Từ trước đến nay có nhiều nguồn tư liệu quí được sưu tầm từ các cơ quan nghiên cứu lịch sử, các cơ quan lưu trữ tài liệu, các vị lão thành cách mạng và các chiến sỹ, đồng bào đồng chí đã từng bị thực dân Pháp và đế quốc Mỹ giam cầm tại nhà tù Côn Đảo. Bên cạnh đó, các công trình nghiên cứu lịch sử, các chuyên đề, đề tài khoa học có giá trị đã làm sáng tỏ hơn, đầy đủ hơn sự thật về nhà tù Côn Đảo.
Một tư liệu điển hình được các nhà nghiên cứu lịch sử quan tâm và đánh giá cao, đó là bút tích chống ly khai của tù chính trị Côn Đảo năm 1961. Sưu tập bút tích chống ly khai gồm 17 bản, viết bằng hai lọai giấy: lọai dày màu hồng, lọai mỏng màu trắng ngà ; kích thước : 16x 22cm, 22x32cm. Bút tích viết dài nhất trên hai trang giấy khổ lớn, bút tích viết ngắn nhất chỉ có 6 từ. Chữ viết rất rõ ràng, sắc nét. Trên đầu mỗi bút tích ghi : Côn Sơn, ngày 27 tháng 3 năm 1961, tiếp đến là : Bản xác định lập trường. Cuối bút tích có chữ ký và họ tên của người viết. Gần 50 năm trôi qua, bút tích chống ly khai vẫn còn nguyên vẹn. Đó là minh chứng hùng hồn và xác thực nhất về cuộc đấu tranh chống ly khai của tù chính trị trại I, với 18 chiến sỹ chống ly khai kiên cường trong chuồng cọp.
Từ năm 1957, tù chính trị – những người được coi là “nguy hiểm”, được thanh lọc từ các nhà lao trên tòan miền nam – bị Mỹ-Ngụy đày ra Côn Đảo để tiếp tục “tố cộng” trong tù với mức độ ác liệt hơn bằng thủ đọan cưỡng bức ly khai cộng sản rất thâm độc và tàn ác. Kể từ đó, tù chính trị Côn Đảo bị phân thành hai tuyến : tuyến thứ nhất là những người trực tiếp chống ly khai ở trại I (trại cộng sản) ; tuyến thứ hai là những người chịu ly khai ở trại II (trại quốc gia). Mỹ-Ngụy đã dùng những phương tiện hiện đại, tinh vi nhất kể cả dã man như thời trung cổ để khủng bố tù chính trị trại I, bắt họ phải ký tên ly khai cộng sản, hô khẩu hiệu đả đảo Hồ Chủ tịch ; phải chào cờ ngụy, suy tôn Ngô Đình Diệm, thừa nhận chính phủ Quốc Gia. Người tù chống ly khai phải chịu đau đớn tột cùng về thể xác, bị truy bức căng thẳng tột độ về tâm lý, chết đi sống lại, chết dần chết mòn, từng giờ từng phút.
Bốn năm (1957-1960), kể từ khi thi hành chính sách “tố cộng” tại nhà tù Côn Đảo đối với tù chính trị, bộ máy cai trị tù khét tiếng tàn bạo của Mỹ – Ngụy đã giết hại gần 500 tù chính trị chống ly khai trại I, hàng ngàn người khác bị đày ải đến tàn phế hoặc sức chịu đựng có hạn phải chấp nhận điều kiện ly khai sang trại II, sống trong ân hận dày vò đã sa cơ lỡ bước, phải cần có thời gian và cơ hội mới có thể vươn lên phục hồi khí tiết.
Tháng 4-1960, Mỹ – Ngụy tổ chức chiến dịch đánh phá dữ dội và quy mô nhất vào hàng ngũ tù chính trị chống ly khai trại I. Địch đang muốn xóa sổ trại I càng sớm càng tốt. Sau 3 ngày của chiến dịch “chuyển hướng”, trại I chỉ còn 59 người không chịu khuất phục ly khai, tất cả bị đưa vào chuồng cọp.
Tháng 6-1960, sau 3 tháng của chiến dịch “Bác ái”, 53 người còn lại vẫn kiên quyết giữ vững lập trường thà chết không ly khai cộng sản. Địch tập trung tăng cường khủng bố, truy bức phân hóa lực lượng trung kiên chống ly khai cuối cùng này. Nhiều người đã phải chết thê thảm trong chuồng cọp, nhiều người chịu đựng không nổi phải đau đớn chấp nhận ly khai.
