“Nhà tù Côn Lôn thời Pháp thuộc đã là địa ngục ở trần gian rồi, đến thời Mỹ- ngụy là địa ngục trong địa ngục và nói như vậy cũng chưa vừa”. Giáo sư Sử học Trần Văn Giàu- một cựu tù chính trị Côn Đảo- đã cảm thán thốt lên như vậy khi nói về sự tàn bạo của chế độ nhà tù Côn Đảo trong suốt lịch sử 113 năm tồn tại của nó.
Sự ra đời của Nhà tù Côn Đảo
Sau khi chiếm được Côn Đảo (ngày 23-11-1861), ý định đầu tiên của thực dân Pháp lại là biến quần đảo xinh đẹp như một thiên đường này thành một trại tù. Với “nhãn quan cáo già” của một tên thực dân như thủy sư đô đốc Bonard, Côn Đảo chính là một nơi lý tưởng để xây dựng một nhà tù. Vì nó ở giữa mênh mông sóng nước, cách đất liền hàng trăm hải lý.
Với những điều kiện “lý tưởng” ấy, ngày 1-2-1862, Bonard đã ký quyết định thành lập nhà tù Côn Đảo. Đây được xem là ngày mở đầu cho 113 năm lịch sử (1862-1975) tồn tại của cái nhà tù được ví như “địa ngục trần gian” này. Sau đó ít lâu, Pháp cho tàu Echo chở 50 tù nhân đầu tiên ra Côn Đảo, bắt đầu biến nơi đây thành hòn đảo ngục tù. Để có nơi giam giữ số tù nhân ngày càng đông, thực dân Pháp đã bắt đầu cho xây dựng các trại giam (gọi là banh). Từ năm 1862 đến 1941, lần lượt các Banh I, Banh II, Banh III và Banh phụ của Banh III đã ra đời. Đó là những khu nhà được xây kiên cố bằng gạch đá nằm khuất sau 4 bức tường cao, trên có cắm mảnh chai và chăng dây thép gai hoàn toàn cách biệt với đời sống bên ngoài. Cùng với việc xây dựng các trại giam, thực dân Pháp cũng bắt tay vào việc thành lập các sở tù như: Sở vôi, sở muối, sở củi, sở lưới, sở tiêu, sở rẫy… để khai thác, bóc lột sức lao động của những người tù.
Sau năm 1954, chính quyền Mỹ- ngụy tiếp tục duy trì chế độ nhà tù mà thực dân Pháp để lại ở Côn Đảo. Ngoài việc sửa chữa, cải tạo lại hệ thống trại giam có từ thời Pháp, từ năm 1962 đến năm 1971 Mỹ- ngụy xây dựng thêm Trại V, Trại VI, Trại VII, Trại VIII. Sau đó, chúng còn tiếp tục xây thêm Trại IX, Trại X nhưng các công trình này đã phải bỏ dở sau khi Hiệp định Paris được ký kết. Ngoài ra, chúng còn xây dựng nhiều trại giam phụ tại các sở tù để sẵn sàng giam giữ, đàn áp những người tù lao động chống đối.
“Địa ngục trần gian”
“Tất cả những người tù Côn Đảo đều gọi Côn Đảo là địa ngục, một thứ địa ngục trần gian. Nghe người ta nói, ở địa ngục, trên có Diêm Vương hung ác, dưới có bọn quỷ sứ đầu trâu mặt ngựa. Để hành hạ người chết, có vạc dầu nấu sôi, sông lúc nhúc mãng xà rắn rết, có chỗ cưa chân xẻ tay, róc thịt chẻ xương. Không biết, có địa ngục và địa ngục có những cảnh đó không, nhưng ở Côn Đảo, những cảnh đó không thiếu và còn gấp trăm gấp nghìn thế là khác”. Đây là những lời mở đầu cuốn tiểu thuyết “Vượt Côn Đảo” của nhà văn Phùng Quán viết năm 1954.
