viện ngụy, phiên họp ngày 19-6-1970. Bản tường trình được in rônêô, phân phát trong hội nghị và giới báo chí. Nhờ đó mà nhà báo Don Luce đã tìm cách gặp những sinh viên này và được họ chỉ dẫn sơ đồ Chuồng Cọp Côn Đảo.

[32] Tập bản tin VNTTX tháng 7-1970.

[33] Sơ kết tình hình Nhà lao Côn Đảo, tài liệu do tù chính trị Côn Đảo báo cáo, lưu trữ của Ban tổ chức Trung ương cục miền Nam.

[34] Cao Minh Tiếp đã được tu nghiệp nhiều khóa huấn luyện tình báo ở Mỹ, từng làm Giám đốc Trung tâm tình báo hỗn hợp Việt-Mỹ phụ tá Tổng thư ký Ủy ban Phượng hoàng Trung ương.

[35] Chiến lược phân vùng giam giữ của Cao Minh Tiếp chia Côn Đảo thành 3 khu vực:

– Khu vực I gồm Trại II, Trại III và các Sở tù là nơi giam giữ số tù nhân chấp hành nội quy, chịu làm khổ sai.

– Khu vực III gồm Trại VI, Trại VII, và Trại VIII là nơi cấm cố các phần tử cốt cán, cầm đầu, khó cải tạo.

– Khu vực II gồm Trại I, Trại IV và Trại V là khu đệm,vừa có cấm cố, vừa khổ sai, chờ thanh lọc, phân loại.

[36] Phiếu trình số 4456/BNV/CH/10 ngày 12-12-1971 của Giám đốc Nha Cải huấn Nguyễn Phú Sanh gửi Thủ tướng ngụy. Hồ sơ lưu trữ tại A27 Bộ Công an. Bản sao lưu tại Phòng Lịch sử Đảng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu.

[37] Trần Văn Cao còn có tên là Trần Văn Đa, Nguyên Ngọc Cao, nguyên cán bộ Huyện ủy của tỉnh Bình Thuận, bị bắt 1956, bị đày ra Côn Đảo đầu năm 1959, tham gia lực lượng đấu tranh chống ly khai cộng sản, bị giam ở Trại I, bị đánh rớt đợt tháng 4-1960, sau đó tiếp tục là hạt nhân lãnh đạo cuộc đấu tranh vươn lên. Trước đó, năm 1958, Trần Văn Cao đã cùng với Nguyễn Đức Thuận được Liên chi ủy Nhà lao Gia Định giao soạn thảo Chỉ thị bảo vệ khí tiết (1958)

[38] Nguyễn Vui và Trịnh Văn Tư là ủy viên.

[39] Linh mục Phạm Gia Thụy được cử làm Chủ tịch. Bảy ủy viên là tù chính trị vừa được giải phóng, trong các chức vụ: Phó Chủ tịch thứ nhất, tổng thư kí, ủy viên quân sự, ủy viên an ninh, ủy viên chính trị và thông tin, ủy viên kinh tế và xã hội; 7 ủy viên khác là sĩ quan, công chức, giám thị đã tham gia giúp tù chính trị trong cuộc nổi dậy giải phóng Côn Đảo.

[40] Những đoạn dẫn, in nghiêng trích trong tài liệu cung cấp của các nhân chứng Ngô Đình Thời, Nguyễn Văn Chánh, Võ Huy Quang, tài liệu lưu trữ tại Phòng Lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu.

Xem thêm: Lịch sử nhà tù Côn Đảo 1862-1975

5/5 - (2 bình chọn)
Previous Post
Tuyển dụng viên chức đơn vị sự nghiệp giáo dục huyện Côn Đảo năm học 2019-2020
Next Post
Bút tích chống ly khai của các chiến sỹ tù chính trị Côn Đảo
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.