Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Đảng và Chính phủ, Xứ ủy và Ủy ban Hành chánh lâm thời Nam bộ nhanh chóng chỉ đạo việc tổ chức rước tù chính trị Côn Đảo trở về đất liền.
Tối 25/8/1945, tại cuộc họp đánh giá tình hình chung của việc tổ chức phong trào đấu tranh của quần chúng giành thắng lợi cuộc Cách mạng tháng Tám tại Sài Gòn-Chợ Lớn, Xứ ủy Nam bộ dành riêng thời gian nghe 2 đồng chí Đào Duy Kỳ và Nguyễn Công Trung, là 2 trong số 6 tù chính trị cộng sản từ Côn Đảo vừa về đến Sài Gòn vào chiều ngày 25/8/1945 báo cáo tình hình ở Côn Đảo. Sau đó, hội nghị quyết định triển khai kế hoạch tổ chức rước tù chính trị Côn Đảo, thành lập Uỷ ban ủng hộ chính trị phạm do đồng chí Đào Duy Kỳ làm trưởng ban và số thành viên là Nguyễn Công Trung, Tưởng Dân Bảo, Lý Văn Chương … Các đồng chí Tưởng Dân Bảo, Lý Văn Chương, Ngô Văn Chương được phân công nhiệm vụ nhanh chóng đi tìm và huy động số tàu ghe đảm bảo điều kiện đi biển để rước hết số tù chính trị Côn Đảo về đất liền.
Sau khi chuẩn bị các giấy tờ đi đường và giấy giới thiệu của Ủy ban hành chánh Nam bộ, ngày 28/8/1945, đồng chí Lý Văn Chương cùng đồng chí Tưởng Dân Bảo đi Gò Công để kiếm ghe. Với sự làm việc tích cực cùng hỗ trợ của chánh quyền cách mạng địa phương, lòng nhiệt thành của các chủ ghe và bạn ghe thuộc ấp Vàm Láng, xã Kiểng Phước, Gò Công, số ghe biển mũi đỏ và nhọn, được huy động lên đến 50 chiếc, mỗi chiếc có thể chở khoảng 60 đến 80 người. Sau đó, các đồng chí nhận được tin Ủy ban hành chánh lâm thời Nam bộ quyết định sửa chữa tàu Phú Quốc để cùng ra Côn Đảo rước tù chính trị, nên số ghe huy động giảm xuống còn 30 chiếc. Nhưng khi được lệnh tập trung tại kinh Nước Mặn thuộc tỉnh Chợ Lớn vào những ngày đầu tháng 9/1945, đoàn ghe lại tăng lên 32 chiếc. Để đảm bảo cho số ghe di chuyển nhanh trong sông nhỏ, Ủy ban hành chánh Nam bộ điều động cho đoàn 2 chiếc tàu kéo để kéo đoàn ghe nầy. Tàu kéo Renoqueu R-4 kéo 20 chiếc, tàu kéo Rodier kéo 12 chiếc. Sau thời gian ngắn chuẩn bị, ngày 12/9/1945, đoàn ghe rời Gò Công đi ra cửa biển Trần Đề theo lộ trình Gò Công – Chợ Gạo – Mỹ Tho – Gò An – Trà Ôn (Vĩnh Long), qua kinh xáng Cù lao Mây (nay là xã Lục Sĩ Thành, thuộc huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long), Cái Côn (thuộc huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng). Đến Cái Côn, tàu Phú Quốc và đoàn ghe xuôi theo sông Hậu xuống Đại Ngãi rồi đi đến vàm Đại Ân và ra cửa biển Trần Đề (thuộc huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng). Dọc đường đi, đoàn được Ủy ban hành chánh tỉnh Mỹ Tho và Ủy ban hành chánh huyện Trà Ôn (tỉnh Vĩnh Long) cho mượn thêm tiền để mua gạo và thực phẩm, đồ dùng thiết yếu. Hai chiếc tàu kéo chỉ làm nhiệm vụ kéo đoàn ghe đến Đại Ngãi, sau đó các ghe tự di chuyển ra cửa biển Trần Đề, rồi tập trung tại Cồn Nóc (thuộc xã Lạc Hòa, huyện Vĩnh Châu, tỉnh SócTrăng) (nay thuộc địa bàn xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu). Sáng sớm ngày 16/9/1945, tàu Phú Quốc và 32 ghe với khoảng 200 thủy thủ xuất phát từ cửa Trần Đề thẳng hướng về Côn Đảo. Đến khoảng 10 giờ sáng, đoàn ghe bị cơn giông lớn kéo dài hơn 2 tiếng đồng hồ, làm lạc mất 7 chiếc(4). Còn lại tàu Phú Quốc và 25 chiếc ghe lần lượt đến Côn Đảo vào tối ngày 16/9/1945 ở phía Bắc Đảo, gần khu vực Cỏ Ống. Đoàn đã nhờ Đội phòng thủ Côn Đảo và chiếc xà lúp(5) của đồng chí Tôn Đức Thắng sang hướng dẫn về cầu tàu trung tâm của đảo. Chiều ngày 17/9, một cuộc mítting lớn chào mừng phái đoàn được tổ chức tại trung tâm đảo.
