Câu chuyện về Ủy viên Quốc tế Cộng sản Lê Hồng Phong tại Côn Đảo

Trong tâm thức của người Việt Nam, Côn Đảo từ lâu đã là một địa danh huyền thoại bởi vùng đất này là chứng tích về một giai đoạn lịch sử đầy biến động của dân tộc Việt Nam. Nơi đây vừa tiêu biểu cho “chốn địa ngục trần gian” với chế độ lao tù tàn bạo của chủ nghĩa thực dân, vừa là biểu tượng bất diệt cho ý chí kiên cường bất khuất của biết bao người con ưu tú của Đất Việt trong suốt chiều dài lịch sử. Trong số những người con ưu tú ấy, có đồng chí Lê Hồng Phong.

Đồng chí Lê Hồng Phong sinh năm 1902 tại tổng Thông Lạng (nay là xã Hưng Thông), huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, trong một gia đình nông dân lao động, tại một tỉnh giàu truyền thống cách mạng, có phong trào đấu tranh chống bọn phong kiến và thực dân nổ ra liên tục như: Phong trào Cần Vương, tiếp đó là Việt Nam Quang Phục hội của Phan Bội Châu… Sau khi học xong sơ học yếu lược, Lê Hồng Phong rời làng ra thành phố, hết Vinh lại đến Bến Thủy, sống cảnh làm thuê, làm mướn. Từ năm 1924 đến năm 1931, sau khi đến Thái Lan một thời gian, Lê Hồng Phong cùng một số bạn bè tìm đường sang Quảng Châu, Trung Quốc vào năm 1924. Ở Quảng Châu, Lê Hồng Phong cùng một số bạn như: Phạm Hồng Thái, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Lâm Đức Thụ trong nhóm “Tâm Tâm xã” đã tích cực khôi phục lại phong trào yêu nước đang bị suy yếu. Cuối năm 1924, Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu. Người tiếp xúc với nhóm người Việt Nam yêu nước ở đây, lập ra tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Nguyễn Ái Quốc mở các lớp huấn luyện chính trị, truyền bá chủ nghĩa Mác – Lê-nin, đường lối cách mạng vô sản. Lê Hồng Phong là một trong những học trò đầu tiên của Người, được Người giác ngộ đi theo chủ nghĩa Mác – Lê-nin và cách mạng vô sản. Từ tháng 8-1924 đến hết năm 1925, Lê Hồng Phong tốt nghiệp Trường Quân sự Hoàng Phố. Tháng 2-1926, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Trung Quốc. Do học xuất sắc, đồng chí Lê Hồng Phong được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cử sang Liên Xô học từ tháng 10-1926 đến tháng 12-1927 và tốt nghiệp Trường Lý luận quân sự không quân ở Lê-nin-grát. Sau đó, đồng chí vào học Trường Đào tạo phi công quân sự tại Bô-rít-xgơ-lép-xcơ. Học chưa xong khóa thì tháng 10-1928, đồng chí được cử về học ở Trường Đại học Cộng sản Phương Đông. Ở đây, đồng chí trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Liên Xô và tham gia trong Ủy ban tổ chức Đảng nhóm Đông Dương. Sau ba năm học, đồng chí tốt nghiệp Trường Đại học Cộng sản Phương Đông. Tháng 11-1931, đồng chí Lê Hồng Phong được cử về nước để tham gia công tác của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Từ Liên Xô, đồng chí Lê Hồng Phong lên đường về nước vào cuối năm 1931. Việc cần thiết là phải định hướng cho phong trào hoạt động. Đồng chí đã tham gia soạn thảo Chương trình hành động của Đảng, được Quốc tế Cộng sản thông qua. Tháng 7-1933, Lê Hồng Phong bí mật về Cao Bằng làm việc với Tỉnh ủy nhằm xây dựng Cao Bằng thành căn cứ vững mạnh để chắp nối liên lạc, phát triển phong trào cách mạng khắp cả nước.

Năm 1935, đồng chí Lê Hồng Phong được triệu tập đi dự Đại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản. Tại Đại hội, Lê Hồng Phong thay mặt Đảng ta đã trình bày bản tham luận về tình hình Đông Dương, về phong trào cách mạng, về chính sách cai trị tàn bạo của thực dân Pháp, về những ưu và khuyết điểm trong quá trình lãnh đạo của Đảng. Với sự kiểm điểm chân thành và nghiêm túc, đồng chí chứng minh triển vọng rộng lớn của phong trào cách mạng Đông Dương. Đại hội đã bầu Lê Hồng Phong làm Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản và công nhận Đảng Cộng sản Đông Dương là phân bộ chính thức của Quốc tế Cộng sản.

Tháng 3-1935, Đại hội lần thứ I của Đảng họp tại Ma Cao. Đại hội bầu ra Ban Chấp hành Trung ương, trong đó có Nguyễn Ái Quốc, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Phùng Chí Kiên, Hoàng Đình Giong. Đồng chí Lê Hồng Phong là người đứng đầu Ban Chấp hành Trung ương.