Chỉ ít giờ sau khi đặt chân xuống Côn Đảo, chúng tôi ghé thăm di tích Bãi sọ người (một cái tên mà chỉ nghe thôi cũng đủ rùng mình) nằm ngay khu chuồng bò. Đây được xem là nghĩa địa đầu tiên ở Côn Đảo và cũng là nơi chứng kiến cuộc tàn sát tù nhân đẫm máu nhất. Chuyện kể rằng, đêm 28-6-1862, lớp người tù đầu tiên bị Pháp đày ra Côn Đảo đã liên kết với quan binh người Việt trên đảo tổ chức nổi dậy. Họ đốt phá công sở, thiêu cháy nhà tù và buộc tên chúa đảo Felix Roussel phải lên thuyền chạy trốn. Sau khi làm chủ hòn đảo, số nghĩa binh này không tìm được tàu để về đất liền. Nửa tháng sau, thực dân Pháp quay trở lại đánh chiếm đảo và tiến hành truy quét những người nổi dậy. Trong chiến dịch truy lùng, đã có hơn 100 người bị giặc Pháp giết và 20 người bị bắt sống. Ngày 25-7-1862, quân Pháp bắt 20 người đào một hố to chôn hơn 100 xác người bị chúng giết. Khi lấp xong ngôi mộ tập thể đó, chúng đem chôn sống 20 người kia.
Ấn tượng kinh hoàng về những cuộc thảm sát tù nhân ở nhà tù Côn Đảo nối tiếp khi chúng tôi thăm Trại Phú Hải (còn gọi là Banh I). Thăm khám số 6, nơi từng một thời giam giữ các chí sĩ yêu nước như Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế và thăm khám số 7, nơi giam giữ các đồng chí Phạm Hùng, Lê Đức Thọ, Ngô Gia Tự…, anh Nguyễn Quốc Khai- cán bộ Ban Quản lý Di tích Lịch sử Côn Đảo- đưa chúng tôi tới một bãi đất trống nằm ở sâu trong góc trại. Trên bức tường có một cửa dẫn vào bãi đất trống đó có một tấm bia khắc bài thơ nổi tiếng “Đập đá ở Côn Lôn” của Phan Chu Trinh. Anh Khai cho biết, ngày 14-2-1918, những người tù chung thân ở Banh I đã dùng búa đập chết tên gác-dang (giám thị người Âu) và 2 tên ma-tà (giám thị người Việt). Sau đó, họ xông lên định cướp súng tấn công đội lính gác. Khi nghe tiếng còi báo động, chúa đảo Anduoard dẫn theo một toán lính Tây xả súng bắn thẳng vào những người tù. Trong chốc lát, hơn 80 người tù chung thân gục ngã. Cuộc thảm sát ghê rợn này đã được cụ Huỳnh Thúc Kháng ghi lại: “Về đến banh, vào trong sân thì thấy xác chết nằm ngổn ngang, máu chảy thành đống, mắt không dám ngó”.
Xen giữa hai cuộc thảm sát đẫm máu này, hầu như không có ngày nào trên mảnh đất Côn Đảo, từ chuồng cọp, chuồng bò đến hầm xay lúa, từ cầu tàu 914, cầu Ma Thiên Lãnh đến sở củi, sở lưới… lại không có những người tù ngã xuống. Tính ra, trong 113 năm tồn tại của “địa ngục trần gian”, trên 2 vạn người tù đã vĩnh viễn nằm lại trên hòn đảo này. Và cho đến tận bây giờ, sau gần 20 năm xây dựng Nghĩa trang Hàng Dương, mới chỉ có 1.918 ngôi mộ được tìm thấy, trong đó chỉ 713 ngôi mộ có tên, còn thân xác của gần 2 vạn người tù khác hiện vẫn bị vùi lấp đâu đó dưới cỏ cây, đất đá Côn Đảo.
