Đất thiêng Côn Đảo

Côn Đảo được thế giới biết đến là nơi giam giữ và lưu đày những người tù chính trị lớn nhất Đông Dương trước năm 1975. Cũng từ đó, hòn đảo xinh đẹp này trở thành mảnh đất linh thiêng lưu giữ máu xương của hàng vạn chiến sĩ cách mạng đã ngã xuống vì sự nghiệp cách mạng và giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam.

Với diện tích gần 76km2 bao gồm 16 đảo lớn, nhỏ, Côn Đảo như một bức tranh phong cảnh yên bình và thơ mộng. Nước biển ở đây trong đến mức ta có thể nhìn rõ từng cụm san hô, từng đàn cá nhỏ đang tung tăng nô đùa dưới đáy biển. Mặt biển và bầu trời ngăn ngắt một màu biếc xanh đồng nhất như từ thuở hồng hoang loài người chưa xuất hiện. Núi rừng Côn Đảo gần như còn vẹn nguyên những nét sơ khai, nguyên thủy.

Theo các nhà nghiên cứu, Côn Đảo đang sở hữu khoảng 882 loài thực vật, 144 loài động vật, 1.388 loài sinh vật biển và đặc biệt, đây là nơi có nhiều rùa biển nhất Việt Nam. Bãi biển Đầm Trầu trong xanh, bờ cát dài mịn màng, trải dài mơn trớn như một nàng tiên cá đang nằm cuộn mình ngủ mê giữa một trưa hè mát rượi… Nơi đây còn ghi đậm nhiều dấu tích tội ác chiến tranh của một thời chưa xa và là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Từ năm 1862 đến 1975, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã biến hòn đảo xinh đẹp này thành “địa ngục trần gian” khét tiếng dã man, tàn độc. Đã có khoảng 200.000 tù nhân, chủ yếu là các chiến sĩ cộng sản được đưa từ đất liền ra, giam giữ trong 11 nhà tù tại đây và ít nhất một phần mười trong số họ đã nằm lại mảnh đất này. Trong đó, có những tên tuổi đã đi vào lịch sử như nhà yêu nước Nguyễn An Ninh, Tổng Bí thư Lê Hồng Phong; nhà cách mạng Lưu Chí Hiếu; các Anh hùng, liệt sĩ Võ Thị Sáu, Lê Văn Việt, Cao Văn Ngọc… Nổi bật của hệ thống nhà tù Côn Đảo đó là “chuồng cọp kiểu Pháp” và “chuồng cọp kiểu Mỹ” – nơi biệt giam những chiến sĩ cách mạng kiên trung…

Cận cảnh mộ Anh hùng Võ Thị Sáu luôn đầy hoa tươi và nhang khói. (Ảnh: Thanh Mai)

Cũng tại nơi đây, đế quốc Mỹ và chế độ ngụy quyền Sài Gòn đã dùng mọi thủ đoạn để che giấu báo giới quốc tế về “chuồng cọp”. Mãi tới năm 1970, sau khi 3 tù nhân bị giam cầm tại đây vượt ngục về được tới Sài Gòn, họ đã tố cáo với tổ chức nhân quyền quốc tế và vẽ lại bản đồ con đường dẫn đến “chuồng cọp”. Bức màn về “địa ngục trần gian” mới được vén lên cho khắp thế giới biết về sự dã man, tàn bạo của cái gọi là “Trung tâm cải huấn Phú Hải”. Cũng từ đó, “chuồng cọp kiểu Pháp” bị lộ và đưa ra ánh sáng.

Năm 1971, đế quốc Mỹ đã cho xây dựng ngay hệ thống nhà tù mới, được gọi là “chuồng cọp kiểu Mỹ” cũng không kém gì về độ tàn độc, man rợ so với những gì thực dân Pháp đã áp dụng. Nơi đây, trong những căn phòng nhỏ hẹp ẩm thấp dưới mái tôn ngột ngạt nóng như lò lửa, hoặc trong những khung lồng kẽm gai, những người tù bị nhốt ở tư thế nửa đứng, nửa ngồi hết sức cực khổ. Ở mỗi phòng, bọn cai ngục cho đặt một thùng gỗ để người tù vệ sinh vào đó, lâu ngày phân, nước tiểu tràn ra ngoài, cộng với chế độ ăn uống đói khổ, mất vệ sinh khiến dịch bệnh tràn lan khắp các phòng giam làm cho người tù suy yếu dần, từ từ sẽ trở thành thân tàn ma dại, nhiều người chết vì bệnh tật.

Ở Côn Đảo hiện nay còn có một di tích hết sức đặc biệt đó là Cầu Tàu 914. Từ năm 1873, thực dân Pháp đã bắt những người tù đẽo đá từ trên núi Côn Lôn về đây xây dựng một cầu tàu lớn ngay trước dinh chúa đảo, hướng ra vịnh Côn Sơn. Thế hệ người tù này đến thế hệ khác lấy sức người chống đỡ với sóng biển. Đã có ít nhất 914 tù nhân chết vì đòn roi, vì đá đè, hay vì bệnh tật trong lúc xây dựng cầu. Ngày nay, những phiến đá xếp lớn, nhỏ, những tảng đá nằm ngổn ngang như còn in vết máu những người tù cộng sản năm xưa.

