Nhắc đến hệ thống nhà tù Côn Đảo, cả thế giới đều ghê sợ trước những kiểu giam cầm, tra tấn người tù man rợ nhất. Trong đó, hệ thống Chuồng Cọp trở thành nỗi ám ảnh của nhiều thế hệ tù nhân. Thế nhưng, gần 30 năm tồn tại, bí mật về Chuồng Cọp mới được phơi bày trước công luận thế giới.
Sau khi tham quan trại Phú Hải, chúng tôi di chuyển tiếp điểm tham quan thứ 2 trong tour tham quan di tích nhà tù Côn Đảo, đó là trại Phú Tường. Trại nằm ngay ngã ba Tôn Đức Thắng-Nguyễn Chí Thanh-Nguyễn Huệ. Sau thủ tục kiểm soát vé của nhân viên Trung tâm Bảo tồn Di tích Quốc gia Côn Đảo, chúng tôi cùng hòa vào một đoàn khách đến từ Hà Nội để nghe thuyết minh và tìm hiểu về trại Phú Tường.
Cũng giống như các trại giam khác được Pháp xây dựng tại Côn Đảo, trại Phú Tường có tường cao, dày làm bằng đá, bên trên cuộn thép gai, cổng sắt cao đóng kín, gồm 2 dãy nhà với 8 khám nối tiếp vào góc phía Nam của trại Phú Sơn. Trại khởi công từ năm 1940, hoàn thành vào năm 1944 khi các trại Phú Thọ, Phú Hải, Phú Sơn được xây dựng trước đó không còn đủ chỗ để giam tù nhân.
Tuy nhiên, bí mật của trại Phú Tường chính là hệ thống Chuồng Cọp ẩn sau những bức tường đá sừng sững. Sau khi nghe giới thiệu về quá trình hình thành trại Phú Tường, theo hướng dẫn của thuyết minh viên, chúng tôi theo lối mòn bên tay phải, qua 2 cánh cổng nhỏ, hệ thống chuồng cọp hiện ra gồm 2 dãy với 120 buồng giam biệt lập và 60 buồng giam không có mái che.
Hệ thống Chuồng Cọp này thông với các trại giam khác qua những cánh cửa nhỏ. Tù nhân khi bị tra tấn đến ngất mới được đưa vào đây bằng những cửa nhỏ khác nhau để đánh lạc hướng nên không ai xác định được vị trí trại giam. Do vậy, suốt 30 năm tồn tại (từ 1940), đến năm 1970, hệ thống Chuồng Cọp này mới bị phát hiện từ tố cáo của 5 HS-SV tham gia phong trào xuống đường bị giam tại đây.
Những HS-SV này sau khi được trả tự do, dựa theo trí nhớ đã mô tả lối vào gửi đến Hạ viện Mỹ. Ngay sau đó, đoàn nghị sĩ Mỹ đến Việt Nam để điều tra sự việc. Song chúa đảo Nguyễn Văn Vệ tìm cách chối quanh khiến đoàn nghị sĩ tưởng như trở về tay không.
Đang lúc tìm cớ chống chế, che giấu tội ác thì chính Nguyễn Văn Vệ lại tự chỉ lối cho đoàn nghị sĩ từ sự nóng nảy của mình. Trong khi kiên quyết cản bước đoàn nghị sĩ đến cánh cổng dẫn vào Chuồng Cọp, Nguyễn Văn Vệ to tiếng và đập chiếc ba toong của mình vào cánh cổng. Người gác phía trong nghe thấy giọng chúa đảo và tiếng đập ba toong quen thuộc, nghĩ rằng chúa đảo đi tuần, liền mở cổng. Cánh cổng được mở ra, toàn bộ sự thật tàn ác, kinh khủng, kinh tởm của chế độ nhà tù Côn Đảo được phơi bày trước mắt đoàn nghị sĩ.
Trở về Mỹ, đoàn nghị sĩ đã kịch liệt lên án sự tồn tại của Chuồng Cọp, đồng thời, cung cấp thêm nhiều bức ảnh và tư liệu cho tạp chí Life số ra ngày 17/7/1970. Sự kiện này gây ra làn sóng phản đối rộng lớn tại Việt Nam, Mỹ và nhiều nơi trên thế giới. Dư luận thế giới rất bất bình về những bức ảnh và thông tin được đăng tải, gây sức ép buộc chính quyền Sài Gòn phải phá bỏ toàn bộ Chuồng Cọp, chuyển 480 tù nhân đang bị giam giữ ra ngoài. Một số tù nhân được đưa sang các nhà giam khác, số khác được đưa vào các bệnh viện tâm thần…
Chúng tôi lần lượt tham quan các khu buồng giam. Ở những buồng giam biệt lập, là những căn phòng chật hẹp, kích cỡ 1,5 x 2,7m. Bên trên trần là dàn song sắt. Nhìn từ trên xuống tối tăm, không khác cũi nhốt cọp.
Theo lời kể của thuyết minh viên, mùa nóng mỗi buồng giam nhốt từ 5 đến 12 người, chân luôn bị còng và kéo lên cao vào một thanh sắt. Ăn uống, tắm giặt, tiểu tiện gói gọn trong phạm vi đó. Bên trên, cai ngục đi dọc theo hành lang để kiểm soát, theo dõi người tù, trên tay lăm lăm gậy sắt dài nhọn và sẵn sàng chọc xuống bất cứ tù nhân nào. Trên trần mỗi buồng giam để một thùng nước và một thùng vôi bột. Tù nhân khát, chúng đổ ào nước xuống, khi có dấu hiệu phản đối, chúng rắc vôi bột mịt mù vào mắt người trong chuồng. Người tù không lúc nào yên thân. Lúc nào cũng có những cặp mắt soi mói, rình mò và bất cứ lúc nào cũng có thể bị đánh, tra tấn. Ăn uống đói khát, điều kiện sống mất vệ sinh, khiến người tù suy sụp nhanh chóng.
Đến Chuồng Cọp, tận mắt chứng kiến những hình ảnh được tái hiện sinh động, nghe những câu chuyện kể về đòn roi, tra tấn, trong đoàn ai cũng lặng người và thầm cảm phục các chiến sĩ yêu nước đã kiên cường chịu đựng khổ đau, đàn áp tranh đấu vì độc lập, tự do cho dân tộc hôm nay.
Bài, ảnh: MINH HƯƠNG – Báo Bà Rịa – Vũng Tàu
Trại Phú Hải, nơi trui rèn ý chí Cách mạng