Tháng Bảy năm nay, tôi may mắn được cùng với đoàn cựu chiến binh 30 người con của quê hương Tiền Giang, nguyên là những sĩ quan chỉ huy quân đội đã từng “vào sống ra chết” thời kỳ chống Mỹ cứu nước ra thăm Côn Đảo. “Chạm tháng Bảy lòng tôi bối rối…” của nhà thơ Nguyễn Lan Hương bất chợt đến trong tôi khi ra thăm Côn Đảo. Lòng tôi bồn chồn chờ đợi một điều gì đó. Đây là lần đầu tiên tôi được ra thăm Côn Đảo.
CẢM NHẬN CÔN ĐẢO
Cảm giác thật hồi hộp, háo hức khi tôi đặt chân lên tàu cao tốc mang tên Trưng Nhị từ bến Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) chuẩn bị cho chuyến ra thăm Côn Đảo. 9 giờ ngày 6-7-2020 tàu khởi hành. Những khung cảnh đảo xa lần lượt hiện ra bên cửa sổ tàu cao tốc mờ mờ như những nét vẽ trừu tượng. Ra ban công con tàu, đứng bên cạnh tôi là một người đàn ông khoảng 60 tuổi.
Ông tên Năm Hảo, là cựu chiến binh ở tỉnh An Giang, từng chiến đấu ở chiến trường miền Tây Nam bộ. Chúng tôi đã nhanh chóng làm quen. Ông Hảo nói: “Gần một đời người tôi mới có dịp đặt chân ra đây, có dịp tìm hiểu thêm “địa ngục trần gian” nơi Côn Đảo, nên tôi muốn nhìn cho thật rõ, ít ra là con đường đến Côn Đảo như thế nào…”.
Nhìn từ cửa sổ con tàu, xa xa thấy toàn nước trắng xóa, thỉnh thoảng có những đợt sóng cao, nhấp nhô hiện ra mờ ảo. Vào gần đến đảo, những cơn sóng phẳng lặng như mặt nước hồ thu. Rõ ràng, nhìn từ xa, mọi thứ đều nhỏ bé, kể cả cái dữ dội của đại dương cũng hóa thành dịu êm…
Sau 2 giờ 5 phút khởi hành, tiếng cô tiếp viên con tàu thông báo: “Tàu chuẩn bị cập cảng Bến Đầm – Côn Đảo, đề nghị quý khách kiểm tra lại đồ dùng cá nhân để chuẩn bị rời tàu…”. Có khá nhiều người hướng mắt về phía cửa sổ. Có lẽ ai cũng muốn nhìn rõ Côn Đảo từ biển khơi để hình dung miền đất ấy thế nào, nhất là hình dạng của nó giữa mênh mông biển cả.
Những con đường lặng ngắt nhưng xanh, sạch ở Côn Đảo. Đường từ Bến tàu vào trung tâm huyện đảo dài khoảng 13 km và đây là con đường duy nhất, chạy dọc bờ biển. Những cung đường được tráng nhựa phẳng lì nhưng quanh co, hiểm trở. Cảm giác đi trên cung đường ấy thật lạ, hồi hộp và đầy ấn tượng.
Một bên biển, một bên núi, nhìn đâu cũng cảm thấy hoang sơ, hoành tráng, trong lành và cảm thấy mình dường như nhỏ bé, yếu ớt trước những cơn gió lồng lộng, rười rượi thổi vào từ phía biển. Khác với suy nghĩ của tôi khi mới đặt chân lên đảo, sóng điện thoại ở đây khá tốt. Vinaphone, Viettel, Mobiphone… hầu như đã phủ sóng khắp đảo, rất tiện lợi cho việc liên lạc về gia đình, bạn bè trong lúc đang vi vu trên đảo.
Ở Côn Đảo còn có những gốc bàng già ven đường Tôn Đức Thắng. Người ta nói, những gốc bàng già rắn rỏi ở Côn Đảo như “chứng nhân” của lịch sử, từng chứng kiến bao quá khứ đau thương nhưng rất oai hùng của các tù nhân chính trị năm xưa trên Côn Đảo. Đến Côn Đảo để hiểu đầy đủ hơn sự hy sinh cao cả của các thế hệ ông cha ta trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; đồng thời, để cảm nhận sự đổi thay của huyện đảo xinh đẹp này qua 45 năm giải phóng.
Huyện Côn Đảo được tạo nên bởi 16 hòn đảo lớn nhỏ, mỗi hòn đảo gắn liền với những câu chuyện cổ tích, lịch sử; trong đó Côn Sơn là đảo lớn nhất, là nơi tập trung sinh sống gần 7 ngàn người.
HÒN ĐẢO HUYỀN THOẠI
Đến Côn Đảo, địa chỉ đầu tiên chúng tôi đến thăm là Bảo tàng, Nhà tù, Trại giam nơi trước đây giam cầm hàng chục ngàn người yêu nước, cán bộ, chiến sĩ kiên trung và Nghĩa trang Hàng Dương.
