Bò biển Côn Đảo (dugong)

Ở Côn Đảo, chỉ có một quần thể nhỏ dugong (còn được gọi là lợn biển, hay bò biển) với số lượng khoảng 10 con. Ước tính, hiện trên thế giới có khoảng 100.000 cá thể, trong đó Australia đóng góp khoảng 85.000 con và ở đây người ta theo dõi nghiên cứu chúng bằng vệ tinh. Theo thống kê, Australia, Papua New Guinea, là những nơi có mật độ cá thể đông nhất, kế đến là Philippines và ở một số nơi khác.

Đu-gông là một trong những loài được xếp vào danh sách “cực kỳ nguy cấp”, bị đe doạ tuyệt chủng. Tại Việt Nam, Đu-gông được tìm thấy chủ yếu tại vùng biển Côn Đảo và Phú Quốc.

Xác Đu-gông được phát hiện dạt vào vùng biển Côn Đảo

Theo Vườn Quốc gia Côn Đảo, Đu-gông thường đi từ 2 đến 3 con, chưa có con số chính xác số lượng Đu-gông tại Côn Đảo nhưng qua theo dõi thì chỉ có khoảng 10 con.

Những mẫu cỏ, trầm tích được gửi về Viện Hải dương học Nha Trang phân tích. Đến nay, ở Côn Đảo đã tìm được chín loài cỏ biển, phân bổ chủ yếu ở khu vực Lò Vôi, một số thảm cỏ nhỏ ở Đá Trắng, Họng Đầm, Đầm Quốc. Trong đó dugong khoái khẩu nhất là cỏ lá xoan cọng dài, kế đến là cỏ xoan nhỏ. Trong bản thảo báo cáo của Nick viết: “Cơn bão Linda 1997 đã tàn phá hàng loạt các hệ sinh thái của vườn, mật độ che phủ của cỏ biển đã suy giảm hơn 30%. Cuộc khảo sát vào giữa năm 2000 cho thấy toàn bộ độ che phủ của thảm cỏ biển vẫn chưa được phục hồi như trước cơn bão”.

Vì là loài thú biển duy nhất ăn cỏ nên dugong còn được gọi là bò biển (Dugong dugon). Được xếp vào hàng “bé bự” của biển khơi, vừa mới chào đời dugong con đã dài khoảng 1,1 m, đến lúc trưởng thành sẽ dài từ 2,4-2,7 m và có thể nặng đến 400 kg. Là loài rất phàm ăn, trung bình một con dugong ngốn hết 25 kg cỏ biển/ngày.

Phần mõm được cấu tạo khá đặc biệt và linh động giúp nó đào tận rễ thảm cỏ biển (dưới nền cát), phần đệm ở răng của dugong được coi là bộ phận quan trọng nhất trong khi gặm cỏ biển và chuyển tải thức ăn vào bên trong miệng. Còn bộ máy tiêu hóa của dugong có thể so sánh với phần ruột phía sau của những loài động vật ăn cỏ (voi, ngựa, bò…), riêng ruột già có thể dài đến 30 m, gấp đôi chiều dài ruột non. Hai chiếc tay bơi dày có tác dụng như một giá đỡ khi kiếm ăn, thân hình bồ tượng có thể bơi lướt qua một cách chậm rãi rồi để lại sau lưng những vết gặm như đường mòn dài 10-15 m, khi thì thẳng đuột, lúc cong hình ziczac.

Dugong không thể lặn lâu trong nước mà thường xuyên cứ 1-2 phút là phải ngoi lên mặt nước để thở vài giây. Dugong chuyển động chậm chạp, với vận tốc 5 km/giờ dù chúng cũng có thể đạt tốc độ cao nhất 20 km/giờ. Chúng thường xuyên nghỉ ngơi ở tầng nước 2-10 m, chuyển động hàng ngày của dugong bị ảnh hưởng bởi thủy triều, thời tiết, thức ăn và các vật quấy nhiễu bên ngoài.

Tuổi thọ của bò ở biển cao hơn bò trên cạn rất nhiều, chúng có thể sống hơn 70 tuổi. Có thể phân biệt con đực và con cái dễ dàng nhờ vào vị trí khe hở của cơ quan sinh dục. Vùng xương chậu của con đực được tìm thấy bên trong khe hở của bộ phận sinh dục đặt chính giữa hậu môn và rốn. Tinh hoàn đặt bên trong bụng. Cuống sinh dục chỉ nhô ra khi con đực hưng phấn. Trái lại khe sinh dục của con cái nằm gần hậu môn. Cả con đực và cái đều trưởng thành về giới tính khoảng từ 7-19 năm, khi đó chúng dài ít nhất khoảng 2,5 m. Quá trình thai nghén sẽ kéo dài từ 12-13 tháng và chỉ sinh một con. Quá trình sinh sản thường diễn ra vào lúc cỏ biển và rong biển phát triển dồi dào nhất, lượng dinh dưỡng có sẵn trong rong biển tươi sẽ là món khoái khẩu cho các bê con. Chúng sẽ bắt đầu gặm cỏ ngay sau một vài tuần và khoảng 18 tháng mới dứt bú sữa mẹ. Con cái chỉ sinh con rạ từ sau 3-7 năm. Tỷ lệ sinh sản chậm là điều đã khiến các nhà khoa học kết luận bò biển rất dễ bị tuyệt chủng.

Xem thêm:

Rùa biển ở Côn Đảo được bảo tồn từ những “trái tim”

5/5 - (1 bình chọn)
Bài trước
Những điều đơn giản nhất nên biết khi đi Côn Đảo
Bài sau
Khỉ đuôi dài Côn Đảo
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.