Đến tháng 3 – 1961, cuộc chiến đấu chống ly khai cộng sản tại trại I chỉ còn lại 18 người. Đây là thời điểm cuộc đấu tranh bảo vệ lý tưởng cộng sản quyết liệt trong lao tù bước vào giai đọan ác liệt, đỉnh điểm của cuộc đối đầu cao nhất giữa những người cộng sản kiên cường và những tên đao phủ của chế độ độc tài Ngô Đình Diệm.
Ngày 11-3-1961, với sự vụ lệnh số 042/SVL, tỉnh trưởng Côn Đảo Lê Văn Thể quyết định tiến hành cuộc khủng bố đẫm máu hòng xóa sổ bằng được những phần tử “ngoan cố” chống ly khai cuối cùng, tiêu diệt tận gốc tư tưởng cộng sản, dập tắt ngọn cờ đấu tranh của tù chính trị Côn Đảo. Cuộc khủng bố mới với mức độ tàn bạo vượt xa những lần trước. Mở đầu là chiến dịch “can vận”. Trong hai tuần dùng đủ mọi thủ đọan đường mật dụ dỗ, kết hợp đánh đập dã man, truy bức tư tưởng triệt để, đồng chí Nguyễn Văn Vinh (tức Vạn) quê ở Bình Định không đủ sức chịu đựng đã dùng cách tự sát để vẹn lòng trung với Đảng. Việc không thành đồng chí chấp nhận ly khai nhưng không làm gì có hại cho Đảng và cho tập thể.
Ngày 27-3-1961, địch bắt những người còn lại viết bản xác định lập trường, cam kết chịu hòan tòan trách nhiệm về việc không ly khai cộng sản, lấy đó làm bằng chứng để giao cho trật tự, công an thanh tóan tiêu diệt hết bằng bạo lực. 17 người, chiến lũy của chủ nghĩa cộng sản giữa sào huyệt kẻ thù đứng trước sự lựa chọn cuối cùng đầy nghiệt ngã giữa hai con đường : chết hoặc ly khai cộng sản. Trước tình hình căng thẳng và trong giờ phút hiểm nghèo nhất, mỗi người đều ý thức được sự tồn tại, ý chí chiến đấu của mình có ý nghĩa hơn bao giờ hết, nó quyết định sự thành bại của cuộc đấu tranh chống ly khai trong gần 6 năm qua với rất nhiều hy sinh tổn thất ; Nó còn là hiện thân chiến thắng của chính nghĩa trước bạo tàn, cái thiện trước cái ác, giữa những người yêu nước với bọn xâm lược và bè lũ tay sai bán nước. 17 người đã hạ bút xác nhận rõ lập trường kiên quyết không ly khai cộng sản, thà chết không phản bội sự nghiệp đấu tranh cho hòa bình thống nhất đất nước do Đảng và Bác Hồ lãnh đạo. Từ giờ phút đó, 17 bản cam kết lập trường không chỉ nguồn cổ vũ lớn lao đối với hàng ngàn tù chính trị đang vươn lên phục hồi khí tiết, hơn thế nữa, nó là câu trả lời đanh thép đối với kẻ thù rằng chúng không thể nào khuất phục được những người cộng sản.
Mỗi người một cách viết, một tâm tư nguyện vọng, đối sách với kẻ thù. Đồng chi Phan Trọng Bình (Lê Văn Mậu) và đồng chí Nguyễn Đình Đông viết ngắn nhất. Bản xác định lập trường chỉ có 6 từ : ”Tôi không thể ly khai được”. Đồng chí Phạm Thành Trung quê ở Mỹ Tho viết :”Tôi không thể ly khai Bác và Đảng cộng sản được, tôi không biết Quốc gia là gì. Vì vậy mà không ly khai”. Hầu hết cam kết chống ly khai đều trực tiếp bày tỏ khát vọng hòa bình, thống nhất đất nước. Đồng chí Hùynh Văn Khi quê ở Biên Hòa nêu rõ :”Nguyện vọng tôi là đấu tranh hòa bình thống nhất đất nước để phù hợp với nguyện vọng của tòan dân”. Bằng những lời lẽ kiên quyết, đồng chí Trần Trung Tín xác nhận :”Thống nhất đất nước do tòan dân định đọat của tôi không thay đổi”. Các bút tích của đồng chí Nguyễn Minh (tự Sơn) (Bình Thuận), Nguyễn Văn Mười (Hòang Sơn), Ngô Đến (Khánh Hòa)…cũng với nội dung như vậy. Đó cũng chính là nguyện vọng, mong muốn cao nhất của Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta trong những năm tháng đất nước bị đế quốc Mỹ và tay sai chia cắt hai miền Nam Bắc.
