Niềm tin sắt son của người Cộng sản

Ngày 6/9/1942, trong một khu cầm cố biệt lập có tên gọi là Banh II, nhà tù Côn Đảo, một người chiến sỹ cách mạng kiên trung đã trút hơi thở cuối cùng. Thời khắc ngắn ngủi trước khi nhắm mắt, ông đã truyền thêm tinh thần, ý chí chiến đấu cho những người bạn tù bằng những gửi gắm đầy khí phách: Nhờ các đồng chí nói với Đảng rằng, tới giờ phút cuối cùng, tôi vẫn một lòng tin tưởng ở thắng lợi vẻ vang của cách mạng! Người chiến sỹ ấy là Tổng Bí thư Lê Hồng Phong – người con của quê hương Hưng Thông (Hưng Nguyên, Nghệ An).

Cuối năm 1940, “chúa đảo” Bouvier – điều hành nhà tù Côn Đảo nhận được hồ sơ về một tù nhân chính trị, bị Toà Tiểu hình Sài Gòn kết án 5 năm tù giam, 10 năm quản thúc, với buộc tội là chịu trách nhiệm tinh thần đối với cuộc khởi nghĩa lật đổ chính quyền thực dân Pháp ở Nam Kỳ.

Bấy giờ là thời điểm dã man, tàn bạo nhất trong lịch sử nhà tù Côn Đảo. Sau khởi nghĩa Nam Kỳ, Pháp đày ra Côn Đảo số tù nhân nhiều chưa từng thấy: năm 1940 là 2.452 người, năm 1941 là 4.860 người. Trước tình hình đó, Bouvier tích cực thi hành chính sách “khủng bố trắng”, với chế độ tra tấn, giam cầm như “địa ngục trần gian” nhằm giết chết tù nhân càng sớm càng tốt. Tù nhân chính trị mang số hiệu 9983 đến Côn Đảo đúng vào giai đoạn kinh hoàng ấy.

Ở nhà tù, dường như chẳng ai quan tâm đến tên tuổi. Bọn gác-dăng và cả những người bạn tù hầu hết đều gọi nhau bằng số hiệu. Mặc trên mình màu áo tù xám xịt, song trên đường về xà lim cầm cố, 9983 vẫn luôn ngẩng cao đầu, dáng người dong dỏng, đôi mắt sáng ngời như ánh lên một điều gì đó. Đây không phải là lần đầu tiên tù nhân chính trị này “xộ khám”, cũng chẳng lạ lẫm gì với những đòn roi ác nghiệt chốn lao tù, 9983 không sợ hãi. Anh bị giam tại xà lim Sở Muối, cách trung tâm nhà tù Côn Đảo khoảng 1km, gần như cô lập hoàn toàn với tổ chức tù chính trị. Sau này, qua hệ thống cơ sở tù chính trị làm khổ sai và đầu bếp, tổ chức Đảng ở Côn Đảo mới biết 9983 chính là Lê Hồng Phong – Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương.

Ngay từ giờ phút đầu tiên đặt chân xuống hòn đảo địa ngục này, Lê Hồng Phong đã biết rằng, điều chờ mình phía trước hẳn sẽ là những đau đớn không bút nào tả xiết. Quả vậy, thực dân Pháp ở Nam Kỳ đã đặc biệt chỉ thị riêng với chúa đảo Bouvier là phải hãm hại bất chấp luật pháp đối với tù nhân này. Chúng tự ý thay đổi tù câu lưu – một hình thức tù giam đối với tù nhân chính trị bằng cách nhốt đồng chí vào xà lim cầm cố. Xà lim có chiều dài 2m, rộng hơn 1m, chỉ có 1 lỗ nhỏ thông hơi, sàn hầm làm bằng xi măng, chỗ nằm có 2 vòng sắt để cùm chân tù nhân suốt ngày đêm. Bọn cai tù đánh đập bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, đánh trong lúc lao công, lúc tắm giặt, lúc điểm danh và cả trong bữa ăn.

Thẻ của đồng chí Lê Hồng Phong (bí danh Hai An) dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản.

Bát cơm chan máu và khí tiết người cộng sản

Báo Nhân Dân số ra ngày 21/2/1959 viết về những ngày tháng đồng chí Lê Hồng Phong bị giam cầm trong nhà tù Côn Đảo: Có lần, Lê Hồng Phong và các đồng chí của mình vừa bưng bát cơm ăn thì bị bọn cai tù xông vào đánh đập túi bụi. Các đồng chí nhất loạt hô to phản đối, nhưng vẫn thản nhiên ngồi ăn dù máu đang chảy ròng ròng trên mặt. Bát cơm của Lê Hồng Phong đang ăn cũng thấm đầy máu.

Thấy thế, một cai tù tỏ ra kinh ngạc: “Ê, tại sao tao đánh mày như thế mà mày vẫn thản nhiên ngồi ăn? Mày không biết đau à?”. Lê Hồng Phong thong thả đặt bát cơm chan máu xuống, ngẩng cao đầu, dằn từng tiếng: “Ngày nào chúng mày không đánh được chúng tao chảy máu thì chúng mày thấy ăn không ngon, ngủ không yên. Vậy chúng tao cần phải ăn để có máu đối phó với chúng mày. Đấy là tất cả lý do, rất đơn giản. Chúng mày cứ tiếp tục đánh đi!”.

