Côn Đảo đang trở thành điểm đến đầy thu hút. Trung bình mỗi ngày huyện đảo này đón khoảng 2.000 du khách. Khách đến đông khiến áp lực về nước sinh hoạt gia tăng. Huyện đảo đang thực hiện nhiều giải pháp để bảo đảm nguồn nước được khai thác hợp lý, bền vững, đủ nguồn cung cho người dân.
KHẢ NĂNG DỰ TRỮ NƯỚC NGẦM THẤP
Những năm gần đây, tình trạng nguồn nước máy yếu khiến người dân không khỏi lo lắng về khả năng thiếu nước trong tương lai. Theo phản ánh của người dân huyện Côn Đảo, hàng ngày tầm 17 giờ đến 20 giờ, nước máy chảy rất yếu. “Muốn tắm, giặt phải sau 20 giờ. Còn ở tầng 2 trở đi, nếu không dùng bồn chứa thì không thể sử dụng được”, chị Nguyễn Thị Hồng Châu, chủ khách sạn Xuân Anh cho biết.
Theo đại diện Phòng TN-MT huyện Côn Đảo, Côn Đảo có 16 hòn đảo lớn, nhỏ, nhưng chỉ đảo trung tâm – Côn Sơn có nước ngọt. Địa hình dốc, chủ yếu là đồi núi đá nên khả năng dự trữ nước ngầm ở Côn Đảo rất thấp. Lượng nước được tích tụ chủ yếu vào mùa mưa ở các hồ: An Hải, Quang Trung 1, Quang Trung 2, Lò Vôi và Cỏ Ống với tổng dung tích gần 2 triệu m3.
Qua hoạt động quan trắc nguồn nước ngầm, nước cấp, nước hồ và nước biển ven bờ cho thấy, các chỉ tiêu về chất lượng môi trường nước đang bảo đảm, trữ lượng vẫn ổn định. Tuy nhiên, với tốc độ phát triển kinh tế – xã hội và xuất hiện ngày càng nhiều yếu tố tác động khác dự báo áp lực về nguồn nước ngọt đạt tiêu chuẩn để cung cấp cho người dân trên đảo càng đáng lo ngại. Hiện nay, đã có tình trạng nước hồ bị ô nhiễm nhẹ chất hữu cơ; nước biển ven bờ có hàm lượng dầu mỡ cao, nước ngầm nhiễm vi sinh.
NHÀ MÁY NƯỚC HOẠT ĐỘNG TỐI ĐA CÔNG SUẤT
Bà Nguyễn Thị Thùy Trang, Phó trưởng Trạm Cung cấp nước huyện Côn Đảo cho biết: Trạm Cung cấp nước Côn Đảo đang thực hiện nhiệm vụ sản xuất nước máy để cung cấp cho nhu cầu sử dụng của nhân dân. Với dân số trên đảo tính đến thời điểm hiện tại khoảng 8.700 người (chưa bao gồm lực lượng vũ trang và số dân tạm trú dưới 6 tháng), thêm vào đó là lượng khách du lịch đến Côn Đảo trung bình khoảng 2.000 khách. Từ đó, bình quân dân số trên đảo khoảng 11.100 người, cao điểm rơi vào khoảng 11.700 người. Trạm có công suất thiết kế 3.800 m3/ngày đêm, nhưng trên thực tế, đang phải sản xuất lượng nước cao hơn công suất thiết kế mới đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng.
Bà Nguyễn Thị Thùy Trang cho biết thêm, hàng năm tầm khoảng tháng 3-5, nguồn nước ngầm từ giếng khoan hồ Quang Trung 1, Quang Trung 2 sụt giảm nghiêm trọng không đủ nước sản xuất. Nguồn nước ngọt phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân và du khách trên đảo càng thiếu hụt trầm trọng. Để bảo đảm có nước sinh hoạt, trạm cung cấp buộc phải thực hiện giải pháp điều tiết nước. “Theo đó, trạm ưu tiên cấp nước sinh hoạt cho người dân tại các khu dân cư trung tâm huyện đảo. Từ 6 giờ chiều ngày hôm trước đến 6 giờ chiều ngày hôm sau sẽ khóa bồn khu vực Bến Đầm, hạn chế cấp nước cho các nhà máy sản xuất nước đá”, bà Trang nói.
Năm 1983, Côn Đảo chính thức có trạm cung cấp nước. Từ đây, nguồn nước ngầm được khai thác, xử lý đưa vào phục vụ nhu cầu tiêu dùng, kinh doanh một cách bài bản. Ban đầu, trạm chỉ có công suất 200m3/ngày đêm. Năm 2001, do yêu cầu phát triển, mở rộng, trạm nâng công suất lên 1.500m3 và hiện nay trạm có công suất 3.800m3/ngày đêm sử dụng công nghệ lọc nhanh tuần hoàn đơn giản có hỗ trợ clo hóa sơ bộ nước thô và phèn châm trực tiếp vào đường ống cấp nước thô. Do địa hình đồi dốc và xa khu vực nhà máy sản xuất nên tại khu vực Cỏ Ống và Bến Đầm, Trạm Cung cấp nước Côn Đảo phải sử dụng bơm tăng áp để đưa nước đến bể chứa tại 2 khu vực này.
QUẢN LÝ NGHIÊM NGẶT HỒ CHỨA NƯỚC
Nước ngọt là yếu tố quan trọng quyết định đến quy mô và khả năng phát triển kinh tế – xã hội địa phương, do đó UBND huyện đã triển khai các biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt 3 hồ chứa nước hiện hữu là hồ Quang Trung 1, Quang Trung 2 và hồ An Hải. Hiện tại, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện triển khai thực hiện dự án nạo vét hồ Quang Trung 1 (sau nạo vét, dung tích hồ khoảng 600.000m3). Song song đó, huyện Côn Đảo cũng đang tiến hành khảo sát vị trí xây dựng hồ chứa nước khu vực Cỏ Ống và Đất Dốc nhằm bổ trợ nguồn nước ngọt cho sinh hoạt và phòng cháy chữa cháy.
Theo ông Lê Văn Phong, Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo, để kiểm soát chất lượng nguồn nước ngọt, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng TN-MT và các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát, yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện áp dụng các biện pháp xử lý nước thải phát sinh trước khi xả thải vào môi trường. Giao các cơ quan, đơn vị tổ chức dọn vệ sinh khu vực hồ An Hải; rà soát các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư gần đầu nguồn nước.
Bài, ảnh: QUANG VŨ
Báo Bà Rịa – Vũng Tàu