Côn Đảo xanh biển xanh rừng, đi và nhớ

Tàu chạy gần hai tiếng đồng hồ nữa xuyên qua mấy hòn đảo lớn nhỏ để đến cảng Bến Đầm (Côn Đảo, Bà Rịa – Vũng Tàu), nơi quay lưng vào đất liền, khiến tôi hụt hẫng. Nhớ hồi đó, năm 1984, khi tàu tiến gần thị trấn Côn Đảo, nơi quay mặt ra biển Đông, chắn trước mắt tôi là những vách đá dốc đứng như những bức tường xanh xám. Tàu càng tiến gần vào thị trấn, bức tường càng mở ra, vách đá xám mốc với nhiều đường nứt lớn như có ai cầm gươm rạch một phần đảo chính – Côn Sơn.

Côn Đảo có tất cả 16 hòn lớn nhỏ, được xem là “thiên đường lặn biển ngắm san hô đẹp nhất Việt Nam”. Các tiểu đảo như hòn Bảy Cạnh, hòn Tài, hòn Tre, hòn Trác, hòn Trứng, hòn Cau… là những nơi hội tụ các rạn san hô đẹp và nguyên thủy, cuốn hút du khách khi khám phá thế giới đại dương kỳ thú. Thời gian tốt nhất lặn ngắm san hô ở đây từ khoảng tháng 3 tới tháng 9 hàng năm.

Nhớ hồi đó, ở vịnh Côn Sơn, chúng tôi được hai anh bộ đội biên phòng mượn giùm chiếc ca nô của ông lão giữ vườn dừa để tiến ra xa chừng 300 mét, bỏ neo. Đeo mắt kiếng, ngậm ống thở, lặn xuống làn nước trong xanh, chúng tôi lần đầu tiên trong đời thích thú ngắm những “đóa” san hô nhiều màu sắc đong đưa theo dòng hải lưu. Cùng với đó là những bầy cá mú bơi lượn qua lại như trong một thủy cung huyền ảo. Anh bộ đội biên phòng cầm một chiếc mỏ neo bỏ vào miệng con ốc tai tượng khiến nó khép hai mảnh vỏ lại. Với con dao găm, anh nạy con ốc khỏi tảng san hô, giật dây neo, anh bộ đội kia trên ca nô liền kéo con ốc lên. Chốc lát, ốc tai tượng chất nặng khoang, chúng tôi trồi lên, nạy vỏ ốc, lọc lấy cùi thịt và rửa nước biển, ăn ngay. Ngon ngây ngất!

Vườn quốc gia Côn Đảo có hơn 1.300 loài sinh vật biển. Cỏ biển và rong biển là nguồn thức ăn chính của loài bò biển quý hiếm – dugong – hiện còn sinh tồn ở nơi đây. Từ trạm vé đối diện cầu Ma Thiên Lãnh đi một đỗi rồi rẽ phải xuống dốc là vào bãi Ông Đụng. Đoạn đường dốc, dài 700 mét, cũng đủ để đi mệt bở hơi tai. Nhưng chúng tôi vượt qua được mệt mỏi nhờ không khí thanh sạch của khu rừng xạc xào lá, gió. Ngàn cây rợp bóng, nhiều loại dây leo “khổng lồ”, quăng từ cây này sang cây khác như những chiếc võng nhỏ đong đưa.

Chúng tôi đi xuyên rừng đến bãi Ông Đụng vào buổi xế chiều. Nắng xiên qua ngàn cây kẽ lá. Trong không gian mờ ảo, mấy con sóc đuôi dài bay từ cành cây này qua cành cây khác. Lại nghe tiếng dơi quạ kêu vang trong chiều vắng, cùng tiếng những loài chim rừng hợp tấu nghe hoài không chán. Trước mặt là bãi đá trải dài ra mép biển. Đi trên những hòn đá lô xô trên bờ biển, tôi nghe có tiếng rì rào. Lần bước tới nơi thấy dòng nước nhẹ xối từ trên triền đá khá cao xuống thành con thác nhỏ.