Từ ngày 18 đến 22/9/1945, Đảo uỷ(6) nhà tù nhanh chóng triển khai nhiều công tác như tổ chức vận động Tuần lễ vàng thu được số tiền và vàng trị giá khoảng 2.000 đồng; viếng thăm mộ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại Côn Đảo như mộ Nguyễn An Ninh, Lê Hồng Phong . . . Một bộ phận cán bộ lãnh đạo Đảo ủy và các chi bộ khẩn trương thực hiện công tác tập hợp và lập danh sách số tù chính trị, bố trí số lượng người cụ thể xuống tàu Phú Quốc và các ghe, xà lúp.
Với quan điểm cách mạng, ngoài số tù chính trị cộng sản, Đảo uỷ còn bố trí số tù chính trị thuộc các đảng phái và xu hướng khác nhau, nhưng không gây hại đến phong trào cách mạng, có trong danh sách trở về đất liền, như số tù chính trị Quốc dân Đảng có xu hướng tiến bộ, các tù chính trị người Trung Quốc, Campuchia, Lào, Thái Lan, kể cả một số tù thường phạm và số công chức được giác ngộ hoặc không có gây tội ác với nhân dân v.v. . .
Khuya 22, rạng sáng ngày 23/9/1945, tàu Phú Quốc và đoàn ghe 25 chiếc chở gần 2.000 tù chính trị(7) rời Côn Đảo. Cùng theo đoàn tàu, ghe này còn có chiếc xà lúp chở 13 người tù chính trị. Chiếc xà lúp do Bác Tôn hướng dẫn cùng với 2 thợ máy làm tài công là Nguyễn Hùng Minh và Nguyễn Hùng Phước.
Trên đường về, cả đoàn ghe cùng chiếc xà lúp lại bị gió mạnh rồi mưa giông, sóng lớn(8). Riêng chiếc xà lúp bị sóng đánh, nước tràn cả vào bên trong.
May nhờ đồng chí Tôn Đức Thắng còn giữ được chiếc la bàn nhỏ được gắn trong cây bút máy để ở túi áo, nên xà lúp vẫn được định hướng chạy về phía đất liền, nhưng lại đi lạc vào cửa Mỹ Thanh (thuộc làng Lạc Hòa(9)) và được chính quyền cách mạng, nhân dân địa phương đón tiếp chu đáo. Đến chiều tối cùng ngày, đoàn được hướng dẫn đi ngay về Sóc Trăng bằng chiếc xà lúp theo tuyến sông Mỹ Thanh vào Cổ Cò, Bãi Xàu. Riêng đồng chí Phạm Hùng cũng đi ngay ra Đại Ngãi để đón đoàn tàu Phú Quốc và các ghe về ghé địa điểm này.
Chiều tối 23/9/1945, tàu Phú Quốc và 23 ghe lần lượt cập bến Đại Ngãi. Một số tù chính trị được chuyển ngay về Sóc Trăng bằng đường bộ và đường thủy. Một số thì được bố trí nghỉ qua đêm tại chùa Quan Âm (Đại Ngãi) và hôm sau được đưa về điểm đón tiếp tập trung tại trường Taberd (Sóc Trăng)(10).