Theo tài liệu lịch sử huyện Côn Đảo: Sau 4 năm nổ súng xâm lược Việt Nam, năm 1862 thực dân Pháp, sau đó là đế quốc Mỹ đã xây dựng ở Côn Đảo hệ thống các nhà tù, trại giam. Lần lượt các chí sĩ yêu nước: Huỳnh Thúc Kháng, Phan Chu Trinh, Nguyễn An Ninh…; nhiều chiến sĩ cộng sản kiên trung nổi tiếng của cách mạng Việt Nam: Lê Hồng Phong, Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Phạm Hùng, Võ Thị Sáu, Võ Thị Thắng… bị chúng lưu đày, giam cầm tại đây.
Hơn 100 năm, hơn 20 ngàn người con ưu tú của dân tộc Việt Nam đã anh dũng hy sinh do những tên cai ngục khét tiếng, áp dụng đủ hình thức giam cầm, tra tấn dã man tại các nhà tù, trại giam ở Côn Đảo.
Rời Bảo tàng và các nhà tù Côn Đảo, chúng tôi đến Nghĩa trang Liệt sĩ Hàng Dương, là một trong những nghĩa trang lâu đời nhất ở Côn Đảo, nơi yên nghỉ của hàng vạn cán bộ, chiến sĩ cách mạng, cùng những người yêu nước đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược và đấu tranh chống Mỹ – ngụy, bị chúng lưu đày và sát hại từ năm 1862 đến ngày 30-4-1975; trong đó có những nhà yêu nước nổi tiếng: Nguyễn An Ninh, Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, Anh hùng Liệt sĩ Võ Thị Sáu, Cao Văn Ngọc, Phạm Thành Trung… Năm 1962, Nghĩa trang được tôn tạo và xây dựng lại trên diện tích 20 ha, gồm 4 khu A, B, C ,D.
Không giống các nghĩa trang khác, Nghĩa trang Hàng Dương bất kể ngày hay đêm, lúc nào cũng có người đến viếng.
Theo những người dân ở đây, hầu như họ đến viếng khi đêm về để cảm nhận không khí linh thiêng, bi tráng của vùng đất này. Trong đó, phần mộ có nhiều người đến dâng hương nhất là mộ Anh hùng Liệt sĩ Võ Thị Sáu, người dân Côn Đảo gọi bằng tình cảm thân thương: Cô Sáu!, và xem cô Sáu như vị thánh che chở, hóa giải những đau buồn.
Nhiều đôi uyên ương cũng ra thắp hương mộ cô Sáu, xin cô phù hộ cho họ mãi hạnh phúc bên nhau. Ngoài ra, còn có rất nhiều địa điểm tâm linh khác như: Đền thờ bà Phi Yến, chùa Núi Một, miếu và mộ của hoàng tử Cải ngay gần sân bay Cỏ ông…
Trong câu chuyện kể của cô hướng dẫn viên Nguyễn Thị Xuân hôm đó có những câu chuyện đau thương của một thời quá khứ. Tôi lặng người khi nghe những câu chuyện kể về tội ác của địch ở chốn “địa ngục trần gian” này. Và với những gì được chúng kiến, nhiều người đã không cầm được nước mắt…
Rời Nghĩa trang Hàng Dương, ai cũng háo hức được khám phá thị trấn trên đảo này, với những ngôi nhà mới khang trang dưới các tàn cây cổ thụ, bên vách núi cao vút; những con đường thơ mộng khi ẩn, khi hiện bên bờ biển xanh biếc. Ở đó còn có những người ngày đêm cống hiến vì biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Thị trấn về đêm thật lung linh, huyền ảo.
Đối với mạng lưới thông tin liên lạc, phương tiện đi lại giữa đảo và đất liền khá thuận lợi, mỗi ngày có nhiều chuyến tàu thủy, máy bay đưa khách ra vào Côn Đảo. Côn Đảo xây dựng nhiều tuor, tuyến du lịch sinh thái tham quan mưa rừng nhiệt đới, lặn biển ngắm san hô và xem rùa đẻ trứng, tham quan các hòn đảo nhỏ, đặc biệt là tour tham quan các khu di tích lịch sử… Từ thế mạnh đó, trong nhiều năm qua, Côn Đảo đã trở thành nơi thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước.
Tháng Bảy hằng năm, tôi liên tưởng đến lễ kỷ niệm Ngày Thương binh – Liệt sĩ 27-7. Riêng tháng Bảy năm nay càng ý nghĩa hơn đối với tôi, bởi tôi được ra thăm Côn Đảo, đong đầy bao cảm xúc về truyền thống, đạo lý tốt đẹp ngàn đời của dân tộc ta “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, gợi nhớ về đồng đội của mình đã ngã xuống, hay những ca từ, trong đó có ca từ của cố nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn: “Mùa hoa lê ki ma nở – Ở quê ta miền Đất Đỏ…”… |
LÊ HỒNG LÂM
Báo Ấp Bắc