Côn Đảo- nhà tù ghê rợn bậc nhất trong lịch sử loài người ấy còn được biết đến và phải được biết đến như một tượng đài tôn vinh tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất của hàng vạn chiến sĩ cách mạng và người Việt Nam yêu nước. Cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, nhà yêu nước Nguyễn An Ninh, nữ Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu, “Ông già chuồng cọp” Cao Văn Ngọc… đã trở thành những biểu tượng cho bản lĩnh, ý chí không bao giờ khuất phục trước đòn roi kẻ thù của bao lớp tù nhân.
Côn Đảo ngày giải phóng
Lịch sử đau thương của “địa ngục trần gian” Côn Đảo đã chính thức khép lại vào ngày 1-5-1975, tức chỉ một ngày sau khi bộ đội ta tiến vào giải phóng Sài Gòn, thành lũy cuối cùng của chế độ ngụy quyền.
Trước đó, theo ông Nguyễn Hữu Chính (hiện ở tổ 7, phường Hội Phú, TP. Pleiku, một cựu tù chính trị có mặt ở Côn Đảo từ tháng 3-1975, bằng nhiều cách khác nhau, những tin tức chiến thắng của bộ đội ta trên các chiến trường Tây Nguyên và miền Nam đã bay đến các nhà tù làm nức lòng anh em tù nhân. Đến ngày 29-4, anh em tù chính trị bắt đầu cảm thấy những dấu hiệu rất lạ từ bọn gác ngục. Các trại tù đột nhiên được canh gác chặt chẽ hơn và bọn cai ngục thì trở nên lầm lì, khó hiểu. Cùng với đó, anh em tù chính trị liên tiếp nghe thấy tiếng máy bay quân sự gầm rú trên bầu trời. Nhưng không ai biết rằng, đấy là lúc ở bên ngoài, quân tướng Mỹ- ngụy đang náo loạn di tản. Ngay cả tên chúa đảo Lâm Hữu Phương khi nghe tin chế độ ngụy Sài Gòn sụp đổ cũng hoảng sợ dẫn vợ con xuống ca nô tháo chạy. Và cũng không ai biết rằng, sáng 30-4, trước khi rút chạy, đám sĩ quan ngụy định dùng lựu đạn thủ tiêu toàn bộ số tù chính trị vào giờ chót. May mắn là kế hoạch đó của kẻ thù đã không thể thực hiện được, nếu không 4.234 tù nhân chính trị trong nhà tù Côn Đảo hôm ấy đã không còn cơ hội được thấy ngày giải phóng.
Ngay trong đêm 30-4, tin tức giải phóng miền Nam lan truyền ở trại VII trong sự sung sướng đến bàng hoàng của anh em tù chính trị. Các đồng chí lãnh đạo trong trại quyết định phải hành động, chớp thời cơ để giải phóng Côn Đảo. Họ thu súng và chìa khóa trại VII rồi mở cửa cho tất cả các phòng giam. Đến 18 giờ chiều ngày 1-5, lực lượng tù nhân đã hoàn toàn làm chủ Côn Đảo mà không phải nổ phát súng nào.
… Ba mươi sáu năm sau ngày giải phóng, có quá nhiều những đổi thay trên mảnh đất Côn Đảo song những dấu tích của “địa ngục trần gian” ngày nào thì vẫn còn đấy. Nó vừa giống như một vết thương trên thân hình Tổ quốc, luôn nhắc nhở mỗi chúng ta không bao giờ được lãng quên những tội ác ghê tởm mà thực dân Pháp và chế độ Mỹ- ngụy đã gây ra cho đồng bào ta suốt hơn một thế kỷ. Nó lại vừa như một tượng đài mà khi đứng nhìn lên đó, ta thêm hiểu, thêm yêu những chiến sĩ cách mạng, những người yêu nước đã lấy máu xương mình dệt nên truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất trước cường quyền và bạo lực kẻ thù. Một Côn Đảo như thế, ai tới rồi đâu dễ nguôi quên…