Phải sống, chiến đấu bảo vệ lý tưởng cách mạng trong vòng vây, sào huyệt cạm bẫy của kẻ thù, nơi cái chết gần kề hơn sự sống nhưng họ đều tuyệt đối tin tưởng và trung thành với đường lối đấu tranh thống nhất nước nhà của Đảng Lao động Việt Nam và lãnh tụ Hồ Chí Minh. Họ đâu chỉ có sức chịu đựng phi thường về thể xác mà còn có sức mạnh tinh thần, trí tuệ của người cộng sản chân chính, trong đó niềm tin vào thắng lợi cuối cùng đã giúp họ coi thường cái chết, chấp nhận chiến đấu cho cách mạng trong hòan cảnh lao tù cực kỳ nguy hiểm và bất lợi. Bản cam kết của đồng chí Phạm Quốc Sắc đã nói lên điều đó : ”Xác nhận là không ly khai cộng sản vì tin tưởng vào đường lối Đảng Cộng sản”. Đồng chí Nguyễn Đức Thuận quê ở Nam Định với bản xác định lập trường dài hai trang giấy khổ lớn, lời lẽ mềm mỏnh nhưng rất cương quyết : ”Tôi cũng chỉ vì hòa bình đất nước và đường lối thống nhất đất nước của Đảng lao động Việt Nam phù hợp với ý nguyện của tôi, phù hợp với ý nguyện của nhân dân Việt Nam. Vì lý do đó mà tôi không thể ly khai được”… Từng nét chữ, từng gương mặt, cuộc đời, tất cả đều gợi lên vẻ cao đẹp của những tấm lòng trung hiếu, luôn đặt lợi ích của đất nước và nhân dân lên trên hết, không một ai nghĩ đến bản thân mình, sẵn sàng hy sinh cả cuộc đời mình cho dân cho nước.
Nói sao hết được những tình cảm của tù nhân Côn Đảo đối với Bác Hồ, “vị cha già dân tộc”. Lòng tôn kính Bác thể hiện trong bản xác định lập trường của đồng chí Lê Văn Một quê ở Sóc Trăng như sau : “Tôi không thể ly khai hàng ngũ Đảng cộng sản được vì không thể đả đảo Hồ Chí Minh được”. Đồng chí Nguyễn Văn Mười (Hòang Sơn), rồi ông già Cao Văn Ngọc, Phạm Thành Trung…họ là những người mà trong trái tim, khối óc của mình, hình ảnh lãnh tụ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc như một bỉêu tượng, một lẽ sống thiêng liêng, cao đẹp nhất trên đời. Có thể nói, 17 bản xác định lập trường mà trong đó mỗi lời tuyên bố là mỗi người đều phải trả giá bằng máu và chính mạng sống của mình. Ngay đêm 27-3-1961, địch khủng bố đẫm máu đánh chết tại chỗ 5 người : ông già Cao Văn Ngọc (Bà Rịa), Phạm Thành Trung (Mỹ Tho), Ngô Đến (Khánh Hòa), Hòang Chất (Hà Nội), Nguyễn Công Tộc (Bạc Liêu) đã hy sinh anh dũng. Nguyễn Văn Mười sáng hôm sau mới chết. Địch tiếp tục đánh đập đày ải, truy bức trong những tháng tiếp theo. Nguyễn Văn Định, Trần Trung Tín lần lượt ngã xuống. Người cuối cùng hy sinh oanh liệt tại chuồng cọp đêm 24-12-1961 là Lưu Chí Hiếu.
Cuối cùng, biết “vũ lực không thể thắng được trái tim những người cộng sản”, địch đã phải ngừng cuộc khủng bố. Cuộc chiến đấu chống ly khai của tù chính trị trại I tòan thắng với 5 người còn lại, 5 ngôi sao sáng : Nguyễn Đức Thuận, Phan Trọng Bình, Phạm Quốc Sắc, Lê Văn Một, Nguyễn Minh. Đó là kết tinh hội tụ những gì cao quý nhất của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, nhân cách Việt Nam trong ngục tù đế quốc.
Bút tích chống ly khai cùng với cuộc đời chiến đấu của những người cộng sản kiên cường tại nhà tù Côn Đảo là những trang sử hào hùng nhất trong cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc. Bảo tàng Bà Rịa-Vũng Tàu trân trọng trưng bày giới thiệu bút tích chống ly khai tại phòng trưng bày Côn Đảo, khu di tích Thích Ca Phật Đài. Đúng như những giá trị đích thực trường tồn của nó, bút tích chống ly khai đã làm xúc động trái tim hàng ngàn lượt khách tham quan. Đó là bài học sâu sắc và ý nghĩa nhất về lòng tự hào, biết ơn đối với thế hệ cha ông đi trước đã hy sinh vì dân vì nước.
LÊ DUNG (Bảo tàng BRVT)
1 Bình luận. Leave new
[…] Xem thêm: Bút tích chống ly khai của các chiến sỹ tù chính trị Côn Đảo […]