Nghĩa trang Hàng Dương là nghĩa trang lớn nhất tại Côn Đảo – nơi yên nghỉ của hàng vạn chiến sỹ cách mạng và người yêu nước Việt Nam qua nhiều thế hệ bị tù đày trong nhà tù Côn Đảo.

Giữa những giam cầm hà khắc, tù nhân chính trị trong nhà tù Côn Đảo vẫn giữ vững ý chí quật cường, tiếp tục nhen nhóm các phong trào đấu tranh. Từ đầu năm 1932, “Chi bộ đặc biệt” ở khám Chỉ Tồn Banh I đã được thành lập; đến cuối năm 1933, thống nhất các đầu mối lãnh đạo thành 1 chi bộ là Chi bộ nhà tù Côn Đảo. Dưới sự lãnh đạo của các Bí thư Chi bộ là tù nhân chính trị qua các thời kỳ, hàng ngàn đảng viên, quần chúng cảm tình Đảng trong nhà tù vẫn giữ được niềm tin son sắt vào sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa.

Có mặt tại nhà tù Côn Đảo, thông qua các đầu mối liên lạc, Lê Hồng Phong đã truyền đạt lại tinh thần của các văn kiện về Đại hội lần thứ VII của Quốc tế Cộng sản (7/1935) cho các đồng chí trong Đảng ủy Chi bộ nhà tù Côn Đảo. Cùng với đó, đồng chí đã giới thiệu những thành tựu trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô để củng cố niềm tin cho tất cả anh em đồng chí. Nhiều bạn tù thấy gác-dăng đánh đập Lê Hồng Phong quá kinh khủng, muốn xông ra liều chết với chúng, nhưng đồng chí đã khuyên can anh em chớ mạo hiểm.

Khu mộ đồng chí Lê Hồng Phong nằm tại khu A Nghĩa trang Hàng Dương.

Từ bài học về phương pháp cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc truyền thụ ở Quảng Châu và kinh nghiệm hoạt động thực tiễn sâu sắc, Lê Hồng Phong nói: Chúng ta không được ám sát cá nhân. Nếu chúng ta giết một thằng gian ác này thì chúng sẽ đưa đến những thằng gian ác khác, và có khi lại gian ác hơn những thằng trước… Chúng ta bị bắt vào đây chưa phải là đến nỗi tuyệt vọng đường cùng. Đảng và phong trào quần chúng đang rất cần đến chúng ta. Không được hy sinh vô ích. Vào tù tuyệt đối không được tự vẫn, vì tự vẫn là đầu hàng!

Với niềm tin son sắt vào Đảng, Lê Hồng Phong đã làm một bài phú “Nghệ An đỏ” trong điều kiện không có giấy bút, sáng tác câu nào đọc câu đó. Bấy giờ, đồng chí Nguyễn Tấn Miêng – người Bạc Liêu, năm 1940 cũng bị đế quốc Pháp bắt và giam chung với đồng chí Lê Hồng Phong là người trực tiếp nghe những lời phú ấy. Đồng chí Miêng không biết chữ Hán, nhưng sau hơn 40 năm vẫn thuộc lòng tường tận. Tháng 8/1984, đồng chí Miêng trong chuyến ra thăm Hà Nội đã đọc lại cho cụ Thạch Can để chép lại theo nguyên văn bằng chữ Hán và dịch ra quốc văn theo đúng với nguyên thể, đăng trên Tạp chí Hán Nôm số 1 năm 1985.

Chân dung Tổng Bí thư Lê Hồng Phong.

Bài phú tràn đầy không khí hào hùng và niềm tin vào con đường cách mạng:

“Hồng Lĩnh non cao làm lá chắn,
Lam Giang nước biếc tựa hào sôi.
Mấy ngàn năm tuấn kiệt anh tài,
Dựa đất vững cõi Nam ngời chính khí.

Để phấn đấu cho một giang sơn mỹ lệ.
Cả Đông Dương phải nhất trí hiệp đồng.
Đại liên minh toàn quốc công nông,
Mới chấn chỉnh thắng cảnh Lam, Hồng muôn thuở”

Là một trong những “ngọn đuốc” tinh thần cho hàng ngàn tù nhân chính trị trong nhà tù Côn Đảo, Lê Hồng Phong đã chiến đấu đến giây phút cuối cùng. Chế độ cầm tù tàn bạo đã khiến người chiến sỹ cộng sản kiên trung ấy nhiều lần đứng giữa ranh giới tử sinh, và đến trưa 6/9/1942, đúng ngày sinh nhật của mình, Lê Hồng Phong đã từ giã cõi đời… Tròn 40 năm cuộc đời của mình, đồng chí Lê Hồng Phong đã dành trọn cho Đảng, cho cách mạng, với niềm tin sắt son vào con đường chính nghĩa.

Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong tại xã Hưng Thông (Hưng Nguyên).
5/5 - (2 bình chọn)