Tại bến sông cũng là chợ Đại Ngãi, không khí đón tiếp diễn ra tưng bừng náo nhiệt. Một rừng người cùng với trùng điệp rừng cờ đỏ sao vàng chen lẫn với cờ vàng sao đỏ (cờ của tổ chức Thanh niên tiền phong), cờ Phật giáo, cờ Thiên chúa giáo phất phới bay vẫy chào đón những người tù chính trị chiến thắng trở về, nhiều biểu ngữ được giơ cao với các khẩu hiệu: Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm, Nước Việt Nam hoàn toàn độc lập muôn năm, Hoan hô chính trị phạm . . . . hòa với những tiếng hô vang chào mừng đoàn tù chính trị chiến thắng trở về . Những người tù từ dưới các ghe xếp hàng hai lần lượt lên bờ (số quá yếu được bà con ra tận ghe và tàu chuyển vào bờ) và được chuyển về Sóc Trăng ngay bằng đường bộ hoặc đường thủy. Một số ghe về trễ thì số tù chính trị được bố trí ăn nghỉ tại chùa Quan Am, xã Đại Ngãi. Chùa Quan Âm lúc đó khá rộng gồm 2 căn 3 chái, tường vôi, mái ngói. Do có tư thế chuẩn bị, bộ phận hậu cần đa số là chị em phụ nữ, cùng các hội viên các đoàn thể đã lo cơm nước xong xuôi để phục vụ đoàn gồm cơm, cá, thịt canh, trái cây tráng miệng. Một số quá yếu thì phải ăn cháo và được khám bệnh, điều trị ngay.
Tối 23/9/1945, nhóm đi tàu Phú Quốc về đến cầu tàu gần chợ Sóc Trăng. Tại đây, đông đảo cán bộ, chiến sĩ và đông đảo nhân dân thị xã đón mừng Đoàn với rừng cờ, biểu ngữ và những lời hoan hô vang đội. Từ bến tàu, các đồng chí được đưa về nghỉ tại trường Taberd (nay là trường THPT Lê Lợi). Nơi đây, các công tác chuẩn bị tiếp đón Đoàn được tổ chức chặt chẽ với các bộ phận hậu cần, cứu thương, trật tự, vệ sinh… để lo nơi ăn, nghỉ thật chu đáo cho anh em. Nhân dân tỉnh, huyện nô nức, tấp nập tiếp tế thực phẩm, quần áo, thuốc men chở đến điểm Đoàn tập trung. Tiệm vàng Nam Mỹ là một trong những nhà hảo tâm đóng góp khá nhiều cho Đoàn. Ông Tại thì chăm lo thật chu đáo từng chén cơm, chén cháo cho các cho các tù chính trị bị ốm yếu. Có ngày, ông chở đến con heo gần cả trăm ký để làm thức ăn cho Đoàn. Đông đảo chị em phụ nữ cùng với cán bộ, chiến sĩ, dân quân chánh của các ngành, các đơn vị đã xung phong nhận nhiệm vụ nấu ăn, lo cơm nước, bảo vệ, chăm sóc đoàn. Có thể kể lại một số tên tuổi cụ thể của một số người trong đó như các chị Tư Vân, chị Hai Ngọc, chị Sáu Còn, chị Ngô Thị Dần, chị Nguyễn Kim Hoa, chị Trịnh Kim Cường, chị Nguyễn Thị Hạnh; các anh như: Cao Sơn, Châu Tư, Đào Văn Trung, Tư Quốc, Giang Văn Bôn, Sáu Thơm, Tô Ký, Trần Văn Giỏi… cùng với một số thiếu niên. Ngoài ra, còn có sự tham gia, tận tụy trong phục vụ của các sơ (soeur) của nhà dòng thuộc đạo Công giáo tại Sóc Trăng. Ngoài 2 bữa cơm chính, gần như tối nào lực lượng hậu cần đều lo phục vụ cho đoàn như nấu cháo gà, cháo vịt, chè, cà phê… Trong niềm vui hân hoan tột bực đó, một số ít tù chính trị vì bị địch tra tấn nặng nề, sức khỏe kiệt quệ, vết thương cũ tái phát, lại bị bệnh nặng, nên dù được chăm sóc tận tình vẫn phải vĩnh viễn nằm lại ở Sóc Trăng.
Từ điểm dừng ở quê hương Sóc Trăng, những người tù chính trị Côn Đảo tỏa ra khắp nơi để tiếp tục cuộc đời hoạt động cách mạng, chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì lý tưởng Cộng sản. Nhiều đồng chí được bổ sung vào hàng ngũ lãnh đạo các cấp của Đảng và ngày càng tỏ rõ bản lĩnh kiên cường của những người cộng sản đã được trui rèn qua biết bao nhà tù đế quốc thực dân. Trong đó, có không ít đồng chí trở thành lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước như đồng chí Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Tôn Đức Thắng, Phạm Hùng, Lê Văn Lương, Phan Trọng Tuệ v.v. . . .
Xem thêm: Côn Đảo và những chuyến tàu đi vào lịch sử
Trung tâm TTXTDL Sóc Trăng