Xung quanh bãi Ông Đụng là khu rừng ngập mặn, là nơi sinh sống của giống cua núi khá to, được gọi là “cua xe tăng”. Bãi biển có những gốc cây lớn với bộ rễ ngoằn ngoèo, kỳ quái, khi thủy triều xuống để lộ ra dải đá ngầm rộng lớn. Hàng vạn viên đá cuội lớn nhỏ nhiều hình dạng trải dài trên bãi thu hút mắt nhìn. Bãi Ông Đụng cũng là điểm lặn ngắm san hô kỳ thú, hoặc du khách có thể thỏa thích đầm mình trong vùng nước trong xanh và mát lạnh.

Từ thị trấn, chúng tôi bốn người cùng với anh bộ đội dẫn đường đã lội bộ ba cây số để đến chân núi Chúa và bắt đầu hành trình leo lên đỉnh, nơi có đặt đài radar. Chúng tôi lần dò từng bước trên con đường quanh co, khúc khuỷu, càng lên cao càng dốc, dốc đứng đến 45 độ, phải vừa khom lưng vừa chống hai tay trên đầu gối lần từng bước. Đi được một phần ba con đường, hơi mát từ cánh rừng hai bên tỏa ra. Càng lên cao càng lạnh với sương mù bao phủ khắp xung quanh. Mệt, nhưng vô cùng thích thú với cảnh quan hai bên đường. Những cây ngũ gia bì to hai ba người ôm, những cây thiết mộc lan mọc thành bụi vươn cao ngọn chục thước, buông chùm bông dài tỏa mùi thơm dịu nhẹ. Cạnh đường có nhiều dòng suối nhỏ, nơi phát triển hàng hà sa số cây thiên niên kiện xanh tươi. Đi suốt hơn một giờ đồng hồ hết sáu cây số đường dốc, chúng tôi thở phào nhẹ nhõm khi đặt chân tới đài radar – con “mắt thần” của đảo. Đứng trên cao, chúng tôi ngắm nhìn toàn cảnh, những hòn phủ xanh thảm thực vật rừng nhiệt đới và mặt biển mênh mông, xa xa tàu thuyền qua lại…

Đi trong rừng ở Vườn quốc gia Côn Đảo, khách tha hồ khám phá được nhiều điều bổ ích về môi trường trong lành này. Chẳng hạn, khách sẽ biết được hơn 100 loài dây leo ở đây là những loài thực vật “thông minh”, để có được ánh mặt trời tổng hợp chất hữu cơ, chúng sử dụng những cây khác làm bàn đạp vươn lên cao mà không tốn chút công sức nào. Với loài kiến, chúng được xem là những “công nhân” chăm chỉ nhất trong rừng, luôn bận rộn tìm thức ăn, giúp vận chuyển chất hữu cơ và dinh dưỡng trong đất, tham gia vào việc phát tán hạt, thụ phấn hoa… Còn những con mối lại chính là những “nhà máy” phân hủy rác trong rừng. Khi một cây rừng ngã xuống, chúng sẽ tiến hành phân hủy cây làm thức ăn. Bằng cách đó, chúng vệ sinh rừng và hoàn trả lại chất dinh dưỡng từ cây chết. Nhờ vậy mà đất rừng luôn màu mỡ cho các thế hệ cây non mới mọc.

Côn Đảo còn có những “cánh rừng” nằm dài hai bên những con đường nội ô thị trấn. Đó là những hàng cây sao, cây dầu, đặc biệt có rất nhiều những cây bàng cổ thụ. Chúng đã tạo nên hình ảnh “rừng trong phố, phố trong rừng”. Rải rác nhiều nơi trên đảo có gắn bảng: “Xanh biển, xanh rừng, xanh đất nước”. Đó có thể là lời nhắc nhở chẳng những cho địa phương mà còn cho cả du khách để Côn Đảo luôn xanh, sạch, đẹp.

thesaigontimes.vn

Rate this post
Bài trước
Lịch chạy tàu cao tốc Côn Đảo Express tháng 5/2019
Bài sau
5 điểm du lịch tâm linh khi đến với Côn Đảo
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.