Côn Đảo- Nơi gắn liền với truyền thống cách mạng và giáo dục tinh thần yêu nước cho thế hệ mai sau

Côn Đảo là một huyện đảo thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, là một quần đảo bao gồm 16 hòn đảo lớn nhỏ nằm ở vùng biển phía Đông Nam của Tổ quốc, nằm cách Vũng Tàu 97 hải lý và cách cửa sông Hậu 45 hải lý. Tổng diện tích đất tự nhiên của Côn Đảo trên 76 km2, có chiều dài bãi biển hơn 200 km bao quanh. Các hoạt động về kinh tế – chính trị – văn hóa – xã hội của huyện đều diễn ra trên đảo lớn nhất là Hòn Côn Sơn với diện tích 51,52km2. Dân số hiện nay khoảng 8.000 người.

Từ năm 1862, thực dân Pháp đã quyết định xây dựng nhà tù ở Côn Đảo, để giam cầm, nơi lao dịch khổ sai các Anh hùng, Chiến sĩ cách mạng và những người yêu nước. Một số công trình khác như nhà ở, dinh thự, công sở cho bộ máy đàn áp tù chính trị cũng được xây dựng. Từ năm 1955, đế quốc Mỹ, chính quyền “Việt Nam Cộng Hòa” lại tiếp tục mở rộng nhà tù của thực dân Pháp và ký quyết định thành lập tỉnh Côn Sơn, một tỉnh không có dân cư chỉ có người tù và bộ máy cai trị. Tại đây, đế quốc thực dân đã xây thêm 04 khu trại. Điển hình là khu biệt lập chuồng cọp Pháp, chuồng cọp Mỹ.

Trong suốt 113 năm (1862-1975), thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã giam cầm, đày ải, giết hại các Chiến sĩ, Anh hùng cách mạng và những người Việt Nam yêu nước. Hàng vạn người đã ngã xuống tại Nghĩa trang Hàng Dương, biến Côn Đảo thành “Địa ngục trần gian” khét tiếng. Tại đây, nhiều lớp học lý luận chính trị ra đời, truyền bá chủ nghĩa Mác, Lê-Nin, nhiều cuộc đấu tranh được tổ chức ngay trong nhà tù và đã trở thành “Trường học chính trị” lớn, đào tạo những nhà Lãnh đạo cách mạng xuất sắc như: Lê Hồng Phong, Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn, Tôn Đức Thắng, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh, Nguyễn An Ninh…Ngày 1/5/1975, dưới sự lãnh đạo của Đảo ủy, tù nhân Côn Đảo nổi dậy phá tan ngục tù, bẻ gãy gông xiềng giải phóng đảo, giải phóng cảnh lao tù.

Ngày 10-5-2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 548/QĐ-TTg xếp hạng Di tích cấp quốc gia đặc biệt cho hệ thống Di tích lịch sử Nhà tù Côn Đảo.

Đến với khu Di tích nhà tù Côn Đảo, chúng ta mới thấy rõ được tội ác của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ trong thời chiến. Mặc dù bị giam cầm, tra tấn, khổ sai dã man nhưng với tinh thần bất khuất, kiên cường của các Chiến sĩ, Anh hùng cách mạng dù phải hy sinh đến tính mạng vẫn một lòng kiên trung vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Chính tinh thần và dũng khí đó đã hun đúc nên những giá trị cao quý, để lại cho muôn đời sau, đó là ngọn đuốc soi đường cho sự nghiệp cách mạng, truyền lại cho thế hệ mai sau noi theo. Từ những giá trị cao quý đó, hiện nay, Côn Đảo chính là một trường học tốt nhất để giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống yêu nước cho thế hệ mai sau. Tuy không sách vở nhưng rất thiết thực, không giáo điều nhưng khiến cho mỗi chúng ta luôn cảm thấy tự hào về lịch sử dân tộc Việt Nam, rút ra được những bài học vô cùng quý báu: Phải biết sống tri ân, hướng về nguồn cội, tỏ lòng biết ơn đối với những Anh hùng, Liệt sĩ đã hy sinh, đáp đền công ơn của các Mẹ Việt Nam Anh hùng, những người đã từng cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Ghi nhớ công ơn to lớn của các bậc tiền nhân, bản thân mỗi người chúng ta dù trong hoàn cảnh khó khăn nhất cũng phải luôn lạc quan, giữ vững lập trường, ý chí, kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng, giữ vững tinh thần đoàn kết, kỷ luật để tạo nên sức mạnh to lớn đem lại những thành công cho tập thể, cơ quan, đơn vị, đồng thời tích cực học tập và trau dồi kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, sáng tạo trong công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao.

* Tài liệu tham khảo: từ nguồn Thư viện huyện Côn Đảo.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Minh

Nguồn tin: VKS ND TP Cần Thơ

Rate this post
Bài trước
Tuyến Cần Thơ – Côn Đảo sẽ có tàu cao tốc hiện đại nhất
Bài sau
Lịch nước rút Hòn Bà Vũng Tàu tháng 12/2019
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.