Tháng 6-1939, đồng chí Lê Hồng Phong bị mật thám Pháp bắt tại Sài Gòn. Hết hạn tù, để đề phòng đồng chí tham gia hoạt động, chúng trục xuất về quê nhà ở Nghệ An để quản thúc và giám sát. Năm 1939 là năm địch kiểm soát rất gắt gao. Vượt qua điều kiện ngặt nghèo đó, đồng chí Lê Hồng Phong vẫn tiếp tục viết báo, chiến đấu trên mặt trận chính trị, lý luận. Tháng l-1940, thực dân bắt giam Lê Hồng Phong tại quê, rồi giam vào Khám Lớn Sài Gòn. Ngày 27-8-1940, tòa tiểu hình Sài Gòn của thực dân Pháp kết tội Lê Hồng Phong là người chịu trách nhiệm tinh thần của cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Chúng kết án Lê Hồng Phong 5 năm tù giam và 10 năm quản thúc.

Cuối năm 1940, Lê Hồng Phong bị kẻ thù đày ra Côn Đảo với số tù 9983. Trong những ngày bị tù ở Côn Đảo, Lê Hồng Phong phải làm những việc hết sức nặng nhọc của một tù nhân chính trị. Thực dân Pháp giam Lê Hồng Phong ở banh 2, lúc ở phòng giam số 19, lúc ở xà lim số 5 là khu biệt giam dành cho các chính trị phạm. Đây là khoảng thời gian Lê Hồng Phong vừa phải chiến đấu với bệnh tật, vừa phải cùng các đồng chí kiên trì đấu tranh đối mặt với các âm mưu hiểm độc của kẻ thù.

Thất bại trong việc tìm cách kết án tử hình Lê Hồng Phong ở Sài Gòn, bọn trùm thực dân Pháp ở Nam Kỳ đã chỉ thị cho tay chân ở Côn Đảo thực hiện âm mưu hãm hại đồng chí. Bọn cai ngục thực thi một chế độ lao động khổ sai vô cùng hà khắc đối với Lê Hồng Phong, bất chấp cả luật lệ do chính nhà cầm quyền thực dân đặt ra. Đối với những tù chính trị như Lê Hồng Phong, chúng ngang nhiên nhốt vào xà lim và tra tấn hết sức dã man. Chúng đánh đập đồng chí bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, trong lúc đang làm việc nặng nhọc, lúc tắm, lúc điểm danh và đánh cả trong bữa ăn.

Các chiến sĩ Cộng sản của ta khi vào tù luôn thương yêu nhau, giúp đỡ, đùm bọc nhau. Chính tinh thần đoàn kết ấy đã giúp những chiến sĩ Cộng sản chiến thắng địch và những kẻ xấu ở trong tù. Có lần, địch đánh đồng chí Lê Hồng Phong dã man, máu tuôn ròng ròng. Thế nhưng, đồng chí vẫn ung dung cầm bát cơm ngồi ăn. Sau này, bát cơm chan máu ấy đã đi vào văn học, nghệ thuật.

Chế độ nhà tù khắc nghiệt ở Côn Đảo vẫn không ngăn được người Cộng sản học tập. Chính nơi “địa ngục trần gian” này đã trở thành trường học văn học, chính trị của những người Cộng sản. Lê Hồng Phong và những người tù khác đã tổ chức nhiều buổi học chính trị để củng cố thêm niềm tin và ý chí cho anh em. Tin tưởng vào chiến thắng của cách mạng, đồng chí đã làm “Bài phú Nghệ An đỏ” trong điều kiện không có giấy bút, sáng tác câu nào đọc câu đó cho đồng chí Nguyễn Tấn Miêng nghe. Đồng chí Nguyễn Tấn Miêng người Bạc Liêu (Nam Bộ), năm 1940 cũng bị đế quốc Pháp bắt, giam chung với đồng chí Lê Hồng Phong ở Nhà tù Côn Đảo, sau là cán bộ quân đội. Đồng chí Miêng không biết chữ Hán, nhưng sau hơn 40 năm vẫn nhớ thuộc lòng tường tận. Tháng 8-1984, đồng chí Miêng trong chuyến ra thăm Hà Nội đã đọc lại cho cụ Thạch Can để chép lại theo nguyên văn bằng chữ Hán và dịch ra quốc văn theo đúng với nguyên thể, đăng trên Tạp chí Hán Nôm số 1 năm 1985.

“Hồng Lĩnh non cao làm lá chắn,

Lam Giang nước biếc tựa hào sôi.

Mấy ngàn năm tuấn kiệt anh tài,

Dựa đất vững cõi Nam ngời chính khí.

Lấy vật chất luận bàn hình thế,

Lưng tựa liền thành lũy Đèo Ngang.

Hòn Ngư chầu trước mặt thành Lam,

Đầy đủ cảnh giang sơn tráng lệ.

Song hạnh phúc nhân dân xem xét kỹ,

Mặc, ở, ăn – sinh kế ra sao?