Dù kẻ địch có dùng trăm nghìn thủ đoạn tàn độc vẫn không thể nào khuất phục được ý chí chiến đấu của những người cách mạng kiên trung. Chi bộ Đảng vẫn bí mật hoạt động để lãnh đạo phong trào đấu tranh của tù chính trị. Những đồng chí như Tôn Đức Thắng, Lưu Chí Hiếu, Nguyễn Đức Thuận, Trần Văn Cao, Trịnh Văn Lâu… đã kiên cường, bất khuất lãnh đạo các chiến sĩ cách mạng giữ vững ý chí chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.

Đến Côn Đảo mới biết nguồn gốc của câu ca dao: “Gió đưa cây cải về trời. Rau răm ở lại chịu đời đắng cay”. Khi chạy quân Tây Sơn ra đến Côn Đảo, chúa Nguyễn Ánh có đưa người thứ phi là bà Hoàng Phi Yến, tên tục là Lê Thị Răm và Hoàng tử Nguyễn Phúc Cải, còn nhỏ tuổi, đi cùng. Vì can ngăn chúa Nguyễn Ánh không nên nghe lời Bá Đa Lộc (Pigneau de Behaine) đưa Hoàng tử Cải làm con tin để cầu viện quân Pháp đánh lại quân Tây Sơn, giày xéo đất nước mà bà Hoàng Phi Yến bị nhốt sống vào hang sâu, còn Hoàng tử Cải bị ném xuống biển cho chết đuối… Người dân trên đảo vô cùng thương tiếc mẹ con bà nên đã đặt thành câu ca dao trên. Ngày nay, trên Côn Đảo còn An Sơn Miếu thờ bà Phi Yến và Miếu Cậu thờ Hoàng tử Cải rất linh thiêng.

Đặt chân đến Côn Đảo, ước nguyện lớn nhất của chúng tôi là được viếng nghĩa trang liệt sĩ Hàng Dương. Ở đây, những ngôi mộ được đắp lên bằng những phiến đá nằm dưới những hàng dương rì rào sóng biển. Trên mỗi ngôi mộ có hình một ngôi sao năm cánh đứng nghiêm trang như dáng hình người chiến sĩ. Chỉ khoảng 713 ngôi mộ có ghi danh trong khoảng 1.913 ngôi mộ được dựng tại đây. Những người tù hoặc vì chết do đói khát, hoặc vì chết do bệnh tật, hoặc vì chết do đòn roi quân thù, thân thể các anh, các chị nằm rải rác dưới tán cây rừng Côn Đảo, khoảng 2 vạn người. Có thể nói, mỗi tấc đất Côn Đảo đều có máu xương những người chiến sĩ cách mạng nằm xuống, bởi vậy khi đặt chân lên Côn Đảo, chúng tôi đi nhè nhẹ sợ “chạm” vào “giấc ngủ” của các anh hùng, liệt sĩ.

Đêm nghĩa trang Hàng Dương, có hàng nghìn ngọn đèn nhỏ từ các ngôi mộ lung linh ẩn hiện. Các đoàn khách đến từ khắp các vùng miền trong cả nước khi đặt chân ra nơi đây đều đến viếng nghĩa trang và mộ Anh hùng, liệt sĩ Võ Thị Sáu. Thực dân Pháp hèn hạ bí mật thi hành án tử hình Võ Thị Sáu và Anh hùng Hồ Văn Năm tại Côn Đảo ngày 23-1-1952 (một ngày sau khi chở họ từ đất liền ra đảo).

Những người cùng thời và người dân Côn Đảo còn kể lại hàng trăm câu chuyện về sự hiển linh của cô Sáu. Người ta nói, viếng mộ cô Sáu phải đi giữa đêm mới linh thiêng. Lễ vật là những vật dụng của người con gái, một chiếc thoa cài tóc, một chiếc nón trắng, một nhành hoa trắng… như sự trong trắng thanh khiết của cô. Trong khói nhang mờ mịt, từng đoàn người lâm râm cầu nguyện, có đoàn các vị tu sĩ đọc kinh cầu siêu, có một đoàn đồng thanh hát những câu: “Mùa hoa lê ki ma nở, ở quê ta miền đất đỏ, thôn xóm vẫn nhắc tên người anh hùng đã chết cho mùa hoa lê ki ma nở…”

Nguyễn Hội

Bienphong.com.vn

5/5 - (1 bình chọn)
Previous Post
Lịch chạy tàu cao tốc Trần Đề – Côn Đảo tháng 5/2020
Next Post
ĐI VỀ MIỀN DI SẢN: Cây bàng Côn Đảo phủ bóng thời gian
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.