Suốt quanh năm cuốc bẫm cày sâu,

Vẫn nghèo đói phải lâm vào cực khổ.

Dẫu của cải non sông ta giàu có,

Nhưng chủ quyền, căm giận ở tay ai!

Muốn sống còn phải phấn đấu không ngơi,

Há sông núi đúc nên người hào kiệt?

Chí dân ta nuôi thành màu sắt,

Trải trăm lần có mất không chùng.

Trong bình dân trỗi dậy lớp lớp anh hùng,

Khiến quân giặc nghe sấm vang mà táng đảm.

Lê Thái Tổ anh hùng quả cảm,

Giữ Lam thành giết sạch quân Ngô.

Vì non sông rửa mối hận thù,

Xây nghiệp lớn điểm tô trang quốc sử.

Phan trung liệt sông Lam hùng cứ,

Tiếng thét vang giết giặc cứu dân lương.

Khắp nơi nơi khởi nghĩa Cần Vương,

Chí những muốn cứu tai ương cho đất nước.

Nhìn tổng quát Hồng, Lam thuở trước,

Đến gần đây hùng tráng vô cùng.

Từ phong trào Xô-viết tiền phong,

Kỷ nguyên mới công nông mở lối.

Tuy chiến đấu chưa thâu về một mối,

Nhưng thanh danh đã vang dội toàn cầu.

Phàm phong trào nổi dậy lúc ban đầu,

Khó tránh khỏi lên cao rồi tạm thoái.

Cách mạng tuy một thời thất bại,

Để lại sau bài học lớn lao:

Bởi phong trào phát động không đều,

Mà điều kiện khách quan cũng xa vời chưa có.

Việc khởi nghĩa chỉ ở nơi huyện, phủ,

Mà bên trên chưa có chủ trương chung.

Nên tương quan lực lượng không đồng,

Lại chìm đắm Lam, Hồng vào vòng tiều tụy.

Để phấn đấu cho một giang sơn mỹ lệ.

Cả Đông Dương phải nhất trí hiệp đồng.

Đại liên minh toàn quốc công nông,

Mới chấn chỉnh thắng cảnh Lam, Hồng muôn thuở”.

Để nhanh chóng giết hại Lê Hồng Phong, tách sự chỉ đạo của đồng chí với tù chính trị, tên chúa đảo ra lệnh giam riêng Lê Hồng Phong vào xà lim số 5 tại banh 2, một hầm tối và tiếp tục đánh đập tàn nhẫn. Hầm tối giam Lê Hồng Phong có chiều dài 2m, rộng hơn 1m. Hầm được xây kiên cố, chỉ có 1 lỗ nhỏ thông hơi, sàn hầm làm bằng xi măng, chỗ nằm có 2 vòng sắt để cùm chân tù nhân suốt ngày đêm. Đồng chí Lê Hồng Phong còn phải chịu cực hình một tháng ăn 10 ngày cơm nhạt nấu bằng thứ gạo ẩm mốc và thức ăn là cá khô mục. Chế độ cầm tù tàn bạo đã làm Lê Hồng Phong bị kiết lỵ nặng. Kẻ thù rắp tâm giết hại đồng chí. Chúng không phát thuốc chữa bệnh, không cho thầy thuốc điều trị. Anh em tù chính trị tìm cách gửi thuốc vào cho đồng chí nhưng bị bọn cai ngục ngăn cấm, tịch thu.

Bệnh tình ngày càng trầm trọng đã khiến sức khỏe của Lê Hồng Phong kiệt dần. Sau mấy ngày vật vã với những cơn đau, trưa ngày 6-9-1942, đúng ngày sinh nhật của mình, Lê Hồng Phong đã trút hơi thở cuối cùng trong xà lim số 5, banh 2. Lê Hồng Phong ngã xuống trong cuộc chiến đấu sống mái với kẻ thù, giữ trọn khí tiết của người chiến sĩ Cộng sản. Trước lúc hy sinh, Lê Hồng Phong nhắn lại: “Xin chào tất cả các đồng chí, nhờ các đồng chí nói với Đảng rằng, tới phút cuối cùng Lê Hồng Phong vẫn một lòng tin tưởng ở thắng lợi vẻ vang của cách mạng”.

Bốn mươi tuổi đời, 20 năm hoạt động cách mạng liên tục, oanh liệt và đầy nhiệt huyết, đồng chí Lê Hồng Phong đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Đồng chí đã để lại tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, tình yêu gia đình, quê hương, đất nước, suốt đời hy sinh cho độc lập, tự do của tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân, tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, son sắt thủy chung với đồng chí, bạn bè, luôn lạc quan tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng.

NGUYỄN HOÀI LƯƠNG
https://www.qdnd.vn

Rate this post
Previous Post
Năm ngôi mộ Anh hùng đặc biệt trong Nghĩa trang Hàng dương
Next Post
Cao Văn Ngọc – Người anh hùng mang tên “ông già chuồng Cọp”
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.